Cuộc sống trên thảo nguyên Tây Á qua ống kính phượt thủ Việt
Người Kyrgyz đã sinh sống trong khu vực Himalaya suốt hàng nghìn năm, cùng núi cao phủ đầy tuyết, hồ nước xanh biếc và cuộc sống du mục.
Cuộc sống thanh bình của người Kyrgyz ở bên dãy núi Thiên Sơn. Hiện nay người Kyrgyz là sắc tộc chiếm đại đa số với gần 70% dân số ở Kyrgyzstan, và trong lịch sử từng là những người chăn nuôi bán du mục. Họ sống trong những chiếc lều tròn và chăn thả gia súc. Hiện nay, văn hóa du mục vẫn còn tiếp diễn theo mùa khi các hộ gia đình di chuyển đến những nơi gần nguồn nước, những cánh đồng cỏ bao la vào mùa hè. Ở Kyrgyzstan, tên gọi Kyrgyz được sử dụng cho cả người và quốc gia. Từ này có nghĩa là “bốn mươi cô gái”, liên quan đến sử thi (Manas) dân gian về việc thống nhất bốn mươi bộ tộc chống lại người Mông Cổ trước đây.
Người Kyrgyz là dân tộc Turk, vốn là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài việc định cư chủ yếu ở đất nước Kyrgyzstan, hiện nay họ còn sinh sống rải rác các quốc gia khác trong khu vực như khu vực Tân Cương thuộc Trung Quốc, Tajikistan, Uzbekistan, Kazakhstan, Afghanistan, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraina. Dù sinh sống ở đâu, họ cũng duy trì lối sống du mục trên lưng ngựa từ ngàn đời của tổ tiên.
Bà cụ 68 tuổi người Kyrgyz mặc trang phục truyền thống, sửa lại chiếc khăn trùm đầu. Phụ nữ theo đạo Hồi thường không để cho người ngoài nhìn thấy tóc theo một số quy định nghiêm ngặt ở một số nước Trung Đông. Tuy nhiên, ở đây họ xem tôn giáo như một nét văn hóa hơn là nghi thức cần phải được tuân thủ.
Những người lớn tuổi cầu nguyện ở một lễ hội trong làng. Người Kyrgyz chủ yếu là tín đồ Hồi giáo dòng Sunni và đặc biệt là theo trường phái Hanafi. Hồi giáo lần đầu tiên được truyền bá bởi các thương nhân Ả Rập đi dọc theo con đường tơ lụa vào thế kỷ thứ 7 và 8. Ngày nay, Hồi giáo ngày càng bén rễ đối với người dân Kyrgystan kể cả khu vực phía Bắc, nơi trước kia thường theo chủ nghĩa vô thần.
Trẻ em Kyrgyz trên lưng ngựa. Theo một số nghiên cứu trước đây, tên gọi người Kyrgyz được bắt đầu thứ thế kỷ thứ 6 và họ có mối quan hệ khăng khít với người Khakas. Tuy nhiên, trong thời gian cai trị của Thành Cát Tư Hãn (1162-1227), tên người Kyrgyz được sử dụng rộng rãi và chính thức hơn. Một số tài liệu của Trung Quốc mô tả, dân tộc này vào thời đó có mái tóc hung đỏ, mắt màu xanh dương hoặc xanh lá cây. Tuy nhiên, một số đặc điểm này còn hiện diện rất ít ở người Kyrgyz hiện đại ngày nay.
Mỗi buổi sáng, trẻ em thường dậy sớm, dắt lừa đi lấy nước từ những con suối, con sông hay hồ nước cạnh làng. Chú bé này được mẹ dặn đi lấy 10 đôi nước, nhiều gấp đôi so với bình thường vì hôm nay nhà có họ hàng về thăm nhân dịp lễ hội được tổ chức tại làng. Đây là công việc hàng ngày, chú làm rất thuần thục.
Video đang HOT
Một số thanh niên trong gia đình tổ chức làm thịt cừu khi có lễ hội hoặc tụ họp các thành viên trong gia đình. Lông cừu được phơi khô và đem bán. Thịt cừu, xương cừu và tất cả bộ đồ lòng được họ ninh trong một cái chảo gang lớn, cùng một số gia vị và khoai tây. Món này thường được người Kyrgyz làm trong những ngày lễ truyền thống.
Người Kyrgyz không nghèo, dù họ không trữ nhiều hoặc tiêu dùng tiền giấy trong cuộc sống hàng ngày. Đàn gia súc của họ có thể lên đến hàng trăm con có giá trị kinh tế cao, và họ thường lấy cừu làm đơn vị tiền tệ trung gian trong trao đổi, mua bán. Một chiếc điện thoại di động bình thường sẽ có chi phí là 1 con cừu. Một con bò lông dài đáng giá 10 con cừu, còn một con ngựa tốt đáng giá 50 con cừu. Chi phí cho một cô dâu vào khoảng 100 con cừu. Những gia đình giàu có thường sở hữu thêm những con vật mang tính biểu tượng của người Kyrgyz như gà lôi, chim công, lạc đà… Họ nuôi lạc đà hai bướu, được gọi là Bactrian, có thể chịu được những nơi có thời tiết khắc nghiệt như những vùng núi cao hẻo lánh,
Yurt là nhà của người Kyrgyz. Những ngôi nhà du mục này thường có hình tròn, cửa thấp, được làm bằng gỗ phủ bạt bằng da gia súc, gắn lại với nhau bằng các đoạn dây thừng và có thể dễ dàng lắp hoặc tháo dỡ. Việc lắp các khung bằng gỗ do đàn ông đảm nhiệm, còn phụ nữ thêu các hoa văn trang trí nội thất và ngoại thất.
Giống như Ger của người Mông Cổ, Yurt như là cái nôi của người Kyrgyz sống ngàn đời trên thảo nguyên bao la, minh chứng cho nét đẹp truyền thống của người du mục rày đây mai đó. Vào mùa hè, các gia đình người Kyrgyz thường giết cừu, dê để tổ chức những bữa nấu ăn ngoài trời. Đây cũng là những tháng ngắn ngủi trong năm để họ có thể vui chơi, sinh hoạt khi mà mùa đông lạnh giá ở đây thường dài như vô tận.
Đây là cảnh trong lễ hội Manas, một lễ hội dân gian được tổ chức hằng năm bên hồ Song Kul. Ngậm chiếc roi da trong miệng, đàn ông chia làm hai đội và điều khiển ngựa trong một trò chơi truyền thống có tên gọi là Kok Boru, một môn thể thao tương tự như môn polo hay rudby trên lưng ngựa. Theo đó, hai đội sẽ giành xác một con dê không đầu ném vào cầu môn của đội đối phương. Trò chơi thể hiện sức mạnh của những người đàn ông Kyrgyz đã và đang chinh phục những vùng đất khắc nghiệt trên trái đất.
Đã ít nhiều chịu ảnh hưởng của thế giới hiện đại, người Kyrgyz đã biết sử dụng điện thoại di động, đi xe hơi, xem truyền hình vệ tinh, xây dựng nhà ở, chuồng trại chăn nuôi gia súc bằng bê tông nhưng cuộc sống du canh du cư vẫn được truyền từ đời này sang đời khác như một kinh nghiệm sống quý báu.
Theo Zing News
15 ngày chinh phục Everest Base Camp
Bạn sẽ rất mệt mỏi nhưng khung cảnh hùng vĩ trên đường đi và khi lên được tới Trạm căn cứ, bạn sẽ thấy những mệt nhọc đó hoàn toàn xứng đáng.
Nói tới Nepal, những người đam mê xê dịch thường hay nhắc tới việc chinh phục ngọn núi cao nhất và thách thức nhất thế giới - Everest. Nhưng để leo được Everest không đơn giản chút nào bởi bạn cần cả sức khỏe, thời gian và túi tiền rủng rỉnh. Sẽ phải mất ít nhất một năm luyện tập thể lực và khi đã sang tới Nepal cũng cần ít nhất 2-3 tháng làm quen với độ cao, leo lên các thác bang vĩnh cửu... Ngoài việc phải có một sức khỏe cực kỳ tốt, bạn phải có nguồn tài chính dào vì chuyến đi Everest cần mất ít nhất từ 70 đến 100.000 USD. Ngoài ra bạn cần vài tháng rảnh rỗi. Vì vậy, không nhiều người có thể leo lên đỉnh của Everest.
Những đoàn người đi bộ chinh phục đỉnh cao.
Tuy nhiên, Nepal rất nổi tiếng với nhiều cung đường trekking dành cho những người có sức khỏe, thời gian và tài chính vừa phải như cung đường Annapura Circuit, Gokyo Lake, upper và lower Mustrang... Trong đó cung Everest Base Camp là một sự lựa chọn hoàn hảo nếu bạn chưa đủ sức leo Everest nhưng vẫn muốn tới được Trạm căn cứ - Base Camp, điểm cắm trại ở độ cao khoảng 5.000 m, nơi những người leo Everest đều phải ghé qua, và tận hưởng phong cảnh hùng vĩ trong suốt chuyến đi. Đây cũng là chặng đường được nhiều người lựa chọn.
Hoàn thành cung Everest Base Camp sẽ mất khoảng 15 ngày. Từ thủ đô Kathmandu (Nepal) bạn sẽ đi máy bay tới Lukla - một trong những sân bay nguy hiểm nhất thế giới với đường băng dài vẻn vẹn 800 m và rất dốc. Vào tháng 1/2008, sân bay được đổi tên để vinh danh Sir Edmund Hillary và Sherpa Tenzing Norgay, những người đầu tiên leo lên đến đỉnh Everest và cũng để đánh dấu những nỗ lực của họ trong việc xây dựng sân bay.
Ama Dhalam nằm ở phía đông Nepal, cao khoảng 6.800 m.
Từ Lukla bạn sẽ đi bộ tới Phakding, Namche Bazzar, Dingboche, Luboje... qua những ngôi làng nhỏ dọc theo sông Dudk Kosi với những vườn cải vàng rực rỡ trong nắng, vườn rau cải, khoai tây xanh mướt. Những rừng thông xanh, những ruộng lúa mạch vàng, những dải lungta xanh đỏ tím vàng bay phấp phới trong gió và nắng khiến quãng đường trekking rất thú vị, có thể vừa đi vừa hát được.
Tháng 3 đến tháng 5 và tháng 10-11 là mùa leo núi ở Nepal nên bạn có thể thấy từng đoàn người nối nhau đi, mặc áo màu rất nổi bật để có thể dễ nhận thấy trên những triền đồi. Người đông, bên cạnh đó còn có các cửu vạn (porter), bò yaks chở hành lý với những tiếng leng keng vui tai.
Những ngọn núi tuyết vĩnh cửu đẹp ngẩn ngơ và ngạo nghễ đầy uy quyền như Ama Dablam, Thamserku, Taweche, Nuptse, Lhotse... sẽ theo bạn trong suốt hành trình. Nếu đi vào tháng 4 và 5 cung đường này sẽ rất nhiều hoa đỗ quyên đỏ, tím, trắng nở hai bên đường. Núi tuyết trắng, nền trời xanh, hoa đỗ quyên đỏ, lung ta xanh đỏ tím vàng bay phấp phới khiến bạn như lạc vào một cõi khác.
Trong suốt 15 ngày đi bộ, bạn sẽ đi từ độ cao 2.600 m tới hơn 5.000 m vì vậy bạn phải rèn luyện sức khỏe, chuẩn bị thuốc thang để cơ thể có thể thích nghi dần dần với độ cao này. Hội chứng độ cao (Acute Mountain Sickness - AMS) là tình trạng xảy ra phổ biến với cơ thể khi lên tới độ cao từ 2.500 m trở lên, tùy thuộc vào cơ thể của từng người sẽ có những phản ứng khác nhau. Nhẹ là mất ngủ, đau đầu, chóng mặt. Nặng thì nôn, phù não, không thở được....
Cờ Việt Nam tại một nhà nghỉ ở Namchee Bazzar.
Tuy có thể gặp bệnh về độ cao, cả 15 ngày đi bộ sẽ khiến bạn rất mệt mỏi nhưng khung cảnh hùng vĩ trên đường đi, khi lên được tới Trạm căn cứ rồi bạn sẽ thấy những mệt nhọc đó hoàn toàn xứng đáng. Bạn sẽ thấy mình vượt qua được chính bản thân mình và đó sẽ là những trải nghiệm rất khó quên.
Namchee Bazzar.
Đường đi từ Pangboche tới Dingboche.
Trên đường từ Namche Bazzar tới Debuche.
Những đoàn người nối nhau trên hành trình chinh phục đỉnh cao.
Những hòn đá cầu nguyện trên đường đi tới Everest Base Camp.
Ama Dhalam.
Cờ Việt Nam tại một nhà nghỉ ở Namchee Bazzar.
Theo ngôi sao
10 điểm du lịch nguy hiểm chết người vẫn hấp dẫn Đối mặt với 4.000 con rắn độc, lặn giữa hai mảng kiến tạo, leo lên "nóc nhà thế giới", đi xuyên rừng rậm Borneo... là những chuyến đi có thể khiến du khách mất mạng. Đảo Skellig Michael, Ireland: Nằm ở Ấn Độ Dương, cách bán đảo Iveragh của Ireland 11,6 km và là nơi ở của các thầy tu từ thế kỷ...