“Cuộc chiến” lãi suất giữa Fed và ông chủ Nhà Trắng
Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ ( Fed) đang phải chịu nhiều áp lực từ Nhà Trắng khi mới đây bị Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích vì duy trì quan điểm thúc đẩy kinh tế thông qua việc không cắt giảm lãi suất.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tiếp tục giảm trong năm nay.
Phát biểu trên trang mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ ví Fed như một “đứa trẻ ngang bướng”, trong khi nước này cần cắt giảm và nới lỏng lãi suất thì Fed lại tạo dựng những thứ mà các nước đang dùng để chống lại Washington. Tổng thống D.Trump đã từng bày tỏ quan điểm rằng kinh tế Mỹ có thể “đi lên như tên lửa” nếu lãi suất được cắt giảm. Trung tâm nghiên cứu chính trị tại Đại học Virginia cho rằng, ông D.Trump cần tăng trưởng GDP đạt ít nhất 2%, qua đó có thể giành 270 phiếu đại cử tri để chiến thắng trong cuộc tái tranh cử Tổng thống vào năm tới.
Video đang HOT
Chỉ trích của Tổng thống D.Trump nhằm vào Fed được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới vào tháng tới sẽ ghi nhận tăng trưởng trong 10 năm và là giai đoạn tăng trưởng lâu nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, cường quốc này cũng bắt đầu phát đi những dấu hiệu trái chiều. Trong khi khảo sát lòng tin của người tiêu dùng, hoạt động của doanh nghiệp, chi tiêu tiêu dùng và tỷ lệ thất nghiệp đều khả quan, những quan ngại cũng xuất hiện ngày một nhiều. Các tổ chức tài chính dự báo tăng trưởng trong quý II-2019 có thể sẽ chỉ bằng 1/2 so với quý đầu tiên, sản xuất tiếp tục suy yếu trong khi đầu tư sụt giảm. Đó là chưa kể Tổng thống D.Trump đe dọa tăng thuế thêm đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá 300 tỷ USD – động thái mà giới phân tích cho rằng có thể tác động đến kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, ban lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với những nguy cơ ngày một lớn trong trung hạn, đó là việc đảo ngược đột ngột các điều kiện thị trường tài chính gần đây hoặc những tranh chấp thương mại tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu.
Trước đó, vào trung tuần tháng 6, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, đã quyết định duy trì lãi suất cơ bản ở mức 2,25-2,5%. Theo các nhà phân tích, có một số lý do khiến Fed không giảm lãi suất lần này là: Thứ nhất, tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, Mỹ và Trung Quốc có thể tiến tới một thỏa thuận thương mại. Thứ hai, Fed không muốn bị nhìn nhận là nhượng bộ sức ép từ thị trường tài chính và sự chỉ trích của Tổng thống D.Trump. Và thứ ba, Fed cũng muốn tránh bị đánh giá là phạm sai lầm khi nâng lãi suất vào tháng 12 năm ngoái.
Trong 3 năm qua, Fed đã nâng lãi suất tổng cộng 9 lần giúp cho nền kinh tế phục hồi và hàng triệu người dân Mỹ có việc làm trở lại. Nhưng sang năm nay, Fed đã tạm ngừng tiến trình này và phát đi tín hiệu rõ ràng rằng, họ chưa có ý định điều chỉnh chính sách tiền tệ, khi nền kinh tế lớn nhất thế giới có nhiều tín hiệu trái chiều.
Tổng thống D.Trump cho rằng nếu không có các động thái của Fed, nền kinh tế đầu tàu thế giới có thể tăng trưởng hằng năm 4% hoặc 5%, trong khi Chỉ số công nghiệp Dow Jones sẽ tăng thêm hàng nghìn điểm. Nhưng theo các nhà kinh tế, lời kêu gọi cắt giảm lãi suất tới 1 điểm phần trăm của người đứng đầu Nhà Trắng sẽ đảo ngược tất cả các động thái chính sách của Fed trong năm ngoái và có khả năng làm suy yếu bất kỳ sự tín nhiệm nào mà các thị trường tài chính dành cho ngân hàng trung ương này; đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung ngày càng leo thang khiến lo ngại về kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Theo hanoimoi.com.vn
FED giữ nguyên lãi suất: Lựa chọn an toàn
Sau cuộc họp chính sách dài hai ngày, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho biết, lãi suất cho vay qua đêm giữa các ngân hàng của nước này sẽ vẫn được giữ nguyên ở mức 2,25-2,5%. Theo phần lớn quan chức cấp cao về hoạch định chính sách của FED, việc tăng lãi suất trong suốt năm 2019 cũng sẽ không cần thiết.
Quyết định giữ nguyên lãi suất của FED cho thấy nền kinh tế Mỹ đang hồi phục ổn định.
Lý do được ông J.Powell nêu ra cho quyết định lần này là FED không thấy biến động nào đáng để thay đổi lãi suất trong bối cảnh kinh tế vĩ mô của Mỹ đang ổn định, thậm chí các yếu tố vốn là cơ sở của việc nâng lãi suất cũng đã suy yếu. Trong khi đó, việc tăng trưởng toàn cầu chậm lại, chiến tranh thương mại, bất đồng nội bộ khiến Chính phủ Mỹ đóng cửa... đang tạo ra nhiều bất định. Trong bối cảnh ấy, lãnh đạo FED cho rằng đây là thời điểm rất quan trọng, đòi hỏi sự kiên nhẫn, theo dõi sát tình hình và chỉ khi nào xuất hiện xu hướng rõ ràng, đặc biệt là những diễn biến trên thị trường việc làm và lạm phát, mới có thể đưa ra những quyết định tương ứng.
Giới phân tích cũng đánh giá quyết định trên của FED là hợp lý, và cơ quan này không còn nhận thấy sự cần thiết phải nâng lãi suất như một biện pháp chống lạm phát dù tỷ lệ lạm phát ở Mỹ đang thấp hơn mục tiêu 2% mà FED đề ra. Bên cạnh đó, việc FED phát tín hiệu dừng tăng lãi suất có thể khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump hài lòng. Thời gian qua, ông chủ Nhà Trắng đã nhiều lần chỉ trích FED và ông J.Powell về việc nâng lãi suất, cho rằng động thái này khiến đồng USD trở nên quá mạnh, gây trở ngại cho tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu của Mỹ. Trước đó, sau khi hạ lãi suất về ngưỡng gần 0% trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, FED bắt đầu nâng lãi suất kể từ cuối năm 2015. Và cho đến ngày 19-12-2018, FED đã 9 lần điều chỉnh lãi suất và riêng trong năm 2018, cơ quan này nâng lãi suất tới 4 lần.
Nhìn ở góc độ lạc quan, việc FED giữ nguyên lãi suất cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang ở trong một trạng thái tốt và có triển vọng tích cực. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phân tích nhấn mạnh tới một số bất cập mà các nhà hoạch định chính sách tài chính của xứ Cờ hoa nên cân nhắc, bao gồm việc Anh vẫn loay hoay với tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu và những diễn biến của cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc. Ngoài ra, xu hướng giảm trong chi tiêu của các hộ gia đình và đầu tư của các công ty từ đầu năm 2019 đến nay khá rõ nét. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ có nguy cơ chững lại, nhất là khi tác dụng của chương trình cắt giảm thuế và tăng chi tiêu của chính quyền Tổng thống D.Trump suy giảm.
Ngoài ra, lãi suất hiện tại của FED vẫn khá thấp so với trung bình trước đây. Nếu không tăng, cơ quan này sẽ có rất ít lựa chọn chính sách để đối phó với bất kỳ cuộc suy thoái nào nếu xảy ra. Điều này kết hợp với tình trạng lạm phát dưới ngưỡng về lâu dài có thể tạo ra bất lợi cho tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, FED dự báo kinh tế Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng 2,1% trong năm 2019, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,1% của năm 2018. Cùng giai đoạn này, tỷ lệ thất nghiệp sẽ ở mức 3,7%, cao hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 12-2018. Lạm phát được đánh giá sẽ ở ngưỡng 1,8%, thấp hơn mức dự báo 1,9%.
Cho dù phải đối mặt với một số yếu tố không thuận lợi nhưng việc lãi suất cơ bản của Mỹ không thay đổi là một tín hiệu tích cực, lựa chọn an toàn đối với nền kinh tế nước này trong ngắn hạn. Điều đó cũng phù hợp với kỳ vọng của thị trường, mong muốn sự ổn định về chính sách vĩ mô nhằm hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi của kinh tế Mỹ vốn vẫn còn những "di chứng" của "cơn đại hồng thủy" khủng hoảng tài chính cách đây hơn một thập kỷ.
Theo hanoimoi.vn
Giá vàng nội, vàng ngoại đồng loạt đi lên trước thềm cuộc họp FED Kim loại màu vàng nhận được nhiều hỗ trợ kể từ khi thảm kịch Boeing 737 Max 8 và bê bối Facebook xảy ra, không ngừng gây sức ép lên thị trường chứng khoán Mỹ, trong khi các nhà đầu tư đang trông chờ cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (FED) trong tuần này để tìm kiếm thêm manh...