Cuộc chiến Apple Samsung: Âm mưu và phán quyết
Phần cuối của bài viết về cuộc chiến bản quyền giữa Samsung và Apple của Kurt Eichenwald là toàn cảnh sự kiện Galaxy ra đời và các tranh chấp của họ trong 3 năm qua.
09h40, ngày 10/2/2010, một cuộc họp được tổ chức để giải quyết vấn đề khủng hoảng của công ty Samsung. 28 giám đốc điều hành các bộ phận di động của Samsung bước vào phòng hội nghị Vàng trên tầng 10, trụ sở chính của họ.
Đây là thời điểm những chiếc điện thoại của Samsung đang mất dần lợi thế, trải nghiệm của người dùng ngày càng nhàm chán với những thiết bị cũ. Trong khi đó, iPhone xuất hiện. Tình thế này càng làm Samsung trở nên bế tắc.
Tranh chấp giữa Samsung và Apple là một phần của lịch sử công nghệ hiện đại. Ảnh: Ndtv.
Việc kinh doanh điện thoại di động của Samsung từng có một thời gian phát triển. Hằng năm, họ liên tục cho ra đời nhiều mẫu thiết kế mới cho thị trường. Tuy nhiên, những chiếc điện thoại đời cũ của Samsung không thể cạnh tranh được với iPhone. Apple là nhà doanh nghiệp tiên phong cho hướng kinh doanh mới này.
Trong tập tài liệu nội bộ được tóm tắt lại cho biết, một người đứng đầu các bộ phận của công ty đã đứng lên và nói: “Sản phẩm của chúng ta có chất lượng không tốt, có lẽ vì các nhà thiết kế đã quá chú trọng đến số lượng mà quên mất chất lượng. Họ đang cố gắng sản xuất ra quá nhiều sản phẩm để bắt kịp với tiến độ mà chúng ta yêu cầu”.
Người này tiếp tục, Samsung đã thiết kế ra quá nhiều điện thoại, và điều đó thật sự đang trở nên vô nghĩa nếu như những thiết bị này không thể cung cấp được cho khách hàng những sản phẩm mới và tính năng đột phá. “Cần phải cải thiện chất lượng để loại bỏ những model kém hiệu quả và giảm bớt số lượng của các sản phẩm này”, ông nói. “Số lượng không phải là điều quan trọng, vấn đề là làm sao đưa được vào thị trường các loại điện thoại với mức độ hoàn hảo cao, chỉ cần từ 1 đến 2 sản phẩm nhưng phải thật sự xuất sắc”.
Vị này tiếp tục: “Sự ảnh hưởng này đến từ iPhone, một công ty của nước ngoài, họ đã cho chúng ta thấy được rằng, Samsung đang ngủ quên”.
“Trong thời gian này, chúng ta đã quá tập trung sự chú ý vào Nokia. Bên cạnh đó, những trải nghiệm của người dùng đã cho thấy được, khi so sánh sản phẩm với đối thủ cạnh tranh là iPhone, nó thực sự khác biệt như trời và đất”. Samsung đang đứng trước một tình thế khó khăn khi buộc phải đưa ra những quyết định mới trong sản xuất kinh doanh.
Chiếc Galaxy S đầu tiên của Samsung ra đời năm 2010. Ảnh: Fonearena.
Lúc đó một thông điệp đã được đưa xuống cho toàn công ty: “Cần phải cho ra đời một cái gì đó tương tự như iPhone, cái gì đó thật sự đẹp và dễ sử dụng”. Một nhóm nghiên cứu nhanh chóng được hình thành.
Trong khoảng ba tháng, những nhà thiết kế cùng với kỹ sư phải làm việc dưới áp một lực rất lớn. Đối với công nhân và nhân viên trong công ty, công việc đòi hỏi họ chỉ có 2 đến 3 tiếng một đêm để ngủ.
Ngày 2/3, các kỹ sư nghiên cứu sản phẩm của công ty đã hoàn tất việc phân tích tính năng của iPhone. Họ đã so sánh cấu trúc, điểm mạnh yếu của từng chiếc điện thoại. Tổng cộng có 126 tính năng của iPhone được cho là tốt hơn của Samsung. Nhóm đã thu thập và tập hợp lại một bản báo cáo dài 132 trang cho công ty, giải thích từng chi tiết và cách thức hoạt động mà chiếc điện thoại Samsung sẽ được hình thành.
Bằng cách xoay thiết bị theo bất kỳ hướng nào, sẽ làm cho hình ảnh giao diện của “calculator” trở nên lớn hơn. Chức năng “calendar” cho phép sắp xếp lịch làm việc trong ngày rõ ràng dễ đọc, cùng với hình ảnh những con số trên trên bàn phím điện thoại to rõ và dễ nhìn.
Video đang HOT
Cách kết thúc cuộc gọi rất đơn giản, số lượng các trang web được hiển thị trên cùng màn hình, kết nối Wi-Fi được đưa vào một màn hình duy nhất. Những thông báo mới từ e-mail cũng được thể hiện rất rõ ràng, cùng với nhiều những tính năng khác. Các kỹ sư đã đưa ra kết luận : “Không có bất kỳ tính năng nào giống với điện thoại của Samsung”.
Từng chút từng chút một, chiếc smartphone của Samsung bắt đầu được hình thành, từ hình dáng bên ngoài cho đến những tính năng bên trong. Từ biểu tượng trên màn hình chủ đến các icon. Ngoài ra, độ sâu giả được tạo ra bởi sự phản chiếu của ánh sáng hình thành sự đổ bóng ở trên ảnh cũng giống iPhone.
Biểu tượng tính năng trên giao diện màn hình cũng được thiết kế mô phỏng giống hệt sản phẩm Apple. Các góc được bo tròn dùng để lắp các khung kính, chúng được kéo rộng ra trên toàn bộ mặt của điện thoại, nút Home cũng được đặt ngay ở phía dưới.
Ngày 15/2, trong một cuộc họp được tổ chức giữa Samsung với giám đốc điều hành của Google. Một số các giám đốc điều hành cũng lo lắng về những điểm tương đồng giữa các sản phẩm.
Google cho rằng, “cần phải thay đổi một số tính năng cũng như hình dáng của các thiết bị Galaxy”. Hôm sau, một nhà thiết kế của Samsung đã gửi e-mail cho công ty cho biết các ý kiến của Google. “Vì nó quá giống với iPhone, hãy làm cho nó những điểm nhấn để tạo nên sự khác biệt, bắt đầu từ mặt trước”.
Cuối tháng sau, Samsung đã có một phiên bản riêng biệt, sẵn sàng để đối phó với Steve Jobs trong buổi họp báo.
Ngày 23/3, dòng người tập trung tại đại sảnh của trung tâm hội nghị Las Vegas, chuẩn bị cho sự kiện CTIA Wireless. Khi những người tham dự đã ổn định chỗ ngồi của mình thì sau đó, J.K. Shin, người đứng đầu bộ phận di động của Samsung bước lên sân khấu. Ông đã dành thời gian để nói về người tiêu dùng điện thoại di động đang mong chờ những trải nghiệm mới.
“Tất nhiên, các bạn sẽ nghĩ rằng tôi đã có một thiết bị để mang lại những trãi nghiệm mới cho các bạn,” Ông nói. “Và chắc chắn là tôi sẽ mang lại điều đó cho các bạn”.
Ông đưa tay vào túi áo khoác của mình và lấy ra một chiếc điện thoại. “Thưa quý vị, tôi muốn giới thiệu cho quý vị Samsung Galaxy S”. Lãnh đạo Samsung giơ cao chiếc điện thoại trong tiếng vỗ tay của mọi người.
Mặc dù tháng trước e-mail đã được gửi đi để yêu cầu thay đổi diện mạo của sản phẩm Galaxy, tuy nhiên hầu như không có gì thay đổi, nó vẫn trông giống iPhone. Ngoại trừ cái tên “Samsung” đã được đặt phía trên của chiếc điện thoại.
So sánh thiết kế của Galaxy S và chiếc iPhone 4 ra đời năm 2010.
Christopher Stringer nhìn vào Galaxy S với đầy sự hoài nghi và nói, “Chúng ta đã bị ăn cắp”. Là một trong những nhà thiết kế ra iPhone, ông nói tiếp: “Sau tất cả những nỗ lực để tạo ra hàng trăm mẫu thiết kế thử nghiệm, vẽ từng các biểu tượng, nút bấm khác nhau, Samsung chỉ việc đến và mang nó đi”.
Tuy nhiên, các giám đốc điều hành của Apple vào thời điểm đó đã không để ý đến những chiếc điện thoại của Samsung, họ đã ngủ quên trong chiến thắng của chính mình.
Tại một cuộc họp báo ở San Francisco vào ngày 27/1/2010, Steve Jobs đã giới thiệu chiếc máy tính bảng iPad. Đây là thiết bị mà nhóm của ông đã phát triển trước khi họ dời dự án đó sang một bên để tập trung cho dự án iPhone.
Khoảng một tháng sau khi Galaxy S bước vào thị trường nước ngoài, thì Jobs mới bắt đầu để ý đến những sản phẩm của công ty Hàn Quốc.
Ông đã muốn sử dụng những biện pháp cứng rắn đối với Samsung lúc đó. Nhưng Tim Cook đã không đồng ý với biện pháp mà Jobs đưa ra. Samsung cũng từng là một trong những đối tác kinh doanh lớn, họ đã cung cấp những bộ vi xử lý, màn hình hiển thị, và các mặt hàng khác cho Apple. Việc đối đầu với Samsung có thể làm Apple mất đi một phần lợi nhuận cho sản phẩm của mình, bao gồm cả iPhone và iPad.
Ngày 4/8, sau Samsung khi không công nhận việc sao chép bản quyền của mình tại cuộc họp ở Seoul, sự căng thẳng giữa Apple và công ty Hàn Quốc lên cao. Luật sư Chip Lutton của Apple đã nói với Ahn rằng, ông đã mong đợi một phản ứng từ phía Samsung. “Steve Jobs muốn Samsung phải chịu trách nhiệm cho những vấn đề mà Samsung đã gây ra, và ông muốn Samsung phải có trách nhiệm ngay lập tức”. Ông nói, “đừng đưa cho chúng tôi những câu trả lời chung chung mà không giải quyết được điều gì. Chúng tôi muốn một cách giải quyết triệt để và thỏa đáng”.
Sau đó, đoàn luật sư của Apple trở lại Cupertino. Bruce Sewell, luật sư của Apple, tóm tắt lại với Jobs những gì đã xảy ra tại cuộc họp. Nhưng Jobs chỉ có thể kìm nén lại cơn giận của mình và chờ đợi những phản hồi từ phía Samsung.
“Họ đã đến chưa?”, “tại sao mọi việc lại trở nên như thế này?” nhiều tuần đã trôi qua Jobs liên tục hỏi Lutton như vậy, nhưng vẫn không hề có một câu trả lời nào từ phía Samsung.
Sau đó, nhiều cuộc họp khác đã được tổ chức ở nhiều nơi, Cupertino, Washington.DC, và một lần nữa ở Seoul.
Tranh chấp giữa Apple và Samsung diễn ra trong 3 năm. Ảnh: CTIA.
Tại cuộc họp ở Washington, luật sư của Apple đã đề cập đến một hướng giải quyết khả thi, ông nói với Samsung rằng Jobs sẵn sàng thỏa thuận để cấp giấy phép cho Samsung sản xuất Galaxy S với điều kiện công ty Hàn Quốc phải trả tiền bản quyền cho việc sở hữu trí tuệ, đồng thời phải dừng việc sao chép những mẫu thiết kế và tính năng của iPhone. Ông muốn iPhone và Galaxy S phải được phân biệt rõ ràng.
Cuộc họp kết thúc và không mang lại được điều gì, Jobs ngày càng muốn đưa Samsung ra tòa hơn bất cứ lúc nào. Trong khi đó, Tim Cook vẫn tiếp tục chờ đợi trong kiên nhẫn. Ông cho rằng, đàm phán sẽ là cách giải quyết vấn đề tốt nhất, hơn là việc lôi nhau ra tòa. Theo Cook, Samsung là một đối tác kinh doanh quan trọng của Apple.
Cuối tháng 3/2011, Samsung đã tuyên bố rằng họ sẽ thay đổi mẫu mã để trở thành đối thủ của iPad 2, bằng cách cho ra đời một máy tính bảng mới nhất của mình, lần này là với một màn hình 10 inch. Nó đã giáng cho giám đốc điều hành của Apple một cú đau điếng và biến iPad 2 của Apple trở thành một thứ hàng nhái kém chất lượng. Lần này Cook không thể kiên nhẫn đàm phán hơn được nữa.
Ngày 15/4/2011, công ty đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang ở California về việc Samsung vi phạm bản quyền trên cả iPhone và iPad. Samsung dường như cũng đã sẵn sàng cho cuộc tấn công của Apple. Công ty sau đó đã phản kiện lại Apple tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức và Mỹ, cáo buộc rằng các công ty Mỹ đã vi phạm bằng sáng chế liên quan đến công nghệ thông tin liên lạc di động của Samsung.
Cuối cùng, một loạt các vụ kiện tụng và những bản kiến nghị đã được trình lên tòa bởi các công ty ở Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Australia và Hà Lan, cũng như tại tòa án liên bang ở Delaware và Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ tại Washington, D.C.
Apple kiện Samsung trên nhiều mặt trận, trong khi Samsung cũng kiện lại ở nhiều quốc gia. Ảnh: Nintendoscene.
Tháng 3/2011, chiếc xe chở các điều tra viên từ Hàn Quốc đến bên ngoài một nhà máy ở Suwon của Samsung, cách Seoul khoảng 25 dặm về phía nam. Họ ở đó sẵn sàng để lùng sục các tòa nhà, tìm kiếm những bằng chứng về sự thông đồng giữa các công ty và các nhà điều hành wireless cho việc ấn định giá các mặt hàng điện thoại di động.
Trước khi các nhà điều tra có thể vào được bên trong, nhân viên bảo vệ đến và từ chối cho họ vào. Các điều tra viên đã gọi cảnh sát, cuối cùng họ cũng vào được bên trong và đã thu được một cuộn băng video quay từ camera an ninh nội bộ. Những gì họ nhìn thấy thật không thể tin được.
Một năm sau đó, báo chí cho biết chính phủ Hàn Quốc đã phạt Samsung vì việc cản trở các điều tra viên. Tại thời điểm đó, một nhóm người hợp pháp đại diện cho Apple tại Seoul đã cung cấp bằng chứng trong phiên tòa xét xử Samsung. Họ đã nhìn thấy một trong những nhân viên của Samsung nuốt những bản tài liệu trước khi các nhà điều tra được phép vào trong. Các luật sư của Apple đã nói chuyện nửa đùa nửa thật với nhau rằng, liệu họ có thể cạnh tranh công bằng và hợp pháp, trong một phiên tòa mà những nhân viên với lòng trung thành dành cho công ty đến nổi họ sẵn sàng ăn luôn những bằng chứng buộc tội.
Tại thời điểm có mặt ở tòa án, Apple đã đặt một loạt các câu hỏi cho các kỹ sư và các nhà thiết kế liên quan đến bằng sáng chế của Samsung. Họ đã xác nhận rằng Samsung đã sáng chế và phát triển những công nghệ đó. Tuy nhiên, khi được yêu cầu giải thích chi tiết về những gì đã được cấp bằng sáng chế, thì một số nhân viên không thể trả lời.
Apple gửi một tập tài liệu cho tòa án để cho thấy sự so sánh giữa hai phiên bản iPhone và Galaxy S. Samsung sau đó đưa ra những hình ảnh của Galaxy S đã được thay đổi về kích thước. Điều này làm cho nó giống iPhone nhiều hơn so với trước khi thay đổi. Sau khi phát hiện giấy phép thỏa thuận bí mật với Nokia đã chuyển giao về tay Apple, Samsung đã sử dụng các thông tin trong các cuộc đàm phán riêng với Nokia sau đó.
Phán quyết
Không ai có thể khẳng định một thắng lợi toàn diện trong các cuộc tranh chấp giữa Apple và Samsung. Ở Hàn Quốc, tòa án cho rằng Apple đã vi phạm hai bằng sáng chế của Samsung, trong khi Samsung đã vi phạm một của Apple.
Tại Tokyo, tòa đã bác bỏ yêu cầu bồi thường cho bằng sáng chế của Apple và ra lệnh cho Quả táo phải trả toàn bộ chi phí tại tòa cho Samsung.
Tại Đức, tòa án đã ra lệnh cấm bán trực tiếp Galaxy Tab 10.1, một phán quyết cũng tương tự cho iPad 2.
Tại Anh, tòa án ra phán quyết thiện chí cho cả Samsung và Apple, tuyên bố rằng máy tính bảng của Samsung là “không đẹp” như của iPad, và sẽ không gây nhiều sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Một bồi thẩm đoàn ở California thấy rằng Samsung đã vi phạm bằng sáng chế của Apple cho cả iPhone và iPad, và trao một tỷ đô la bồi thường cho Apple số tiền mà sau đó thẩm phán đã tuyên bố rằng bồi thẩm đoàn đã tính toán sai.
Trong cuộc tranh luận về việc bồi thường các thiệt hại, một luật sư của Samsung nói rằng họ không muốn thừa nhận đúng là một số công ty của Samsung đã lấy “một số tài sản của Apple.”
Một người thân cận với Apple cho biết các cuộc chiến vô tận đã làm tiêu hao cho công ty rất nhiều, cả về tình cảm và tài chính.
iPad và Galaxy Tab, những thiết bị mở rộng cuộc chiến giữa hai bên. Ảnh: Careace.
Trong khi đó, Samsung đã tiếp tục phát triển điện thoại mới và tốt hơn trong suốt các vụ kiện, thậm chí một số người đã làm việc với Apple nói rằng: “Công ty Hàn Quốc bây giờ là một đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ trên công nghệ và không còn là một kẻ bắt chước nữa”.
Sau hơn 1000 ngày tranh chấp và kiện tụng, cuộc chiến Apple bắt đầu đi đến phần kết. Cả hai đều có những thắng lợi và thua thiệt riêng, nhưng nó cho thấy sự kiện này sẽ khó kết thúc hoàn toàn. Apple và Samsung hiện là hai tên tuổi lớn nhất trên thị trường di động. Trong khi Apple tập trung vào một số thiết bị, thì Samsung lại phát triển nhiều sản phẩm, thuộc các phân khúc khác nhau.
Theo Trithuc