Cuộc diễu binh hé lộ năng lực sản xuất tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên
Không chỉ phô trương tên lửa đạn đạo liên lục địa ( ICBM) nhiên liệu rắn mới, trong cuộc diễu binh tối 8/2, Triều Tiên còn hé lộ cả năng lực sản xuất ICBM.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cùng con gái theo dõi lễ diễu binh. Ảnh: AP
Hãng tin Al Jazeera đưa tin Chủ tịch Kim Jong-un cùng phu nhân và con gái đã theo dõi trực tiếp cuộc diễu binh tối 8/2 tại Bình Nhưỡng kỷ niệm 75 năm thành lập quân đội Triều Tiên.
Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin có nhiều vũ khí góp mặt trong cuộc diễu binh này, trong đó có tên lửa hạt nhân chiến lược và ICBM. KCNA miêu tả những vũ khí này đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ Triều Tiên chống lại kẻ thù.
Nhà nghiên cứu Joseph Dempsey tại Viện Quốc tế Nghiên cứu chiến lược (Anh) phân tích: “Sau sự xuất hiện của các cặp tên lửa liên lục địa Hwasong-17 là 4 hệ thống chưa được xác định dường như có kích cỡ tương tự”.
KCNA trong khi đó đưa tin khi các ICBM xuất hiện trên quảng trường, đám đông khán giả đã cổ vũ. KCNA cũng bổ sung rằng có một “đơn vị hạt nhân chiến lược” tham gia cuộc diễu binh.
Ông Ankit Panda tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Mỹ) đánh giá ICBM mới này thực tế có thể là chiếc đã xuất hiện trong cuộc diễu binh năm 2017 nhưng từ đó cho đến nay vẫn chưa được Triều Tiên thử nghiệm.
Hầu hết tên lửa đạn đạo lớn nhất của Triều Tiên đều sử dụng nhiên liệu lỏng, do đó cần phải nạp tại địa điểm phóng thông qua một quá trình rất tốn thời gian. Việc sử dụng nhiên liệu rắn có thể tạo thêm điều kiện di dộng hơn cho tên lửa và giảm thời gian chuẩn bị phóng.
Việc phát triển ICBM nhiên liệu rắn từ lâu đã là mục tiêu then chốt của Triều Tiên bởi nó có thể khiến tên lửa khó bị phát hiện và phá hủy. Giáo sư dự bị Leif-Eric Easley tại Đại học nữ Ewha (Hàn Quốc) đánh giá: “Thông điệp Bình Nhưỡng muốn gửi đến quốc tế, thể hiện năng lực của nước này trong ngăn cản, có khả năng được thể hiện qua việc thử nghiệm tên lửa nhiên liệu rắn hoặc kích hoạt một thiết bị hạt nhân thu nhỏ”.
Buổi diễu binh tổ chức vào tối 8/2 tại Quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AP
Một tên lửa đạn đạo liên lục địa xuất hiện trong cuộc diễu binh. Ảnh: AP
Buổi diễu binh nhằm kỷ niệm 75 năm thành lập quân đội Triều Tiên. Ảnh: AP
Video đang HOT
Chủ tịch Kim Jong-un vẫy tay với người dân theo dõi lễ diễu binh.Ảnh: AP
Các binh sĩ dự buổi diễu binh. Ảnh: AP
Toàn cảnh buổi diễu binh. Ảnh: AP
KCNA đưa tin có nhiều vũ khí xuất hiện trong buổi diễu binh tối 8/2. Ảnh: AP
Phóng viên Rob McBride của Al Jazeera nhận định rằng cuộc diễu binh dường như góp phần khẳng định rằng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vẫn duy trì con đường phát triển vũ khí với việc vào năm 2022 Bình Nhưỡng đã phóng thử tên lửa đạn đạo với số lượng chưa từng có tiền lệ.
Triều Tiên khẳng định chương trình phát triển vũ khí của nước này nằm trong chủ quyền được tự vệ và là cần thiết trước những “chính sách thù địch” của Mỹ cùng Hàn Quốc, Nhật Bản.
Trang tin NK News cho biết ngoài ICBM nhiên liệu rắn mới, cuộc diễu binh còn có sự xuất hiện của 11 tên lửa Hwasong-17. Mới chỉ có 4 tên lửa Hwasong-17 xuất hiện trong cuộc diễu binh năm 2020, do đó, NK News nhận định điều này cho thấy có khả năng việc sản xuất hàng loạt tên lửa mới này đang diễn ra.
Những động thái lần đầu tiên Triều Tiên thực hiện trong năm 2022
Triều Tiên phóng số lượng tên lửa nhiều kỷ lục trong năm 2022 và trong đó, có những vụ phóng đánh dấu lần đầu tiên thực hiện sau nhiều năm.
Triều Tiên thử ICBM lần đầu tiên từ năm 2017
Vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) "Hwasong Gun 17" của Triều Tiên ngày 18/11/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin Triều Tiên đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-17 từ Sân bay Quốc tế Bình Nhưỡng vào ngày 24/3 và tên lửa đã bắn trúng mục tiêu trên biển. Đây là lần đầu tiên Triều Tiên thử tên lửa ICBM từ năm 2017.
Theo KCNA, Chủ tịch Kim Jong-un cho biết vũ khí mới sẽ thực hiện một cách đáng tin cậy sứ mệnh và nhiệm vụ để làm biện pháp răn đe chiến tranh hạt nhân mạnh mẽ.
Trong khi đó, quân đội Hàn Quốc ước tính tên lửa mà Triều Tiên vừa phóng có tầm bắn xa tới 6.200 km - xa hơn tên lửa ICBM gần đây nhất mà Triều Tiên phóng thử hồi tháng 10/2017.
Sau đó, vào tháng 11, Triều Tiên tiếp tục phóng thử ICBM.
Tên lửa Triều Tiên lần đầu rơi ngoài khơi bờ biển Hàn Quốc
Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn tại địa điểm bí mật của Triều Tiên. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 2/11, Triều Tiên đã bắn ít nhất 23 tên lửa ra biển, trong đó có một tên lửa rơi cách bờ biển Hàn Quốc chưa đầy 60 km. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol mô tả đây là hành vi xâm phạm lãnh thổ.
Đây là lần đầu tiên một tên lửa đạn đạo rơi gần vùng biển của Hàn Quốc kể từ khi Bán đảo Triều Tiên bị chia cắt vào năm 1945 và là đợt phóng nhiều tên lửa nhất của Triều Tiên trong một ngày. Hàn Quốc đã đưa ra cảnh báo không kích hiếm hoi và phóng tên lửa để đáp trả.
Tên lửa đã rơi bên ngoài lãnh hải của Hàn Quốc, nhưng ở phía Nam của Đường giới hạn phía Bắc (NLL), một biên giới hàng hải liên Triều đang tranh chấp.
Quân đội Hàn Quốc cho biết các máy bay chiến đấu của Hàn Quốc đã bắn ba tên lửa không đối đất xuống vùng biển phía Bắc ngang qua NLL để đáp trả. Một quan chức cho biết vũ khí được sử dụng bao gồm AGM-84H/K SLAM-ER, là vũ khí tấn công chính xác do Mỹ sản xuất có thể bay xa tới 270 km.
Tên lửa đạn đạo Triều Tiên lần đầu tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản
Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn tại địa điểm bí mật của Triều Tiên. Ảnh: AFP/TTXVN
Sau đó một ngày, ngày 3/11, Triều Tiên bắn một tên lửa đạn đạo qua Nhật Bản lần đầu tiên sau 5 năm, khiến giới chức Nhật Bản phát cảnh báo tới người dân. Lần gần nhất tên lửa của Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản là vào năm 2017.
Cụ thể, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo ra vùng biển phía Đông nước này vào khoảng 7h45 phút sáng cùng ngày theo giờ địa phương.
Tại Nhật Bản, chính phủ nước này đã kích hoạt hệ thống cảnh báo sớm J-alert và khuyến cáo người dân tại tỉnh Niigata, Yamagata và Miyagi ở yên trong nhà hoặc tìm nơi trú ẩn. Truyền thông Nhật Bản cho hay tên lửa đã bay qua vùng trời nước này và rơi xuống Thái Bình Dương.
Con gái Chủ tịch Triều Tiên lần đầu lộ diện
Trong lần thử ICBM vào tháng 11, con gái Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un lần đầu tiên xuất hiện cùng cha.
Theo kênh CNN ngày 18/11, trong những bức ảnh do KCNA chia sẻ, con gái ông Kim Jong-un mặc chiếc áo khoác phao màu trắng, nắm tay ông khi cả hai cùng xem vũ khí. KCNA không nói tên con gái ông Kim Jong-un khi cô bé xuất hiện cùng cha trong lần ông giám sát vụ thử tên lửa ngày 18/11.
Trước đây, hình ảnh con gái Chủ tịch Kim Jong-un chưa bao giờ xuất hiện trước công chúng.
UAV nghi của Triều Tiên bay vào không phận Hàn Quốc lần đầu tiên từ năm 2017
UAV của Triều Tiên. Ảnh: Yonhap News
Ngày 26/12 , hãng tin Yonhap cho biết có 5 thiết bị bay không người lái (UAV) nghi của Triều Tiên đã vượt qua biên giới liên Triều. Theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS), quân đội Hàn Quốc đã phát hiện UAV tại khu vực biên giới của tỉnh Gyeonggi từ 10h25 (giờ địa phương). Những máy bay này có kích thước bề ngang tối đa là 2m. UAV đã vượt qua Ranh giới quân sự giữa hai miền Triều Tiên, di chuyển tại các khu vực ở Gimpo, đảo Ganghwa và Paju, ảnh hưởng tới hoạt động hàng không dân sự. Một trong số UAV này đã bay đến khu vực phía Bắc của thủ đô Seoul, trong khi những chiếc còn lại chủ yếu di chuyển trong và xung quanh đảo Ganghwa, phía Tây thủ đô.
Hàn Quốc đã phát đi thông điệp cảnh báo, bắn cảnh cáo, điều các máy bay chiến đấu để ngăn các UAV.
Đây là lần đầu tiên UAV nghi của Triều Tiên bay vào Hàn Quốc sau 5 năm.
Yonhap: Phân tích sơ bộ cho thấy Triều Tiên có thể đã phóng thử ICBM Ngày 18/11, hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) dẫn một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng nước này cho biết Triều Tiên dường như đã phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) về hướng Đông vào sáng cùng ngày. Người dân trên đảo Ulleungdo (Hàn Quốc) theo dõi qua truyền hình về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, ngày 9/11/2022....