Cuộc sống như ở chốn thần tiên của gia đình quyết rời thành phố lớn về quê sinh sống
Gia đình trẻ bao gồm hai vợ chồng và các con quyết định rời cuộc sống đầy đua chen và khói bụi để trở về vùng núi xây căn nhà đầy đủ tiện nghi, an nhàn sống giữa tiên cảnh.
Hai vợ chồng Peng Chuang và Xiang Shan được sinh ra và lớn lên ở vùng thắng cảnh Trương Gia Giới. Khi còn trẻ, họ đã cùng nhau đến làm việc ở Thượng Hải. Sau 10 năm gắn bó với chốn thành thị, hai vợ chồng đã mua được nhà, xe hơi và có được chỗ đứng vững chắc.
Căn nhà được xây dựng với những khối hộp xếp chồng.
Xung quanh được ốp đá sa thạch đỏ.
Sau một thời gian, khi đứa con thứ hai của họ chào đời, họ cảm thấy khá mệt mỏi với sự chật hẹp của đô thị nên đã đưa ra một quyết định bất ngờ, bán tất cả tài sản cố định, gom góp tiền tiết kiệm để về quê xây ngôi nhà màu đỏ vô cùng đẹp đẽ.
Ngôi nhà xuất hiện giữa rừng núi tạo thêm điểm nhấn đặc biệt độc đáo cho cảnh quan. Ngôi nhà bao gồm 11 tầng với 7 hộp xếp chồng lên nhau. Công trình có tới 84 cửa sổ để mọi người khi đến đây có thể thoải mái tận hưởng khung cảnh như chốn thần tiên của Trương Gia Giới. Đặc biệt, kiến trúc sư không thiết kế đường ống dẫn nước mưa trong toàn bộ tòa nhà. Thông qua các phương pháp thu thập thông minh, nước mưa tụ lại từng lớp và đổ dồn vào ao phía dưới.
Khu vực trước nhà.
Không gian ngập tràn ánh sáng.
Sau khi ngôi nhà được xây dựng, gia đình 4 người đã chuyển hoàn toàn từ cuộc sống ở Thượng Hải về đây. Hai đứa trẻ đến trường gần nhất và hai vợ chồng cũng có nhiều thời gian hơn để chăm sóc bố mẹ. Xiang Shan chia sẻ: “Thỉnh thoảng tôi nhớ Thượng Hải nhưng có một ngôi nhà riêng trên núi, đây chính là chốn bình yên để tôi có thể bảo vệ những người thân yêu cũng như thoải mái sống theo cách mà mình muốn vì đã được tự do về tài chính”.
Vào mùa hè 2019, tại làng Shijiayu, cách lối vào Danh thắng Trương Gia Giới 15 phút, có một tòa nhà thấp bé và lạ kỳ ra đời. Ngôi nhà được xếp chồng như 7 chiếc hộp, mỗi chiếc quay 15 độ và cố thủ dọc theo sườn núi.
Toàn bộ công trình được xây dựng bằng đá sa thạch, ẩn hiện trong mây và sương mù của rừng thông, lộ ra một màu đỏ tao nhã. Công trình được che chắn bởi khu rừng đá nổi tiếng nhất Trương Gia Giới.
Ngôi nhà như những bông hoa.
Vẻ đẹp nổi bật giữa núi đồi mênh mông.
Vùng núi với những bóng mây rập rờn.
Ngôi nhà có những ô cửa hướng tầm nhìn ra đồi núi xanh tươi.
Cặp vợ chồng trẻ xây dựng căn nhà vừa có chức năng sinh sống vừa là homestay dành cho khách yêu thích phong cảnh nơi đây. Phương pháp “xếp hộp” khiến tòa nhà có vẻ thấp và khiêm tốn như thể đang bò trên sườn đồi, phù hợp với ý tưởng của cả hai. Họ muốn trở về tuổi thơ và hòa nhập với cuộc sống tràn ngập sự trong lành và bình yên nơi đây.
Trương Gia Giới là một trong những thắng cảnh nổi tiếng thế giới. Cặp vợ chồng trẻ này vô cùng thích thú khi trở về quê, nơi đã gắn bó từ khi sinh ra. Trước đây, họ dành thời gian đi bộ hơn một giờ để đến trường, băng qua rừng và những danh lam thắng cảnh nổi tiếng hiện nay.
Video đang HOT
Cuộc sống như trong mơ của các thành viên trong gia đình.
Lần đầu tiên chúng tôi thực sự gặp nhau là vào năm 2008 khi chúng tôi từ thành phố nơi chúng tôi làm việc về nhà và gặp nhau trên một chiếc xe buýt ở trung tâm thành phố Trương Gia Giới. Chúng tôi đã trò chuyện trên đường đi, chỉ để nhận ra rằng chúng tôi đang ở gần nhau. Họ đã từng mơ ước được sống ở chốn phồn hoa, đô hội. Khi đã trải qua cuộc sống ở thành phố, họ lại muốn được trở về với những xưa cũ.
Quyết định trở về nhà được bắt đầu từ năm 2017, khi họ nghỉ lễ và ở trong một homestay. Họ đã quyết định nhờ kiến trúc sư thiết kế ngôi nhà cho gia đình ở quê. May mắn là quyết định của họ cũng nhận được sự đồng tình của người lớn tuổi và họ hàng.
Xung quanh mảnh đất có một rừng thông, phía sau lưng là núi đá, quanh năm mây mù bao phủ. Sau khi hoàn thành ngôi nhà, họ cảm thấy thích thú vì được trải nghiệm cuộc sống bên những đám mây.
Lối đi đẹp nhẹ nhàng.
Không gian ăn uống.
Góc phòng ngủ.
Vật liệu của mặt tiền được tìm kiếm ở địa phương, vừa duy trì cá tính riêng vừa không vi phạm đến thiên nhiên. Họ cùng kiến trúc sư dành hơn một tháng để tìm kiếm vật liệu phù hợp. Toàn bộ ngoại thất ngôi nhà được ốp đá sa thạch đỏ, đây là loại đá được người địa phương sử dụng để xây dựng nhiều ngôi nhà cổ trong khu vực.
Ông nội và bố của họ đều là thợ đá. Vì sự gắn bó với vật liệu này từ khi còn nhỏ nên họ nhanh chóng lựa chọn để xây nhà. Đá sa thạch đỏ có màu xám mộc mạc vào mùa khô và có màu đỏ đậm khi bị mưa làm ướt. Sự đổi màu này càng làm tăng thêm vẻ đẹp quyến rũ cho ngôi nhà. Đặc biệt, bên trong nhà ở một số phòng ngủ và phòng ăn cũng được ốp đá sa thạch.
Từng góc nhỏ đều thân thuộc nhờ sử dụng chất liệu địa phương.
Vì cần xây nhiều phòng để kinh doanh và nếu xây theo lối thông thường, căn nhà sẽ rất cao và phá vỡ vẻ đẹp thiên nhiên xung quanh. Vì thế kiến trúc sư đã thiết kế ngôi nhà giống như những chiếc hộp xếp chồng lên nhau. Cổng được sử dụng loại cửa xoay rộng 3 mét tạo hiệu ứng thị giác đặc biệt. Thiết kế dòng chảy bên trong không theo quy luật, đủ để tạo sự bất ngờ trong việc khám phá kiến trúc dành cho những vị khách ghé thăm.
Hai cầu thang xoắn ốc có hình dáng đặc biệt nhất trong ngôi nhà. Đây là điểm nhấn bên trong khiến các bạn nhỏ vô cùng thích thú. Chúng thường chơi trốn tìm ở đây. Người lớn cũng thông qua cầu thang này để ngắm nhìn kiến trúc bên trong và phong cảnh bên ngoài.
Các phòng bên trong nhà đều có nhiều cửa sổ kính trong suốt từ trần đến sàn giúp mọi người có thể ngắm nhìn thiên nhiên bên ngoài. Đồ nội thất, đồ trang trí cũng được làm bằng đá và gỗ thô giúp những vị khách từ thành phố có thể giải tỏa áp lực, hòa nhập với thiên nhiên.
Góc trò chuyện hàng ngày.
Góc thư giãn.
Không gian nghỉ ngơi đẹp bình yên.
Ngôi nhà được chú trọng thiết kế cảnh quan xung quanh. Cuộc sống của gia đình cũng như hòa nhập tuyệt đối với thiên nhiên. Những đứa trẻ không bị bó hẹp với đồ chơi và những bức tường. Chúng học được cách sống xanh, sống sạch, quan tâm đến thiên nhiên cũng như người thân. Vì thế, quyết định bỏ phố về quê của cặp vợ chồng này chính là niềm mơ ước của nhiều người về một cuộc sống hạnh phúc đủ đầy.
Cuộc sống 'đi bụi' của cô gái Việt lấy chồng Canada
6 năm trước, Emi P. Hoang bắt đầu theo đuổi lối sống du mục kỹ thuật số (digital nomad). Cô từng dừng chân tại nhiều quốc gia, hiện ở Canada và chưa thể đi tiếp vì dịch bệnh.
Đặt chân tới hơn 60 quốc gia, sống ở 5 nước trong 6 năm qua và hiện ở Canada quê hương chồng. Đó là đôi lời tự mô tả về cuộc sống của Emi P. Hoang (sinh năm 1983, TP.HCM). Cuối năm 2015, Emi bắt đầu theo đuổi lối sống du mục kỹ thuật số (digital nomad). Đặt mục tiêu sống và trải nghiệm vòng quanh thế giới, cô không dừng lại ở đất nước nào quá lâu.
Với các quốc gia rộng lớn, có cảnh quan thiên nhiên đẹp, Emi sinh sống, mua nhà, tậu xe và dành vài năm để khám phá hết. Cũng có nơi cô chỉ lưu lại ít tháng rồi lại lên đường.
Emi cùng chồng người Canada có chung niềm đam mê xê dịch.
Xách balo lên và đi
Emi sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên. Năm 2001, cô theo gia đình chuyển vào TP.HCM sinh sống. Sau khi tốt nghiệp ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM và ĐH Bách khoa TP.HCM, Emi được giữ lại trường giảng dạy, làm nghiên cứu.
Cuối năm 2008, Emi sang Singapore giảng dạy, sau đó lấy học bổng tới Mỹ học tiến sĩ. Từ năm 2009 đến 2015, cô vừa hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ, vừa giảng dạy trong trường đại học ở xứ cờ hoa.
"Khi còn ở Singapore, tôi đắm chìm vào khoa học, lúc nào cũng trong phòng thí nghiệm làm nghiên cứu. Sau đó, gặp biến cố về tình cảm, tôi chuyển sang học tập, đi dạy thay vì nghiên cứu nhiều như trước. Nhờ những lần được cử đi dự hội nghị ở nhiều quốc gia trên thế giới, tôi nhận ra mình nên đi du lịch thường xuyên hơn", Emi nhớ lại.
Sớm nhận ra tiềm năng của mạng xã hội, Emi chăm chút trang cá nhân của mình từ năm 2012. Khoảng cuối năm 2015, khi kiếm được thu nhập ổn định từ đó, cô bắt đầu "đi bụi".
Trước đó, từ năm 2013, Emi tập tành du lịch một mình, kết hợp với dự hội nghị ở nhiều quốc gia để phục vụ công việc. Cô bắt đầu đi khắp Việt Nam, rồi vòng quanh châu Á. Cứ tới mùa hè được nghỉ dạy, Emi lại tranh thủ xách balo lên và đi. Thậm chí, với nhiều nơi yêu thích, cô sẽ trở lại vài lần.
Vợ chồng Emi check-in ở hồ bong bóng Abraham thuộc thị trấn Nordegg, tỉnh Alberta, Canada trong chuyến đi săn Aurora (cực quang) hồi tháng 1.
Trên hành trình khám phá, Emi gặp nhiều phụ nữ nước ngoài theo đuổi lối sống "nay đây mai đó". Cô thừa nhận ở thời điểm này, ít người Việt làm điều tương tự.
Sau đó, Emi quyết định nghỉ dạy học để tập trung xây dựng nền tảng cho việc đi và sống ở khắp nơi thế giới.
Trong chuyến lang thang châu Á cuối năm 2015, Emi gặp chồng hiện tại, quốc tịch Canada. Khi ấy, chồng cô thường làm việc ở các quốc gia phát triển trong thời gian ngắn. Sau khi gom được số tiền nhất định, anh sẽ tới những đất nước chưa phát triển ở châu Á để đi du lịch và sống 1-2 năm.
"Chồng không rành về công nghệ, thích nơi nào thì sống luôn ở đó. Nhờ có chung niềm đam mê xê dịch, chúng tôi ở bên nhau đến giờ", Emi kể.
Cuộc sống
Vợ chồng Emi từng sống ở Australia trong vòng 2 năm. Đây cũng là quốc gia cô gái Việt yêu thích nhất vì phong cảnh đẹp, thời tiết dễ chịu, khí hậu đa dạng nhưng không quá khắc nghiệt.
"Ở khu Queensland, khí hậu nhiệt đới giống tại Việt Nam, cây cối um tùm. Tôi rất yêu màu xanh của đất nước này. Đi qua thành phố nào, căn nhà nào cũng thấy nhiều cây cổ thụ vây quanh, trông rất đẹp. Ngoài ra còn có cả sa mạc nữa".
Để thỏa đam mê khám phá những nơi mọi người ít đặt chân tới, hai người mua chiếc 4WD (xe 2 cầu hay xe truyền động 4 bánh) có lều phía trên (rooftop tent) và rong ruổi khắp nơi.
Do thời đó thu nhập chưa ổn định, làm ra bao nhiêu xài bấy nhiêu, có khi phải tiêu tiền tiết kiệm, cũng như điều kiện cho người nước ngoài không tiện, vợ chồng Emi không mua nhà ở xứ sở chuột túi.
Vợ chồng Emi từng sống ở Australia, New Zealand, Việt Nam, Thái Lan (ảnh từ trái sang phải, trên xuống dưới).
Sau khi đi hết Australia, vợ chồng Emi chuyển tới New Zealand. Trong 1 năm sống ở đây, họ mua xe hơi cũ và cùng nhau đi thăm thú khắp đất nước. Điều Emi ấn tượng nhất ở New Zealand là cảnh sắc rất hùng vĩ.
Điểm dừng chân tiếp theo của vợ chồng Emi là châu Á. Hai người khám phá một số vùng đất mà ông xã Emi chưa đi. Trong thời gian này, họ lưu lại lâu nhất ở Việt Nam 8 tháng và Thái Lan gần 1 năm.
Tiêu chí lựa chọn điểm đến của vợ chồng Emi là đề cao sự an toàn, tránh các quốc gia nguy hiểm, có chiến tranh. Họ cũng luôn có nguồn tích lũy từ trước để không trở thành gánh nặng cho gia đình khi gặp biến cố hay bệnh tật.
Đặt mục tiêu đi vòng quanh thế giới, vợ chồng Emi chỉ ở lại quốc gia có diện tích nhỏ khoảng 1-2 tháng để tiết kiệm thời gian. Với đất nước rộng lớn, hai người có thể dành cả năm trời để khám phá cảnh quan thiên nhiên, tìm hiểu cách dân bản địa sinh sống, lo giấy tờ mua xe cộ, bảo hiểm, thuế, xin visa, nhập cư, định cư.
Vợ chồng Emi thường không lưu lại thành phố, mà chỉ tới đây mua sắm vật dụng cần thiết cho chuyến đi lâu ngày như xe cộ, đồ nấu ăn, pin mặt trời. Ưu tiên của họ là khám phá thiên nhiên hoang dã, những nơi mọi người ít chạy xe tới.
Đặc biệt, cả hai luôn tự nấu nướng để đảm bảo dinh dưỡng, lâu lâu mới đi ăn nhà hàng.
"Nhiều hôm, vợ chồng tôi vừa đắm chìm vào ánh hoàng hôn vừa làm BBQ. Hay có sớm, vừa thư thả nhâm nhi ly cà phê vừa ngắm bình minh. Chúng tôi rất tôn trọng tự nhiên, tuyệt đối không xả rác, phá hoại. Đi đến đâu, chúng tôi chỉ lưu lại dấu chân chứ không bao giờ để lại rác", Emi kể.
Emi cùng chồng yêu thích các hoạt động ngoài trời như leo núi, trekking, lặn biển.
Càng đi, vợ chồng Emi càng có công việc, nguồn thu nhập ổn định hơn. Trong khi Emi làm việc online khá linh hoạt, chồng cô cần thời gian đầu để tìm việc ở quốc gia mới.
"Ở Canada, chồng tôi được đào tạo chuyên ngành cứu hỏa. Anh ấy học nghề tay trái là làm mộc, thu nhập rất khá. Chúng tôi thường dừng lại vài tháng ở thành phố lớn để anh ấy đi làm kiếm tiền, rồi mới lên đường khám phá".
Điều khó khăn nhất với Emi khi dịch chuyển giữa 2 quốc gia là thanh lý đồ. "Ở đất nước nhỏ, chúng tôi không mua nhiều đồ và thuê xe đi chơi. Tại quốc gia lớn hơn, cần mua sắm nhiều đồ, việc bán lại khá mất thời gian. Một số đồ nếu còn dùng được, tôi sẽ gửi dịch vụ chuyển sang chỗ mới", cô lý giải.
Emi nói thêm: "Tôi thường nói vui là mấy năm qua 'đi bụi', vợ chồng tiêu xài hết mấy chục căn nhà ở Việt Nam. Mỗi tháng, trung bình chi hết hơn 10.000 USD".
Mắc kẹt vì Covid-19
Tháng 7/2019, Emi theo chồng về Canada và thuê nhà ở trong vòng 1 năm. Vì đất nước này cảnh quan đẹp, lại là quê hương chồng, hai người dự định sống tại đây vài năm, mua nhà để sau này chán rong ruổi có nơi để trở về nghỉ dưỡng, ở gần gia đình.
"Vợ chồng tôi lên kế hoạch ổn định nhà cửa, công việc rồi sẽ đi khám phá hết từ Alaska đến Argentina, Nam Mỹ trong vài năm. Thế nhưng, chúng tôi chỉ kịp lái xe xuống Mỹ thăm thú một vòng thì dịch Covid-19 ập đến".
Khi bị chôn chân vì dịch, vợ chồng Emi quyết định lo toan chuyện nhà cửa. Căn nhà đầu tiên hai người mua có 7 phòng ngủ, tọa lạc ở thị trấn đông đúc. Họ đang cho thuê nơi này vì không thích cuộc sống ồn ào.
Còn hiện tại, vợ chồng Emi sống trong căn hộ 3 phòng ngủ ở khu Rockies (núi đá) đẹp và hùng vĩ nhất của Canada. Nơi này được bao phủ bởi rừng thông bạt ngàn và nằm gần nhiều rừng quốc gia, sân nhà đôi khi cũng có gấu hoặc hươu, nai ghé thăm.
Chỉ có 8 ngôi nhà quanh khu vực Emi ở, hàng xóm gần nhất cách khoảng 700 m. Cả khu dân cư dùng chung nguồn nước suối có hệ thống lọc, giữa mỗi nhà đều có rừng cây.
Ngôi nhà trong rừng ở Canada của vợ chồng Emi vào mùa đông và hè.
Vốn thích gần gũi thiên nhiên, không tiếp xúc nhiều với mọi người, vợ chồng Emi không hề thấy cuộc sống cô đơn, tẻ nhạt.
"Mùa đông, quanh nhà tôi chẳng có gì ngoài view núi tuyết, cảnh đẹp như xứ sở thần tiên. Sáng nào tôi cũng ra ngồi sofa ngắm cảnh, vừa tranh thủ làm việc online. Cứ có thời gian, vợ chồng lại rủ nhau đi bộ, leo núi, trượt tuyết. Nếu không ra ngoài được, chúng tôi ở trong nhà lại, nhâm nhi rượu vang, dọn dẹp đồ đạc. Ngày nào cũng thấy sao thời gian trôi nhanh quá".
Emi hiện giảng dạy mảng Công nghệ Nano cho trường đại học ở thành phố Calgary. Trong bối cảnh đại dịch, trường cô chuyển sang dạy online.
Cũng vì sợ lây nhiễm, vợ chồng Emi chủ yếu ở nhà, tránh tiếp xúc với người ngoài. Thỉnh thoảng, hai người lái xe 7 km vào thị trấn nhỏ để mua đồ ăn về trữ trong tủ lạnh. Với đồ đạc khác, họ thường mua online ship về tận nhà.
Emi cho biết cuộc sống ở căn hộ hiện tại rất yên bình, song vợ chồng cô chỉ ở tạm trong thời gian xây dựng "ngôi nhà trong mơ" tại nơi khác.
"Chúng tôi mới bắt đầu làm ngôi nhà nhỏ, có nhiều kính, cũng ở trong rừng và khá xa khu dân cư tập trung. Khi hoàn thiện, chúng tôi sẽ sống lâu dài ở đó, còn nơi này cho thuê".
Ngay từ đầu, vợ chồng Emi thống nhất chuyện không sinh con vì di chuyển nhiều và liên tục nên khó khăn để lo cho con cái học hành. Gia đình đôi bên ủng hộ hai người theo đuổi cuộc sống này, dù bố mẹ Emi đôi lúc bày tỏ mong muốn con gái về Việt Nam sinh sống.
"Sau khi hết dịch, kế hoạch của vợ chồng tôi là tới châu Phi, châu Mỹ, châu Âu rồi mới về châu Á sinh sống. Cả hai muốn mua 1 ốc đảo nhỏ, có thể ở Philippines, Thái Lan, Campuchia, để thiết lập cuộc sống yên bình giống như khu an dưỡng tuổi già".
Cảnh sắc quanh nhà Emi trong mùa đông ở Canada, khi nhiệt độ thường xuyên xuống dưới 0 độ C.
Hiện tại, Emi mô tả cuộc sống của cô rất hạnh phúc và trọn vẹn. Chồng hợp mọi thứ từ tính cách đến sở thích, yêu thương, chiều chuộng vợ. Nhà chồng cô cũng rất thoải mái, mẹ chồng thương con dâu.
"Với tôi, cuộc sống bây giờ đúng nghĩa là sống chứ không phải tồn tại. Bản thân chủ động, tự quyết định mọi thứ. Tôi được đi khắp nơi khám phá, học được nhiều kiến thức và có thể giúp đỡ mọi người. Dù mai có xảy ra chuyện gì, tôi nghĩ mình không có gì phải hối tiếc", Emi nói.
Tết Hoa của dân tộc Cống ở Lả Chà Trong hai ngày 23 - 24/11, đồng bào dân tộc Cống tại bản Lả Chà, xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ) tổ chức đón Tết Hoa. Tết Hoa mào gà hay còn gọi là Tết Hoa, theo tiếng của đồng bào dân tộc Cống là Mền Loóng Phạt Ái là trong 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh...