Cuộc đối đầu Đông – Tây hậu Crimea
Có lẽ chưa khi nào kể từ thời Chiến tranh Lạnh, cụm từ “trừng phạt” lặp đi lặp lại nhiều đến vậy trong quan hệ vốn không mấy bình lặng giữa Nga với Mỹ và phương Tây.
Áp đặt các biện pháp trừng phạt lâu nay không phải là chuyện mới trong quan hệ ngoại giao, đặc biệt chúng vẫn được coi là vũ khí mà Mỹ và phương Tây sử dụng như một cách thể hiện sức mạnh đối với những nước mà họ “không ưa”. Mỹ và các đồng minh đã từng dọa loại Nga ra khỏi Nhóm G-8, hủy bỏ kế hoạch tập trận chung giữa Nga và NATO sau cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Gruzia hồi tháng 8/2008. Lần này, Mỹ và các nước phương Tây lại phản ứng bằng cách trừng phạt Nga sau sự kiện Moskva sáp nhập Crimea (Crưm).
Không thể phủ nhận rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đang ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Nga. Thị trường chứng khoán liên tục giảm điểm từ đầu tháng 3 cùng với đồng rúp trượt giá khiến các nhà phân tích dự đoán Nga đã mất hàng chục tỷ USD mỗi ngày. Dù năng lượng có thể coi là “vũ khí” của Moskva, song nếu phương Tây chặn 80% lượng khí đốt xuất khẩu của Nga thì GDP của nước này sẽ giảm khoảng 10% từ nay đến năm 2015.
Thế nhưng, có lẽ cả Mỹ và châu Âu dường như cũng đang nếm phần trái đắng từ chính những bước đi của mình. Nga khẳng định sẽ có những biện pháp đáp trả dựa trên nguyên tắc “có đi có lại”. Điều đáng nói là chính các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp đặt với Nga chắc chắn sẽ có tác dụng ngược lại theo kiểu “gậy ông đập lưng ông”, khiến các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu thiệt hại hàng tỷ USD.
Các nước châu Âu đang phụ thuộc đáng kể vào Nga về năng lượng, thương mại, đầu tư… Chính Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phải thừa nhận rằng phương Tây không thể đạt được sự đồng thuận về các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Nga. Mặc dù không quá phụ thuộc vào Nga, song Mỹ cũng sẽ phải trả giá khi thực hiện các biện pháp trừng phạt, nhất là khi hãng chế tạo máy bay Boeing đang phải nhập từ Nga 40% nhu cầu titan, vật liệu tối quan trọng cho sản xuất máy bay Boeing 787 Dreamliner.
Giới phân tích nhận định rằng nếu Nga và phương Tây tiếp tục trả đũa lẫn nhau, mọi chuyện có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, kéo theo những hệ lụy khó lường.
EU, với 30% nhu cầu khí đốt và 32% nhu cầu dầu mỏ phụ thuộc vào Nga, sẽ rơi vào khủng hoảng nếu Moskva ngừng bơm khí đốt để đáp trả lệnh trừng phạt kinh tế. Theo dự đoán, nếu Nga ngừng cung ứng khí đốt và phương Tây áp dụng các biện pháp trả đũa về tài chính, giá khí đốt sẽ tăng khoảng 15% và dầu mỏ tăng 10% trên thị trường châu Âu, GDP của các nước trong khu vực sử dụng đồng euro giảm 1,5% và tăng trưởng kinh tế của một số nước Đông Âu sẽ giảm tới 3%.
Video đang HOT
Quan hệ với Nga căng thẳng cũng đồng nghĩa với việc Mỹ và phương Tây gặp khó khăn khi ứng phó với các thách thức toàn cầu. Với tư cách là một cường quốc, một ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, vai trò của Nga mang tính then chốt giúp giải quyết các vấn đề quốc tế nóng bỏng. Thỏa thuận hạt nhân mang tính đột phá giữa Nhóm P5 1 với Iran, hay việc tháo ngòi nổ cho một cuộc chiến tranh mới ở Trung Đông khi Syria chấp thuận tiêu hủy kho vũ khí hóa học, đều mang đậm dấu ấn đóng góp của Nga. Kế hoạch của Mỹ và NATO rút quân khỏi Afghanistan vào cuối năm nay hẳn sẽ khó thực hiện được nếu thiếu “tuyến hậu cần tối quan trọng” qua Nga.
Trong một thế giới toàn cầu hóa, mối ràng buộc giữa các quốc gia trên nhiều phương diện ngày càng tăng. Vì thế, mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đều tạo ra những tác động đa chiều đối với nhiều nước khác. Hơn bao giờ hết, các bên liên quan cần có cách ứng xử thận trọng và phù hợp theo hướng cân bằng lợi ích, vì hòa bình và ổn định trên thế giới.
theo Báo Tin Tức
Theo_VnMedia
Vì sao đòn trừng phạt Nga của EU lại yếu ớt?
Cùng với Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) trong những ngày này liên tục hô hào trừng phạt mạnh tay Nga vì vụ sáp nhập Crimea. Tuy nhiên, EU được tin sẽ chỉ có thể tung ra những đòn trừng phạt yếu ớt bởi bản thân nội bộ liên minh này đang bị chia rẽ trong vấn đề phản ứng với Nga.
Ảnh minh họa
Sự mâu thuẫn, chia rẽ trong Liên minh Châu Âu liên quan đến vấn đề phản ứng với Nga sau vụ sáp nhập Crimea được thể hiện khá rõ qua những phát biểu của giới chức liên minh này trong thời gian qua và qua cả việc một số nước thành viên kiên quyết chối từ việc trừng phạt mạnh tay Nga.
Mới đây nhất, ngày hôm qua (1/4), Phó Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Olli Rehn vừa lên tiếng nhắc nhở, EU nên kiềm chế, không nên đưa ra những biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh hơn với Nga nếu như tình hình liên quan đến Ukraine không leo thang. Ông Rehn khẳng định: "Không người Châu Âu hiểu biết nào lại muốn chứng kiến các biện pháp trừng phạt kinh tế hay bất kỳ hành động leo thang nào trong cuộc khủng hoảng. Và trong trường hợp Nga không làm leo thang tình hình thì chúng ta cũng nên tránh đưa ra thêm những biện pháp trừng phạt".
Trước đó, cách đây vài ngày, một thành viên của Quốc hội Châu Âu cũng đã lên tiếng kêu gọi EU đừng "theo đuôi" Mỹ trừng phạt Nga bởi điều đó chỉ gây tổn hại đến chính liên minh này.
Theo ông Pino Arlacchi, lập trường của EU đối với vấn đề Ukraine nên khác so với lập trường của Mỹ. Châu Âu không nên trừng phạt mạnh tay Nga bởi những biện pháp đó là ngu ngốc và thực sự là nhằm vào chính người dân Châu Âu chứ không phải ai khác, vị quan chức EU nhấn mạnh.
Tiếp đó cựu Thủ tướng nổi tiếng của Đức - ông Helmut Schmidt cũng thẳng thừng nhận xét, các biện pháp trừng phạt của EU và Mỹ hiện nay đang áp dụng với Nga là "ý tưởng ngu ngốc". Ông này cảnh báo, những biện pháp trừng phạt đó chỉ mang tính biểu tượng còn nếu áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn thì "chúng sẽ tác động tới phương Tây mạnh như với Nga".
Rõ ràng, nhiều quan chức và các nhà phân tích Châu Âu đã thể hiện một quan điểm phản đối mạnh mẽ việc áp dụng biện pháp trừng phạt với Nga - một đối tác mà EU rất cần.
Không chỉ vậy, một số nước thành viên EU cũng kiên quyết không chịu trừng phạt Nga. Phó Thủ tướng thứ nhất của Serbia - ông Aleksandar Vucic hôm qua tuyên bố, Belgrade sẽ không trừng phạt Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tuyên bố trên được ông Vucic đưa ra ngay sau khi ông này vừa dẫn đầu phái đoàn Serbia đến Brussels tham dự cuộc họp hôm 31/3 với Cao uỷ chính sách đối ngoại EU Catherine Ashton.
"Chúng tôi tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia nhưng chúng tôi sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Chúng tôi sẽ không là một phần của chiến lược trừng phạt bởi điều đó đồng nghĩa với việc chống lại một quốc gia không bao giờ áp đặt biện pháp trừng phạt đối với Serbia, thậm chí cả khi nước chúng tôi đang bị oanh tạc bởi bom đạn và sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi bị các nước khác xâm phạm", ông Vucic thẳng thừng tuyên bố như vậy khi được đề nghị bình luận về nỗ lực của bà Ashton nhằm thúc đẩy Serbia tham gia vào kế hoạch trừng phạt của EU.
Bản thân Đức - cường quốc có ảnh hưởng hàng đầu trong Liên minh Châu Âu, cũng chần chừ không muốn áp đặt biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với Nga. Thủ tướng Angela Merkel hồi tuần trước từng lên tiếng nhấn mạnh, phương Tây chưa tiến đến giai đoạn mà ở đó các nước sẵn sàng áp đặt biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với Nga. Đây là câu trả lời của bà Merkel trước lời kêu gọi đầy hùng hồn của Tổng thống Mỹ Barack Obama về việc các nước phải thể hiện thái độ cứng rắn đối với Moscow bằng cách tăng cường thêm nữa biện pháp trừng phạt và cô lập Nga.
Rõ ràng, các nước thành viên EU không tìm được tiếng nói chung thống nhất trong vấn đề trừng phạt Nga. Chủ đề áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đủ mạnh lên Nga đã được đưa ra tranh luận nóng bỏng trong suốt nhiều tuần qua nhưng không có kết quả rõ ràng nào được đưa ra. Ngày càng có nhiều chính khách, chuyên gia, các nhà kinh doanh ở Châu Âu lên tiếng cảnh báo về việc một đòn trừng phạt nhằm hạn chế thương mại với Nga cuối cùng sẽ gây phản tác dụng, làm hại chính người Châu Âu chứ không phải ai khác. Đây cũng là lời cảnh báo được Nga đưa ra ngay từ ban đầu khi Liên minh Châu Âu hùa theo Mỹ nhăm nhe tìm cách áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga.
Đúng như ông Pino Arlacchi, thành viên Quốc hội Châu Âu, đã phân tích, EU không thể theo chân Mỹ để trừng phạt Nga bởi họ ở hai chỗ đứng hoàn toàn khác nhau trong mối quan hệ với Nga. Trong khi mối quan hệ giữa Mỹ và Nga không phụ thuộc vào nhau nhiều và giá trị trao đổi thương mại giữa hai nước không lớn thì quan hệ giữa EU và Nga hoàn toàn khác hẳn.
EU và Nga phụ thuộc rất lớn vào nhau. Giá trị trao đổi thương mại song phương giữa hai bên gấp hơn 10 lần so với Mỹ. Hơn nữa, các nước thành viên EU lại phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng từ Nga. Ước tính, Liên minh Châu Âu phụ thuộc đến hơn 30% khí đốt và dầu mỏ của Nga trong khi khu vực này vẫn chưa có được mấy thành công trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng.
Trừng phạt kinh tế Nga cũng chẳng khác nào giáng đòn xuống nền kinh tế đang không mấy sáng sủa của Liên minh Châu Âu. Giới lãnh đạo phương Tây thừa hiểu nếu để nền kinh tế của họ bị ảnh hưởng bởi việc trừng phạt vào Nga thì chính họ sẽ bị người dân của mình trừng phạt.
Không rõ có phải vì nhận thức được thực tế trên hay không nhưng đến nay EU vẫn chưa "tung" ra bất kỳ biện pháp trừng phạt đủ mạnh nào nhằm vào Nga, đặc biệt trong vấn đề kinh tế.
Kiệt Linh
Theo_VnMedia
Thế giới 24h: Nhật tự cởi trói về vũ khí Nhật dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí tự áp đặt cách đây nhiều thập niên, NATO tìm cách trấn an một loạt nước sau khi Nga sáp nhập Crưm là các tin đáng chú ý trong ngà. Nổi bật Nhật hôm 1/4 đã dỡ bỏ lệnh cấm tự áp đặt với xuất khẩu vũ khí và đưa ra những quy định...