Cuộc sống khủng khiếp của người mắc chứng ăn không biết no Kỳ cuối
Có thể tưởng tượng được cơn đói của Tarrare đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống khi anh ta phải ăn trộm đồ ăn để thỏa mãn cơn thèm ăn không ngừng nghỉ.
Kỳ cuối: Cuộc sống bi kịch
Thoạt nhìn, Tarrare có chiều cao và vóc dáng trung bình, mái tóc vàng. Tuy nhiên, khi nhìn kỹ hơn, người ta sẽ nhận thấy hàm răng của Tarrare bị ố, hơi thở có mùi hôi và da bị căng, gấp nếp và thường xuyên đổ mồ hôi.
Một bức tranh khắc gỗ năm 1630 mô tả một người mắc chứng ăn nhiều như Tarrare. Ảnh: Wikimedia Commons
Trước khi Tarrare ăn uống quá mức, có thông tin chỉ ra rằng anh ta có thể buộc phần da lỏng lẻo quanh eo mình thành một chiếc thắt lưng. Bụng anh ta trông trũng xuống và ốm yếu.
Bụng và má Tarrare thường sưng lên như một quả bóng sau bữa ăn. Tarrare sẽ thải bữa ăn của mình ngay sau khi ăn, để lại một đốn hỗn độn khủng khiếp đến mức không thể tưởng tượng được.
Ngoài ra, không ai có thể đứng gần Tarrare do mùi hôi bốc ra từ cơ thể anh ta. Người ta mô tả nó có mùi như thịt thối và phân động vật. Nhiều người đứng gần thường nói rằng anh ta dường như phát ra một thứ mùi hôi khiến người ta buồn nôn và nôn nao. Mùi này dường như càng nặng hơn sau mỗi bữa ăn. Hồ sơ y tế cũng chỉ ra rằng cơ thể anh thường xuyên nóng khi chạm vào.
Tarrare luôn phải di chuyển vì anh ta không thể ở một nơi quá lâu mà không gặp rắc rối. Anh ta sẽ ăn đồ ăn lấy cắp ở chợ, nhà dân và thậm chí ăn cả rác.
Tarrare dường như kiểm soát được tâm trí và sự tỉnh táo, ngay cả khi anh ta ăn động vật sống như mèo và chó.
Bác sĩ bó tay
Vào khoảng thời gian các bác sĩ bắt đầu quan tâm đến trường hợp của Tarrare, Chiến tranh Liên minh thứ nhất bắt đầu diễn ra vào năm 1792. Tarrare nhân cơ hội này gia nhập Quân đội Pháp, trở thành binh sĩ trong Đội quân Rhine của Pháp và cuối cùng đã thu hút sự chú ý của Tiến sĩ Percy và Tiến sĩ Courville.
Thật không may, khẩu phần ăn dành cho Tarrare không thấm thấp gì, vì vậy, giống như trước đây, anh ta sẽ lục lọi rác và ăn bất cứ thứ gì tìm được. Thiếu đồ ăn khiến Tarrare trông cực kỳ ốm và yếu ớt, phải nhập viện điều trị. Cả Tiến sĩ Percy và Tiến sĩ Courville đều nghĩ đến việc kiểm tra cơn thèm ăn vô tận của Tarrare và thử nghiệm trên cơ thể để cố gắng tìm hiểu tình trạng khó hiểu này.
Cả hai bác sĩ đều cố gắng thỏa mãn cơn đói không thể giải thích được của Tarrare bằng cách đưa cho anh ta khẩu phần ăn của bốn người lính. Khi điều đó không hiệu quả, họ quyết định thử cho anh ta ăn một bữa ăn theo kiểu tự chọn mà bữa này lẽ ra đủ cho 15 người, trong đó có hai chiếc bánh nhân thịt lớn và hàng lít sữa.
Ngay cả điều này cũng không làm Tarrare thỏa mãn cơn đói, khiến các bác sĩ cũng bối rối. Choáng váng khi nhìn thấy Tarrare ăn, họ đã tìm cách thử cho anh ta ăn những loại thức ăn khác thường hơn.
Một loạt thí nghiệm khủng khiếp diễn ra sau đó khi họ để Tarrare ăn mèo, rắn, thằn lằn và chó còn sống. Hồ sơ y tế cho thấy Tarrare đã nôn ra da và lông của con mèo.
Video đang HOT
Có một lần, có thông tin cho rằng các bác sĩ thậm chí còn cho anh ta ăn một con lươn sống. Dường như không có thứ gì ăn được hoặc không ăn được khiến Tarrare bối rối và anh ta sẽ ăn bất kỳ thứ gì trước mặt mình. Các bác sĩ cuối cùng đã từ bỏ cuộc thử nghiệm.
Nhiệm vụ gián điệp bất thành
Tướng Pháp Alexandre Beauharnais. Ảnh: Wikimedia Commons
Sau đó, có một kế hoạch khác do Tướng Pháp Alexandre Beauharnais vạch ra. Ông này muốn sử dụng Tarrare làm điệp viên để chuyển các thông tin qua biên giới Phổ bằng đường dạ dày – ruột. Theo kế hoạch, họ đặt thông tin vào một chiếc hộp gỗ, để Tarrare ăn ngấu nghiến và thưởng cho anh ta một chiếc xe cút kít chứa gần 14kg phổi và gan bò.
Vô cùng cảm kích, Tarrare đã ăn hết mọi thứ và vui vẻ đi qua biên giới. Tarrare không có nghiệp vụ gián điệp và nhanh chóng bị phát hiện, bắt giữ trước khi kịp chuyển thông tin cho viên đại tá Pháp ở phía sau phòng tuyến của kẻ thù.
Ít lâu sau, Tarrare từ bỏ thực hiện kế hoạch của quân đội Pháp sau khi bị đánh đập, tra tấn vì làm gián điệp.
Người Phổ chờ đợi Tarrare đi vệ sinh và tìm thấy một ghi chú trong phân, nhưng không chứa thông tin nào mà họ có thể sử dụng được. Trong cơn tức giận, họ đã đánh Tarrare nhiều hơn.
Sau khi chịu căng thẳng tâm lý trong nhiệm vụ bất thành này, Tarrare đã chán làm việc trong quân đội.
Người Phổ cảm thấy tiếc cho người đàn ông này, để Tarrare đi và đưa anh ta trở lại quân đội Pháp. Không còn nơi nào để nương tựa, anh quay lại gặp bác sĩ Percy và cầu xin ông chữa khỏi bệnh cho mình.
Cơn đói của Tarrare đã trở thành một gánh nặng hơn là một lợi thế cho quân đội Pháp. Ngoài ra, anh ta còn tiêu tốn của quân đội Pháp quá nhiều tiền chi cho khẩu phần ăn. Các nhiệm vụ gián điệp mà anh ta thực hiện không mang lại kết quả gì, vì vậy họ đã cho anh ta xuất ngũ.
Kể từ đó, Tarrare dành thời gian trong bệnh viện khi bác sĩ Percy tìm cách tìm hiểu tình trạng lạ này. Họ đã thử nhiều loại thuốc khác nhau mà một số trong số đó có thứ cực kỳ cấm kỵ như cocaine, thuốc lá và thuốc phiện laudanum, nhưng không có tác dụng.
Hỗn hợp ma túy này thực sự đã làm vấn đề của Tarrare trở nên tồi tệ hơn, đẩy cảm giác thèm ăn lên mức không thể đo đếm được. Trong thời gian này, cơn thèm ăn của Tarrare trở nên tồi tệ nhất khi anh ta ăn những gì còn sót lại ở lò mổ và thậm chí uống máu của những bệnh nhân đang điều trị bằng phương pháp truyền máu. Mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn khi anh ta chuyển sang ăn xác chết trong nhà xác bệnh viện để thỏa mãn cơn đói kinh khủng.
Thói quen ăn uống của Tarrare khiến ngay cả các bác sĩ cũng ghê tởm, nhất là sau khi một sự kiện đỉnh điểm xảy ra: một đứa trẻ 14 tháng tuổi mất tích trong bệnh viện. Vốn từng ăn xác người, Tarrare là nghi phạm đầu tiên và duy nhất khi có tin đồn lan nhanh chóng rằng anh ta có liên quan.
Cuối cùng, bác sĩ Percy không thể chịu đựng được Tarrare nữa và đuổi anh ta ra khỏi bệnh viện.
Trong lịch sử, không có tài liệu nào chứng minh Tarrare đã ăn thịt đứa trẻ, nhưng có tin đồn là đã đủ. Tại thời điểm này, Tarrare biến mất và không ai nhìn thấy hay nghe tin gì về anh ta trong suốt 4 năm.
Những ngày cuối cùng của Tarrare
Năm 1798, các quan chức gọi bác sĩ Percy đến bệnh viện ở Versailles và khi tới nơi, ông thấy Tarrare đang hấp hối vì bệnh lao. Thật không may, không có gì có thể chữa được bệnh cho Tarrare và anh ta đã qua đời trong vòng một tháng do biến chứng của bệnh lao và tiêu chảy.
Mặc dù cái chết của Tarrare không có gì đáng ngạc nhiên nhưng tình trạng cơ thể của anh ta lại khiến các bác sĩ phải kinh ngạc. Khám nghiệm tử thi cho thấy nội tạng của Tarrare đã bị thối rữa và đầy mủ.
Ngoài ra, họ còn phát hiện ra rằng dạ dày của người này gần như chiếm toàn bộ khoang bụng vì nó đã căng ra sau khi ăn một lượng thức ăn nhiều bất thường như vậy.
Trong hồ sơ khám nghiệm tử thi được ghi lại, các bác sĩ kể lại rằng gan và túi mật của Tarrare có vẻ cực kỳ lớn. Chưa kể dạ dày dường như bị đầy mủ và loét. Cổ họng cũng rộng đến mức khi há miệng tại thành một đường ống mở rộng tới 30cm. Người ta có thể nhìn qua miệng để thấy bên trong bụng Tarrare.
Cuối cùng, các bác sĩ đã phải dừng khám nghiệm tử thi vì mùi xác thối rữa của Tarrare quá nồng nặc. Như vậy, câu chuyện về Tarrare, người không biết no, đã kết thúc ở tuổi 26.
Mặc dù cuộc đời của Tarrare rất ngắn ngủi nhưng thực sự là một điều kỳ lạ. Câu chuyện của Tarrare cho thấy rằng sự thật đôi khi còn lạ lùng hơn cả hư cấu.
Cuộc sống khủng khiếp của người mắc chứng ăn không biết no Kỳ 1
Một số người trong lịch sử kỳ lạ và khó hiểu đến mức chúng ta có thể không bao giờ biết được câu chuyện của họ.
Một trong số đó là Tarrare - một người Pháp có thói quen ăn uống không biết no và rất khủng khiếp.
Kỳ 1: Chứng thèm ăn vô độ
Ghi chép cho thấy Tarrare luôn trong tình trạng thèm ăn vô độ và có thể ăn 9kg trong một ngày. Điều gì đã gây ra cơn đói bất tận cho Tarrare? Cho đến ngày nay, câu chuyện của người đàn ông này vẫn là một điều kỳ lạ về mặt y học và vẫn là một bí ẩn suốt hơn 250 năm qua.
Tranh minh họa vẽ Tarrare của Gustave Doré. Ảnh: Wikimedia Commons
Người đàn ông Pháp kỳ lạ này là một minh chứng trong đời thực về một trong bảy trong tội: phàm ăn. Tarrare sinh ra ở vùng nông thôn Lyon, nước Pháp vào năm 1772.
Các nguồn tài liệu không xác nhận chính xác được khoảng thời gian, nhưng cuộc đời của Tarrare bắt đầu từ cuối thế kỷ 18. Cũng không rõ tên của người này là Tarrare hay Tarare, nhưng trong tất cả các tài liệu tham khảo về nhân vật này trong lịch sử, người ta đều dùng cái tên Tarrare.
Không mấy ai biết về cuộc sống ban đầu của Tarrare, chỉ biết anh ta bị bố mẹ bỏ rơi từ nhỏ vì không đủ khả năng để chăm sóc khi đứa con trai ngày càng thèm ăn, ăn nhiều tới mức khủng khiếp.
Khi còn nhỏ, Tarrare đã thể hiện những thói quen ăn uống kỳ lạ mà sau này ai cũng biết tới. Tarrare có thể ăn những món mà hầu hết mọi người đều cho là những thứ kinh tởm và không ăn được, như đất và đá. Cơn thèm ăn của Tarrare mãnh liệt đến mức anh ta có thể ăn bất cứ thứ gì có thể nhét vào miệng, bất kể nó có thể khó chịu hay nguy hiểm đến mức nào.
Mặc dù thèm ăn nhưng Tarrare không phải là một người to lớn. Anh ta có chiều cao và vóc dáng trung bình, khiến cho cơn đói bất tận trở nên bí ẩn, khó giải thích. Đến năm 17 tuổi, mỗi ngày anh ta đã ăn lượng thức ăn tương đương với nửa con bò, tức toàn bộ trọng lượng cơ thể mình.
Sau khi bị gia đình từ bỏ, Tarrare đã tự sống và cơn đói của anh ta bắt đầu trở nên kinh khủng hơn. Câu chuyện của Tarrare ngày càng kỳ lạ, giống như một thứ gì đó bước ra từ một câu chuyện cổ tích đen tối. Thật không may là Tarrare lại trở thành nô lệ trung thành cho cơn đói của mình.
Bị buộc phải tham gia một nhóm trộm cắp và ăn xin để sinh tồn, anh ta bắt đầu ăn đồ ăn và những đồ vật vô tri để làm trò giải trí. Những người chứng kiến cho biết Tarrare cho những đồ vật như đá và thậm chí cả những con vật nhỏ vào miệng mặc dù bị những người chứng kiến cố gắng ngăn cản. Đối với Tarrare, cách ăn uống này là một màn trình diễn để giải trí vì anh ta tìm thấy niềm vui méo mó khi gây sốc cho những người xung quanh bằng hành vi kỳ quái của mình.
Hơn nữa, Tarrare đã sử dụng hành động này để đánh lạc hướng những người xem, để họ không đề phòng băng trộm cắp khi chúng đang móc túi đồ đạc của mọi người xung quanh. Khi lớn lên, Tarrare cuối cùng cũng rời nhóm trộm và tự mình sống riêng.
Dù vậy, vẫn không ai giải thích nổi tại sao anh ta ăn nhiều như vậy hoặc điều gì thúc đẩy cơn đói kỳ lạ đó.
Khi Tarrare còn sống, không một chuyên gia y tế nào có thể nói chắc chắn điều gì đã khiến cơn thèm ăn của Tarrare trở nên không có điểm dừng như vậy. Người ta đã đưa ra một vài giả thiết.
Bức tranh "Der Völler" của Georg Emanuel Opitz năm 1804 lấy cảm hứng từ Tarrare. Ảnh: Wikimedia Commons
Giải thích đầu tiên là Tarrare bị nhiễm sán dây. Sán dây ăn thức ăn của vật chủ. Nhưng giả thiết này không giải thích được tại sao Tarrare lại ăn những đồ vật không ăn được hoặc tại sao anh ta lại ăn nhiều đồ ăn như vậy.
Lời giải thích thứ hai là Tarrare có thể mắc hội chứng Prader-Willi. Chứng rối loạn di truyền hiếm gặp này khiến bệnh nhân có biểu hiện lúc nào cũng đói. Tuy nhiên, giả thiết này không giải thích được tại sao Tarrare lại ăn những đồ vật không ăn được hoặc tại sao anh ta lại gầy đến vậy, vì những người mắc chứng rối loạn này có xu hướng béo phì.
Lời giải thích thứ ba là Tarrare có thể mắc chứng bệnh pica. Pica là tình trạng thèm ăn và ăn những thứ không phải thực phẩm, mặc dù nó thường ảnh hưởng đến trẻ em và ảnh hưởng tạm thời đến phụ nữ khi họ mang thai. Những người khuyết tật về tâm thần có thể mắc Pica lâu hơn, khiến bản thân có nguy cơ gặp các vấn đề như ngộ độc chì. Giả thiết này cũng không giải thích được tại sao Tarrare có thể ăn một lượng lớn thức ăn như vậy hoặc tại sao anh ta vẫn gầy.
Lời giải thích thứ tư và khả thi nhất là Tarrare mắc chứng Polyphagia (đói quá mức) do một trường hợp cường giáp nặng.
Mặc dù có nhiều nguyên nhân gây ra chứng Polyphagia, ví dụ như căng thẳng, tiểu đường hoặc tác dụng phụ của thuốc, nhưng trong trường hợp của Tarrare, rất có thể nguyên nhân là do tuyến giáp hoạt động quá mức.
Điều đáng chú ý là những người mắc bệnh cường giáp thường bị sụt cân, đổ mồ hôi, căng thẳng và rụng tóc. Đây chính xác là tình trạng của Tarrare.
Trâu rừng đi lạc nhận 'án tử' khi phải đối mặt với bầy sư tử Chú trâu rừng chưa trưởng thành đã không có cơ hội sống sót nào khi phải đối mặt với bầy sư tử đói. Bầy sư tử hạ sát trâu rừng. Được biết, cảnh tượng này do các du khách ghi lại được tại Vườn quốc gia Kruger ở Nam Phi. Trước đó, chú trâu rừng kém may mắn này không chỉ bị lạc...