Cuộc đua vào ghế Thủ tướng Nhật
Ngày 8-9, đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) của Nhật Bản đã khởi động cuộc đua để chọn người kế nhiệm Thủ tướng Abe Shinzo mới từ chức.
Cánh tay phải của ông Abe Shinzo, Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga được cho là ứng cử viên sáng giá nhất với tuyên bố cương lĩnh tranh cử ưu tiên giải quyết đại dịch COVID-19.
Những người thực thi mạnh mẽ
Năm nay 71 tuổi, Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga đã đảm bảo nhận được sự ủng hộ của các phe phái quan trọng trong đảng LDP trước cuộc bỏ phiếu vào ngày 14-9. Theo Reuters, kết quả thăm dò dư luận của tờ nhật báo Asahi Shimbun được công bố ngày 4-9 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ ông Yoshihide Suga tăng lên nhanh chóng.
Hiện tại, ông Yoshihide Suga đang dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ là 38% (so với mức 3% trong tháng 6), cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba đứng thứ hai với tỉ lệ 25% và cuối cùng là Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu chính sách của LDP Fumio Kishida với tỷ lệ 5%. “Với việc LDP chỉ huy đa số lập pháp vững chắc, bất kỳ ai chiến thắng cuộc tranh cử, người đứng đầu LDP chắc chắn sẽ giành được lá phiếu ủng hộ trong Quốc hội vào ngày 16-9 và được bầu làm thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản”, hãng Reuters nhận định.
Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga đang là ứng cử viên sáng giá nhất.
Cuộc đua trong LDP bắt đầu sau khi ông Abe Shinzo, Thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản hiện đại, tuyên bố vào cuối tháng 8 rằng ông từ chức vì sức khỏe kém. Ngay sau đó, có suy đoán rằng nhà lãnh đạo mới có thể kêu gọi một cuộc bầu cử nhanh chóng để thu hút sự ủng hộ của công chúng. Hôm 8-9, cả ông Yoshihide Suga và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba cùng người đứng đầu chính sách của đảng Fumio Kishida chính thức đăng ký ứng cử vị trí đứng đầu LDP để trở thành Thủ tướng Nhật Bản.
Video đang HOT
Cuộc vận động tranh cử giữa 3 ứng viên này cũng chính thức bắt đầu. Giới quan sát nhận định đây đều là những người thân tín của ông Abe Shinzo và đều xứng đáng cho vị trí kế nhiệm. Các vấn đề nóng trong cuộc đua bao gồm việc liệu có nên duy trì các chính sách của chính quyền Thủ tướng Abe Shinzo, nhất là chính sách kinh tế Abenomics, và làm thế nào để tiếp tục các chính sách đó; các biện pháp để đối phó với dịch COVID-19 và vực dậy nền kinh tế và việc sửa đổi Hiến pháp.
Trong bài một bài phát biểu trước công chúng sau đó, ông Yoshidhie Suga cho biết sẽ ưu tiên phòng chống đại dịch COVID-19 và tiếp tục với chiến lược kinh tế của người tiền nhiệm, được gọi là Abenomics. Đồng thời, Chánh văn phòng Nội các cũng tham gia vào hai cuộc tranh luận công khai với hai đối thủ của mình. Theo đó, ông Yoshihide Suga đã thể hiện quan điểm chú trọng việc lựa chọn các thành viên nội các có tư duy cải cách. Ông cũng bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida về việc xem xét có hay không giải tán Hạ viện trước khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc vào tháng 10-2021 và kêu gọi tiến hành cuộc tổng tuyển cử sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát.
Ngoài ra, ông Yoshihide Suga đề xuất nhà nước sẽ chịu chi phí bảo hiểm cho dịch vụ về sinh sản đắt đỏ để khuyến khích người dân sinh con, qua đó tăng tỷ lệ sinh liên tục giảm trong thời gian dài và hiện đang là thách thức của quốc gia Đông Bắc Á này. Hãng CNN nhận định, ông Yoshihide Suga được coi là người có thể bẻ cong bộ máy quan liêu rộng lớn và đôi khi khó hiểu của Nhật Bản theo ý muốn của chính phủ, nhưng vẫn bị chỉ trích vì hành vi với các nhà báo, hay việc né tránh trả lời các câu hỏi. Nhưng lợi ích chính sách mà Yoshihide Suga đưa ra có xu hướng gần tới thực tế hơn là tư tưởng, bao gồm tăng tốc số hóa các cơ quan chính phủ, cắt giảm chi phí dịch vụ di động và tăng du lịch nước ngoài…
3 ứng cử viên cho chức Chủ tịch LDP và Thủ tướng mới: Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga (giữa), cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida (trái) và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba (phải). Ảnh: Reuters.
Hai ứng viên còn lại là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba và cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida đều nói về sự cần thiết phải đảm bảo rằng kích thích tăng trưởng được giải phóng sau cuộc khủng hoảng COVID-19. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng cho biết, ông không nghĩ đến việc tiến hành cuộc bầu cử trước thời hạn bởi theo ông, các nghị sỹ nên phục vụ hết nhiệm kỳ 4 năm.
Theo giới phân tích, ông Shigeru Ishiba có lợi thế là chính trị gia nổi tiếng, được cử tri yêu mến và thậm chí liên tục đứng đầu các cuộc thăm dò dư luận về người kế nhiệm ông Abe Shinzo được tổ chức hồi trước tháng 9. Còn Ngoại trưởng Fumio Kishida thì vẫn bị một số người trong LDP nghi ngờ vì từng rời đảng một thời gian để hoạt động độc lập và sau đó tham gia một đảng đối lập, trước khi quay trở lại. Ông Fumio Kishida mang quan điểm ủng hộ việc tăng cường vai trò của Lực lượng Phòng vệ đất nước trong hiến pháp hòa bình.
Quy trình bỏ phiếu chặt chẽ
Theo kế hoạch, cuộc bầu cử Chủ tịch đảng LDP được tổ chức vào ngày 14-9. Trước đó, các ứng cử viên đã có nhiều cuộc gặp gỡ thân mật với các thành viên cấp cao trong đảng để tìm kiếm sự ủng hộ. Câu hỏi được dư luận quan tâm lúc này là những việc xung quanh cuộc bầu cử. Hãng AP lý giải, bầu cử Chủ tịch LDP là một sự kiện lớn vì nó sẽ quyết định một cách hiệu quả người ngồi vào vị trí Thủ tướng. Liên minh do LDP lãnh đạo chiếm đa số trong cả hai viện nên điều này cũng có nghĩa, bất cứ ai mà đảng cầm quyền chọn gần như chắc chắn sẽ lãnh đạo Chính phủ.
Vậy Chủ tịch LDP được bầu như thế nào? Đầu tiên, những người có nhiều cơ hội tranh cử được yêu cầu thu thập ít nhất 20 đề cử từ các thành viên cấp cao của LDP để tranh cử. Sau thời gian vận động, một cuộc bầu cử được tổ chức trong đảng và ai đạt được đa số phiếu sẽ thắng. Nếu không có ứng cử viên nào giành được đa số hoàn toàn trong giai đoạn đầu, một cuộc chạy đua giữa hai ứng cử viên hàng đầu sẽ được tổ chức.
Người dân Nhật Bản quan tâm việc Thủ tướng mới có theo đuổi đường lối kinh tế thời ông Abe Shinzo hay không.
Thông thường, các thành viên LDP đều được tham gia bỏ phiếu. Nhưng lần này, đảng LDP đã quyết định tổ chức một cuộc bầu cử rút gọn loại trừ các thành viên có cấp bậc và hồ sơ thấp. Chủ tịch Đại hội đồng LDP Shunichi Suzuki cho biết trong cuộc họp báo sau cuộc họp của Đại hội đồng hôm 1-9 rằng, một cuộc bỏ phiếu đầy đủ sẽ phải mất 2 tháng chuẩn bị và sẽ ảnh hưởng đến ngân sách cũng như các chính sách liên quan đến dịch COVID-19. Trong khi đó, không nên để trống vị trí này quá lâu nên LDP “phải sớm bầu ra một lãnh đạo mới để tránh tạo ra khoảng trống quyền lực”. Vì vậy, cuộc bỏ phiếu được tiến hành với 394 lá phiếu của các thành viên cấp cao và 3 đại biểu từ mỗi khu vực trong tổng số 47 phân khu của LDP. Tổng cộng có 535 phiếu bầu.
Tuy nhiên, việc lựa chọn cách thức bầu cử này của LDP cũng đang vấp phải phản ứng của nhiều đảng viên. Một số thành viên LDP bày tỏ lo ngại rằng tiếng nói của họ sẽ không được phản ánh trong kết quả của một cuộc bầu cử rút gọn như vậy. Để giải quyết những lo lắng đó, Đại hội đồng LDP đã khuyên các chi hội địa phương kiểm tra ý kiến của các thành viên qua thư và các phương tiện khác trước khi bỏ phiếu. Điều đó có nghĩa là phân khu có thể tổ chức bầu cử sơ bộ của riêng mình để quyết định ai sẽ là đại diện của họ.
Chủ tịch LDP có nhiệm kỳ 3 năm và một người có thể phục vụ tối đa 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Tuy nhiên, do ông Abe Shinzo từ chức ở giữa nhiệm kỳ nên Chủ tịch mới của LDP chỉ có thể phục vụ phần còn lại của nhiệm kỳ, tức là khoảng một năm. Và bất cứ ai giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Chủ tịch LDP cũng gần như chắc chắn trở thành Thủ tướng mới trong phiên họp bất thường của Quốc hội vào ngày 16-9.
Nhật có thể tổng tuyển cử sớm
Thủ tướng kế nhiệm ông Abe có thể giải tán quốc hội để tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn, theo một thành viên cấp cao đảng cầm quyền.
"Tìm kiếm quyền lực dân bầu cho một nội các mới thành lập và đang nhận được sự ủng hộ cao của dư luận là một lựa chọn đang được xem xét", Shunichi Suzuki, chủ tịch Đại Hội đồng đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản hôm 6/9 nói trong một chương trình truyền hình.
Theo ông Suzuki, tân thủ tướng kế nhiệm ông Shinzo Abe có thể giải tán quốc hội để tổ chức tổng tuyển cử sau khi lên nắm quyền vào tuần sau. Suzuki khẳng định sau khi thành lập nội các, tân thủ tướng có quyền lập tức giải tán hạ viện và kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử sớm.
Chủ tịch Đại Hội đồng đảng Dân chủ Tự do (LDP) Shunichi Suzuki phát biểu ở Tokyo, Nhật Bản, tháng 8/2017. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Abe, 66 tuổi, lãnh đạo tại vị lâu nhất Nhật Bản, hôm 28/8 tuyên bố sẽ từ chức vì sức khoẻ yếu và không muốn bệnh tật ảnh hưởng đến các quyết sách quan trọng. Ông gửi lời xin lỗi tới người dân Nhật Bản và thêm rằng mình không có quyền lựa chọn người kế nhiệm.
LDP sẽ tổ chức bầu chủ tịch theo diện hẹp vào ngày 14/9, với thành phần tham gia bỏ phiếu là các nghị sĩ của đảng tại quốc hội và ba đại diện của đảng ở mỗi tỉnh thành, thay vì tổ chức bỏ phiếu mở rộng với hơn một triệu đảng viên tham gia. Hạ viện dự kiến bầu tân thủ tướng vào 16/9 và tân chủ tịch LDP gần như chắc chắn trở thành thủ tướng, do đảng này chiếm đa số trong hạ viện.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, chính trị gia trung thành lâu năm với Abe, hôm 31/8 tuyên bố ra tranh cử lãnh đạo đảng LDP nhằm tránh để khoảng trống chính trị trong đại dịch Covid-19.
Thăm dò mới nhất của tờ Asahi Shimbun tiến hành tuần trước cho thấy tỷ lệ ủng hộ Suga ngày càng tăng sau khi ông được sự hậu thuẫn của các phe chủ chốt trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền để trở thành tân chủ tịch đảng kế nhiệm Abe.
Nếu không tổ chức bầu cử sớm, người kế nhiệm Abe chỉ có thể nắm quyền đến khi cuộc tổng tuyển cử tiếp theo dự kiến được tổ chức vào tháng 10/2021. Trong cuộc tổng tuyển cử này, cử tri Nhật sẽ bầu các nghị sĩ tại hạ viện, những người có quyền quyết định trong việc bầu thủ tướng tiếp theo.
Lợi thế chạy đua thủ tướng với 'cánh tay phải' của Abe Kể từ tháng 6, Suga, quan chức thân cận với Abe, dự ba bữa tối cấp cao với Nikai, tổng thư ký có ảnh hưởng lớn trong đảng cầm quyền. Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga đang được coi là ứng cử viên hàng đầu cho chức thủ tướng, sau khi ông Shinzo Abe từ chức hôm 28/8 vì lý do...