Cuộc chiến xe điện – Ford chật vật tìm kiếm thành công
Trước khi mẫu xe bán tải thuần điện Ford F-150 Lightning đạt được doanh số ấn tượng như hiện nay, hãng xe Blue Oval đã trải qua nhiều thăng trầm trong việc phát triển xe điện.
Tham vọng trở thành hãng xe dẫn đầu trong lĩnh vực xe điện của Ford đã có từ những ngày đầu thành lập. Trong hơn 100 năm hình thành và phát triển, Ford đã ra mắt nhiều mẫu concept xe điện, một vài mẫu xe điện thương mại và rất nhiều mẫu xe sử dụng động cơ hybrid. Nhưng các nỗ lực về xe điện của hãng xe Mỹ không đạt được nhiều thành tựu cho đến khi ra mắt mẫu xe bán tải thuần điện Ford F-150 Lightning.
Phát triển xe điện từ lúc mới thành lập nhưng bỏ ngang
Ngay từ năm 1903, Henry Ford đã bắt đầu hợp tác với Thomas Edison, người bạn thân thiết của ông để phát triển và thử nghiệm công nghệ pin cho ôtô. Nhưng phải đến năm 1914, Ford mới bắt đầu công khai sản xuất xe điện giá rẻ. Mẫu xe này có tên gọi Edison-Ford, có giá bán khởi điểm từ 500 USD vào thời điểm đó.
“Tôi đặt mục tiêu Ford sẽ bắt đầu sản xuất xe điện trong vòng một năm tới. Vấn đề lớn nhất hiện nay là chế tạo một hệ thống pin dự trữ có trọng lượng nhẹ, mang đến phạm vi hoạt động dài mà không cần phải sạc lại”, Henry Ford nói với tờ New York Times vào tháng 1/1914.
Một số nguyên mẫu xe điện đầu tiên của Ford với hệ thống pin được đặt dưới yên xe đạt phạm vi hoạt động từ 80-160 km chỉ với một lần sạc. Khi đó có nhiều tin đồn Ford sẽ thành lập một nhà máy tại TP Detroit, bang Michigan để sản xuất chiếc xe điện đầu tiên của mình, dự kiến giới thiệu vào năm 1915.
Không giống xe chạy bằng động cơ đốt trong thông thường với việc vận hành và bảo dưỡng phức tạp, xe điện thân thiện hơn và không phát thải. Clara Ford, vợ của Henry Ford là một người ủng hộ xe điện từ rất sớm. Bà đã tự cầm lái chiếc Detroit Electric đi được quãng đường lên đến 130 km vào năm 1914.
Vào tháng 5/1914, Henry Ford mạnh mẽ tuyên bố về một cuộc cách mạng xe điện trong tương lai. “Điều này đang đến. Xe điện sẽ là phương tiện trong tương lai”, ông nói.
Tuy nhiên tuyên bố này của ông nhanh chóng đi vào quên lãng. Các nhà sử học không chắc chắn tại sao Henry Ford không thực hiện lời hứa của mình đối với mẫu xe điện Edison-Ford. Nhiều người cho rằng ông đã bị phân tâm bởi các dự án khác. Mặc dù được Clara Ford khuyến khích và đầu tư 1,5 triệu USD vào dự án, cơ chế khởi động xe điện phức tạp đã khiến Henry Ford gác lại kế hoạch phát triển một mẫu xe điện với giá cả phải chăng vào thời điểm đó.
Tiếp tục phát triển xe điện nhưng thất bại
Phải đến hơn 40 năm sau, Ford mới bắt đầu hồi sinh nỗ lực sản xuất xe điện. Nghiên cứu về hệ thống pin một lần nữa được tiến hành vào cuối những năm 1950. Sau đó phong trào bảo vệ môi trường của người dân Mỹ đã đạt được những thành tựu nhất định sau khi Rachel Carson xuất bản cuốn sách mang tính bước ngoặt Silent Spring vào năm 1963.
Điều này khiến chính phủ phải ban hành một số bộ luật liên bang nhằm giúp không khí trong lành hơn. Điều này giúp Ford có động lực nghiên cứu một mẫu xe điện với kích thước tương đương Ford Falcon và có phạm vi hoạt động lên đến 132 km trong một lần sạc vào năm 1966.
“Ford đã thực hiện một bước đột phá lớn trong việc nghiên cứu hệ thống pin”, tờ Wall Street Journal đưa tin vào tháng 10/1966. Hãng xe Mỹ tuyên bố rằng hệ thống pin mới sử dụng công nghệ natri-lưu huỳnh có khả năng lưu trữ năng lượng gấp 15 lần so với công nghệ axit chì. Trong một buổi họp báo vào ngày 3/10 cùng năm, các quan chức Ford cho biết công nghệ pin mới sẽ giải quyết vấn đề về phạm vi hoạt động hạn chế, đồng thời mang lại khả năng tăng tốc tốt hơn so với xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống.
Ford đã bắt đầu thử nghiệm mẫu xe điện thương mại với động cơ được gắn ở các bánh xe vào năm 1968. Nhưng thay vì giới thiệu một mẫu xe điện 5 chỗ ngồi như Falcon, tháng 6/1967 Ford đã ra mắt mẫu xe điện Comuta với chiều dài chỉ bằng một nửa so với một mẫu sedan thông thường.
Ford Comuta chỉ có chiều dài bằng một nửa so với một chiếc sedan thông thường.
Được chế tạo tại Anh, Ford Comuta sử dụng hệ thống pin 12V, mang đến phạm vi hoạt động khoảng 65 km và tốc độ tối đa khoảng 56 km/h. Tại buổi ra mắt, Ford mạnh mẽ tuyên bố xe điện sẽ trở nên phổ biến trong vòng 10 năm tới.
Nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Ford không thể hiện được sự tiến bộ với xe điện. Năm 1976, Thomas J. Feaheny, Phó Chủ tịch Phụ trách Nghiên cứu Hệ thống Truyền lực của Ford cho biết: “Tôi bi quan về tương lai xe điện sẽ xuất hiện nhan nhản trên đường phố trong tương lai gần”.
Thiên thời, địa lợi nhưng không đạt được nhiều thành tựu nổi bật
Video đang HOT
Sau khi chính quyền bang California khắt khe hơn về các quy định không phát thải vào năm 1996, Ford cần sản xuất và bán ít nhất vài nghìn chiếc xe điện vào năm 2003. Chính vì thế mà mẫu sedan thuần điện Think City và mẫu xe bán tải thuần điện Ford Ranger EV ra đời.
Năm 1999, Ford đã chi 23 triệu USD để mua lại Think Global, một hãng xe có trụ sở tại Na Uy, vốn đã phát triển một chiếc xe điện với phần thân bằng nhựa, khối lượng nhẹ từ năm 1991. Sau khi đầu tư thêm 100 triệu USD vào việc phát triển hệ thống pin, Ford đã bắt đầu sản xuất Think City vào tháng 11 cùng năm.
Think City.
Mẫu xe hai chỗ ngồi có phạm vi hoạt động khoảng 85 km và tốc độ tối đa là 89 km/h. Ford cũng đã ra mắt Think Neighbor, một mẫu xe chạy điện hoàn toàn giống xe golf với tốc độ tối đa 40 km/h.
Tương tự mẫu Honda EV Plus, Ford chỉ cho phép thuê Think City với hợp đồng thuê 34 tháng, cùng với số tiền 199 USD/tháng. Ford từng tham vọng đạt doanh số cho thuê khoảng 5.000 chiếc nhưng Think City nhưng chỉ tìm được khoảng 1.000 khách hàng.
Tim Holmes, người phát ngôn của Ford cho biết: “Chúng tôi không tin rằng đây là tương lai ngành công nghiệp ôtô”. Đến tháng 8/2002, Ford từ bỏ việc duy trì mẫu xe này và bán bộ phận Think.
Về phần mẫu xe bán tải thuần điện Ford Ranger EV, xe được chế tạo từ năm 1998 đến năm 2002 với sự hỗ trợ từ Think. Mẫu xe này được chuyển đổi từ mẫu Ford Ranger XL 4X2 Regular Cab sử dụng động cơ 4 xi-lanh.
Giá bán khởi điểm của Ford Ranger EV vào khoảng 52.720 USD, nhưng Ford đã cung cấp thêm chương trình cho thuê 3 năm với giá cả phải chăng, nhằm đưa mẫu xe này vào đội xe của chính phủ.
Ranger EV sử dụng pin axit chì trong năm đầu tiên sản xuất trước khi chuyển sang sử dụng hyđrua kim loại niken. Bộ pin làm từ niken 26 kWh cung cấp phạm vi hoạt động khoảng 130 km. Tuy nhiên mẫu xe bán tải thuần điện gặp phải một số vấn đề về chất lượng, điển hình như việc giảm phạm vi hoạt động sau khi vận hành khoảng 40.000 km.
Ngay sau khi chính quyền bang California không còn mặn mà với các quy định không phát thải vào năm 2003, Ford đã chấm dứt hợp đồng cho thuê Ranger EV. Chỉ có 1.500 chiếc Ranger EV được sản xuất trong 4 năm đó. Ford đã lấy lại hầu hết xe và mang đi tiêu hủy.
Chạy đua với xu hướng nhưng vẫn nhận trái đắng
Thành công ngoài mong đợi của Toyota Prius vào những năm 2000 khiến đây được xem là thập kỷ của xe hybrid. Điều này khiến nhiều nhà sản xuất ôtô một lần nữa đặt câu hỏi liệu hệ thống pin có giá cả phải chăng và đủ mạnh cho một mẫu xe thuần điện hay không. Ford đã nỗ lực chuyển sang phát triển xe hybrid, một cách tiếp cận an toàn với dải sản phẩm hiện tại của hãng.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Ford đã có thời điểm tốt để thúc đẩy xe điện, vốn được chính quyền Tổng thống Barack Obama khuyến khích. Hãng đã ra mắt mẫu xe Focus Electric, sử dụng nền tảng của Focus tại Triển lãm Frankfurt Motor Show vào năm 2009. Đây được xem là hướng đi khôn ngoan khi Focus được xem là một trong những mẫu xe nhỏ tốt nhất. Xe chính thức được sản xuất vào năm 2011, sử dụng hệ thống pin 23 kWh, mang đến phạm vi hoạt động lên đến 122 km.
Thời điểm mới ra mắt, Focus Electric là mẫu xe thuần điện duy nhất sở hữu ngoại thất và cảm giác lái tương tự một mẫu xe bình thường, khác biệt so với những mẫu xe điện khác như Nissan LEAF thế hệ đầu tiên và Mitsubishi i-MiEV. Ngoài ra, Focus Electric mang đến cảm giác lái phấn khích nhờ vào khối động cơ 134 mã lực. Hệ thống làm mát pin bằng chất lỏng đảm bảo phạm vi hoạt động tối đa và tuổi thọ pin ổn định quanh năm.
Khuyết điểm lớn nhất của Ford Focus Electric là thiếu không gian chở hàng. Sở dĩ đây thực chất là một mẫu xe thuần điện được chuyển đổi từ một mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong nên không được tối ưu trong việc lắp ráp. Hệ thống pin dưới gầm xe làm giảm đến 39% không gian chở hàng, xuống chỉ còn 410.5L.
Giá khởi điểm ban đầu của Focus Electric là 39.995 USD. Vào năm 2013, để duy trì doanh số bán hàng, Ford đã giảm giá 4.000 USD và ưu đãi cho đại lý thêm 6.000 USD, khiến giá bán thực tế của mẫu xe này chỉ còn 29.200 USD. Đến năm 2014, 29.200 USD trở thành giá bán tiêu chuẩn của mẫu xe này.
Nhiều tháng trước khi Focus Electric được bán ra thị trường, Giám đốc Điều hành Ford Alan Mulally đã đánh giá thấp khả năng tồn tại của xe điện. “Cơ sở hạ tầng vẫn chưa có, hơn nữa đây là những mẫu xe rất đắt tiền vì hệ thống pin và đồ điện tử rất đắt”, ông nói với Newsweek bên lề Triển lãm Detroit Motor Show 2012.
Thậm chí mặc dù đã tăng dung lượng của hệ thống pin lên 33,5 kWh vào năm 2017, mang đến phạm vi hoạt động lên đến 185 km, Focus Electric không tránh khỏi việc bị khai tử. Tháng 4/2018, hãng xe Mỹ chính thức khai tử mẫu xe này cùng hàng loạt mẫu xe khác, chốt doanh số 9.300 chiếc.
Ngoài những mẫu xe trên, Ford còn phát triển thêm một số mẫu xe điện khác nhưng vòng đời khá ngắn. Năm 2010, Ford đã xuất xưởng khoảng vài trăm xe giao hàng Transit Connect, vận hành chạy hoàn toàn bằng điện. Hãng cũng đã thử nghiệm phiên bản plug-in hybrid của mẫu xe Escape. Vào năm 2011, hãng ra mắt concept plug-in hybrid GT Ford Evos với thiết kế khá độc đáo.
Các mẫu xe plug-in hybrid thương mại thành công nhất của hãng xe Mỹ là Ford C-Max Energi và Ford Fusion Energi. Fusion Energi là mẫu xe duy nhất còn tồn tại cho đến nay.
C-Max được ra mắt vào năm 2012. Mẫu xe này chỉ có hai phiên bản hybrid và plug-in hybrid, với phạm vi hoạt động khi vận hành hoàn toàn bằng điện đạt 32 km cùng công suất lên đến 188 mã lực. Khuyết điểm lớn nhất của C-Max nằm ở kích thước nhỏ gọn, vốn chỉ phù hợp với những khách hàng tại châu Âu, không phải là thị hiếu của người tiêu dùng tại Mỹ, những người thích các mẫu xe kích thước to lớn. Hơn nữa đối thủ cùng phân khúc Chevrolet Volt lại cung cấp phạm vi hoạt động tốt hơn.
Ford C-Max Energi.
Vào năm 2013, nhiều khiếu nại cáo buộc Ford quảng cáo quá mức về khả năng tiết kiệm của C-Max Hybrid. Theo Ford, mẫu xe này đạt mức tiêu hao nhiên liệu vào khoảng 5.0L/100 km. Hãng xe Mỹ sau đó đã phải chỉnh sửa thông số này hai lần trong năm 2014, lên 5.9L/100 km.
C-Max đã có vài năm sở hữu doanh số bán hàng khá, nhưng luôn đứng sau Chevrolet Volt và Toyota Prius Plug-in Hybrid. Đến tháng 11/2017, Ford khai tử mẫu xe này.
Ford Fusion Energi.
Người tiêu dùng đã cởi mở hơn với Fusion Energi plug-in hybrid như một mẫu sedan cỡ trung với cốp đựng đồ truyền thống. Mẫu xe này được xếp hạng là mẫu xe plug-in hybrid phổ biến thứ 6 trong năm 2018, sau Toyota Prius Prime, Honda Clarity PHEV, Chevrolet Volt và BMW 530e.
Thành công khi phát triển Ford F-150 Lightning
Tháng 5/2021, hãng xe Mỹ chính thức giới thiệu mẫu xe bán tải thuần điện Ford F-150 Lightning. Đây cũng là mẫu xe đầu tiên trong dòng bán tải F-Series được trang bị hệ thống treo độc lập dành cho cầu sau, vốn sẽ tăng khả năng ổn định khi vận hành cũng như cải thiện khả năng đánh lái. Xe có khả năng chuyên chở hàng hóa có khối lượng lên đến 900 kg và khả năng kéo tải lên đến 4,5 tấn.
Phiên bản tiêu chuẩn có khả năng di chuyển với quãng đường tối đa 370 km. Khách hàng cũng có thể lựa chọn nâng cấp hai bộ pin điện lithium-ion với quãng đường có thể di chuyển tối đa 480 km trong một lần sạc.
Tùy theo phiên bản mà F-150 Lightning được trang bị hệ thống sạc điện xoay chiều khác nhau. Phiên bản tiêu chuẩn sẽ được trang bị bộ sạc đơn với công suất 11,3 kW, trong khi phiên bản nâng cấp sẽ có bộ sạc đôi công suất 19,2 kW.
Ford cũng phát triển thêm hệ thống dự trữ nguồn điện Intelligent Backup Power trên F-150 Lightning. Khách hàng có thể sử dụng nguồn điện của xe nhằm phục vụ cho các mục đích sinh hoạt khi xảy ra tình trạng mất điện trên diện rộng.
Xe có khả năng tăng tốc 0-100 km/h trong 4,5 giây, với tổng công suất lên đến 563 mã lực và mô men xoắn 1.054 Nm. Trong khi đó phiên bản tiêu chuẩn có công suất tối đa 426 mã lực và mô men xoắn 1.054 Nm.
F-150 Lightning cũng là phiên bản F-150 đầu tiên được trang bị hệ thống giải trí SYNC4A mới nhất của Ford. Nằm ở trung tâm khoang nội thất là màn hình giải trí cảm ứng kích thước 15,5 inch nằm dọc.
Bên cạnh đó, F-150 Lightning cũng được trang bị đầy đủ các tính năng tiện nghi khác như ra lệnh bằng giọng nói, hệ thống định vị kết nối đám mây, kết nối Apple Carplay và Android Auto không dây, và khả năng cập nhật phần mềm qua mạng không dây…
Tính đến thời điểm cuối tháng 8/2021, Ford cho biết đã nhận được hơn 150.000 đơn đặt hàng cho F-150 Lightning. Hiện tại, thương hiệu Blue Oval đã tạm dừng nhận đặt cọc mẫu xe này ở con số 200.000 đơn đặt hàng.
Định hướng trong tương lai của Ford
Tháng 12/2015, Ford tuyên bố đầu tư 4,5 tỷ USD vào các giải pháp điện khí hóa, bao gồm xe hybrid, xe plug-in hybrid, xe điện, xe tự lái và tất cả các loại dịch vụ di chuyển.
Tháng 12/2017, hãng xe Mỹ cho biết việc sẽ thành lập một bộ phận mới có tên là Team Edison để thiết kế và sản xuất xe điện và xe tự lái trong một nhà máy cũ rộng 4.180 mét vuông của Ford ở trung tâm thành phố Detroit, bang Michigan.
Darren Palmer, Giám đốc Phát triển Xe điện của Ford còn hào hứng chia sẻ ông và các cộng sự đã được tiếp thêm năng lượng khi Ford quyết định đầu tư 11 tỷ USD để sản xuất 16 mẫu xe điện vào năm 2022, nhắm đến thị trường Trung Quốc.
Vào tháng 5/2021, Giám đốc Điều hành của Ford, Jim Farley đã giới thiệu kế hoạch Ford . Thay vì một, Ford giờ đây sẽ có 2 thương hiệu riêng biệt nhưng phụ thuộc lẫn nhau là Ford Blue và Ford Model e. Ngoài ra hãng cũng lập ra bộ phận kinh doanh mới là Ford Pro.
Theo đó, hai thương hiệu mới của hãng tập trung vào các thế mạnh riêng, Ford Blue chịu trách nhiệm sản xuất các mẫu xe động cơ đốt trong, còn các mẫu xe điện của hãng thuộc Ford Model e.
Tháng 8/2021, Ford công bố bổ sung 250 triệu USD vào gói đầu tư cho xe điện và mở rộng sản xuất, đưa tổng số tiền được hãng xe Mỹ rót vào nhà máy ở bang Michigan từ năm 2016 lên thành 7,7 tỷ USD.
Khoản tiền mới không chỉ tạo ra thêm khoảng 450 việc làm mới mà còn giúp Ford đẩy nhanh tiến độ trong kế hoạch đạt sản lượng 160.000 chiếc F-150 Lightning hàng năm kể từ năm 2025.
Hãng xe Mỹ cũng đã tăng gấp đôi kế hoạch ban đầu cho năm 2023 và bày tỏ khát vọng sản xuất đến 600.000 chiếc xe điện. Tính đến nay, Ford đã cam kết đầu tư đến 50 tỷ USD cho mảng xe điện.
Có thể nói Ford đã rất sớm tham gia vào cuộc chơi xe điện, nhưng những thành công mang lại chưa thật sự rõ nét. Cuộc chiến tương lai hứa hẹn sẽ rất khốc liệt khi cả các hãng xe kỳ cựu lẫn các thương hiệu hoàn toàn mới đã sẵn sàng tăng tốc.
Xe điện thương hiệu Việt bán tại Israel
Xe điện của VinFast sẽ có mặt tại thị trường Israel thông qua đối tác phân phối B-EV Motors. Hãng xe Việt nhận đặt chỗ các mẫu xe VF 8 và VF 9 tại thị trường này vào Quý IV năm nay.
B-EV Motors được sáng lập và điều hành bởi các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong ngành ô tô. Công ty cũng được hậu thuẫn bởi các chuyên gia công nghệ và mạng lưới đối tác của Novard - một trong những tổ chức quản lý các dự án quốc tế, xã hội và kinh doanh uy tín ở Trung Đông và châu Âu.
Dự kiến, tại thị trường Israel, VinFast sẽ nhận đặt chỗ các mẫu xe VF 8 và VF 9 vào Quý IV năm 2022. Đặc biệt, chính sách bảo hành hấp dẫn lên tới 10 năm hoặc 200.000 km đầu tiên sẽ được hãng tiếp tục áp dụng cho các xe điện bán ra tại thị trường này.
Xe VinFast bán tại thị trường Israel
Theo bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Tổng Giám đốc VinFast toàn cầu: "Israel là điểm đến tiếp theo trong hành trình của VinFast. B-EV Motors sẽ cùng chúng tôi đặt nền móng vững chắc cho sự hiện diện của VinFast tại thị trường này. Chúng tôi cùng chia sẻ tầm nhìn về di chuyển điện hóa - giao thông phải xanh hơn, thông minh hơn".
Israel đang sở hữu động lực mạnh mẽ trong việc phát triển di chuyển điện hóa nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030, 100% xe bán ra trên thị trường là xe điện.
Với các lợi thế sẵn có về hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông hoàn thiện, giá điện thấp, nền tảng kỹ thuật công nghệ tiên tiến, đây là thị trường lý tưởng để VinFast nhanh chóng thúc đẩy phát triển kinh doanh các sản phẩm xe điện, gia tăng sự hiện diện của thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Apple có thể ra mắt xe hơi vào năm 2025 Apple đã thuê Desi Ujkashevic, cựu giám sát kỹ thuật xe của Ford để tham gia vào dự án Apple Car. Những tin đồn về Apple Car đã rộ lên cách đây vài năm, nhưng sau đó công ty gần như đã hoàn toàn im lặng về dự án này. Dù vậy, với việc lấy nhân sự quan trọng của Ford, tiến độ...