Cuộc sống mơ ước ở thành thị: chèo xuồng mò ốc bắt cá hòa mình với thiên nhiên
Hôm nay chúng em vào xóm nghèo vui chơi cùng các bé đi bắt ốc, dở dớn bắt cá rồi cùng ra bờ đê nấu ăn. Với món ốc quắn luộc và cá linh nướng chấm muối me cảm giác thật ngon và gần gũi với thiên nhiên.
Theo thôn nữ miền tây
'Người hùng' Kenya chở nước cứu thú rừng
"Người hùng" ấy chỉ là một người nông dân bị suy thận, ngày thì trồng tỉa đậu, đêm lại lái xe bồn vượt cả trăm cây số để chở nước lành tới với động vật hoang dã...
Người nông dân Patrick Kilonzo Mwalua đang chuyền nước từ xe bồn vào một hố bê-tông, trong Công viên quốc gia Tsavo West, Kenya. (Ảnh: This Is Africa).
Vài năm qua, động vật hoang dã sống trong Công viên quốc gia Tsavo West, ở miền Nam Kenya, ngày càng chết dần mòn vì cái khát, do hạn hán kéo dài triền miên trên đất nước châu Phi này.
Vào tháng 3 năm 2016, hạn hán càng trở nên khốc liệt trên cả nước Kenya, làm rất nhiều động vật chết khát.
"Một ngày nọ, tôi thấy một con trâu rừng đánh hơi ở một cái ao trống khô trong công viên, rõ ràng nó khát, rất khát nước. Tôi cũng biết rõ chuyện những con vật hoang dã khát nước luôn cố tìm nước ở mọi nơi có thể, thậm chí mạo hiểm vào nơi con người sinh sống, nên dễ tạo ra rủi ro cho chúng và cả cho nông dân cùng nhà cửa, gia súc của họ.
Vì vậy, tôi quyết định mang nước tới cho chúng, thay vì để chúng phải đến với chúng tôi" - ông Patrick Kilonzo Mwalua kể.
Ông Patrick là một nông dân ở Kajire, phía nam đất nước Kenya. Từ khi nẩy ra cái quyết định "ăn cơm nhà, chở nước đi xa cứu thú rừng" ấy, ông đã bỏ tiền túi của mình để tới thành phố Voi - cách làng ông khoảng hai mươi cây số - để tìm thuê một chiếc xe bồn.
Từ tháng 7/2016, ông bắt đầu một cuộc sống mang ý nghĩa hoàn toàn khác trước. Ban ngày, ông làm nông. Ban đêm, mỗi tuần ông dành ra bốn đêm để chở nước tới công viên cứu thú rừng.
Đường xa những 140 km, lại lái xe nhiều giờ liền trong cái nóng hầm hập giữa đêm tối, nên cũng khá nguy hiểm.
"Khi tôi trở về nhà thì trời đã thật khuya. Từ khi tôi bắt đầu làm việc này, nhiều người khuyên tôi: 'Cứ để tự nhiên làm theo... cách của nó'. Nhưng tôi nói: 'Không phải do thiên nhiên, mà từ sự nóng lên toàn cầu, do hành động của con người gây ra, nên chúng ta phải có trách nhiệm" - ông Patrick chia sẻ.
Vào mỗi đêm lái xe tới công viên quốc gia Tsavo West để "cứu khổ cứu nạn" cho thú rừng như vậy, người đàn ông 41 tuổi này đã chở khoảng 12 mét khối nước trong chiếc xe bồn đặc biệt của ông. Số nước ấy cũng được mua bằng tiền túi của ông, với giá khoảng 27 euro cho 10.000 lít, do tổ chức cấp nước địa phương cung cấp.
Để có thể trữ nước cho thú rừng uống dần trong vài ngày, ông đã thuê máy đào và một số lao động để đào hơn 25 "điểm nước", tạo thành các hố bê-tông, trong công viên quốc gia Tsavo West. Các hố bê-tông ấy, theo ông, có thể giữ lại nước từ bốn tới sáu tháng, nếu trời chịu ban cho những trận mưa như trút.
Thú rừng trong công viên quốc gia, gồm cả voi, ngựa vằn, trâu rừng, linh dương,... đều trở nên quen thuộc, tới mức chúng bắt đầu có thói quen chờ đợi bên cạnh những hố bê-tông rốt cuộc cũng cạn khô, sau vài ngày.
Thú rừng vẫn khát tới mức tuyệt vọng, nên chúng luôn chạy đến mỗi khi nghe và nhìn thấy chiếc xe bồn màu xanh của Patrick rầm rầm lao vô công viên quốc gia Tsavo West, mang lại nước uống trong lành cho chúng - trích Facebook của Patrick Kilonzo Mwalua, ngày 20/10/2018.
"Đêm qua, tôi thấy 500 con trâu rừng đang đợi ở hố nước bê-tông. Khi tôi đến, chúng rất nhạy bén và đến gần hơn, vì đã ngửi được mùi nước. Chúng bắt đầu uống nước khi tôi còn đang đứng ở đó. Chúng rất phấn khích..." - ông Patrick kể với trang web This Is Africa.
Patrick Kilonzo Mwalua bị suy thận trong năm năm qua. Mặc dù vậy, ông nói: "Ngay cả khi đang 'chạy thận', tôi vẫn luôn tiếp tục chở nước tới công viên. Bởi vì, khi đam mê một thứ gì đó, và muốn làm điều gì đó tốt cho hành tinh, người ta có được một sức mạnh thật sự, người ta sẽ tiếp tục làm việc, và sẽ chỉ nhận ra mình bị bệnh, sau đó".
"Tôi chỉ bắt đầu kể những gì mình đang làm trên trang Facebook cá nhân, kèm theo các bức hình cần chụp vào ban ngày. Sau đó, một nhân viên của kênh truyền hình K24 ở Kenya đã gọi cho tôi. Rồi các phương tiện truyền thông Kenya khác cũng đã tới. Tiếp theo là truyền thông quốc tế, với cả một số nhà báo Nhật Bản và Hàn Quốc." - ông kể tiếp.
Clip video đầu tiên về hành động thiện nguyện của Patrick Kilonzo Mwalua, được xuất bản từ hai năm trước, nay đã được xem hơn 90 triệu lượt. Một clip video khác, được đăng lên mạng xã hội hồi năm ngoái, đã có trên 50 triệu lượt xem.
Trên nền tảng GoFundMe, một nhóm phụ nữ Hoa Kỳ đã kêu gọi góp tiền gây quỹ để tiếp sức cho hoạt động của Patrick Kilonzo Mwalua. Từ tháng 9 năm 2016 tới tháng 7 năm 2018, họ đã huy động được 450.000 USD để giúp ông tiếp tục dự án.
Hiện nay, Patrick vẫn tự lái xe bồn chở nước tới công viên quốc gia Tsawo West, nhưng ông đã tuyển một nhân viên văn phòng, một tài xế khác và ba tình nguyện viên cho dự án thiện nguyện ấy.
Động vật hoang dã uống nước nơi hố bê-tông được đào trong Công viên quốc gia Tsavo West (trích trang Facebook của Patrick Kilonzo Mwalua).
"Tôi đã được sinh ra ở đây, lớn lên bên cạnh động vật hoang dã, và có rất nhiều niềm đam mê về động vật hoang dã. Tôi muốn trao cho trẻ em cả nhận thức và tình yêu ấy, để khi lớn lên, các em sẽ tiếp tục bảo vệ động vật hoang dã nơi quê hương mình." - ông giải thích với phóng viên của trang The Dodo.
Voi rừng trong công viên quốc gia Tsavo West (Kenya) ngóng nguồn nước từ chiếc xe bồn của ông Patrick (trích trang Facebook của Patrick Kilonzo Mwalua). "Cần cung cấp nước liên tục để cứu chúng, cho tới khi tình trạng hạn hán kết thúc. Nay, chúng tôi vẫn thấy nhiều con voi tập trung ở rất ít hố nước để giành nhau uống, khiến những con voi nhỏ hơn vẫn thiếu nước. Vì vậy, dự án cung cấp nước, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học sẽ không có hồi kết." - ông Patrick nói.
"Hạn hán ở Kenya vẫn cứ tồi tệ hơn qua từng năm. Không có hy vọng tình hình sẽ được cải thiện, nếu con người không thay đổi cách họ làm việc và đối xử với thiên nhiên." - ông Patrick băn khoăn nói.
Theo phunuonline.com.vn
Hình ảnh hiếm về Tây Bắc nửa thế kỷ trước Bạn đã từng thấy những hình ảnh về vùng cao Tây Bắc hơn nửa thế kỷ trước? Chiến tranh khổng thể xoá đi nét đẹp bình yên của con người và thiên nhiên nơi đây. Theo VTV