Cuộc đua ‘giành giật’ nhóm cử tri gốc Ấn trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ
Hiện nay, cộng đồng người Mỹ gốc Ấn thường có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ đang ngả sang bỏ phiếu cho phe Cộng hòa.
Đội ngũ tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tung ra các quảng cáo chính trị tập trung vào cộng đồng Ấn kiều tại Mỹ, trong đó hé lộ một video có sự xuất hiện của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Các quảng cáo tranh cử này xuất hiện sau một nghiên cứu tại các bang chiến trường trong cuộc bầu cử Mỹ do Al Mason, đồng chủ tịch Ủy ban tài chính tranh cử trong cộng đồng người Mỹ gốc Ấn của ông Donald Trump tiến hành. Theo đó cộng đồng người Mỹ gốc Ấn thường có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ lại đang ngả sang bỏ phiếu cho phe Cộng hòa.
Thủ tướng Ấn Độ Naredra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sự kiện Namaste Trump tại thành phố Ahmedabad hồi tháng 2/2020. Ảnh: ANI
Đảng Cộng hòa tận dụng mối quan hệ Trump-Modi
Để tập trung vận động cộng đồng cử tri Ấn kiều với số lượng lên tới 2,5 triệu người, chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ tập trung khai thác các clip ngắn từ bài phát biểu của thủ tướng Modi và bài diễn văn lịch sử của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại thành phố Ahmedabad, Ấn Độ hồi tháng 2.
Trong một dòng Tweet công bố quảng cáo tranh cử của ông Trump, Kimberly Guilfoyle, Chủ tịch Quốc gia của Ủy ban tài chính tranh cử của Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Nước Mỹ mong muốn một mối quan hệ vĩ đại với Ấn Độ, mong muốn sự ủng hộ vĩ đại của những người Mỹ gốc Ấn.”
Donald Trump Jr. , con trai của Tổng thống Mỹ là người dẫn đầu chiến dịch vận động cộng đồng Ấn kiều cũng retweet lại thông tin này. Với tiêu đề ‘Thêm 4 năm nữa”, video dài 107 giây bắt đầu với đoạn băng mang tính biểu tượng khi thủ tướng Modi và Tổng thống Trump tay trong tay, đi cùng nhau tại Sân vận động NRG ở thành phố Houston trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Ấn Độ tới Mỹ năm ngoái, nơi mà hai người cùng diễn thuyết trước hơn 50.000 người Mỹ gốc Ấn. Tại đây, hai nhà lãnh đạo Mỹ – Ấn dành ‘những lời có cánh’ cho nhau. Thủ tướng Ấn Độ từ lâu đã là tâm điểm chú ý trong cộng đồng người Mỹ gốc Ấn.
Những lần xuất hiện của ông trước công chúng tại Mỹ đều tạo ra kỷ lục về số người tham gia. Bài phát biểu của ông tại Madison Square Garden năm 2015 và tại Silicon Valley 2 năm sau đó đều thu hút hơn 20,000 người tham dự, biến Modi trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài duy nhất đã từng nhiều lần diễn thuyết trước đám đông lớn tới như vậy tại Mỹ.
Phần thứ hai của đoạn quảng cáo là về bài phát biểu của Trump tại Ahmedabad tháng 2. Các quảng cáo tranh cử của đảng Cộng hòa ra đời nhằm tận dụng mối quan hệ tốt đẹp giữa Tổng thống Mỹ và thủ tướng Ấn Độ và ảnh hưởng lớn của ông Modi với cộng đồng người Mỹ gốc Ấn.
‘Cuộc chiến’ nhằm lôi kéo cử tri gốc Ấn
Các cử tri gốc Ấn đột nhiên lại được quan tâm đặc biệt trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay. Theo một công bố mới đây của nhóm thành viên gốc Ấn thuộc đảng Dân chủ, tại các bang chiến trường, số lượng cử tri Ấn kiều lên tới 1,3 triệu người.
Video đang HOT
Khảo sát của Mason được tiến hành trước khi cựu phó Tổng thống Mỹ Joe Biden chọn thượng nghị sỹ gốc Ấn Kamala Harris làm ứng cử viên Phó Tổng thống của mình. Đây được coi là bước đi của lãnh đạo đảng Dân chủ nhằm chiếm sự chú ý của nhóm cử tri gốc Ấn trước các nỗ lực của đảng Cộng hòa.
Trong cuộc đua tranh để chiếm cảm tình của người Mỹ gốc Ấn, đảng Cộng hòa và Tổng thống Donald Trump đang giành ưu thế. Trong một số phát biểu và văn bản vài tuần qua, lãnh đạo đảng Dân chủ thừa nhận mối quan hệ tốt đẹp giữa Tổng thống Mỹ và thủ tướng Ấn Độ có thể lấy mất nhóm cử tri lớn của đảng này trong cuộc bầu cử tháng 11.
Đội ngũ tranh cử của ông Trump tin rằng cộng đồng Ấn kiều có thể đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử tới, đặc biệt tại các bang như Michigan, Pennsylvania, Ohio. Đảng Cộng hòa còn tạo ra các liên minh riêng rẽ của người Mỹ gốc Ấn và người Sikh. Đây là lần đầu tiên, một chiến dịch tranh cử Tổng thống ở Mỹ lập ra liên minh cho những người Hindu.
Đảng Dân chủ cũng đang nỗ lực tranh thủ nhóm cử tri gốc Ấn. Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ Tom Perez đã có bài phát biểu trực tuyến trước cộng đồng Ấn kiều. Hôm 15/8, cả Biden và Harris đã có bài diễn văn ghi hình tại một sự kiện của người Mỹ gốc Ấn. Những người ủng hộ đảng Dân chủ cũng đang lên kế hoạch cho ít nhất 2 clip quảng cáo chính trị theo phong cách Bollywood nhằm lôi kéo cử tri gốc Ấn khi chỉ còn 70 ngày nữa là tới cuộc bầu cử./.
5 điểm đáng chú ý khi Thủ tướng Ấn Độ bất ngờ bay ra khu vực biên giới tranh chấp với TQ
Trong một động thái không hề được báo trước, ngày 3.7, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã bay ra tiền tuyến ở khu vực Ladakh - nơi đang là điểm nóng tranh chấp biên giới với Trung Quốc - để xem xét tình hình.
Thủ tướng Ấn Độ bất ngờ bay ra khu vực biên giới đang tranh chấp với Trung Quốc (ảnh: India Today)
Động thái của ông Modi diễn ra sau khi các cuộc đàm phán giữa quân đội Trung - Ấn tiếp tục không mang lại kết quả. Tình hình ở Đường kiểm soát thực tế (LAC) vẫn cực kỳ căng thẳng sau vụ đụng độ khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng ở thung lũng Galwan, Ladakh.
Theo giới phân tích chính trị, chuyến thăm bất ngờ của ông Modi có 5 ý nghĩa chính:
1. Ấn Độ quyết không lùi bước
Ấn Độ đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc cố tình thay đổi hiện trạng ở LAC và lấn sang phần kiểm soát của Ấn Độ.
Bắc Kinh hy vọng New Delhi có thể nhượng bộ các yêu sách về lãnh thổ để đối lấy duy trì hòa bình, ổn định. Tuy nhiên, chuyến thăm của Thủ tướng Modi cho thấy quyết tâm rằng, Ấn Độ sẽ không bao giờ lùi bước trước Trung Quốc. Ấn Độ không muốn đổi lấy hòa bình với cái giá là sự toàn vẹn lãnh thổ trước Trung Quốc.
2. Ấn Độ không ngại "so găng" với Trung Quốc ở biên giới
Chuyến thăm của Thủ tướng Modi diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc muốn hạ nhiệt căng thằng biên giới bằng các điều khoản mà Ấn Độ cho là bất bình đẳng.
Trung Quốc đòi hỏi Ấn Độ rút bớt quân khỏi LAC, tạm dừng việc xây dựng các cơ sở hạ tầng ở LAC. Nhưng ở chiều ngược lại, Trung Quốc không từ bỏ các yêu sách đơn phương về lãnh thổ, theo India Today.
Binh sĩ Ấn Độ ở Ladakh (ảnh: India Today)
Theo giới phân tích, mục đích chính của Trung Quốc khi xây dựng các công trình ở biên giới là nhằm phục vụ cho hành lang kinh tế với Pakistan và rộng hơn là toàn Trung Á.
Cơ sở hạ tầng yếu kém ở biên giới là một trong những nguyên nhân khiến Ấn Độ ở trong thế bất lợi khi đối phó với Trung Quốc. Nhằm khắc phục tình trạng này, Ấn Độ phải đẩy mạnh xây cầu, đường bộ ở LAC và điều này khiến Trung Quốc không hài lòng.
Chuyến thăm của ông Modi phát đi thông điệp rõ ràng rằng, Ấn Độ sẽ bạo chi hơn nữa và tiếp tục đầu tư nhiều hơn cho quốc phòng chừng nào Trung Quốc còn muốn tiếp tục "so găng".
3. Ấn Độ không đơn độc
Chưa rõ đã có một thỏa thuận quân sự nào giữa Mỹ và Ấn Độ về vấn đề biên giới Trung - Ấn hay chưa. Tuy nhiên, Mỹ mới đây cho biết nước này đang rút quân khỏi Đức để tập trung đối phó Trung Quốc.
Mỹ nói quyết định rút quân bị ảnh hưởng bởi căng thẳng quân sự giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Chuyến thăm của ông Modi cho thấy chính phủ Ấn Độ đặc biệt quan tâm đến tình hình căng thẳng biên giới với Trung Quốc và Tổng thống Trump - người có mối quan hệ cá nhân rất tốt với ông Modi - cũng không ngoại lệ.
4. Trung Quốc đang chịu nhiều sức ép
Ông Modi ra biên giới trong bối cảnh Trung Quốc đang thu hút sự chú ý toàn cầu sau những "lùm xùm" về dịch Covid-19, tranh cãi với Mỹ và tranh chấp lãnh thổ với nhiều nước.
Trong diễn biến mới nhất, việc chính thức thông qua luật an ninh mới cho Hong Kong đã khiến Trung Quốc hứng chỉ trích từ Mỹ và một số nước đồng minh.
Mỹ gây sức ép với Trung Quốc bằng các lệnh trừng phạt, trong khi đó, Anh và Úc tuyên bố "mở cửa" cho người Hong Kong sang định cư.
Ấn Độ mua sắm thêm vũ khí trong bối cảnh căng thẳng biên giới với Trung Quốc, Pakistan gia tăng (ảnh: India Today)
5. Thông điệp trong nước
Thủ tướng Modi đang là mục tiêu chỉ trích của Quốc hội Ấn Độ về cách giải quyết căng thẳng biên giới với Trung Quốc. Nhiều nghị sĩ bày tỏ nghi ngờ ông Modi đã "nhẹ tay" với Bắc Kinh, đặc biệt là sau khi Thủ tướng Ấn Độ tuyên bố "không ai xâm phạm lãnh thổ" nước này.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cũng chuẩn bị có chuyển thăm biên giới. Tuy nhiên, ông Modi lại bất ngờ "đi trước một bước". Dường như Thủ tướng Modi đã cố gắng lấy lại hình ảnh và xoa dịu phe chỉ trích.
India Today cho biết, tháp tùng chuyến thăm của Thủ tướng Modi gồm có hai tướng cấp cao của Ấn Độ là ông Bipin Rawat và Manoj Mukund Naravane.
Trong diễn biến mới nhất, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã phê duyệt kế hoạch mua thêm 21 chiến đấu cơ MiG-29 và 12 chiếc Su-30 nhằm tăng cường sức mạnh không quân, đặc biệt là ở khu vực biên giới với Trung Quốc.
Trump sa thải Tổng thanh tra Bộ Ngoại giao Tổng thống Mỹ sa thải Tổng thanh tra Bộ Ngoại giao Steve Linick, người mở cuộc điều tra nhắm vào Ngoại trưởng Mike Pompeo. Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận Tổng thống Trump hôm 15/5 sa thải Tổng thanh tra Bộ Ngoại giao Linick, sau khi Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Eliot Engel cho hay ông Licnick đã mở cuộc...