Cuộc sống người nước ngoài ở TP.HCM trong giãn cách xã hội
Nhịp sống thay đổi, không được vi vu ngoài đường hay la cà quán xá, những cư dân ngoại quốc ở TP.HCM tự tạo những thú vui tại gia để tận hưởng.
Giãn cách xã hội ở TP.HCM kéo dài từ ngày 31/5 đã thay đổi nhịp sống của người dân, trong đó có cộng đồng người nước ngoài.
Dù công việc bị ảnh hưởng hay phải xa cách người thân, nhiều người vẫn chọn ở lại thành phố và tự tạo cho mình những cách tận hưởng cuộc sống trong mùa dịch. Đa số ưu tiên việc rèn luyện sức khỏe, trau dồi kiến thức và tranh thủ thư giãn.
Arief Gunawan (quốc tịch Indonesia)
Tôi nhớ những ngày ngồi nhâm nhi một ly cà phê sữa đá nhìn ngắm đường phố. Tôi thật sự buồn khi thấy cảnh các quán quen đóng cửa im ắng gần một tháng nay.
Với kinh nghiệm từ lần giãn cách trước, tôi không gặp khó khăn nhiều trong sinh hoạt, ngoài việc nhớ gia đình. Từ đợt giãn cách đầu tiên hồi tháng 4/2020, tôi đã để vợ con trở về quê nhà Bali (Indonesia).
Tôi đã sống ở TP.HCM 3 năm, hiện điều hành một khách sạn ở Thảo Điền, TP Thủ Đức. Điều tôi yên tâm trong thời điểm này là cơ sở kinh doanh lưu trú của mình vẫn được hoạt động, dù doanh thu giảm đáng kể.
Ông Arief Gunawan tìm được thú vui chèo SUP ở sông Sài Gòn, thay thế những chuyến đi phải hoãn do thành phố giãn cách xã hội.
Là người ưa dịch chuyển, tôi thường lái xe khám phá nhiều vùng miền ở Việt Nam. Hiện nhiều địa phương cách ly người đến từ TP.HCM, tôi đành “chôn chân” tại nhà. Tôi cũng hay chèo SUP dọc sông Sài Gòn cùng bạn bè trước khi có quy định cấm tập trung đông người.
Vì vậy, tôi dành hầu như cả ngày tại khách sạn của mình, ngay sát sông Sài Gòn. Giãn cách lần này rơi đúng vào khoảng thời gian có hoàng hôn mùa hè đẹp, tôi thấy không còn gì bằng buổi chiều đi dạo ngắm mặt trời lặn, rồi dùng bữa tối dưới ánh đèn lung linh giữa không gian sông nước mát mẻ.
Bên cạnh đó, tôi cùng các nhân viên trong khách sạn đã nhiều lần ủng hộ khẩu trang, thực phẩm và phần ăn đến một số khu vực bị phong tỏa trong thành phố.
Niềm vui với bóng đá
Lazlo Ratcliffe (32 tuổi, quốc tịch Anh)
Video đang HOT
Tôi sống ở TP.HCM gần 8 năm với công việc giáo viên Anh ngữ đồng thời là quản lý trong một khách sạn. Hiện dạy học trực tuyến là nguồn thu nhập chính của tôi.
Thú thật thời gian này tôi rất muốn ra ngoài uống cà phê, ngồi nhà hàng dùng bữa ăn ngon, hay thưởng thức ly cocktail ở quán bar buổi tối như thói quen trước đây…
Thật may mắn với một người hâm mộ bóng đá như tôi là có giải Euro trong đợt giãn cách này. Đêm xem bóng đá, ban ngày tôi dành hai giờ tập thể dục tại căn nhà ở quận Bình Thạnh.
Anh Lazlo xem mọi trận bóng Euro, coi đây là niềm vui thời giãn cách.
Kể từ khi đại dịch xuất hiện, mẹ của tôi từ Hà Lan không thể đến Việt Nam, điều này khiến tôi rất buồn. Mặt khác, do có nhiều thời gian ở nhà, tôi bắt đầu liên lạc trực tuyến với những người trong gia đình mà tôi chưa từng nói chuyện trong một thời gian dài.
Học thêm tiếng Việt
Alexis Odiowei (34 tuổi, quốc tịch Anh)
Thời gian giãn cách của tôi hả? À, tôi tranh thủ để học thêm tiếng Việt. Tôi chỉ mới học tiếng Việt gần 2 năm, dù đã sống ở Việt Nam 5 năm với công việc chính là đạo diễn sản xuất video thương mại.
Alexis Odiowei tranh thủ đọc nhiều sách hơn và học thêm tiếng Việt để phục vụ công việc của mình.
Trước giãn cách, tôi học cùng cô giáo người Việt thì dễ dàng hơn. Nay phải tự học trên website tôi thấy hơi khó tiếp thu, nhưng tôi sẽ cố gắng vì có ý định ở Việt Nam lâu dài.
Mỗi ngày, tôi vẫn ra đường đi mua đồ nấu ăn và đồ dùng sinh hoạt. Dù giãn cách xã hội nhưng nơi tôi lưu trú ở quận 1 khá nhộn nhịp, dòng xe cộ trên đường ít hơn một chút đặc biệt là lượng người đi đạp xe thể dục nhiều hơn.
Tôi thà ở nhà tự tập Muay Thái, yoga thay vì ra đường tiếp xúc nhiều người.
Làm vườn giải tỏa căng thẳng
Mathieu Dufourg (42 tuổi, quốc tịch Pháp)
Dù trải qua hai lần giãn cách nhưng tôi vẫn thấy lạ khi chứng kiến khu phố mình sống ở quận Bình Thạnh vắng tanh.
Trước đây, hầu như mỗi ngôi nhà đều là nhà hàng, quán ăn uống nào đó và họ hoạt động cả ngày đêm. Khi giãn cách, tiếng ồn không còn, mọi người không ngồi trò chuyện ngoài đường, trẻ em không chạy khắp nơi, khiến tôi như sống trong thế giới khác. Tôi không nghĩ mình đang sống ở thành phố 12 triệu dân.
Mathieu Dufourg mang không gian xanh vào trong và ngoài căn phòng, để thư giãn và khơi gợi cảm hứng lên kế hoạch cho công việc sau khi hết giãn cách.
Tôi định cư tại TP.HCM từ năm 2019. Ở Pháp, tôi làm diễn viên 20 năm, nhưng khi sang Việt Nam, tôi lại sinh sống bằng nhiều công việc là giáo viên, thiết kế đồ họa, pha chế quán bar, tổ chức sự kiện và triển lãm.
Nay các công việc đều bị ảnh hưởng vì Covid-19, thu nhập giảm đáng kể, tôi phải sống tiết kiệm hơn và chọn cách làm vườn để giải tỏa căng thẳng.
Dù sao tôi vẫn cảm thấy an toàn trong thời gian qua khi sống ở Việt Nam, so với diễn biến dịch bệnh tôi được nghe từ bạn bè và gia đình ở châu Âu kể lại.
Giải trí với chiếc điện thoại
Vasyl Vandych (33 tuổi, quốc tịch Ukraine)
Ngày nào TP.HCM còn giãn cách xã hội thì tôi phải xa con gái chừng đó thời gian. Nó đang ở Nha Trang, hai cha con không thể gặp nhau.
Hiện tôi sống ở quận 7, nơi tập trung nhiều cư dân nước ngoài cư trú. Với công việc kỹ sư phần mềm phát triển trang web, chuyển sang làm việc trực tuyến không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của tôi, dù hơi khó tiếp cận thêm đối tác.
Vasyl Vandych muốn làm những video ngắn mang thông điệp tích cực để thay đổi suy nghĩ của người Việt về cộng đồng người nước ngoài.
Từ ngày giãn cách tôi cầm điện thoại nhiều hơn. Tôi nảy ra ý định quay những đoạn video ngắn vừa ghi lại khoảnh khắc đời thường gửi cho người thân, vừa xây dựng kênh tiktok của mình với những nội dung hài hước, vui tươi.
Bên cạnh việc chấp nhận thay đổi nhịp sống, tôi còn phải làm quen với ánh mắt nghi ngại của nhiều người Việt. Họ vẫn cứ nghĩ do người nước ngoài là nguồn lây virus, trong người chúng tôi chắc chắn nhiễm Covid-19 và họ tránh né chúng tôi. Tôi luôn muốn làm gì đó để thay đổi suy nghĩ của những người này.
Trong 6 năm sống ở Việt Nam, tôi không bị đau ốm trừ vài lần cảm nhẹ. Môi trường ở TP.HCM an toàn, thoải mái. Mọi người cần chăm sóc sức khỏe từ việc vận động cơ thể đến chế độ dinh dưỡng để tăng đề kháng, bảo vệ bản thân trước Covid-19, kể cả khi chưa được tiêm vaccine.
Cuộc sống một mình nơi hoang đảo
Tham gia thử thách giãn cách xã hội ở Hamneskr, nữ du khách hào hứng nhưng đôi khi sợ hãi vì xung quanh chỉ có biển, trời, tuyết trắng.
Y tá Lisa Enroth là người được mời đến sống ở đảo hoang Hamneskr giữa 12.000 ứng viên đăng ký đến đây hồi tháng 1/2021. Đây là chương trình thử thách của liên hoan phim Gteborg, nhằm hưởng ứng phong trào giãn cách xã hội. Người tham gia có 7 ngày sống trên đảo không bóng người và xem hết 60 bộ phim. Dưới đây là chia sẻ của người phụ nữ 41 tuổi Enroth về thử thách.
Giám đốc nghệ thuật của Liên hoan phim Gteborg, Jonas Holmberg cho biết, trên thực tế, vì lý do an toàn, vẫn có một người khác ở trên đảo để hỗ trợ nữ du khách. Tuy nhiên, người này luôn giữ khoảng cách an toàn với cô.
Ngày 30/1, Enroth lên một chiếc thuyền nhỏ bắt đầu hành trình đến đảo, tim cô đập thình thịch. Lần đầu khi nhìn thấy hải đăng Pater Noster từ phía xa, cô có những cảm xúc khó quên. Cô cảm thấy tuyệt vời khi trước mắt là biển, trời và tuyết trải dài.
Tạm biệt người lái thuyền, Enroth tới ngôi nhà nằm trong ngọn hải đăng và bắt đầu ngồi xuống chiếc ghế dài. Lúc đầu, cô nghe thấy tiếng động cơ khi tàu rời bến. Sau đó, mọi thứ chìm dần vào tĩnh lặng, giống như ai đó đã tắt mọi âm thanh. Cô từ từ lắng nghe tiếng gió rít, chim sà vào cửa sổ ngọn hải đăng và sóng vỗ vào đá. Enroth mặc bộ quần áo ấm nhất của mình, và quyết định thăm thú xung quanh. Cô đi vòng quanh đảo, leo lên 130 bậc thang để lên đỉnh Pater Noster. Cô hít thở sâu và đã sẵn sàng tận hưởng một tuần chỉ có một mình ở đây.
Enroth sống một mình ở quê nhà. Nhưng công việc y tá bận rộn đồng nghĩa với việc cô dành phần lớn thời gian tương tác với mọi người. Khi đến đây, cô hoàn toàn được yên tĩnh. Căn phòng trên ngọn hải đăng, nơi cô ở trong một tuần, vừa được cải tạo lại với các trang thiết bị tốt như một chiếc giường êm ái, thức ăn ngon. Ban tổ chức muốn rằng đây sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời của cô, chứ không phải trải qua một tuần chỉ để "sống sót".
Ấn tượng về đảo là đẹp, nhỏ và yên tĩnh.
Đêm đầu tiên, sau khi mặt trời lặn, hòn đảo sớm bị bao phủ trong bóng tối. Enroth cố gắng ngủ, nhưng trằn trọc. Cô từng xem nhiều bộ phim kinh dị về ngọn hải đăng, nên bắt đầu liên tưởng. Tai cô nghe thấy âm thanh bất thường trong ngôi nhà nhỏ. Nhưng khi thức dậy dưới ánh bình minh, màn đêm và nỗi lo sợ nhanh chóng bị xua tan. Enroth quyết định thức dậy cùng mặt trời, và đó trở thành thói quen của cô những ngày trên đảo. Mỗi buổi sáng cô ngắm bình minh và ăn sáng trong bếp.
Gần cabin của Enroth là một phòng tập thể dục. Ngày thứ hai cô bắt đầu tìm hiểu về các bộ phim công chiếu trong liên hoan phim, vẽ tranh, đi bộ và bắt đầu tạo nhật ký qua video. Nói về việc để lại di động và máy tính tại đất liền, Enroth nói rằng đó là "một trải nghiệm tự do".
Nhưng việc không kết nối với thế giới bên ngoài cũng khiến Enroth "mù tin tức". Cô không thể cập nhật tin tức từ người thân, gia đình. Và đôi khi, trí tưởng tượng của cô bay xa. Cô lo lắng rằng nCoV có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn trong thời gian mình vắng mặt. Enroth thậm chí đã nghĩ về ngày tận thế.
Việc ghi lại chuỗi ngày trên đảo bằng video cũng là một trải nghiệm mới với cô. Enroth có tài khoản facebook nhưng ít khi dùng, và không có nhiều kinh nghiệm quay chính mình.
Điều khiến Enroth rất thích khi ở trên đảo là có thể chìm đắm hoàn toàn vào các bộ phim, mà không bị ai làm phiền. Khi xem phim ở nhà, ngay cả những bộ phim cô thích, cô vẫn có thể bị phân tâm khi vừa xem vừa cầm điện thoại. Nhưng ở trên đảo, mọi thứ khác hoàn toàn.
Enroth kết thúc hành trình sống ngoài hoang đảo vào 7/2 và ngay hôm sau, cô bắt đầu vào ca trực đêm. Cuộc sống tĩnh lặng trên đảo nhanh chóng lùi vào dĩ vãng nhưng những trải nghiệm trên hòn đảo đã dạy cô nhiều thứ. Một trong số đó là không nên sống quá vội vàng. "Tất nhiên trong công việc sẽ có căng thẳng và những thứ tương tự. Nhưng trong thời gian rảnh rỗi, tôi nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu chúng ta sống chậm một chút. Ta chỉ thư giãn một chút", cô nói.
Hamneskr nằm ngoài khơi bờ biển Marstrand, miền tây đất nước, nơi có ngọn hỏi đăng nổi tiếng Pater Noster. Enroth từng có một năm học ở thành phố Gothenberg gần đó, nhưng cô chưa từng đến đây. Do đó, cảm xúc đầu tiên của nữ du khách là vừa vui mừng, vừa lo lắng.
Clip: Việt Nam có 1 đường bay được người nước ngoài nói là "đẹp nhất thế giới", hạ cánh ngay sát mặt biển hùng vĩ vô cùng! Đoạn video ghi lại cảnh đáp máy bay ở Việt Nam hiện đang viral mạnh mẽ trên cộng đồng quốc tế vì quá đẹp mắt. Với những người nghiện du lịch và yêu thích sự khám phá, chuyện check-in những sân bay với khung cảnh sang đẹp, lộng lẫy hay hoành tráng luôn là một thủ tục cần phải có. Bản thân các...