Cuộc chiến nước ở Himalaya
Một kịch bản tệ hại hơn nhiều cuộc khủng hoảng tị nạn ở châu Âu có thể xuất hiện nếu các sông băng ở Himalaya bị tổn hại
Trong kỷ nguyên của sự bất ổn toàn cầu này, nguy cơ xảy ra khủng hoảng và xung đột càng tăng bởi tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, sự quản lý tài nguyên thiên nhiên kém cỏi và những triển vọng kinh tế hạn chế đe dọa sinh kế của các cộng đồng.
Dãy núi Himalaya là nơi đang được theo dõi về những nguy cơ nêu trên. Tình trạng thiếu hụt nước và những thay đổi bất ngờ về khí hậu ảnh hưởng đến nông nghiệp đang dẫn đến căng thẳng giữa những quốc gia có chung biên giới phức tạp và hệ sinh thái xuyên biên giới. Những sông băng trên dãy Himalaya nằm trong số các hệ sinh thái mong manh và dễ bị tổn thương nhất thế giới hiện nay.
Các hệ thống sông ngòi của Trung Quốc, Đông Á và Đông Nam Á – chảy từ các sông băng Himalaya này – là nguồn cung cấp nước và thực phẩm cho một nửa nhân loại, trong lúc chia sẻ hệ sinh thái với Trung Á và các thảo nguyên ở Mông Cổ. Các nơi này cũng nằm trong số những khu vực phát triển kém nhất về kinh tế và thu hút đầu tư. Tầm quan trọng của việc ngăn ngừa khủng hoảng thông qua cả đối thoại và hành động vừa cấp bách vừa cần thiết, trong đó tập trung vào vấn đề giảm bớt tình trạng gián đoạn khí hậu, bảo vệ môi trường và văn hóa các cộng đồng ở thượng nguồn, hạ nguồn.
Châu Âu thời gian qua đã chứng kiến dòng người tị nạn lớn nhất kéo đến kể từ Thế chiến II. Một kịch bản tệ hại nhiều hơn thế có thể xuất hiện nếu các sông băng và hệ sinh thái vùng Himalaya Hindu-Kush (trải dài 3.500 km qua 8 quốc gia, từ Afghanistan ở phía Tây đến Myanmar ở phía Đông) bị tổn hại nghiêm trọng hoặc xảy ra những thảm họa ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống con người. Riêng mùa mưa năm nay, lụt lội đã khiến số lượng người khổng lồ ở Pakistan, Nepal và Bangladesh phải rời bỏ nhà cửa.
Với những nguy cơ tổn thương ngày càng tăng này, đã đến lúc cần có một hướng tiếp cận sáng tạo nhằm ngăn chặn, giảm nhẹ khủng hoảng và hóa giải xung đột. Hướng tiếp cận này cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm, thiết lập hệ thống cảnh báo sớm, tạo điều kiện thuận lợi để hóa giải xung đột – tất cả được hỗ trợ bởi những phương thức phân tích dữ liệu hiện đại.
Người dân dùng nước sinh hoạt tại ngôi làng Samzong ở Nepal Ảnh: WAFMAG.ORG
Sáng kiến Himalayan Consensus (tạm dịch: “Đồng thuận Himalaya”) ra đời nhằm ngăn chặn xung đột và khủng hoảng bằng cách tăng cường phát triển nguồn năng lượng thay thế và thăm dò những giải pháp năng lượng hiệu quả cho cộng đồng. Điều này sẽ đạt được thông qua giải quyết các thách thức nguồn nước xuyên biên giới, cùng với xử lý vấn đề bảo tồn, tái sử dụng và tái chế nước. Việc sử dụng sáng tạo nguồn tài chính toàn cầu cũng là thành phần thiết yếu đối với khả năng phục hồi và tính bền vững của cộng đồng.
Video đang HOT
Hôm 14-11, Viện Himalayan Consensus và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Nepal đã thiết lập quan hệ đối tác để thực hiện Sáng kiến Himalayan Consensus về giảm nhẹ khủng hoảng và xung đột. Những tác động từ sáng kiến này có khả năng vượt qua ngoài biên giới Nepal. Người ta hình dung rằng các chương trình tương tự có thể được thực thi khắp thế giới đang phát triển trong nỗ lực giải quyết gốc rễ của xung đột.
Viện Himalayan Concensus tham gia cùng UNDP trong việc thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc. Cả hai tổ chức này đều nhận thấy rằng những thách thức, nguy cơ và giải pháp cần thiết để giảm nhẹ khủng hoảng, xung đột đòi hỏi một phương thức tiếp cận đa ngành mang tính tổng thể, dựa vào cộng đồng và bền vững. Để làm được điều này, quan trọng là cân bằng 3 khía cạnh phát triển bền vững: kinh tế – xã hội và môi trường.
Sáng kiến chung này sẽ tập trung phát triển những hệ thống cảnh báo sớm để giúp các chính phủ, cộng đồng chuẩn bị tốt hơn cho tình huống khẩn cấp; huấn luyện những người hòa giải ở địa phương dựa trên nguyên tắc cộng đồng là những người biết rõ nhất; tổ chức các cuộc hội thảo để các bên tham gia hiểu nhau rõ hơn và xác định những giải pháp có thể được tất cả chấp nhận.
Sáng kiến Himalayan Consensus để giảm nhẹ khủng hoảng và xung đột cũng phù hợp và đóng góp vào Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hiệp Quốc về phát triển bền vững. Đây là kế hoạch hành động của Liên Hiệp Quốc dành cho con người, hành tinh và sự thịnh vượng. Xung đột có thể được giảm bớt bằng cách chấp nhận những khác biệt, sự đa dạng và gắn kết chúng với việc bảo vệ sinh kế, môi trường.
Người ta tin rằng xung đột phát sinh khi quyền lợi kinh tế và con người không được xem trọng. Sự coi thường này nếu trở nên cực đoan và không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến sự quá khích về chính trị. Một lần nữa, giải pháp dài hạn ở đây là hiểu rõ và giải quyết gốc rễ vấn đề.
Theo Ngô Sinh
Người lao động
ASEAN 31: Đạt được nhiều bước tiến lớn
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN, các nhà lãnh đạo của 10 nước Đông Nam Á và Trung Quốc đã đồng ý khởi động quá trình đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Đây được xem là mốc quan trọng nhất của các nước ASEAN và Trung Quốc (TQ) suốt 15 năm qua trong việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông, theo Reuters.
Bước tiến mới của COC
Đề cập đến vấn đề biển Đông, bản dự thảo tuyên bố của chủ tịch ASEAN được Philippines đưa ra khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). "Điều quan trọng là chúng ta cần phải hợp tác để duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải trên biển Đông theo luật pháp quốc tế. Đó là mối quan tâm chung nhằm tránh các động thái sai lầm có thể dẫn tới leo thang căng thẳng" - hãng tin Philstar ngày 14-11 trích dẫn bản dự thảo cho biết. Cùng với đó, các nước cũng cam kết "tiếp tục thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)" được ASEAN và TQ ký kết vào năm 2002.
"Các lãnh đạo của ASEAN và lãnh đạo TQ đã đồng ý khởi động quá trình đàm phán chính thức về Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), dựa trên bộ khung đã được các nước thông qua hồi tháng 8" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Robespierre Bolivar nói hôm 13-11. Ông Bolivar không tiết lộ thời gian cụ thể nhưng cho biết có khả năng các cuộc đàm phán COC sẽ bắt đầu trong năm tới. Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano trước đó cho biết các cuộc đàm phán về COC sẽ bao gồm những thảo luận về vấn đề bảo tồn sinh vật biển, vấn đề tiếp cận với ngư dân cũng như các khu vực biển tranh chấp.
Ngoài việc đồng ý khởi động đàm phán COC, phát ngôn viên tổng thống Philippines, ông Harry Roque, cũng cho biết Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-TQ đã đưa ra các tuyên bố chung về việc thúc đẩy hợp tác chống tham nhũng, phát triển du lịch và kết nối cơ sở hạ tầng giữa ASEAN và TQ.
Lãnh đạo các quốc gia ASEAN chụp ảnh bắt tay khai mạc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 31 và các hội nghị thượng đỉnh liên quan, diễn ra trong hai ngày 13 và 14-11 tại thủ đô Manila, Philippines. Ảnh: AFP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 31 và các hội nghị liên quan. Ảnh: CP
Tăng cường hợp tác kinh tế
Phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN 3 lần thứ 20 ở Manila, các lãnh đạo của khối ASEAN và ba quốc gia đối tác là TQ, Hàn Quốc và Nhật Bản ngày 14-11 đã kêu gọi tăng cường sự hợp tác về kinh tế và hội nhập khu vực trong bối cảnh sự phát triển của chủ nghĩa bảo hộ trên toàn thế giới. "Tôi hy vọng thông qua hội nghị thượng đỉnh này, các nước có thể đạt được sự đồng thuận và gửi đi một tín hiệu tích cực rằng việc hội nhập khu vực và thúc đẩy cộng đồng kinh tế Đông Á nhằm phục vụ lợi ích của người dân và các nước trong khu vực" - Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường phát biểu.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng kêu gọi các nước "cùng nhau tạo lập một tầm nhìn cho sự hòa bình, thịnh vượng và tiến bộ của cộng đồng Đông Á". Cùng quan điểm trên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi các nước hợp tác tài chính để củng cố nền kinh tế trong khu vực. "Nhằm tăng cường sự phát triển của các nền kinh tế trong khu vực, giảm bớt tình trạng dễ bị tổn thương, duy trì và củng cố hệ thống thương mại tự do, mối quan hệ hợp tác tài chính của khối ASEAN 3 cần phải được vững chắc hơn nữa" - ông Abe nhấn mạnh.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 14-11 cũng khẳng định với tư cách là chủ tịch ASEAN kỳ kế tiếp vào năm 2018, Singapore sẽ cố gắng hết sức để tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa ASEAN với ba quốc gia TQ, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như tiếp tục những nỗ lực để đạt được mục tiêu lâu dài là xây dựng cộng đồng Đông Á.
Tổng thống Mỹ đánh giá cao thành quả công du châu Á
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 14-11 tự hào tuyên bố ông đã thu được những thành quả to lớn sau chuyến công du đến các nước châu Á vừa qua, cũng như việc các quốc gia đã nhận thức được rằng Mỹ sẽ thay đổi điều kiện trong các thỏa thuận thương mại. "Tất cả quốc gia có trao đổi thương mại với Mỹ đã hiểu rằng các quy tắc thương mại đã thay đổi. Nước Mỹ phải được đối xử công bằng và theo nguyên tắc hai bên. Thâm hụt thương mại khổng lồ phải giảm một cách nhanh chóng" - ông Trump viết trên trang mạng xã hội Twitter.
Phát biểu trước các PV tại Manila, ông Trump cũng khẳng định Mỹ luôn mở rộng cửa với các thỏa thuận thương mại nhưng các thỏa thuận này phải tuân theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. "Chúng tôi muốn Mỹ có các giao dịch thương mại công bằng" - Tổng thống Mỹ tuyên bố ngày 14-11 trước khi chính thức kết thúc chuyến công du dài "kỷ lục" thăm năm nước châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, TQ, Việt Nam và Philippines.
____________________________
Chúng tôi hy vọng các cuộc đàm phán về quy tắc ứng xử sẽ thúc đẩy sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau giữa các nước. Chúng tôi sẽ phấn đấu thực hiện các thỏa thuận nhằm đạt được sự nhất trí về việc sớm thực hiện bộ quy tắc ứng xử.
Ông Lý Khắc Cường, Thủ tướng Trung Quốc, nói về bước tiến mới trong quá trình xây dựng COC
Theo An Miên
Pháp luật TP. HCM
Quốc gia Đông Nam Á sẵn sàng đem quân đến điểm nóng Jerusalem Quốc gia này tuyên bố sẵn sàng đem quân đến thành phố Jerusalem ở Israel để đáp trả tuyên bố hồi tuần trước của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Binh sĩ quân đội Malaysia. Theo CNBC, đây là tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein trước những diễn biến căng thẳng mới nhất liên quan đến Vùng đất Thánh Jerusalem....