Cuộc đua lãi suất huy động: Lợi hay hại?
Trong thời gian gần đây, xu hướng tăng lãi suất huy động tiếp tục được ghi nhận tại nhiều ngân hàng. Nhưng điều này sẽ có tác động như thế nào tới hệ thống và cả người gửi tiền?
Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài. Ảnh minh họa: H.Dịu
Khảo sát thị trường, nhìn chung, lãi suất tiết kiệm tháng 9/2019 đã có sự nhích nhẹ, dao động trong khoảng 4,5 – 8,6%/năm tùy từng kỳ hạn, nhưng lại có sự phân bổ không đồng đều giữa các khối ngân hàng. Theo đó, nhóm ngân hàng quốc doanh tăng mạnh lãi suất tiết kiệm ngắn và trung hạn, trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần lại tăng ở phân khúc trung và dài hạn.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng đã thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất kì hạn 6 tháng. Cụ thể, Ngân hàng Bắc Á nâng lãi suất kì hạn 6 tháng từ 7,3% lên 7,5%/năm; VPBank tăng lãi suất tiền gửi kì hạn 6 tháng từ 7-7,3%/năm lên 7,3-7,5%/năm; ABBank đã tăng mạnh lãi suất tiết kiệm 6 tháng từ 6,8% lên 7,5%/năm.
Về kỳ hạn dài, lãi suất cao nhất lên tới 8,6%/năm đối với ngân hàng VIB (kỳ hạn 12 tháng), TP Bank (24 tháng), Ngân hàng Bản Việt – Viet Capital Bank (24 tháng).
Video đang HOT
Ngoài thay đổi về lãi suất, tháng 9 cũng là thời điểm các ngân hàng tung ra nhiều các chương trình khuyến mại, tặng quà cùng nhiều ưu đãi lớn để thu hút khách hàng gửi tiền.
Rõ ràng, đánh giá chung từ tháng 7 đến nay, thị trường các ngân hàng đang diễn ra “sóng” lãi suất huy động, thậm chí có thể thành “cuộc đua” lãi suất. Vì thế, vào cuối tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã phải ban hành công văn nhằm cảnh báo những nhà băng chạy đua, lách luật để tăng lãi suất huy động.
Theo đại diện của một ngân hàng thương mại, việc tăng lãi suất huy động chủ yếu ở kỳ hạn dài nhằm đáp ứng quy định về tỷ lệ nguồn vốn của Ngân hàng Nhà nước nên chỉ diễn ra cục bộ ở một số ngân hàng có quy mô nhỏ. Hơn nữa, cuối năm là thời điểm nhu cầu vốn kinh doanh của khách hàng lớn nên ngân hàng cần thu hút lượng tiền để đảm bảo thanh khoản.
Tuy nhiên, việc tăng lãi suất huy động có cả mặt lợi và mặt hại tùy vào cách thức hoạt động của ngân hàng. Theo chuyên gia tài chính – ngân hàng TS.Nguyễn Trí Hiếu, các ngân hàng đua lãi suất là đi vào cạnh tranh khốc liệt. Mức lãi suất của ngân hàng đưa ra phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh và cơ chế lãi suất thị trường của họ. Nếu các ngân hàng huy động vốn cao thì người hưởng lợi chính là người dân. Còn nếu các ngân hàng mà dùng vốn đó kinh doanh không có lời, thì chính là họ đang tự “bắn” vào chân mình.
Hơn nữa, nhiều ý kiến cho rằng, tỷ giá giữa USD và VND đang chịu nhiều áp lực gia tăng nên các ngân hàng phải đẩy lãi suất VND ở mức cao nhằm hạn chế việc khách hàng rút VND để mua USD găm giữ.
Tuy vậy, vấn đề đáng được cảnh báo và lo ngại là tình trạng lách luật, “đi đêm” lãi suất với những khoản tiền gửi lớn của khách hàng dưới 6 tháng, phương thức phổ biến nhất là ghi lãi suất trên sổ tiết kiệm, còn phần chênh lệch thì trả dưới hình thức tặng tiền vào tài khoản. Điều này sẽ ảnh hưởng nhất định tới thị trường, làm tăng lãi suất cho vay và tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các ngân hàng.
Hương Dịu
Theo haiquanonline
Lãi suất tiết kiệm tháng 9 vẫn neo ở mức cao
Lãi suất huy động các ngân hàng TMCP trong tháng 9 tiếp tục được neo ở mức cao.
Xu hướng tăng lãi suất tiếp tục được ghi nhận trong tháng vừa qua. Một số ngân hàng TMCP vừa và nhỏ đã đẩy lãi suất huy động kỳ hạn dài tăng cao. Hiện lãi suất cao nhất là 10,2%/năm thuộc về chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 60 tháng của Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank).
Mức lãi suất huy động cao nhất của một số ngân hàng.
Theo các chuyên gia từ Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, nguyên nhân lãi suất huy động tăng 3 tháng qua là do đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng (đặc biệt là tín dụng trung dài hạn) thường tăng cao vào cuối năm; đáp ứng các yêu cầu về hệ số an toàn vốn đáp ứng chuẩn Basel năm 2020 và quy định giảm dần dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung-dài hạn. Ngoài ra, lãi suất tăng cao còn giúp tăng tính cạnh tranh của kênh huy động vốn tiền gửi ngân hàng so với các kênh khác như phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang nở rộ hiện nay.
Lãi suất huy động các kỳ hạn tại một số ngân hàng thương mại.
Lãi suất tiết kiệm tại VietinBank tháng 9/2019
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) hiện áp dụng mức lãi suất huy động đối với khách hàng cá nhân cao nhất là 7%/năm.
Cụ thể, đối với khách hàng gửi tiết kiệm thông thường, các khoản gửi kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng, lãi suất tiết kiệm áp dụng từ 4,5 đến 5,0%/năm; từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, lãi suất là 5,5%/năm.
Lãi suất huy động dài hạn từ trên 12 tháng dao động ở mức từ 6,6 đến 7,0%/năm. Trong đó, mức lãi suất cao nhất 7%/năm áp dụng cho tiền gửi VND kỳ hạn 12 và trên 36 tháng.
Lãi suất tiết kiệm tại Vietcombank tháng 9/2019
Lãi suất tiết kiệm cao nhất đang được Vietcombank áp dụng trong tháng 9/2019 là 6,8%/năm.
Theo bảng lãi suất dành cho khách hàng cá nhân - Chi nhánh Sở giao dịch Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn ngắn từ 1 đến 3 tháng được áp dụng ở mức 4,5 - 5%/năm.
Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 và 9 tháng của ngân hàng này hiện là 5,5%/năm.
Gửi tiền tiết kiệm trên 12 tháng tại Vietcombank, khách hàng được hưởng lãi suất cao nhất là 6,8%/năm.
Lãi suất tiết kiệm SHB cao nhất lên tới 9%/năm
Theo biểu lãi suất tiết kiệm mới nhất của ngân hàng SHB, ngân hàng này hiện đang áp dụng mức lãi suất cao nhất ở mức 9%/năm. Mức lãi suất này áp dụng cho khoản gửi trên 500 tỷ đồng kỳ hạn 13 tháng.
Cũng với khoản gửi này, lãi suất áp dụng cho kỳ hạn 12 và 6 tháng lần lượt là 8,9 và 7,7%/năm.
Trong khi đó, với các khoản gửi dưới 2 tỷ, lãi suất tại SHB dao động ở mức 5,3-5,5%/năm cho các kỳ hạn từ 1 dến dưới 6 tháng; 6,8-6,9%/năm với các kỳ hạn từ 6 tháng đế dưới 12 tháng.
Các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, lãi suất tiết kiệm dao động từ 7-7,4%/năm.
Lãi suất tiết kiệm SHB cao nhất lên tới 9%/năm
So với biểu lãi suất trên thì khách hàng khi gửi tiết kiệm online tại SHB sẽ được hưởng mức lãi suất cao hơn từ 0,1 - 0,2%/năm tùy kỳ hạn.
Ngoài ra, từ nay đến 30/11/2019, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) triển khai Chương trình khuyến mại "Trao an lộc - Phúc sum vầy" dành cho các khách hàng cá nhân mở mới sổ tiết kiệm bậc thang tại tất cả các điểm giao dịch của SHB trên toàn quốc với ưu đãi cộng lãi suất và phiếu quà tặng hấp dẫn.
Theo đó, tất cả các khách hàng khi mở mới sổ tiết kiệm bậc thang (bao gồm tất toán gửi lại) với số tiền tối thiểu từ 100 triệu đồng và kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đều được tặng thêm lãi suất 0,5%/năm cho kỳ gửi tiền đầu tiên của Sổ tiết kiệm.
Lãi suất tiết kiệm cao nhất tại VPBank tháng 9/2019 hiện đang ở mức 8,4%/năm
Theo biểu lãi suất huy động vốn bằng VND dành cho khách hàng cá nhân đăng trên website chính thức của VPBank, lãi suất hấp dẫn nhất thuộc về sản phẩm tiết kiệm Phát Lộc Thịnh Vượng với lãi suất cao nhất lên đến 8,4%/năm.
Mức lãi suất này áp dụng cho các khoản gửi từ 10 tỷ đồng kỳ hạn 24 tháng trên kênh online và cả gửi tại quầy.
Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm thông thường cao nhất tại VPBank hiện chỉ ở mức 8%/năm cho các khoản tiền gửi từ 5 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 24 tháng.
Lãi suất huy động cho các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng dao động từ 5,2-5,5%/năm tùy theo số tiền gửi tiết kiệm; từ 6 đến dưới 12 tháng dao động từ 7,3-7,4%/năm; từ 12 tháng trở lên lãi suất VPBank áp dụng ở mức từ 7,25-8%/năm.
Trên kênh gửi tiền online, lãi suất huy động được niêm yết cao hơn 0,1%/năm tại nhiều kỳ hạn.
Theo Minh Châu/bnews.vn
Lãi suất VND khó hạ nhiệt Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không tăng lãi suất USD từ đầu năm đến nay và khả năng sẽ sớm giảm lãi suất USD trong thời gian tới, thì ở thị trường Việt Nam, lãi suất huy động VND tiếp tục tăng. Lãi suất VND tiếp tục tăng, nhất là ở kỳ hạn dài là do các ngân hàng...