Cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn chồng chéo với chương trình đoàn tụ gia đình
Ngày 10.2, Hàn Quốc và Mỹ khẳng định hai nước sẽ bắt đầu các cuộc tập trận chung thường niên vào ngày 24.2, chồng chéo với chương trình đoàn tụ gia đình hai miền Triều Tiên dự kiến vào ngày 20 – 25.2. Triều Tiên đã dọa sẽ hủy chương trình này nếu Mỹ – Hàn không ngừng các cuộc tập trận chung.
Các binh sĩ Mỹ – Hàn trong một cuộc tập trận chung năm 2013 – Ảnh: Reuters
Cuộc tập trận chung thường niên Mỹ – Hàn mang tên Key Resolve và Foal Eagle bị Triều Tiên tố cáo là diễn tập chiến tranh, sẽ diễn ra theo kế hoạch từ ngày 24.2 – 18.4, AFP dẫn thông cáo của Bộ chỉ huy Các lực lượng phối hợp do Mỹ dẫn đầu.
Cuộc tập trận Key Resolve (tạm dịch: Giải pháp then chốt) tập trung vào khả năng chỉ huy, quản lý khủng hoảng và kiểm soát lực lượng đồng minh. Còn Foal Eagle (tạm dịch: Đại bàng con) là một cuộc tập ngoài địa hình nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng tác chiến của lực lượng Mỹ – Hàn.
Cũng theo thông cáo trên, Triều Tiên đã được thông báo cụ thể về ngày diễn ra các cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn khẳng định những cuộc tập trận này mang tính phòng vệ, không gây hấn.
Hồi tuần rồi, chỉ một ngày sau khi đạt được thỏa thuận với Hàn Quốc về việc tổ chức chương trình đoàn tụ gia đình, Triều Tiên ngày 6.2 lại đe dọa hủy bỏ thỏa thuận nếu Hàn Quốc không chấm dứt những cuộc tập trận chung với Mỹ.
Chương trình đoàn tụ gia đình gần nhất diễn ra vào năm 2010 và bị gián đoạn kể từ đó, sau khi Triều Tiên pháo kích vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc vào ngày 23.11.2010, khiến 2 binh sĩ Hàn Quốc và 2 thường dân thiệt mạng, gây thiệt hại nhiều nhà cửa, theo AFP.
Hôm 5.2, Triều Tiên và Hàn Quốc đồng thuận về việc tổ chức chương trình đoàn tụ gia đình, cho phép các gia đình ở hai miền, bị chia cắt từ thời chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), được sum họp. Chương trình đoàn tụ được thống nhất tổ chức từ ngày 20 – 25.2 tại resort núi Kumgang ở Triều Tiên.
Nhưng ngày diễn ra các cuộc tập chung Mỹ – Hàn chồng chéo với ngày tổ chức chương trình đoàn tụ gia đình.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye hồi tuần rồi đã kêu gọi Triều Tiên duy trì thỏa thuận tổ chức chương trình đoàn tụ gia đình vì quyền lợi của những thành viên gia đình bị ly tán sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1956).
Trước đó, một chương trình đoàn tụ gia đình được lên kế hoạch hồi tháng 9.2013 với 100 người tham gia mỗi bên đã bị hủy vào phút chót do Bình Nhưỡng phản đối, chỉ trích những cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn là diễn tập chiến tranh chống lại Triều Tiên.
Các nhà quan sát cho biết các gia đình ly tán có thể sẽ phải một lần nữa thất vọng, bởi vì căng thẳng Triều Tiên – Hàn Quốc vẫn chưa được giải quyết triệt để do những cuộc tập trận chung thường niên Mỹ – Hàn.
Theo AFP, hơn 60 năm kể từ khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc (1950-1953), nhiều gia đình hai miền Triều Tiên đã phải sống ly tán.
Chương trình đoàn tụ gia đình bắt đầu kể từ năm 2000 sau hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên – Hàn Quốc. Kể từ đó có khoảng 17.000 người dân hai miền Triều Tiên có cơ hội sum họp gia đình.
Video đang HOT
Theo AFP, hai miền Triều Tiên về mặt nguyên tắc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh vì chiến tranh Triều Tiên chỉ kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, chứ không phải hiệp định hòa bình.
Theo TNO
Mỹ sẽ chuyển quyền chỉ huy tác chiến thời chiến cho Hàn Quốc?
Ngoài các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn giữa Hàn-Mỹ như "Key Resolve", "Ulchi-Freedom Guardian", còn rất nhiều cuộc diễn tập Hàn-Mỹ riêng khác.
Hàn Quốc tiến hành diễn tập máy bay chiến đấu sau khi CHDCND Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân
Ngày 11/3, cuộc diễn tập quân sự liên hợp quy mô lớn thường niên "Key Resolve" giữa quân đội hai nước Hàn-Mỹ chính thức được bắt đầu, đồng thời một cuộc diễn tập khác mang tên "Foal Eagle" của Mỹ-Hàn vẫn đang tiến hành và sẽ kéo dài tới cuối tháng 4/2013.
Hàng năm, Quân đội Hàn Quốc phải tổ chức hoặc tham gia bao nhiêu cuộc diễn tập quân sự? Một chuyên gia quân sự Trung Quốc nghiên cứu kỹ Quân đội Hàn Quốc cho biết, Hàn Quốc cơ bản tháng nào cũng tiến hành diễn tập quân sự, số lượng nhiều đến nỗi làm cho chuyên gia này cũng không thể hoàn toàn tính hết, sơ bộ thì ít nhất có tới 100 cuộc diễn tập trở lên.
Ít nhất có 100 cuộc diễn tập mỗi năm
Chuyên gia quân sự nêu trên cho biết, nếu dựa vào quy mô để nói, cuộc diễn tập quân sự "Key Resolve" được tổ chức vào khoảng tháng 3 hàng năm và cuộc diễn tập "Ulchi-Freedom Guardian" diễn ra vào tháng 10 hàng năm là hai cuộc diễn tập quân sự lớn do quân đội hai nước Hàn-Mỹ tổ chức liên hợp, cũng là hai cuộc diễn tập gây ác cảm nhất đối với CHDCND Triều Tiên.
Nếu thống kê về quân chủng, mỗi năm hải quân hai nước Hàn-Mỹ đều tiến hành diễn tập liên hợp, chẳng hạn khoa mục săn ngầm, tàu sân bay động cơ hạt nhân Mỹ cũng định kỳ đến Hàn Quốc tham gia diễn tập trên biển. Hải quân Hàn Quốc chắc chắn cũng tham gia vào "Diễn tập vành đai Thái Bình Dương" do Mỹ tổ chức 2 năm 1 lần.
Pháo tự hành K-9 Quân đội Hàn Quốc tham gia cuộc diễn tập quân sự liên hợp "Key Resolve" Hàn-Mỹ
Không quân Hàn Quốc không chỉ cùng Không quân Mỹ tiến hành diễn tập liên hợp máy bay chiến đấu ở nước mình, mà còn đến lãnh thổ Mỹ tham gia diễn tập quân sự "Red Flag" gần với thực tế chiến đấu. Lục quân Hàn Quốc cũng tiến hành huấn luyện qua sông liên hợp, diễn tập chống khủng bố liên hợp với quân Mỹ.
Chuyên gia này cho rằng, số lượng các cuộc diễn tập trong 1 năm của Hàn Quốc tính sơ sơ cũng trên một trăm lần, bởi vì trong các cuộc diễn tập quy mô lớn như "Key Resolve" đã gồm có rất nhiều khoa mục diễn tập quy mô nhỏ, quy mô của các khoa mục này thậm chí có thể được coi là một loạt các cuộc diễn tập độc lập.
Các "Kế hoạch tác chiến khi CHDCND Triều Tiên có sự cố" như 5027, 5029, 5030 do quân Mỹ đưa ra chính là tiến hành diễn tập thực binh trong các cuộc diễn tập quy mô lớn, có khi thậm chí còn bao gồm tình huông "hành động trảm" đối với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên.
Theo chuyên gia này, "mỗi năm, lục, hải, không quân Hàn Quốc còn tham gia một cuộc diễn tập quy mô lớn. Nhìn vào các kênh công khai thì cuộc diễn tập mang tính chất &'huấn luyện mùa đông' này là do Quân đội Hàn Quốc tổ chức, người Mỹ tham gia không nhiều lắm". Quân đội Hàn Quốc còn thường xuyên tiến hành huấn luyện nhằm vào vũ khí gây đe dọa nhất của CHDCND Triều Tiên, chẳng hạn diễn tập chống pháo, diễn tập chống sinh hóa.
Binh sĩ quân Mỹ trong cuộc diễn tập quân sự liên hợp Foal Eagle giữa Hàn-Mỹ tháng 3/2012.
Ngoài những cuộc diễn tập thường lệ trên, sau sự kiện đấu pháo đảo Yeonpyeong, Hàn Quốc còn tạm thời tăng thêm các cuộc diễn tập có mục tiêu. Các hội nghị quốc tế và thi đấu thể thao lớn tổ chức tại Hàn Quốc cũng trở thành cơ hội để quân đội, cảnh sát Hàn Quốc hiệp đồng diễn tập.
Ngoài những cuộc diễn tập vũ khí thông thường này, lực lượng mạng Hàn Quốc còn có thỏa thuận và hoạt động diễn tập, huấn luyện chung với Bộ Tư lệnh tác chiến mạng của Mỹ, chỉ có điều nội dung những cuộc diễn tập này ít được phản ánh trên báo chí.
Mật độ diễn tập 3 tháng đầu năm nay đáng kinh ngạc
Theo bài viết, các cuộc diễn tập quân sự của Hàn Quốc quá nhiều, tháng nào cũng có. Có cuộc diễn tập trên biển, trên không, diễn tập cơ động, diễn tập cấp chỉ huy, diễn tập bắn đạn thật với các chủng loại...
Chỉ từ đầu năm đến nay, đã có không ít các cuộc diễn tập quân sự do Hàn Quốc tiến hành, chẳng hạn ngày 21/1 là ngày kỷ niệm tròn 45 năm "sự kiện tập kích Nhà Xanh 21/1" Hàn Quốc, trong ngày Bộ Tư lệnh phòng vệ Thủ đô của Lục quân Hàn Quốc đã tiến hành diễn tập quân sự ở trung tâm thành phố.
Tàu khu trục Aegis Hàn Quốc hộ tống tàu tàu chỉ huy Mỹ tuần tra ở biển Nhật Bản (2012)
Từ ngày 4-6/2, Hàn-Mỹ tổ chức diễn tập quân sự liên hợp ở vùng biển phía đông, trong đó có sự tham gia của 2 tàu khu trục Aegis và 1 tàu sân bay động cơ hạt nhân Mỹ.
Từ ngày 5-7/2, Lục quân Hàn Quốc tổ chức huấn luyện cơ động dã ngoại ở Yangpyeong và Yeoju thuộc tỉnh Gyeonggi. Từ ngày 7-21/2, đại đội lục soát của Lực lượng lính thủy đánh bộ Hàn Quốc đã cùng với binh sĩ của một trung đội thuộc quân đoàn cơ động lính thủy đánh bộ số 3 Mỹ tiến hành diễn tập quân sự liên hợp ở Hwangbyeongsan, Pyeongchang, tỉnh Gangwon - đây là cuộc diễn tập ở khu vực tuyết lạnh mùa đông lần đầu tiên giữa lính thủy hai nước Hàn-Mỹ.
Từ ngày 13-16/2, Hải quân Hàn Quốc đồng thời tiến hành huấn luyện cơ động trên biển quy mô lớn ở biển Nhật Bản và biển Hoàng Hải, mỗi hướng đều có vài chục tàu chiến tham gia.
Từ ngày 12-15/2, Bộ Tư lệnh Không quân Hàn Quốc và Bộ Tư lệnh không quân số 7 quân Mỹ tại Hàn Quốc tổ chức "diễn tập chuẩn bị tác chiến thời chiến ở bán đảo Triều Tiên", Quân đội Hàn Quốc đã điều máy bay chiến đấu KF-16, F-15K và máy bay chiến đấu F-16C của quân Mỹ tiến hành diễn tập bay hơn 90 lần.
Ngày 15/2, lực lượng đoàn pháo binh số 2 Lục quân Hàn Quốc đã tiến hành huấn luyện diễn tập bắn đạn thật, đồng thời điều động rất nhiều lựu pháo và pháo tự hành tham gia diễn tập.
Hải quân Hàn Quốc trong một cuộc diễn tập
Chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, trong quá trình tiến hành diễn tập quân sự liên hợp với quân Mỹ, Quân đội Hàn Quốc đã học được rất nhiều thứ, chẳng hạn tư tưởng chiến thuật của người Mỹ, kinh nghiệm chiến đấu thực tế được nâng lên rất lớn, dựa vào quân Mỹ trong diễn tập đã nâng cao khả năng bảo đảm tình báo, trinh sát, nhưng cũng làm yếu đi khả năng thu thập tin tức tình báo của bản thân.
Khả năng Quân đội Hàn Quốc tiếp nhận quyền chỉ huy thời chiến?
Theo truyền thông Hàn Quốc, do xét tới việc quân Mỹ sẽ chuyển quyền chỉ huy tác chiến thời chiến cho Hàn Quốc vào tháng 12/2015, vì vậy cuộc diễn tập lần này do Bộ tham mưu hiệp đồng Quân đội Hàn Quốc, chứ không phải Bộ Tư lệnh liên hợp Hàn-Mỹ chủ trì xây dựng kế hoạch tác chiến và thực hiện.
Trong thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Roh Moo-hyun, Hàn-Mỹ đã đạt được nhất trí quân Mỹ chuyển giao quyền chỉ huy tác chiến vào năm 2012. Nhưng, ngày 27/6/2010, khi tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đạt được nhất trí đẩy lùi bàn giao quyền chỉ huy, thời gian chuyển giao đẩy lùi tới ngày 1/12/2015.
Hiện nay, căn cứ Yongsan ở Seoul - căn cứ lớn nhất của quân Mỹ tại Hàn Quốc đang được di dời, năm 2015 sẽ di dời toàn bộ tới khu vực Pyeongtaek, miền nam tỉnh Gyeonggi.
Máy bay trực thăng Hàn Quốc trong một cuộc diễn tập
Theo kế hoạch ban đầu, Bộ Tư lệnh liên hợp Hàn-Mỹ được thành lập năm 1978 cũng sẽ giải tán. Bộ Tư lệnh này là cơ quan hạt nhân của thể chế đồng minh quân sự Hàn-Mỹ, Tư lệnh luôn do người Mỹ đảm nhiệm. Bởi vì đã có Bộ Tư lệnh liên hợp Hàn-Mỹ, khi Hàn Quốc bị CHDCND Triều Tiên tấn công, quân Mỹ sẽ tự động, nhanh chóng tăng viện.
Nếu Bộ Tư lệnh liên hợp giải tán, quân Mỹ muốn can thiệp chiến tranh bán đảo Triều Tiên, trình tự sẽ rất phức tạp. Tháng 6/2012, Tư lệnh quân Mỹ tại Hàn Quốc James Thurman từng đề nghị không chính thức với Quân đội Hàn Quốc: sau khi chuyển giao quyền chỉ huy tác chiến thời chiến vào tháng 12/2015, tiếp tục giữ lại Bộ Tư lệnh liên hợp Hàn-Mỹ, đồng thời do sĩ quan Hàn Quốc làm Tư lệnh.
Chuyên gia quân sự Hàn Quốc cho rằng, hiện nay phía Mỹ hoàn toàn không đưa ra phương án cụ thể cho vấn đề này, nhưng căn cứ vào thông lệ trước đây, Mỹ sẽ không chuyển quyền lực liên quan đến sự sống sót của mấy trăm nghìn quân Mỹ trong thời chiến cho Tư lệnh quân Hàn.
Tháng 2/2013, Hàn-Mỹ tiến hành diễn tập quân sự liên hợp quy mô lớn trên biển
Theo soha
Triều Tiên - Hàn Quốc đồng thuận tổ chức chương trình đoàn tụ gia đình Ngày 5.2, Triều Tiên và Hàn Quốc đồng thuận về việc tổ chức chương trình đoàn tụ gia đình, cho phép các gia đình ở hai miền, bị chia cắt từ thời chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), được sum họp. Người dân Hàn Quốc từ biệt người thân sống ở Triều Tiên trong nước mắt sau một cuộc hội ngộ diễn ra trong...