Cuộc chiến khốc liệt giành giật khẩu trang ở Pháp mùa COVID-19
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng trên toàn thế giới, cuộc chiến giành giật khẩu trang không chỉ diễn ra giữa các quốc gia.
Trong những ngày gần đây, chiếc khẩu trang đang là đề tài gây nhiều bàn tán, tranh luận, thậm chí là mâu thuẫn tại nước Pháp. Cách đây ít ngày, lãnh đạo một địa phương nước này tố cáo người Mỹ “nẫng tay trên” lô khẩu trang mà người Pháp đặt từ Trung Quốc, ngay tại sân bay Trung Quốc, trước khi máy bay kịp cất cánh đến Pháp như dự kiến.
Thì nay, tại Pháp, lại xuất hiện câu chuyện binh sĩ quân đội đến trưng dụng lô hàng khẩu trang vừa mới hạ cánh xuống sân bay tại một địa phương.
Liên quan tới chiếc khẩu trang, chuyện gì đang xảy ra tại Pháp. Khi dịch COVID-19 mới bùng phát, Bộ Y tế nước này luôn khẳng định việc mang khẩu trang chỉ cần thiết với đội ngũ y tế, và chỉ những người bị bệnh mới nên mang khẩu trang, đối với những người khỏe mạnh, chiếc khẩu trang không có tác dụng gì.
Khẩu trang đang là đề tài gây nhiều bàn tán, tranh luận tại Pháp.
Rồi sau đó, tình trạng dịch bệnh lan nhanh trên toàn lãnh thổ, số ca lây nhiễm tăng cấp lũy thừa, số ca tử vong tăng chóng mặt, nước này cuống cuồng đặt hàng khoảng 1 tỷ chiếc khẩu trang từ Trung Quốc, đồng thời thúc giục nhà máy sản xuất khẩu trang trong nước hoạt động hết công suất.
Lợi ích của việc mang khẩu trang trong phòng SARS-CoV-2 có vẻ ai cũng biết nhưng đến tận ngày 8/4 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Pháp vẫn khẳng định, nước này “có thể” (vẫn chỉ là “có thể”) sẽ bắt buộc người dân mang khẩu trang khi ra đường.
Thực tế, chính quyền một số địa phương tại Pháp đã quy định việc mang khẩu là bắt buộc. Một số thành phố như Paris hay Nice đã thông báo phát miễn phí khẩu trang cho người dân để sử dụng, dù chỉ mỗi người 1 chiếc.
Tuy nhiên, trong ngày 9/4, Bộ Nội vụ nước này đã yêu cầu các địa phương hủy bỏ quy định bắt buộc người dân mang khẩu trang khi ra đường trong khi lệnh phong tỏa vẫn còn hiệu lực.
Pháp là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19.
Câu hỏi đặt ra, tại sao Chính phủ nước này tỏ ra kiên quyết không cho các địa phương bắt buộc người dân mang khẩu trang. Trong khi “các lý do khoa học” mà Bộ Y tế nước này đưa ra chưa đủ thuyết phục thì phần lớn người dân nhận ra nguyên nhân, đó là nước Pháp đang thiếu khẩu trang trầm trọng. Một thực tế mà Chính phủ dường như cố phủ nhận.
Nước Pháp từng có thời điểm có trữ lượng khẩu trang y tế lớn trong kho dự trữ quốc gia. Năm 2010, cuộc khủng hoảng y tế liên quan dịch cúm H1N1, Bộ trưởng Y tế thời điểm đó là bà Roselyne Bachelot-Narquin đã đặt hàng 1,7 tỷ chiếc khẩu trang. Trong đại dịch cúm năm 2011, số khẩu trang này nhanh chóng trở nên hữu dụng.
Nhưng cũng kể từ đó, nước Pháp không bổ sung kho dự trữ. 9 năm sau, đại dịch COVID-19 tràn đến, nước Pháp lúng túng trông thấy, trong khi nhu cầu khẩu trang hàng tuần là khoảng 50 triệu chiếc nhưng công suất hàng tuần của nhà máy trong nước chưa nổi 7 triệu. Đặt hàng thì cần có thời gian để người Trung Quốc sản xuất, để về đến Pháp đủ 1 tỷ chiếc có lẽ sẽ mất cả vài tháng. Kho khẩu trang quốc gia có thì cạn dần.
Dù lãnh đạo Chính phủ hay Bộ Y tế có nói gì thì người dân Pháp cũng tự nhận thức được tình hình. Theo một cuộc thăm dò dư luận mới được công bố hôm 9/4, khoảng 70% người dân cho rằng, tất cả các địa phương cần bắt buộc người dân mang khẩu trang, như một biện pháp chống dịch COVID-19 lan rộng.
76% người dân cho rằng chính phủ nước này đã che giấu sự thật là nguồn dự trữ khẩu trang không đủ để cung cấp cho đội ngũ nhân viên y tế (chứ chưa nói đến người dân). Tại các diễn đàn chính trị, Bộ trưởng Y tế hay Thủ tướng Chính phủ hứng chỉ trích gay gắt từ thành viên các đảng đối lập.
Khẩu trang trở thành một mặt hàng khó tìm ở Pháp.
Trở lại câu chuyện tranh giành khẩu trang. Sự việc bắt đầu vào những ngày đầu tháng tư, tại sân bay Bâle-Mulhouse (tỉnh Haut-Rhin, vùng Grand-Est). Ngày 2/4, một chiếc máy bay từ Trung Quốc hạ cánh, chở theo số khẩu trang của chính phủ Pháp và các địa phương.
Tuy nhiên, cảnh sát trưởng vùng Grand-Est đã quyết định giữ toàn bộ lô hàng này ở lại vùng Grand-Est, không cho chuyển đến các địa phương khác, sau khi đã lấy đi số hàng mà chính phủ đặt cho vùng Grand-Est (đang thiếu thốn trầm trọng) từ các kiện hàng thuộc sở hữu của các địa phương khác.
Ba ngày sau, một chiếc máy bay khác từ Trung Quốc lại hạ cánh, lần này, đến lượt các binh sĩ quân đội đến trưng dụng lô hàng 4 triệu chiếc mới từ Trung Quốc về.
Trong đơn hàng này, một phần được giao cho vùng Grand-Est, một phần còn lại đáng lẽ phải được giao cho các vùng Bourgogne-Franche-Comté (liền kề vùng Grand-Est) và tỉnh Bouches-du-Rhône (một tỉnh thuộc vùng Provence-Alpes-Côte d’Azur).
Việc đưa quân đội đến sân bay lấy đi lô khẩu trang vài triệu chiếc, mà đáng ra phải được chuyển đến cơ quan hành chính các địa phương khác, rồi đến tay người dân, đang bị lên án kịch liệt.
Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron đeo khẩu trang khi đến thăm 1 trung tâm y tế ở Pantin, gần Paris, ngày 7/4.
Ngày 9/4, Chính phủ Pháp đã phải thừa nhận, đây là một biện pháp không phù hợp và hứa sẽ không lặp lại. Đương nhiên, chính phủ nước này cũng phủ nhận sự tồn tại của “một cuộc chiến giành khẩu trang” giữa nhà nước và các địa phương.
Video: 3.000 bệnh nhân COVID-19 Hàn Quốc bỏ phiếu bầu cử quốc hội thế nào?
Tại mỗi vùng, cơ quan quản lý đều phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn trang thiết bị bảo hộ, sự căng thẳng của đội ngũ nhân viên y tế tại các bệnh viện, các nhân viên chăm sóc người cao tuổi dù ở các cơ sở y tế xã hội. Chủ tịch các vùng đều tìm kiếm các đơn hàng trực tiếp từ Trung Quốc, thay vì trông đợi vào chính phủ.
Chủ tịch vùng Provence-Alpes-Côte d’Azur, vùng hành chính phía Nam, Renaud Muselier thừa nhận “tất cả đều đặt khẩu trang nhưng không ai muốn nói vì sợ bị nhà nước trưng dụng“. Sau vụ việc trưng dụng ồn ào, trước khi có được lời hứa từ Chính phủ, lãnh đạo các địa phương này thậm chí đã “bầy mưu, tính kế” để những lô hàng sắp tới sẽ không hạ cánh xuống vùng Grand-Est nữa.
Lãnh đạo một số địa phương như vùng Provence-Alpes-Côte d’Azur, còn đòi máy bay chở khẩu trang (do nhiều vùng cùng đặt) phải hạ cánh trực tiếp xuống sân bay Marseille-Provence (sân bay chính của vùng), để không bị mất vào tay các vùng khác.
Các địa phương cũng yêu cầu Chính phủ phải có quy định cụ thể, đồng bộ ở tầm quốc gia nhằm giải quyết ổn thỏa số phận của những chiếc khẩu trang, ngay cả khi chúng đã an toàn hạ cánh xuống đất Pháp.
Pháp thêm gần 400 ca tử vong vì Covid-19
Ngày 11/4, nước Pháp tiếp tục ghi nhận gần 400 ca tử vong vì virrus SARS-CoV-2, dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu được khống chế.
Trong vòng 24 giờ, 353 người đã tử vong liên quan dịch Covid-19 trong hệ thống các bệnh viện tại Pháp. Tính đến ngày 11/4, tổng số ca tử vong vì Covid-19 kể từ đầu mùa dịch đã là 13.832 ca.
Trong tổng số hơn 31.300 người phải nhập viện, có 6.883 người phải hồi sức, cấp cứu. Như vậy, số ca bệnh nặng đã giảm trong 3 ngày liên tiếp.
Các bác sĩ ở Bệnh viện Pháp chiến đấu với Covid-19.
Khu vực thủ đô Paris và các tỉnh lân cận tiếp tục là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 tại Pháp với 2.625 ca đang phải hồi sức cấp cứu. Trong vòng 24 giờ qua, 115 ca đã thiệt mạng và gần 1.400 bệnh nhân mới phải nhập viện.
Trong những ngày gần đây, nước Pháp đang rơi vào những mâu thuẫn, bất đồng xung quanh câu chuyện chiếc khẩu trang. Tại một số địa phương, chính quyền đã ra quy định buộc người dân phải mang khẩu trang hoặc ít nhất là che mặt và mũi khi ra đường. Tuy nhiên, Chính phủ nước này mà trực tiếp là Bộ trưởng Nội vụ lại yêu cầu các địa phương rút lại văn bản trên, ít nhất trong khi lệnh phong tỏa toàn quốc vẫn còn hiệu lực.
Tại thành phố Sceaux, tỉnh Hauts-de-Seine, quy định bắt buộc người dân mang khẩu trang được áp đặt từ ngày 8/4. Tuy nhiên, một tòa án hành chính đã bác bỏ quy định này. Thị trưởng thành phố này, ông Philippe Laurent bức xúc đáp trả Bộ trưởng Nội vụ nước này và cho biết sẽ kháng án.
"Đầu tiên, hãy áp dụng các biện pháp để kiểm soát quá trình cách ly, đó là trách nhiệm của Bộ trưởng Nội vụ. Tiếp theo, ông ấy không nên cố cứng đầu mà phát ngôn, với mục tiêu cuối cùng là coi việc mang khẩu trang như một tội lỗi, rằng việc mang khẩu trang là khuyến khích người dân ra đường nhiều hơn, ngay cả khi các cơ quan y tế nói điều hoàn toàn trái ngược".
Trong khi đó, phần lớn người dân thành phố này đều ủng hộ việc mang khẩu trang khi ra ngoài. "Tôi hoàn toàn đồng ý. Nếu họ cung cấp khẩu trang. Họ cần phải phân phát khẩu trang cho mọi người. Sử dụng khăn quàng cổ để che mặt là phản tác dụng, nó hay bị tuột. Hoặc khi bạn đã chạm vào mọi thứ, sau đó bạn lại chạm vào khăn".
"Thật đáng tiếc khi tòa án đã hủy bỏ biện pháp này. Tôi sẽ tiếp tục mang khẩu trang".
Không chỉ có vậy, những ngày vừa qua, đã xảy ra tình trạng quân đội hay cơ quan cảnh sát một địa phương trưng dụng hàng triệu chiếc khẩu trang vốn thuộc sở hữu của các địa phương khác ngay tại sân bay và ngay sau khi được giao đến từ Trung Quốc. Bộ Nội vụ Pháp liên tục bác bỏ cáo buộc có liên quan tới các sự kiện này.
Trước phản ứng quyết liệt từ chính quyền các địa phương và dư luận, ngày 10/4, Bộ trưởng Nội vụ, ông Christophe Castaner, đã phải thừa nhận sự việc. Đến ngày 11/4, phát biểu trên truyền hình, ông này khẳng định đây là sự việc đáng tiếc, cảnh sát địa phương đã sử dụng sai phương pháp. Trên thực tế, chính phủ muốn dành ưu tiên mặt hàng khẩu trang cho đội ngũ nhân viên y tế, những người đang cần khẩu trang nhất lúc này./.
Huỳnh Điệp
Thủ tướng Đức tự đi siêu thị, không đeo khẩu trang giữa đại dịch Covid-19 Thủ tướng Đức Angela Merkel bị bắt gặp đi siêu thị mà không đeo khẩu trang, sau khi bà vừa lên sóng truyền hình gửi thông điệp chống đại dịch Covid-19. Truyền thông Đức vừa chia sẻ hình ảnh Thủ tướng Angela Merkel đi siêu thị mua đồ. Bà Merkel vẫn mặc bộ đồ như khi xuất hiện trên sóng truyền hình, khi...