Cuộc sống đảo lộn với hạn, mặn
ĐBSCL đang oằn mình chịu trận với hạn mặn. Trong đó, Bến Tre bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi độ mặn 1 bao trùm khắp tỉnh.
Nhiều xã trên địa bàn huyện Chợ Lách trước đây bị ảnh hưởng không đáng kể, thậm chí không bị ảnh hưởng mặn thì giờ trở nên bối rối, người dân nhọc nhằn đổi nước ngọt sử dụng, lo nước ngọt cho sản xuất, cuộc sống sinh hoạt trở nên xáo trộn, khó khăn hơn.
Người dân huyện chợ Lách (Bến Tre) phải mua nước ngọt để tưới cho cây giống. Ảnh: TRUNG KHÁNH
Đủ điều khó khăn
Bắt đầu những tháng đầu năm 2020, cuộc sống sinh hoạt, chăn nuôi, canh tác của bà con huyện chợ Lách trở nên xáo trộn, khó khăn hơn. Theo ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, độ mặn cao nhất trên địa bàn là 10, còn những xã đầu nguồn như Sơn Định, Vĩnh Bình, Phú Phụng trước đây không bị ảnh hưởng, giờ đây độ mặn đo được cũng lên mức 4. Ông Liêm nói, đợt hạn mặn lịch sử 2015-2016 khốc liệt nhưng con nước theo đỉnh triều cường lên xuống, nên vẫn có nguồn nước ngọt để dự trữ không bị thiếu nước. Còn năm nay, hạn mặn kéo dài, người dân trữ không đủ nước sử dụng, ảnh hưởng đến sinh hoạt, canh tác…
Ghé nhà ông Trần Văn Tám, người dân sống tại xã Hòa Nghĩa, gặp ông đang loay hoay tìm cách trữ nước. Ông Tám cho biết, xã này trước nay không bị ảnh hưởng bởi hạn mặn nghiêm trọng như năm nay. Ông nói, những ngày qua, gia đình đã ngưng sử dụng nguồn nước máy vì độ mặn đo được cũng hơn 2,5. Gia đình sử dụng nguồn nước dự trữ khi lấy từ con kinh Chợ Lách, độ mặn không đến nỗi nhưng nấu cơm cũng có vị lờ lợ. Đến thời điểm hiện tại, gia đình ông mua nước thùng, mỗi thùng 10.000 đồng để nấu ăn và uống, một phần pha với nguồn nước dự trữ để tắm, nên tiêu thụ khoảng 3-4 thùng/ngày cho 5 nhân khẩu, chi phí cả tháng khá cao.
Tương tự, anh Trần Văn Thảo, sống tại thị trấn Chợ Lách, chia sẻ: Trước giờ sống tại thị trấn thì nghĩ sẽ không bao giờ không có nước ngọt sử dụng. Nhưng giờ thì phải vất vả đi lấy nước. Gần đây, anh phải đầu tư một máy đo độ mặn với giá thành trên 1 triệu đồng, cùng với 4 thùng phuy, giá mỗi thùng trên 1 triệu đồng, dùng để chứa nước ngọt. Mỗi ngày anh chạy xe máy 3-4 lượt, cách nhà tầm 7km để lấy 50 lít nước. Do không có xe ba gác cải tiến, nên anh Thảo chịu khó bỏ ra khoảng 30.000 đồng tiền xăng mỗi ngày đi lấy nước.
Video đang HOT
Nước cho sinh hoạt là vậy, còn cây trái cũng bắt đầu tính chuyện mất mùa, thiệt hại. Một số loài như sầu riêng, măng cụt, nước mặn dễ làm chết hoặc đỡ hơn là rụng trái, héo lá. 10 công (1ha) sầu riêng của anh Huy Bình ở xã Vĩnh Bình đang cho trái, dự kiến đến tháng 5 sẽ thu hoạch, nhưng thiếu nước tưới, chỉ tưới phun sương cầm chừng nên cây không ôm trái nổi, rụng hơn phân nửa. Làm bài toán tính nhẩm, anh nói: Mỗi tháng tiền phân thuốc cũng hơn 2 triệu đồng cho 10 công sầu riêng này. Giờ thì tiến thoái lưỡng nan vì không thể bỏ được, nên ráng mà đeo, giữ lại được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu, nhưng chắc chắn năm nay là một mùa thất bát rồi.
Nghịch lý
Chúng tôi men theo quốc lộ 57, bắt đầu từ vòng xoay, một hướng về bến đò Tân Thành, một hướng về nội ô thị trấn Chợ Lách, một hướng về Vĩnh Long và một hướng về huyện Mỏ Cày Nam. Từ hướng về huyện Mỏ Cày Nam, chúng tôi bắt gặp những bác tài xế xe ba gác cải tiến, có chất 1-2 thùng phuy cồng kềnh phía sau xe đang tất bật, hối hả chạy hướng ra mé sông. Dưới sông, ghe thay vì bơm cát thì nay đang tích cực bơm nước vô ghe, rồi đổi cho người dân có nhu cầu sử dụng; mỗi khối nước ngọt dao động từ 100.000-200.000 đồng.
Còn trên bờ, có 3-4 chiếc xe ba gác lúc nãy đang tập kết tại nhà của ông Bùi Văn Lộc. Nhà ông sát mé kinh Chợ Lách, nên ông đã đắp đập để trữ nước ngọt. Những bác tài ngồi núp vào những tán cây vệ đường, chờ phuy được bơm đầy nước rồi tiếp tục vận chuyển cho những hộ dân có nhu cầu sử dụng, mỗi chuyến như vậy tùy khoảng cách gần xa có giá từ 100.000-200.000 đồng cho 1-1,5m nước ngọt. Anh Duy, một tài xế xe cho biết, bắt đầu từ 6 giờ sáng là mấy anh em bắt đầu tập kết ra đây để chở nước về giao cho những hộ dân. Mỗi ngày chạy đến khoảng 8 giờ tối, đều đặn cả tuần nay. Đây quả thật là một nghịch lý, khi vùng sông nước miền Tây có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nước ngọt phong phú nhưng giờ người dân phải dùng tiền mua nước từ dưới sông với giá khá cao và phải sử dụng tiết kiệm từng khối nước.
Ông Đăng Ngọc Oánh, chủ một vựa cây giống, nói: Dân Chợ Lách chưa bao giờ phải lo lắng về nguồn nước ngọt để sản xuất và sinh hoạt, vậy mà giờ ông phải thuê ghe chở nước ngọt để tưới cho hơn 20.000 cây giống của vườn nhà. Mỗi ghe có giá khoảng 2 triệu đồng, ông sử dụng được vài ngày. Vậy ước tính ông sẽ mất hơn 200 triệu đồng tiền mua nước ngọt khi qua đợt hạn mặn này.
Theo ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, chuyện cả huyện bị hạn mặn đã nhăm nhe từ mùa khô 2015-2016, nhưng đến nay thì nặng hơn. Đây là bài học để huyện và người dân không thể chủ quan trước biến đổi khí hậu, có kế hoạch trữ nước đảm bảo sản xuất và đời sống về lâu về dài!
Nhấp nhỏm vì xâm nhập mặn
Với dáng vẻ rầu rĩ, ông Ri Ba, 63 tuổi, ngụ ấp Phú Quới, xã Phú Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, kể rằng, xâm nhập mặt đã tràn đến đây trước Tết Canh Tý. Đây là điều bất thường, bởi nơi này hiếm khi bị xâm nhập mặn và nếu có thì cũng không kéo dài. Người dân địa phương cho biết, lần xảy ra xâm nhập mặn gần đây nhất là vào năm 2016 nhưng khi đó không đáng ngại như lần này. Sống ở cách đó không xa, bà Tám Nuôi, 59 tuổi, nói rằng, suốt 40 năm về sống ở Phú Phong, bà hiếm khi thấy xảy ra xâm nhập mặn ở địa phương cũng như chưa từng thấy lần nào sớm, kéo dài và nghiêm trọng như lần này.
Xâm nhập mặn kéo dài cả tháng qua làm hàng loạt vườn cây ăn trái của nông dân đang bị thiếu nước tưới do nước sông bị nhiễm mặn. Hộ ông Ri Ba có cả chục công đất trồng các loại cây ăn trái như sầu riêng, vú sữa nhưng mấy tuần qua không có nước tưới. Đến nay, vườn sầu riêng dù đang giai đoạn ra hoa nhưng do thiếu nước nên đang đối diện với cảnh thất mùa. Không những thế, nếu khô hạn và xâm nhập mặn không sớm chuyển biến, vườn cây ăn trái của ông có thể chết hàng loạt. Không chỉ vậy, nước sinh hoạt thường ngày của người dân cũng chịu vô số hệ lụy. Nhiều nơi dù đã có đường ống cấp nước, nhưng các hộ ở cuối nguồn thì kể như không có nước máy. Hệ quả là người dân phải chắt chiu từng giọt nước ngọt dùng trong sinh hoạt, mà hình ảnh tiêu biểu là tắm thì đành dùng nước nhiễm mặn rồi xả lại bằng vài ca nước ngọt.
TRUNG KHANH
TÍN HUY
Theo SGGP
Cấp nước ổn định cho người dân nông thôn trong mùa khô hạn
Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Trung tâm nước) thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ đang quản lý và vận hành 188 hệ thống cấp nước sạch nông thôn. Các hệ thống này cung cấp nước sạch cho trên 133.000 hộ dân trên địa bàn thành phố, luôn duy trì cấp nước ổn định trong mùa khô hạn.
Niềm vui khi có nước sạch sử dụng. Ảnh chụp tại hộ bà Nguyễn Thị Thuận, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền.
Cấp nước ổn định, liên tục
Ngay từ khá sớm, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT đã dự báo mùa khô 2019-2020, hạn mặn đến sớm và diễn ra khốc liệt hơn mọi năm, đe dọa gây thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân tại nhiều địa phương. Trước tình hình đó, Trung tâm nước đã chủ động xây dựng các kế hoạch triển khai nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các hệ thống máy bơm nước, hệ thống lọc, hệ thống mạng đường ống cấp nước, bổ sung vật liệu lọc, thổi rửa đường mạng cấp nước... nhằm đảm bảo chất lượng và số lượng nước cấp phục vụ nhân dân. Trung tâm nước cũng chủ động xây dựng phương án "trực chiến", bố trí lực lượng nhân sự và các trang thiết bị dự phòng để xử lý nhanh các sự cố cấp nước trên địa bàn nhằm duy trì cấp nước ổn định và liên tục. Với nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai kịp thời, Trung tâm nước đã và đang đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân tại nhiều địa bàn nông thôn.
Ông Lê Văn Tám, ngụ ấp Trường Khương A, xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai, cho biết: "Mùa khô năm nay, nắng hạn gay gắt hơn mọi năm nhưng gia đình tôi vẫn đảm bảo có nguồn nước sạch phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày. Chỉ cần mở vòi nước là có nước sạch xài ngay, vòi nước chảy khá mạnh và rất ít khi bị cúp nước". Ông Nguyễn Văn Phước, ngụ xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Xã Thới Hưng đã được Nhà nước đầu tư xây dựng Nhà máy cấp nước sạch tập trung Thới Hưng với các trang thiết bị hiện đại, công suất cấp nước lên đến 1.200m3/ngày-đêm, đảm bảo tốt việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân tại địa phương. Từ năm 2017 đến nay, gia đình tôi đã có nước sạch xài thoải mái, không còn lo cảnh thiếu nước sinh hoạt vào các tháng mùa khô, lại đảm bảo vệ sinh...".
Thêm công trình cấp nước sạch
Ông Nguyễn Thế Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm nước, cho biết: "Để tăng cường năng lực cấp nước sạch phục vụ nhân dân, Trung tâm nước đã xin hỗ trợ nguồn kinh phí của thành phố để nâng cấp, cải tạo và mở rộng mạng đường ống cấp nước từ các công trình cấp nước tập trung hiện có để mở rộng vào các "vùng trắng" (vùng chưa có nước sạch) phục vụ hộ dân có nhu cầu, nhất là trong mùa khô hạn như hiện nay. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cấp nước tập trung mới năm 2020 để sớm hoàn thành, kịp thời cấp nước phục vụ nhân dân. Mặt khác, chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó với ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn đến công tác cấp nước sạch nông thôn".
Trung tâm nước cũng đã chủ động tham mưu Sở NN&PTNT TP Cần Thơ ban hành 2 Công văn số 3290/SNN&PTNT-KHTC ngày 2-12-2019 và Công văn số 3458/SNN&PTNT-KHTC ngày 19-12-2019 gửi các UBND các quận, huyện về việc thống kê, tổng hợp nhu cầu mở rộng mạng đường ống cấp nước trên địa bàn các quận, huyện. Qua đó, xác định nhu cầu và có các kiến nghị, biện pháp nhằm đẩy mạnh đầu tư, mở rộng mạng đường ống cấp nước đáp ứng nhu cầu người dân và các kiến nghị của cử tri. Ngày 31-2-2019, Trung tâm nước có Tờ trình số 231/TTr-TTNS trình Sở NN&PTNT thành phố về việc thực hiện chỉ tiêu hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch và nhu cầu nâng cấp, cải tạo mở rộng mạng đường ống cấp nước năm 2020. Qua xem xét, ngày 21-1-2020, Sở NN&PTNT đã có Tờ trình số 125/SNN&PTNT-KHTC trình UBND Cần Thơ về việc thực hiện gia tăng hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch năm 2020.
Qua thống kê, tổng hợp từ các địa phương, thống kê từ các văn bản kiến nghị của HĐND các cấp, các địa phương đã đề nghị thực hiện nâng cấp, mở rộng 439.000m đường ống cấp nước các loại từ các công trình cấp nước tập trung hiện có để cấp nước cho khoảng 4.200 hộ dân tại các vùng chưa có tuyến ống cấp nước sạch. Tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 80 tỉ đồng. Theo Trung tâm nước, hiện có một số địa phương đã tổ chức họp dân, dân đồng ý Trung tâm nước cấp ống chính phân phối, người dân tham gia đóng góp nhân công thực hiện đào lắp đặt ống và lắp đồng hồ nước theo hướng dẫn của Trung tâm nước nhằm giúp người dân tiết kiệm tối đa chi phí.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
Theo Cantho Online
Tiền Giang: Giá nước ngọt 300 ngàn/khối, phải mua cứu sầu riêng Anh Huỳnh Văn Thắng (Ấp Bình Hòa B, Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) - một nông dân đang trồng sầu riêng cho biết, hiện giá nước ngọt tại đây đang ở mức 300.000 đồng/m3. Tuy nhiên, để có nước tưới vườn sầu riêng đang khô khốc, nông dân đã cắn răng mua nước ngọt giá cắt cổ. Hiện, tại "thủ...