Cuộc chiến giữa hai ‘trùm sò’ Boris Berezovsky – Roman Abramovich (Kì 12): Những đồng tiền bẩn
Berezovsky đã rửa những đồng krysha (bảo kê chính trị) bằng vụ đầu tư vào Devonia. Lời cáo buộc này được xem là một bước trong kế hoạch tố Berezovsky là “bố già chính trị”, là kẻ cắp la làng của phe Abramovich.
Đồng tiền krysha
Không có cái gọi là “đe dọa và ép giá” trong vụ mua bán cổ phần Sibneft. Trong ngày xử ngày thứ 5, Roman Abramovich khẳng định, 1,3 tỉ USD (800 triệu bảng) mà ông chuyển cho bố già năm 2000 không vượt quá ý nghĩa của một món quà, món “nợ danh dự” và krysha (bảo kê về mặt chính trị) để đáp lại những gì bố già đã “giúp đỡ” ông chủ Chelsea trong suốt những năm 1990.
Khi nhắc tới krysha, Roman Abramovich đã khéo léo nhắc lại cho nữ thẩm phán Elizabeth Gloster cùng bồi thẩm đoàn những lời cáo buộc của luật sư Jonathan Sumption trong những phiên xử trước đó, rằng những doanh nhân muốn làm ăn yên ổn như Roman Abramovich thì buộc phải có những khoản tiền “bôi trơn chính trị” mà người Nga gọi bằng thuật ngữ là krysha. Bố già đã thu về bao nhiêu krysha trong những năm tháng làm mưa làm gió ở Điện Kremlin? Chẳng ai biết được, nhưng riêng số tiền mà Roman Abramovich và các đồng nghiệp dưới quyền phải cung cấp là 2,3 tỉ bảng để đổi lấy sự yên ổn. Riêng công ty dầu mỏ Sibneft, theo luật sư Sumption, bố già đã dùng quyền lực Kremlin để “ăn cướp” chứ không đóng góp bất cứ một khoản đầu tư nào.
Boris Berezovsky tới tòa cùng bạn gái Yelena
Thế nên, ông chủ Chelsea mới khẳng định trên tòa, mình và bố già không phải là đồng nghiệp hay bạn bè gì trong các vụ làm ăn. Tức là mối quan hệ giữa họ chỉ dừng lại ở krysha. Và số tiền 1,3 tỉ USD mà Berezovsky đưa ra trên tòa chính là khoản krysha cuối cùng mà ông chủ Chelsea ban phát cho Berezovsky như một món quà, trước khi bố già bắt đầu cuộc đời mới bằng thân phận của một kẻ tị nạn chính trị trên đất Anh.
Video đang HOT
Rửa sạch ở U.A.E
Nước Nga từ thời Tổng thống Boris Yeltsin, Vladimir Putin cho đến Dmitry Medvedev ngày nay đều từ chối điều tra và phủ nhận những cáo buộc liên quan đến những hoạt động mờ ám trong kinh doanh của Roman Abramovich, trên danh nghĩa, đương nhiên những đồng Rúp mà ông chủ Chelsea kiếm được là hợp pháp. Nhưng khi những đồng Rúp đến tay Berezovsky, tức là nó đã chuyển sang hình thức krysha – một dạng “tiền bẩn”. Vậy bố già “rửa sạch” 1,3 tỉ USD tiền krysha bằng cách nào?
Luật sư Sumption khẳng định rằng, Berezovsky đã rửa những đồng krysha vào năm 2001 bằng cách đầu tư vào công ty sản xuất xe hơi Devonia của Sheikh Sultan bin Khalifa bin Zayed al-Nahyan, vị Hoàng thân có anh trai hiện là Tổng thống U.A.E. Theo những tài liệu mà ông Sumption có trong tay, nhận thấy những vấn đề bất ổn từ số tiền của Berezovsky, ngân hàng Clydesdale đã ngừng giao dịch, nhưng bố già đã thuê luật sư nổi tiếng Stephen Curtis tìm cách hợp pháp hóa những khoản tiền của mình, bù lại Curtis nhận được khoản “bồi dưỡng” lên tới 18 triệu USD của bố già. Luật sư Curtis đã tử nạn trong một vụ tai nạn máy bay năm 2004, khi đang trên đường trở về tòa lâu đài của mình ở đảo Dorset, khối tài sản mà Curtis mua được từ các hoạt động giúp đỡ những “đầu sỏ chính trị” như Boris Berezovsky.
Boris Berezovsky đã rửa những đồng krysha bằng vụ đầu tư vào Devonia. Lời tố cáo này được xem là một bước trong kế hoạch tố cáo Berezovsky là “bố già chính trị”, là kẻ cắp la làng của phe Abramovich.
Người đàn bà đẹp
Phản ứng của Berezovsky về vụ Devonia là khá yếu ớt. Tuy nhiên, Yelena Gorbunova bất ngờ lên tiếng, tạm cứu bố già thoát khỏi những cáo buộc rửa tiền bằng cách “tấn công” ông chủ Chelsea. Yelena Gorbunova, người đàn bà quý phái luôn theo sát Boris Berezovsky tại tòa London không phải là thứ đồ trang sức cho bố già. Người đàn bà ấy là một quân bài quan trọng của bố già trong canh bạc trị giá 3,2 tỉ bảng với ông chủ Chelsea.
Đeo kính đen, mặc đồ D&G lịch lãm, luôn nở nụ cười bí hiểm mỗi khi rời tòa, Yelena là một người đàn bà đẹp, quý phái, mặn mà theo đúng phong cách Nga
Ngay từ phiên xử đầu tiên vào ngày 3/10, cùng với đám vệ sĩ và luật sư của Berezovsky, người ta đã nhìn thấy Yelena Gorbunova luôn theo sát bố già trên các phiên tòa. Yelena là người tình được bố già sủng ái nhất trong vòng 15 năm qua và dĩ nhiên Abramovich không lạ gì người đàn bà này. Theo Abramovich, một phần trong số 300 triệu USD (180 triệu bảng) tiền cổ phần Sibneft mà Berezovsky bán cho ông chủ Chelsea trong giai đoạn 1996-1998 đã được bố già dùng vào việc mua đồ trang sức cho Yelena.
Đeo kính đen, mặc đồ D&G lịch lãm, luôn nở nụ cười bí hiểm mỗi khi rời tòa. Trong con mắt của người London, Yelena là một người đàn bà đẹp, quý phái, mặn mà theo đúng phong cách của con gái nước Nga. Và dù Yelena đã bước sang tuổi 44, người ta vẫn so sánh Yelena với người mẫu Dasha Zhukova, bạn gái của Roman Abramovich, dẫu Zhukova không đời nào được ông chủ Chelsea đưa theo đến tòa.
Nhưng phiên tòa thương mại trị giá bạc tỉ ở London không phải bàn nhậu để các đại gia khoe mỹ nhân. Yelena cũng vậy, người đẹp này không phải thứ đồ trang sức cho bố già trong canh bạc với ông chủ Chelsea. Và Yelena đã chứng minh sự hiện diện của mình trên tòa không phải là một sự vô nghĩa lý bằng cách bất ngờ lên tiếng tố cáo ông chủ Chelsea đã dùng… hộ chiếu giả.
Khi nữ thẩm phán Elizabeth Glosters hỏi có bằng chứng gì chứng minh ông Abramovich dùng hộ chiếu giả và những con dấu giả ở đâu mà có, thì Yelena thản nhiên nói “Tôi không biết”. Than ôi! Đàn bà mãi mãi chỉ là… đàn bà. Câu trả lời của Yelena khiến tòa pháp đình London bớt căng thẳng hơn đôi chút bằng những nụ cười nhạt thếch, trong đó có cả cái nhếch mép của ông Abramovich.
Nhưng sau đó, khuôn mặt của ông chủ Chelsea đã tái đi đôi chút, bởi ông nhận ra, ả đàn bà này biết nhiều và nguy hiểm nhiều hơn những gì ông nghĩ…
Theo Bưu Điện Việt Nam
Cuộc chiến giữa hai 'trùm sò' Boris Berezovsky - Roman Abramovich (Kì 11): Moscow bên bờ sông Thames
Có khoảng 300.000 người Nga ở London và người ta tin rằng, Roman Abramovich đến với Thủ đô của nước Anh vào năm 2003 với tư cách ông chủ hào phóng của Chelsea không hẳn chỉ vì tình yêu bóng đá...
Dòng Thames không êm đềm
Khi Nhà nước Liên bang Xô-Viết sụp đổ năm 1991, rất nhiều người Nga đã chạy tới các thành phố lớn ở châu Âu để định cư như Berlin, Paris hay New York. Riêng London, vào năm đó chỉ có đúng 1 công dân Nga được cấp quốc tịch Anh. Nhưng bắt đầu từ năm 2000, số người Nga đổ về London không ngừng tăng mạnh và hiện tại, người Nga ở London đã lên tới 300.000 người, tất cả đều coi London là ngôi nhà mới của mình và họ gọi bằng biệt danh rất thân thương là "Londongrad" (tiếng Nga grad là thành phố) hay London on the Thames (London bên bờ sông Thames). Theo thống kê của tạp chí Hermitage Capital, vào khoảng thời gian từ 1998 đến 2004, số tiền chảy từ "Londongrad" về Moscow lên tới con số 102 tỉ USD.
Ai xây dựng nên "Moscow bên bờ sông Thames"? Theo báo chí Anh, người mở đầu cho trào lưu người Nga đến London chính là Boris Berezovsky vào năm 2001, khi bố già gặp nạn vào thời điểm ông Vladimir Putin trở thành Tổng thống Nga. Khi đến London, Berezovsky tậu ngay một căn biệt thự trị giá 10 triệu bảng ở Chelsea và tư dinh có giá trị tương tự của DJ Chris Evans ở Surrey. Nhưng nhà chính trị lưu vong 65 tuổi này đến London xin tị nạn không phải để khoe tiền bạc, mà như đã đề cập ở những kỳ trước, Berezovsky đã tạo ra một "Vòng tròn London" ở "Moscow bên bờ sông Thames" để chống phá chính quyền ở Moscow xứ Bạch dương.
Berezovsky và bạn gái Yelena Gorbunova
Ông chủ Chelsea và sứ mệnh ở London
Nhưng trước khi bố già tuyên bố lật đổ Nhà nước Nga bằng một cuộc "cách mạng bạo lực" trên tờ Guardian năm 2007, Điện Kremlin đã nhận ra sự nguy hiểm của các phần tử lưu vong ở London do Berezovsky cầm đầu. Thế nên một số nguồn tin từ Nga đã hơn một lần khẳng định: Điện Kremlin đã cử Tỉnh trưởng Chukotka, Roman Abramovich đến "Moscow bên bờ sông Thames" vào năm 2003.
Ở Tây London, cuộc cách mạng kim tiền của Roman Abramovich đã biến Chelsea trở thành một thế lực lớn tại Anh và châu Âu. Và dĩ nhiên, trong con mắt của người hâm mộ The Blues nói riêng cũng như người London nói chung, Abramovich là một nhân vật đáng ngưỡng mộ hoặc kính trọng. Ngoài ra, Abramovich còn khiến cho người đời phải chú ý đến mình (dù ông luôn im lặng và hành động im lặng) bằng những khoản chi bạc triệu cho những tư dinh kiểu "Sa hoàng" ở Knightsbridge (5 triệu bảng), ở Kensington (70 triệu bảng)... đặc biệt là thú chơi du thuyền.
Tháng 9/2010, Roman Abramovich cho hạ thủy Eclipse - con du thuyền lớn và đắt giá nhất trên thế giới (1,12 tỉ USD) ở cảng Hamburg. Sự kiện này gây xôn xao dư luận hơn cả "tuyên bố London" của bố già 3 năm trước đó. Nhìn chung, từ Moscow cho đến "Moscow bên bờ sông Thames", danh tiếng của Roman Abramovich lớn hơn hẳn so với bố già Berezovsky. Thế nên, người ta mới tin rằng, ngoài việc hoàn thành tâm nguyện cá nhân là biến Chelsea trở thành một thế lực tại xứ Sương mù, vị cựu Tỉnh trưởng Chukotka còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ "để mắt" và kiềm chế sự lớn mạnh "Vòng tròn London" của bố già ở "Moscow bên bờ sông Thames", nơi có khoảng 300.000 dân Nga sinh sống? Quả thật, ngoài Chelsea, nếu có một điệp vụ nào khác ở London, thì phi Abramovich, Điện Kremlin không thể tìm ra nhân vật nào hoàn hảo hơn ông chủ Chelsea, người mà bố già từng "tin và coi như con" vào những năm 1990 ở Nga.
Abramovich và bạn gái Daria Zhukova
Bà góa Litvinenko
Lại phải nhắc đến Alexander Litvinenko. Việc bố già Boris Berezovsky đâm đơn kiện Roman Abramovich ra tòa thương mại London, rồi chỉ trích chính quyền Nga, nhắc lại vụ cựu điệp viên KGB bị đầu độc năm 2006 làm cho bà Marina Litvinenko nhớ tới ông chồng xấu số Sasha (tên thân mật trong gia đình của Alexander Litvinenko) và bà quyết định kêu gọi những lòng hảo tâm trong xã hội ủng hộ một số tiền dự kiến khoảng vài trăm ngàn bảng để nhờ tòa án Anh can thiệp một lần nữa, nhằm tìm ra thủ phạm đích thực.
Theo báo chí Anh, từ ngày Litvinenko chết, bà Marina vẫn sống tại London bằng tiền bảo trợ của Berezovsky. Và cũng giống như bố già, bà Marina tin rằng cựu điệp viên KGB, Adrey Lugovoi là người đã sát hại Litvinenko bằng phóng xạ polonium-210. Cơ quan điều tra ở Anh cũng liệt Adrey Lugovoi vào danh sách nghi phạm số 1 và yêu cầu dẫn độ sang Anh, nhưng phía Nga từ chối, bởi theo Điều 61 Hiến pháp Liên bang Nga, công dân Nga không bị dẫn độ ra nước ngoài xét xử. Thậm chí, bầu không khí trong cuộc hội đàm ở Điện Kremlin giữa Thủ tướng Anh, David Cameroon và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev vào ngày 12/9 vừa qua cũng trở nên... ngột ngạt đôi chút khi nhắc tới Adrey Lugovoi. Bởi Tổng thống Nga khẳng định: "Mọi công dân Nga đều phải tuân thủ theo Hiến pháp".
Về phần Adrey Lugovoi, ông cho rằng, Boris Berezovsky có quan hệ mật thiết với Alexander Litvinenko, từng "bảo kê an ninh" cho Berezovsky trong những hoạt động phi pháp tại Nga năm 1994, từng từ chối lệnh "thủ tiêu" Berezovsky năm 1997. Ở Anh, Litvinenko tiếp tục là cánh tay phải đắc lực của Berezovsky trong việc chống đối chính quyền Putin. Tuy nhiên, chính sự tin tưởng và tích cực hoạt động giúp đỡ bố già của Litvinenko đã biến vợ ông, bà Marina Litvinenko trở thành... bà góa năm 2006. Vì mục đích của bố già là muốn dùng cái chết của cựu điệp viên KGB để bôi nhọ hình ảnh của Điện Kremlin...
Dư luận Anh cho rằng, việc bà góa Marina quyết gõ cửa tòa án Anh một lần nữa hẳn sẽ khiến Berezovsky phân tâm, tạo điều kiện cho ông chủ Chelsea tấn công bố già ở tòa thương mại...
Theo Bưu Điện Việt Nam
Cuộc chiến giữa hai 'trùm sò' Boris Berezovsky - Roman Abramovich (Kì 5): Abramovich bị đe dọa bởi những phần tử lưu vong Boris Berezovsky đã tạo ra "vòng tròn London" bao gồm những phần tử cộm cán lưu vong như Akhmed Zakayev - cựu Ngoại trưởng phiến quân Chechnya, Trung tá Alexander Litvinenko - cựu quân nhân tình báo Nga KGB... Boris Berezovsky đã thất thế từ khi ông bạn vĩ đại Boris Yeltsin rời Điện Kremlin. Nhưng "đứa con phản bội" Roman Abramovich quá...