Cuộc chiến chống IS: Cần biến cam kết thành hành động cụ thể
Với những bất đồng như hiện nay, một liên minh rộng lớn như Mỹ mong đợi khó có thể sớm đưa ra một kế hoạch hành động chung đối phó với IS.
Ngày 15/9, đại diện ngoại giao của 29 nước tham dự hội nghị tại Paris, Pháp bàn về an ninh và hòa bình ở Iraq bày tỏ ủng hộ một liên minh mà Mỹ xây dựng nhằm đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria (IS).
Đây là hội nghị quốc tế đầu tiên thảo luận các kế hoạch đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Tổng thống Francois Hollande và Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Hoàng tử Saud al-Faisal (Ảnh AP)
Tuy nhiên, đúng như dự đoán trước thềm hội nghị, do bất đồng giữa các nước tham gia vẫn chưa được thu hẹp, nên hội nghị kết thúc với những cam kết chung chung, không đề cập đến bất cứ vai trò cụ thể nào của các nước trong cuộc chiến đối phó với IS.
Cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh con tin phương Tây thứ 3 vừa bị nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo hành quyết.
Vì vậy, tuyên bố chung đưa ra sau khi kết thúc hội nghị nêu rõ, “các phần tử cực đoan nhóm Nhà nước Hồi giáo là mối đe doạ không chỉ đối với Iraq mà còn đối với toàn thể cộng đồng quốc tế”, đồng thời nhấn mạnh “sự cấp thiết phải loại bỏ nhóm phiến quân khỏi những khu vực mà tổ chức này đã thiết lập tại Iraq”.
Bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ mới ở Iraq, đại diện ngoại giao các nước châu Âu và vùng Vịnh cam kết tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Iraq, hối thúc giới chức Baghdad tăng cường luật pháp và thực hiện một chính sách công bằng với tất cả các thành phần trong xã hội để bảo đảm thành công của cuộc chiến chống IS cũng như các tổ chức khủng bố.
Đây là hội nghị quốc tế đầu tiên thảo luận về các biện pháp đối phó với nhóm Nhà nước Hồi giáo kể từ khi nhóm vũ trang này mở rộng hoạt động tại Iraq và Syria.
Tuy nhiên, diễn ra trong bối cảnh các nước tham dự hội nghị vẫn bất đồng về thành phần tham dự, cũng như cách thức đối phó với nhóm Nhà nước Hồi giáo, nên việc hội nghị chỉ đưa ra các tuyên bố chung chung là điều có thể dự đoán được.
Video đang HOT
Iran và Syria, hai nước đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống IS lại không được mời đến tham dự hội nghị lần này.
Phía Nga, với đại diện là Ngoại trưởng Sergei Lavrov chỉ trích việc không mời Syria và Iran dự hội nghị. Ông Lavrov nhấn mạnh rằng, Syria và Iran là những đồng minh bắt buộc phải có trong nỗ lực đối phó với IS và các nước không nên đưa ra “tiêu chuẩn kép” trong cuộc chiến chống khủng bố.
Ông Lavrov nói: ” Chúng tôi đã thảo luận các khả năng để hỗ trợ cho chính quyền Iraq, đảm bảo khả năng lớn hơn của nước này đối phó với chủ nghĩa khủng bố và tăng cường an ninh. Chúng tôi cũng trợ giúp theo những cách khác nhau để tăng cường khả năng của Iraq. Chúng ta cũng cần hỗ trợ quân sự và các điều kiện khác cho Syria và các nước khác trong khu vực”.
Về phần mình, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond khẳng định, nước này sẽ đóng vai trò hàng đầu trong nỗ lực đối phó với nhóm Nhà nước Hồi giáo, nhưng nước Anh vẫn chưa đưa ra quyết định về việc làm thế nào để đóng góp tốt nhất cho nỗ lực của liên minh chống IS. Ông Hammond cũng bày tỏ hi vọng, Iran sẽ cùng tham gia liên minh đối phó với IS.
Ông Hammond nói: “Tôi nghĩ khó có khả năng Iran sẽ trở thành một nước thành viên đầy đủ và tích cực trong liên minh. Tuy nhiên, chúng ta nên tiếp tục hi vọng rằng Iran sẽ có những bước đi phù hợp với định hướng mà liên minh đang thúc đẩy. Chúng ta có thể hi vọng Iran sẽ hợp tác với kế hoạch mà liên minh đang đặt ra. Nếu không phải là thành viên tích cực thì Iran cũng cần đóng góp một phần trong hoạt động của liên minh”.
Tuy nhiên, phát biểu sau hội nghị, ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bác bỏ khả năng phối hợp với Iran trong bất kỳ chiến dịch quân sự nào do Mỹ dẫn đầu, mặc dù vẫn để ngỏ khả năng thảo luận về vấn đề này, khi hai nước có thể gặp nhau bên lề cuộc đàm phán tại Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng 9 này.
Hiện một số nước Arab, trong đó nhiều khả năng là Saudi Arabia cũng sẽ phản đối sự hiện diện của Iran trong liên minh chống IS.
Một số nước tham gia hội nghị cũng cho rằng, cần phải đề cập các biện pháp ngoại giao để mở ra cánh cửa hợp tác với Syria, nơi nhóm phiến quân IS đang kiểm soát một phần lãnh thổ, nhưng Mỹ và một số nước châu Âu hiện vẫn bác bỏ khả năng hợp tác với chính phủ Syria trong cuộc chiến chống IS.
Rõ ràng với những bất đồng hiện nay, một liên minh rộng lớn như Mỹ mong đợi khó có thể sớm đưa ra một kế hoạch hành động chung đối phó với IS.
Chính vì vậy, một số nước đang thúc đẩy các kế hoạch riêng rẽ của mình để ngăn đà mở rộng vùng kiểm soát của nhóm phiến quân này tại Iraq.
Ngày 15/9, máy bay chiến đấu của Mỹ tiến hành các vụ không kích đầu tiên nhằm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo gần thủ đô Baghdad.
Đầu tháng 9, Mỹ bắt đầu các cuộc không kích nhằm vào các vị trí của IS tại phía bắc Iraq. Thông báo ngày 15/9 của Mỹ đánh dấu việc nước này mở rộng qui mô chiến dịch không kích của mình tại Iraq.
Pháp cũng đã cử các máy bay chiến đấu tới Iraq, một bước đi tiến gần hơn đến việc nước này trở thành đồng minh đầu tiên tham gia vào chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu tại Iraq.
Một hội nghị quốc tế chống Nhóm nhà nước Hồi giáo khác có thể sẽ được tổ chức tại Bahrain, nhằm tìm cách cắt đứt các nguồn tài chính và dòng chảy những kẻ ủng hộ gia nhập hàng ngũ Nhà nước Hồi giáo. Tuy nhiên ngày cụ thể tổ chức hội nghị này vẫn chưa được công bố./.
Phạm Hà
Theo_VOV
Tại sao Pháp lúng túng bán chiến hạm cho Nga?
Theo thỏa thuận giữa Nga và Pháp, Paris phải bàn giao một trong hai tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral cho Moskva vào tháng 10 năm nay. Tuy nhiên, dưới sức ép mạnh mẽ của các đồng minh, việc có thực hiện đúng hợp đồng hay không đang là một vấn đề khiến Paris đau đầu, trong bối cảnh nhiều nướcphương Tây quyết định gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga.
Theo tờ "Le Monde" và nhiều báo Pháp khác, Tổng thống Franois Hollande đã quyết định bàn giao chiếc tàu Mistral đầu tiên (đã thanh toán tiền) cho Moskva song việc có bàn giao chiếc thứ hai hay không vẫn là vấn đề đang được bỏ ngỏ. Theo hợp đồng giữa hai nước, đàm phán từ năm 2008 và ký chính thức tháng 6/2011, Pháp đóng và bán cho Nga hai tàu hiện đại trị giá 1,2 tỉ euro này.
Tàu Mistral L9013 của Pháp. Ảnh: wikipedia
Việc đóng tàu do công ty DCNS đặt tại Saint-Nazaire (Loire-Atlantique) đảm nhận. Nội dung hợp đồng quy định có chuyển giao công nghệ Pháp với trị giá 220 triệu euro và thực hiện một chương trình đào tạo liên quan cho các thủy thủ đoàn của Nga. Hai tàu tấn công đổ bộ hiện đại này được Moskva đặt tên là Vladivostok và Sebastopol.
Theo hợp đồng, chiếc thứ nhất phải được bàn giao vào cuối năm 2014. Thực tế, việc lắp ráp đã được phía Pháp hoàn thành vào hè 2013 và các thử nghiệm đầu tiên được thực hiện từ đầu tháng 3/2014. Các thủy thủ Nga đã bắt đầu các bài huấn luyện trên tàu. Chiếc thứ hai, tàu Sevastopol, lấy tên một thành phố ở Crimea, khu vực vừa được sáp nhập vào Nga, sẽ được bàn giao vào cuối năm 2016. Các công trình đóng hai tàu chiến này đã tạo hơn 1.000 việc làm cho phía Pháp.
Tuy nhiên, thực tế đã không diễn ra thuận lợi cho công nghiệp quốc phòng và chính giới Pháp. Trong khuôn khổ các biện pháp trừng phạt Nga áp đặt sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã từng nêu khả năng đình chỉ việc bàn giao cả hai chiến hạm nói trên cho Moskva.
Nhiều biện pháp trừng phạt Nga được EU thông qua đã gây hệ lụy thực sự cho hợp đồng quân sự giữa Paris và Moskva. Đã có một số lãnh đạo chủ chốt của EU và đồng minh của Pháp bày tỏ thái độ khó chịu đối với thỏa thuận mua bán này.
Thủ tướng Anh David Cameron nhấn mạnh việc bàn giao chiến hạm sẽ là "một sự kiện không thể tưởng tượng được", trong khi tại Washington nhiều quan chức Mỹ chia sẻ lo ngại của Tổng thống Barack Obama và công khai phản đối mọi ý định bàn giao sản phẩm của đồng minh Pháp. Ngay tại Paris và trong Đảng Xã hội cũng có những tiếng nói phê phán các ý định thực hiện hợp đồng của Chính phủ.
Đối với Vladimir Putin, việc sở hữu hai chiến hạm hiện đại Mistral có ý nghĩa quan trọng. Được coi là "đặc sản" của công nghiệp quốc phòng Pháp, tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral được đánh giá là chiến hạm rất đa năng, có thể tấn công và thực hiện các chức năng chỉ huy, binh vận và như một bệnh viện dã chiến.
Mặc dù phát triển rất nhiều loại tàu cho hải quân nhưng thực tế, Nga chưa có bất cứ chiến hạm nào theo kiểu Mistral. Hơn nữa, Moskva cũng đặc biệt quan tâm đến các trang thiết bị công nghệ cao được trang bị trên hai chiến hạm mua của Pháp. Đây là lý do khiến NATO từng tỏ ra hết sức lo ngại đối với các điều khoản chuyển giao công nghệ mà Paris đồng ý với Nga trong quá trình đàm phán hợp đồng.
Nhìn tổng thể, Nga đang tìm mọi cách hiện đại hóa lực lượng hải quân. Điều này khiến nhiều chuyên gia quân sự phương Tây nghi ngờ ý đồ sử dụng tàu chiến và công nghệ chiến hạm của Pháp để bổ sung cho tham vọng khẳng định sức mạnh cường quốc của mình.
Vậy tại sao Pháp vẫn nuôi ý định bảo lưu hợp đồng chuyển giao đã ký với Nga? Đơn giản, trong bối cảnh kinh tế chưa thoát khỏi khủng hoảng và mọi nỗ lực tạo việc làm đều mang lại một hiệu ứng tâm lý tích cực của người dân đối với Chính phủ, hợp đồng với Nga tạo hơn 1.000 việc làm là một vấn đề rất đáng lưu ý. Số lao động liên quan sẽ trực tiếp bị đe dọa nếu việc bàn giao tàu thứ hai không được thực hiện.
Hơn nữa cũng có những nguy cơ tài chính nghiêm trọng đối với phía Pháp. Việc hủy hợp đồng giao chiến hạm đầu tiên sẽ buộc Pháp phải hoàn trả Nga một tỉ euro như Tổng thống Hollande từng miễn cưỡng đề cập. Vì vậy, ông đã phải quyết định bàn giao chiếc Mistral thứ nhất theo đúng hợp đồng bất chấp sức ép của các đồng minh. Chiếc thứ hai sẽ được xử lý "tùy theo thái độ của Nga" đối với việc giải quyết khủng hoảng tại Ukraine.
Tổng thống Pháp cũng từng ngỏ ý rằng nếu phải lựa chọn biện pháp trừng phạt liên quan thì điều này phải diễn ra ở cấp độ Hội đồng châu Âu và chỉ có thể nhằm vào các trang thiết bị quân sự trong tương lai mà thôi. Với những suy nghĩ như vậy, có vẻ như nước Nga của Putin sẽ nhận được cả hai chiến hạm Mistral đúng như hợp đồng đã ký.
Theo Báo Tin tức
Đức kêu gọi mở hội nghị Geneva "phiên bản 2" về Ukraine Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã kêu gọi mở hội nghị quốc tế thứ hai để chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Theo đó, Ngoại trưởng Steinmeier cho hay, ông đã đưa ra đề xuất trên trong các cuộc điện đàm vào hôm Chủ nhật (4/5) với Cao ủy đối ngoại của EU Catherine Ashton, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng...