Cuộc chiến lớn có thể nổ ra do Nga, Trung quá tự tin?
Các chiến lược gia quân sự phương Tây đang nghiên cứu khả năng xảy ra và biện pháp ngăn chặn cuộc chiến giữa các cường quốc thế giới.
Mặc dù phương Tây vẫn chưa quên trải nghiệm về cuộc đối đầu Chiến tranh lạnh với Moscow, các quan chức phương Tây cho rằng việc Nga sát nhập bán đảo Crimea đã khiến các quốc gia NATO đưa ra các giả thuyết chiến lược và nghiên cứu về nguy cơ diễn ra các cuộc chiển tranh truyền thống và hạt nhân.
Các điểm nóng có nguy cơ xung đột
Vào cuối tháng 3, hầu hết các quốc gia NATO – trừ các thành viên phía đông như các quốc gia Baltic từ lâu lo ngại về Moscow – vẫn cho rằng châu Âu không gặp mối đe dọa lớn nào.
Mặc dù rất ít nhà phân tích cho rằng Nga sẽ tấn công thành viên của NATO, tuy nhiên các quan chức phương Tây cho rằng để phòng ngừa, họ cần nghiên cứu và lên kế hoạch cho tình huống đó.
Mối đe dọa đối với các đồng minh của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương từ một Trung Quốc lớn mạnh hơn cũng khiến các nhà hoạch định quân sự suy nghĩ về cách kiềm chế các rủi ro nhằm đảo bảomột cuộc xung đột cấp khu vực không lan tràn ra qui mô toàn cầu.
Mỹ gửi quân đến tập trận ở Ba Lan do căng thẳng ở Ukraine tăng cao.
Trong một bài phát biểu về chính sách ngoại giao tại học viện quân sự West Point, New York ngày 28/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ yếu nói về mục tiêu chống khủng bố và tình hình Afghanistan sau khi quân Mỹ rút lui. Tuy nhiên, ông Obama nhấn mạnh rằng mặc dù rủi ro từ các quốc gia khác đang không nghiêm trọng như khi thời kỳ trước khi bức tường Berlin sụp đổ (Chiến tranh lạnh) nhưng chúng vẫn tồn tại.
“Sự hiếu chiến trong khu vực diễn ra mà không có bị kiềm chế, bất kể ở nam Ukraine hay trên Biển Đông hay ở bất kỳ đâu trên thế giới sẽ tác động tới các đồng minh của Mỹ và có thể quân đội Mỹ bị lôi kéo tham gia”, ông nói với các học viên tốt nghiệp của học viện này.
Căng thẳng với Moscow và Bắc Kinh đã gia tăng nhanh hơn bất kỳ ai ở Washington có thể tưởng tượng.
Tại Đối thoại Shangri-La 13, Washington và Bắc Kinh cho thấy khoảng cách ngày càng lớn giữa hai bên về các vấn đề từ tranh chấp hàng hải cho tới an ninh mạng.
Trong những tuần vừa qua, chính quyền Obama đã trấn an các đồng minh và đưa ra tín hiệu cho các đối thủ của nước này về các “ranh giới đỏ” đối với Washington.
Washington có thể không can thiệp quân sự vào Ukraine, tuy nhiên nếu quốc gia nào tấn công thành viên NATO hay đồng minh của Mỹ ở châu Á như Nhật Bản, Philippines hay Australia, quân đội Mỹ có thể sẽ phải can thiệp, Những nghĩa vụ mà Mỹ phải tuân thủ theo hiệp ước không phải là điều mới mẻ, tuy nhiên các quan chức nước này nói rằng điều quan trọng là phải làm rõ rằng các nghĩa vụ được Mỹ rất coi trọng.
Các quan chức này cho biết họ hi vọng hiệp ước sẽ giúp làm giảm nguy cơ xảy ra 1 cuộc chiến tranh ngoài ý muốn khi một quốc gia có các hành động sai trái và cho rằng các cường quốc khác sẽ không đáp trả.
“Giới lãnh đạo Nga và Trung Quốc không muốn chiến tranh và Mỹ lại càng không muốn”, cựu Thứ trưởng quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks nhận xét.
“Mối lo ngại thực sự là sự tính toán sai lầm”, ông cho biết.
Một cuộc chiến lớn
100 năm sau khi Chiến tranh thế giới I bắt đầu, các cuốn sách về giai đoạn lịch sử này đang ngày càng trở nên phổ biến ở Washington, Nhà Trắng và trụ sở NATO và nguyên nhân không phải là niềm yêu thích đối về lịch sử.
Vào tháng 6/1914, việc Thái tử Áo Archduke Franz Ferdinand bị một người Serbia có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ám sát đã khơi mào Chiến tranh thế giới I chỉ trong vòng 1 tháng.
Video đang HOT
100 năm sau Thế chiến I, Mỹ và đồng minh đang rút kinh nghiệm từ cuộc chiến này để tránh xảy ra các cuộc chiến khác cùng tầm cỡ.
Các chuyên gia cho rằng hiện nay, xung đột có thể bắt nguồn từ các điểm nóng như Biển Đông, từ mâu thuẫn sắc tộc tại các quốc gia thuộc Liên Xô cũ ở sát Nga hay từ một vụ tấn công mạng.
Ngay cả khi Washington trấn an các đồng minh, Moscow và Bắc Kinh vẫn dùng sức mạnh để “bắt nạt” các quốc gia không phải đồng minh hiệp ước với Mỹ như Ukraine và Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng rủi ro bắt nguồn từ việc hai quốc gia trên có thể sẽ trở nên quá tự tin và tính toán sai lầm.
“Chắc chắn sẽ là nói quá nếu chúng ta cho rằng tình hình hiện nay giống năm 1914. Tuy nhiên, giai đoạn lịch sử đó là bằng chứng cho thấy chiến tranh có thể bắt đầu từ những tình huống vô tình và ngay cả sự lệ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các nước cũng chưa chắc đã ngăn cản chiến tranh xảy ra”, giáo sư Nikolas Gvosdev của Đại học Hải quân Mỹ nhận xét.
Cũng như vào năm 1914, không ai thực sự biết một cuộc chiến tranh hiện đại qui mô lớn sẽ như thế nào. Mặc dù giới hoạch định chiến lược quân sự giả định rằng nếu chiến tranh xảy ra, đó sẽ là một cuộc chiến thông thường; tuy vậy, các cường quốc hạt nhân vẫn giữ kịch bản cho một cuộc chiến tranh hạt nhân, vẫn có danh sách các mục tiêu sao cho cả hai bên đều bị phá hủy bởi vũ khí hạt nhân.
Một số chuyên gia cho rằng các cuộc chiến tranh mạng cũng có thể có mức độ phá hủy không thua kém và có thể gây ra những hậu quả lớn đối với thương mại toàn cầu do các quốc gia có mối liên hệ kinh tế chặt chẽ nhất từ trước tới nay.
Như vậy, một cuộc chiến lớn có thể hoàn toàn nổ ra do một tính toán sai lầm. Để phòng ngừa các tính toán sai lầm có thể làm leo thang căng thẳng, việc duy trì các kênh thông tin giữa các cường quốc là điều cần thiết. Trong khi đó, một số hệ thống giúp phòng ngừa xung đột có vẻ đang bắt đầu suy yếu.
Sự liên kết yếu ớt giữa các cường quốc
Các quan chức Mỹ đã bắt đầu một chiến dịch xây dựng các kênh thông tin chính thức và không chính thức với Bắc Kinh, lập đường dây nóng và xây dựng các quy trình hành động với Nga.
Trong thời gian qua, Moscow và Washington đã sử dụng các hệ thống đó để thông báo cho nhau về các vụ thử tên lửa hay các chuyến bay do thám của nước này vào lãnh thổ của nước kia.
Tuy nhiên, trong năm 2014, các kênh thông tin liên lạc giữa phương Tây và Nga đã suy yếu sau khi các quốc gia NATO hủy các cuộc hội đàm và trao đổi quân sự với Moscow để phản đối việc Nga sát nhập bán đảo Crimea.
Tàu chiến USS Cowpens của Mỹ từng suýt va chạm với tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông.
Các kênh kết nối của Mỹ với Trung Quốc cũng suy giảm, đặc biệt sau khi Washington truy tố 5 quan chức Trung Quốc vì đánh cắp bí mật thương mại, một tội danh Bắc Kinh phủ nhận.
Hồi tháng 1/2014, tàu chiến Mỹ và Trung Quốc suýt đâm phải nhau, Nga tập trận giả định tấn công một tàu khu trục Mỹ trên Biển Đen hồi tháng 4 và các cuộc đối đầu giữa máy bay ném bom tầm xa và các loại máy bay quân sự khác. Các chuyên gia cho rằng những vụ việc trên cho thấy nguy cơ xung đột.
Cuối tháng 5, Nhật Bản và Trung Quốc cáo buộc lẫn nhau có các hành động “nguy hiểm” hay “đi quá giới hạn” sau khi máy bay chiến đấu của hai nước cách nhau chỉ vài chục mét.
Thách thức đối với phương Tây là cả Nga và Trung Quốc đều biết rằng Washington muốn tránh để nhiều cuộc xung đột xảy ra cùng một lúc.
Các lực lượng Mỹ trải rộng ở khắp nơi trên thế giới trong khi Moscow và Bắc Kinh dù với năng lực quân sự tổng thể yếu hơn nhưng lại chỉ tập trung sức mạnh vào khu vực xung quanh biên giới.
Theo Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Luân Đôn, kể từ năm 2008, Nga và Trung Quốc đã tăng chi tiêu quân sự lên 30 – 40%.
Chiến lược “Trục châu Á” của Mỹ với nội dung dịch chuyển phần lớn các lực lượng Hải quân Mỹ tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương được thực hiện với mục đích giúp Mỹ đối đầu khủng hoảng dễ dàng hơn.
Ngược lại, ở châu Âu, NATO không tỏ ra quan tâm tới một cuộc chiến tranh toàn cầu mà chỉ tập trung vào chiến lược “hậu Crimea”. Theo chiến lược này, một lượng nhỏ binh sĩ và máy bay chiến đấu Mỹ được điều động tới các quốc gia NATO phía đông do lo ngại các quốc gia này sẽ là mục tiêu tiếp theo của Moscow.
Trước khi biến cố Ukraine diễn ra, các quốc gia châu Âu vẫn coi mục tiêu quân sự hàng đầu của các nước này là tiến hành các hoạt động can thiệp, gìn giữ hòa bình và chống bạo loạn ở Trung Đông và châu Phi. Tuy nhiên có vẻ biến cố Ukraine đã khiến châu Âu thay đổi quan điểm.
Mới đây, một quan chức châu Âu cấp cao thừa nhận rằng: “Chúng ta như đang ở trên một vùng đất bí ẩn. Điều đó có nghĩa phải khôi phục lại các kĩ năng chiến đấu tầm cao và tư duy đúng đắn để phòng ngừa cả chiến tranh thông thường và chiến tranh hạt nhân”.
Theo Kiến Thức
Nga phải trả giá nào cho tình hữu nghị với Trung Quốc?
Một bản hợp đồng khí đốt 30 năm vẽ ra một tiến trình phát triển quan hệ giữa Nga và Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra sẽ là, trong thương vụ này, ai sẽ có lợi hơn ai? Tờ Lenta của Nga đã phân tích nhận định này.
Ngày 3/6, tờ Lenta - một trong những tờ báo điện tử lớn nhất của Nga đã có một bài bình luận và phân tích về tương lai mối quan hệ Nga - Trung sau chuyến thăm Bắc Kinh của ông V. Putin. Tác giả bài viết Tachiana Romanova đã đặt tiêu đề là một câu hỏi: Làm bạn với "rồng" hay Cái giá mà Nga phải trả cho tình hữu nghị với Trung Quốc.
Sự phát triển đa cực về chính trị và kinh tế của thế giới buộc các nước phải cẩn thận lựa chọn bạn bè cho mình, ít nhất phải cùng chung quan điểm. Ngạn ngữ Trung Quốc có câu "đường dài mới biết ngựa hay". Câu này có thể minh hoạ cho hợp đồng khí đốt 30 năm của Nga và Trung Quốc và các thoả thuận trong các lĩnh vực khác nữa giữa hai quốc gia.
Kim ngạch thương mại Nga - Trung hiện ở mức gần 90 tỷ USD, với Bắc Kinh đây không phải là con số lớn. Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và các nước khác trong năm 2013 đạt mức 4,16 nghìn tỷ USD. Riêng chỉ số này, Trung Quốc dẫn đầu toàn thế giới, vượt qua cả Mỹ.
Đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc là Liên minh châu Âu (EU). Trung Quốc xuất sang EU khoảng 330 tỷ USD hàng hoá, nhập từ khối này 229 tỷ USD. Đối tác lớn thứ hai là Mỹ, tổng kim ngạch thương mại đạt 521 tỷ USD. Đứng thứ ba là khối các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), 443,6 tỷ USD. Thứ tư là Nhật Bản, tổng kim ngạch đạt 312,55 tỷ USD.
Nga đứng trong nhóm 10 nước chỉ có quan hệ đối tác thương mại chặt chẽ nhất với Trung Quốc, chủ yếu tập trung vào xuất khẩu nguyên liệu thô (kim loại, khí đốt, gỗ, điện) và vũ khí. Trong khi Nga nhập khẩu từ Trung Quốc các sản phẩm hoàn thiện (thiết bị điện tử, quần áo, giày dép, ...). Theo ước tính của Goldman Sachs, kim ngạch thương mại của hai nước sẽ gấp đôi hiện tại vào năm 2018, và Nga sẽ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối các nước BRICS (Khối các nền kinh tế mới nổi).
Không chỉ vì khí đốt
Có 3 thứ của Nga mà Trung Quốc quan tâm nhất: Tài nguyên, công nghệ và ...lãnh thổ. Điều này phụ thuộc vào việc hai nước không chỉ lên kế hoạch làm tăng nguồn thu mà còn phát triển nhiều quan hệ hợp tác hơn nữa.
Để có được kết quả này, cách đây không lâu hai bên đã thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Nga - Trung - tổ chức có nhiệm vụ dẫn đầu cho các doanh nghiệp nằm trong danh sách trừng phạt của phương Tây, thành viên chính là Tập đoàn Volga Gennady Timchenko. Hãy cùng bắt đầu với hai thứ đầu tiên: Tài nguyên và công nghệ.
Một nhà máy sản xuất ống dẫn dầu ở Tứ Xuyên, Trung Quốc.
Cách đây 2 tuần, Nga và Trung Quốc đồng ý nâng kim ngạch xuất khẩu từ mức 89 tỷ USD hiện tại lên mức 100 tỷ USD trong năm 2015 và 200 tỷ USD trong năm 2020. Để làm được điều này, chỉ mua bán khí đốt thôi không đủ. Theo chính quyền Moscow, trong kế hoạch năm tới, tiền bán dầu khí chiếm không đến một nửa (40 tỷ USD) so với kim ngạch đã ước tính (100 tỷ USD).
Đầu tiên, kể cả khi Nga không ký kết hợp đồng khí đốt lịch sử với Trung Quốc thì quan hệ đối tác năng lượng giữa hai quốc gia vẫn sẽ phát triển. Theo Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Cyril Molodtsova, thoả thuận ngày 12/5 chỉ là một phần trong hợp tác năng lượng giữa hai nước.
Trong lĩnh vực dầu, Nga đang có ý định thực hiện dự án liên quan đến đường ống dẫn dầu ESPO, đường ống sẽ đến châu Á thông qua Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang muốn phát triển ngành hoá dầu. Trong tương lai, Bắc Kinh dự định sẽ phát triển tổ hợp hoá dầu liên doanh giữa CNPC và Rosneft - hai công ty dầu mỏ nhà nước lớn ở mỗi quốc gia. Hiện dự án này đã hình thành giai đoạn đầu tiên thông qua công ty "Yamal LNG".
Ngoài khí đốt và dầu mỏ, Nga sẽ tăng cường xuất khẩu điện và than sang Trung Quốc. Năm ngoái, Trung Quốc mua 26 triệu tấn than và 3,9 tỷ KW điện của Nga. Ngoài ra, Tổng công ty điện Dongfang Trung Quốc có kế hoạch đầu tư khoảng 78 tỷ rub (2,2 tỷ USD) trong lĩnh vực năng lượng ở vùng Viễn Đông. Một số nhận định cho rằng, giá cả phải chăng trong hợp đồng khí đốt 30 năm giữa Nga và Trung Quốc (các chuyên gia tính toán khoảng 350 USD/1.000 m3) nhằm thúc đẩy Bắc Kinh đầu tư nhiều hơn cho vùng Viễn Đông.
Hợp đồng khí đốt này cũng tạo ra yêu cầu xây dựng đường ống dẫn dầu lớn nhất thế giới, giúp Nga phát triển ngành công nghiệp khai thác quặng. Đồng thời với đó, Trung Quốc cũng là quốc gia cần nhiều quặng công nghiệp nhất thế giới, Nga sẽ được lợi trong việc bán tài nguyên nguyên liệu thô. Theo dự báo, sản lượng quặng sắt xuất khẩu sang Trung Quốc của Nga sẽ chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trung Quốc, dĩ nhiên là có lợi. Họ cần tài nguyên để ngày càng tăng trưởng kinh tế. Khí đốt giúp Trung Quốc giảm khai thác và tiêu thụ than, phát triển các nguồn nhiên liệu thay thế thân thiện với môi trường hơn.
Thêm vào đó, trong vài tháng tới, cây cầu đường sắt nối liền Nga và Trung Quốc thông qua sông Amur sẽ được xây dựng, dự kiến hoàn thành trong năm 2016. Chiếc cầu sẽ giúp rút ngắn quãng đường giao thương Nga - Trung xuống còn 700 km. Điều này có lợi cho cả hai nước. Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn thể hiện tham vọng đây sẽ là "con đường tơ lụa mới", với sự tham gia của Nga, và là huyết mạch chính cho tuyến đường sắt xuyên Á-Âu.
Cái khó nhất trong quan hệ thương mại hai nước là vũ khí. Trung Quốc không hứng thú với việc mua các trang thiết bị, họ chỉ muốn công nghệ vũ khí. Giao dịch mua công nghệ vũ khí thường rất khó khăn. Trung Quốc đã và đang bị nhiều quốc gia trên thế giới cáo buộc tội gián điệp công nghiệp, buộc Nga và các nước đối tác khác phải tỏ ra rất thận trọng.
Trung Quốc có nhã ý muốn mua một khối lượng lớn các loại vũ khí tối tân hiện nay, như hệ thống tên lửa phòng không S-400, tiêm kích Su-35 và các tên lửa hành trình chống tàu... Trị giá hợp đồng chỉ riêng cho S-35 có thể lên tới 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, giao dịch đã được cảnh báo rằng Trung Quốc có thể sẽ sao chép công nghệ các loại vũ khí hiện này của Nga.
Trước đây, Trung Quốc từng mua các lô máy bay có giá trị nhỏ về để "học lóm" công nghệ và sản xuất các thế hệ tiếp theo gắn mác "made in China". Nga từng có bài học đau đớn với các mẫu máy bay chiến đấu J-11 và J-15 của Trung Quốc, dù các mẫu này chưa sẵn sàng phục vụ thực nghiệm. Vì thế, Nga tỏ ra rất thận trọng với hợp đồng cung cấp S-400 trong tương lai.
Không nghi ngờ gì việc Trung Quốc đã sao chép chiếc Su-35 và tổ hợp tên lửa C-400. Để tăng cường thêm các máy bay chiến đấu và tên lửa phòng không, và Trung Quốc có thêm nhiều tài liệu kỹ thuật hơn, họ sẽ sao chép chúng trong một thời gian ngắn.
Điều này là dễ hiểu và được đàm phán với Trung Quốc. Tuy nhiên, cụ thể thoả thuận không được công bố. Mọi thứ phụ thuộc vào cách hiểu Trung Quốc sẽ cư xử như là đồng minh của Nga đến mức nào, và ai sẽ định hướng cho Nga, châu Á hay châu Âu.
Hợp tác công nghệ quân sự có thể còn lấp lửng, nhưng dân sự thì đã rõ ràng. Trung Quốc và Nga đã đồng ý cùng sản xuất các thiết bị công nghệ cao phục vụ cho vận tải hàng không. Trung Quốc cũng có ý định xây dựng các nhà máy ô tô ở các vùng lãnh thổ Nga, cụ thể là Tula, với dây chuyền lên đến 150.000 chiếc.
Đất đai và nông dân
Nông dân Trung Quốc thu hoạch cải bắp ở khu vực Sverdlovsk, Nga.
Cuối cùng, điều thứ ba - đầu tư nông nghiệp. Trung Quốc đang đi thuê đất của Nga, đưa người của họ đến đó làm nông dân. Nga có 40 triệu ha đất nông nghiệp sử dụng sai mục đích. Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều từng nói: "Nga có đất đai rộng lớn, Trung Quốc có những nhân công chăm chỉ nhất thế giới. Nếu chúng ta kết hợp được những điều đó, chúng ta sẽ phát triển đáng kể. Ở Nga, đất rộng và ít người. Ở Trung Quốc thì ngược lại".
Theo một thoả thuận đạt được cách đây hai tuần, nguồn đầu tư và lao động từ Trung Quốc đã lên kế hoạch để tới các vùng đất nông nghiệp bỏ hoang ở Nga, sau đó sẽ sản xuất và xuất khẩu sản phẩm ở đây về Trung Quốc. Một lần nữa, khu vực được Trung Quốc quan tâm chính là vùng Viễn Đông Nga.
Thoả thuận này đã được bàn luận trong thời gian dài. Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Viễn Đông Nga Andrei Ostrovsky nhận định rằng thoả thuận này chưa rõ ràng tại sao lại chỉ chú trọng người Trung Quốc mà không phải là dân địa phương. Các sản phẩm cũng đều là nông sản chính của Trung Quốc: Gạo và đậu. Trong khi vùng khí hậu của Nga ở đây không thích hợp với các cây trồng này. Việc hợp tác với Trung Quốc là điều nên làm, tuy nhiên ở Nga, nơi mà sản phẩm nông nghiệp chính là lúa mỳ, lúa mạch và mạch đen thì gạo và đâu không phải là cây trồng chính.
"Anh em vĩnh viễn"
Trong lịch sử, quan hệ Nga - Trung được miêu tả như là "tình huynh đệ". Giai đoạn hiện nay được định nghĩa là "đối tác chiến lược" và được xem là đang trong thời kỳ đỉnh cao nhất. Nhưng đó chỉ là tuyên bố chính thức. Liệu các chương trình hợp tác nói trên sẽ chứng minh được những tuyên bố sách vở này?
Không dám chắc rằng đằng sau một trong số các thoả thuận kinh tế trên còn có cả những toan tính chính trị. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi mà Nga muốn chứng minh với phương Tây rằng các biện pháp cô lập của họ không có ý nghĩa gì đối với Moscow (cả về kinh tế lẫn chính trị). Tuy nhiên, điều đó lại phụ thuộc vào quyết định của Trung Quốc liệu có công khai kế hoạch tuyên bố "tình hữu nghị" này hay không.
Một số chuyên gia cho rằng, các thoả thuận nói trên khó lòng đem lại cho Nga những lợi thế tuyệt đối. Stephen Blank, tác giả cuốn "Bố già Thung lũng Silicon", cho rằng vùng Viễn Đông có thể phát triển thành một cường quốc ở châu Á, đóng vai trò lớn trong khu vực, và từ bỏ tiềm năng đó sẽ là một sai lầm lớn.
Hội đồng Châu Âu và Quan hệ đối ngoại từng đưa ra một nhận định cách đây vài năm, khi Nga chưa định hình lại chính sách hướng đông của mình. Theo các chuyên gia của tổ chức này, nếu Nga cứ phát triển quan hệ với Trung Quốc như hiện tại, về lâu dài, Trung Quốc sẽ trở thành "cường quốc năng lượng và xem Nga chỉ là một đối tác cấp thấp". Khó có thể giành được quyền lực ở Trung Quốc, Nga chỉ có thể giải quyết bài toán hợp tác trong vai trò là một đối tác bình đẳng. Câu hỏi duy nhất là cái giá nào mà Nga sẽ phải trả cho quan hệ này?
Nga trở thành quốc gia đầu tiên mà Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm khi nhậm chức. Nhưng cũng trong cùng một năm, tờ báo nhà nước lớn nhất Trung Quốc "Nhân dân Nhật báo" đã đăng tải bài "Báo cáo Phát triển châu Á- Thái Bình Dương" của Viện Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương và chiến lược toàn cầu của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Bài báo lưu ý rằng để đối đầu với áp lực từ phía Mỹ, Trung Quốc và Nga phải có niềm tin chiến lược chung, tuy nhiên, khả năng phục hồi quan hệ đồng minh là rất nhỏ.
Trung Quốc còn có một câu ngạn ngữ khác: Vỗ tay bằng một bàn tay. Giờ đây cả hai phía - Nga và Trung Quốc - đều đang tiến dần về phía nhau. Tuy nhiên, đó là cái bắt tay thân thiện hay là một động thái thăm dò sức mạnh của đối phương thì cần phải có thời gian để trả lời.
Bài viết được lược dịch từ bài gốc có tựa đề "Làm bạn với Rồng" của tác giả Tatiana Romanova, đăng tải trên trang Lenta.ru. Tờ Lenta là một trong những tờ báo điện tử lớn ở Nga, với lượng người đọc lên đến 600.000 mỗi ngày.
Theo NTD
Báo Nga: Đừng quên mưu chước thứ 10 của Trung Quốc "Cười nụ giấu dao" Đó là lời kết bài bình luận của Marat Davletbaev, nhà Trung Hoa học trên Gazeta.ru, báo điện tử hàng đầu nước Nga. Bài báo được đăng ngay sau khi hợp đồng khí đốt Nga - Trung vừa được ký. Dưới đây là bản dịch của nhà báo Trần Đăng Tuấn - nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam. Nguyên...