Cuộc cách mạng thanh toán ở Thái Lan
Thái Lan đang triển khai những thay đổi lớn trong phương thức thanh toán và giao dịch, đón đầu cho thời kỳ bùng nổ thương mại điện tử và kết nối kinh tế khu vực.
Trong tương lai gần, người Thái không cần đến các cây ATM để rút tiền nữa – Ảnh: Lam Yên
Không còn cần đến thẻ ATM rút tiền hay lỉnh kỉnh tiền mặt trong ví, từ năm 2016, người dân Thái có thể dùng căn cước, số điện thoại di động, hoặc địa chỉ email là có thể chuyển tiền hoặc thanh toán khi mua hàng.
Dùng giấy tờ tùy thân để mua hàng
Theo kế hoạch, trong năm 2016, Thái Lan sẽ từng bước áp dụng rộng rãi hình thức thanh toán điện tử kiểu mới ( TTKM) dựa trên mô hình “Mọi thông tin cá nhân ( Any ID)” và hệ thống “Đọc thẻ tự động ( EDC)”. Mô hình Any ID là giải pháp cho phép mọi người có thể dùng bất kỳ loại giấy tờ tùy thân và thông tin cá nhân như số căn cước, số điện thoại hoặc địa chỉ email để chuyển tiền, thanh toán khi mua hàng. Trước mắt, căn cước sẽ được sử dụng chủ yếu. Song song đó, EDC là hệ thống dùng phần mềm chuyên dụng để thu thập, lưu trữ dữ liệu giao dịch của khách hàng.
Để hình thức TTKM được áp dụng rộng rãi, chính phủ Thái sẽ phát triển một hệ thống thanh toán duy nhất đồng bộ hóa với dữ liệu của tất cả các doanh nghiệp, ngân hàng trên toàn quốc. “Vì vậy, các doanh nghiệp và công ty phải đăng ký với Bộ Thương mại để có thể truy cập vào hệ thống TTKM của chính phủ, đồng thời được trang bị EDC để sử dụng các dữ liệu số hóa của khách hàng”, Bộ trưởng Tài chính Apisak Tantivorawong cho biết.
Một ưu điểm khác của TTKM là một khi được liên kết với Kho bạc Nhà nước sẽ giúp việc thu thuế hiệu quả hơn nhờ chính quyền dễ dàng kiểm soát được dữ liệu của các cuộc giao dịch. “Khi hệ thống nhận được dữ liệu, nó sẽ ngay lập tức tính được công ty đó bị đánh thuế hay được giảm thuế bao nhiêu. Hoặc khi một người mua hàng bằng căn cước, Cục Thuế sẽ biết ngay người đó mua gì, ở đâu và giá bao nhiêu. Ngoài ra, việc các tiểu thương gia nhập TTKM giúp chính phủ kiểm tra được thu chi thực tế của họ”, Thư ký thường trực Bộ Tài chính Somchai Sujjapongse giải thích.
Không những thế, TTKM sẽ hỗ trợ chính phủ trợ cấp trực tiếp cho những người có thu nhập thấp mà không cần có tài khoản ngân hàng thông qua đăng ký bằng giấy tờ tùy thân. Ngoài ra, họ còn có thể dùng căn cước để sử dụng các phương tiện và dịch vụ công cộng miễn phí.
Video đang HOT
Tiết kiệm 2,8 tỉ USD/năm
Để khởi động hệ thống TTKM trên toàn quốc, Bộ trưởng Apisak cho biết cần phải sửa đổi một số điều luật để mở đường cho sử dụng ngân sách quốc gia phát triển cơ sở hạ tầng cũng như phần mềm tương thích. “Dự thảo chi tiết về TTKM sẽ được chuyển cho nội các phê duyệt ngay trong tháng 12. Hy vọng sẽ hoàn thành trong năm sau”, ông phấn khởi nói và bổ sung: “Sắp tới, Thái Lan sẽ tung ra chiến dịch ưu đãi khi thực hiện TTKM để phổ biến hình thức này đến người dân. Nếu mọi việc suôn sẻ, đây sẽ là bước tiến lớn của Thái Lan. Đất nước chúng tôi sẽ có một hệ thống giao dịch tiên tiến hơn nhiều nước khác”.
Cũng ngay từ tháng 12, ba nhà mạng hàng đầu của Thái Lan là AIS, True Move và DTAC đã hợp tác và cho phép người dùng chuyển tiền trực tiếp qua lại giữa các mạng chỉ bằng số điện thoại, không cần tài khoản ngân hàng. Động thái này được xem là cú hích mới hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội “không tiền mặt”.
Dù đến nay, chính phủ chưa công bố chi tiết lộ trình và thời điểm Thái Lan sẽ chuyển hoàn toàn từ sử dụng tiền mặt sang TTKM nhưng theo Thống đốc Ngân hàng Thái Lan Veerathai Santiprabhob, hệ thống này còn đẩy mạnh khả năng cạnh tranh của Thái Lan lên một tầm mới do giảm chi phí vận hành doanh nghiệp.
Hiện tại ở Thái Lan khoảng 7.000 tỉ baht được rút ra từ máy ATM hằng năm, nhưng có đến 10 tỉ baht phải chi cho chi phí xe bọc thép vận chuyển tiền đến các máy và các chi phí liên quan khác. Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Thái Lan Boontuck Wungcharoen ước tính bằng cách hạn chế việc sử dụng tiền mặt và chi phiếu, hệ thống này sẽ giúp đất nước tiết kiệm được 100 tỉ baht/năm (khoảng 2,8 tỉ USD), tương đương gần 1% GDP.
Thanh toán hóa đơn tại cửa hàng tiện lợi
Trong khi chờ TTKM áp dụng trên toàn quốc thì từ lâu việc chi trả hóa đơn tại Thái Lan đã được tiện dụng hóa gần như tối đa.
Công dân lẫn người nước ngoài có thể đến bất kỳ cửa hàng tiện lợi nào (tại Bangkok, cách vài trăm mét là có một cửa hàng) để đóng tiền điện, nước, thẻ tín dụng… với một khoản phí nhỏ chừng 25 – 30 baht (dưới 20.000 đồng).
Thậm chí mua vé máy bay của các hãng như Air Asia, Nok Air… cũng có thể trả tại cửa hàng tiện lợi, phí còn thấp hơn trả bằng thẻ tín dụng. Hình thức thanh toán này cũng đã xuất hiện tại VN nhưng chưa thật sự phổ biến.
Lam Yên
(Văn phòng Bangkok)
Nhiều nước châu Âu sẽ sớm bỏ dùng tiền mặt?
Xu hướng thanh toán điện tử đang lan rộng ở châu Âu và Đan Mạch có thể trở thành nước đầu tiên trên thế giới hoàn toàn không dùng cả tiền giấy và tiền xu.
Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển dẫn đầu thế giới trong thanh toán không bằng tiền mặt - Ảnh: Reuters
CNN hôm 2.6 đưa tin chính phủ Đan Mạch vừa có đề xuất rằng hầu hết các cửa hàng có thể bỏ dùng tiền mặt từ tháng 1.2016. Riêng các dịch vụ thiết yếu như bệnh viện, nhà thuốc, bưu điện, sẽ tiếp tục chấp nhận tiền mặt trong chi trả.
Đề xuất này của chính phủ Đan Mạch có thể trở thành luật trong tương lai. Các nhóm doanh nghiệp cho rằng đề xuất này có lợi vì họ sẽ giảm được chi phí xử lý và vận chuyển tiền mặt, tăng cường an ninh và bớt lo về tệ nạn ăn cắp.
Michael Busk-Jepsen, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Ngân hàng Đan Mạch, cho biết một xã hội không dùng tiền mặt sẽ "không còn là ảo tưởng mà là tầm nhìn có thể được hoàn thành trong một khung thời gian hợp lý".
Hiện tại, tất cả người bán hàng ở nước này đều còn chấp nhận tiền mặt, song điều này không làm giảm số người mua hàng lựa chọn thanh toán kỹ thuật số. 40% số dân nước này dùng MobilePay - dịch vụ cho phép chuyển tiền giữa người với người hay thanh toán tại các cửa hàng thực tế và trực tuyến.
Xu hướng trong tương lai?
Không chỉ Đan Mạch, hai nước Bắc Âu là Na Uy và Thụy Điển cũng đang dẫn đầu xu hướng dùng tiền điện tử trên thế giới.
Theo Ngân hàng trung ương Na Uy, chỉ dưới 6% thanh toán của người dân ở khu vực Scandinavia (một phần Bắc Âu) là bằng tiền mặt. Trong khi đó, tỉ lệ dùng tiền mặt thanh toán ở Mỹ là 47%.
Tại Thụy Điển, người dân thậm chí còn có thể dùng thẻ để mua báo từ một người bán báo vô gia cư trên đường phố. Hãng sản xuất đầu đọc thẻ iZettle cho hay doanh số bán báo Situation Stockholm tăng lên sau khi thanh toán di động ra đời. Nhạc sĩ Thụy Điển Bjrn Ulvaeus, cựu thành viên ban nhạc ABBA, là một trong những người ủng hộ một xã hội không dùng tiền mặt.
Nhìn chung, xu hướng chuyển sang dùng tiền kỹ thuật số cũng đang tăng nhanh tại các nước châu Âu khác.
Theo số liệu từ Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), thanh toán không dùng tiền mặt tăng 6% trong năm 2013. Năm ngoái là lần đầu tiên thanh toán không dùng tiền mặt vượt trội so với thanh toán dùng tiền giấy và tiền xu ở Anh.
Ngoài ra, cả Liên Hiệp Quốc cũng như Quỹ Bill và Melinda Gates cùng muốn các nước từ bỏ thanh toán tiền mặt, chuyển sang giao dịch ảo. Liên Hiệp Quốc cùng Quỹ Bill và Melinda Gates hiện đang làm việc với các chính phủ, khu vực tư nhân để khuyến khích sử dụng thanh toán điện tử.
Tuy vậy, xã hội không dùng tiền mặt không phải là tin tốt đối với tất cả mọi người. Giao dịch kỹ thuật số ẩn chứa khả năng gian lận và rủi ro an ninh. Nhóm người cao tuổi và thiệt thòi hơn so với mặt bằng chung của xã hội cũng khó có thể tiếp cận với lựa chọn thanh toán này.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Hà Lan: Dạy lái xe được thanh toán bằng...tình dục Các trường dạy lái xe ở Hà Lan cho phép giáo viên nhận tiền học phí dưới hình thức dịch vụ tình dục, theo DutchNews. Các trường dạy lái xe ở Hà Lan cho phép giáo viên nhận tiền học phí dưới hình thức dịch vụ tình dục, theo DutchNews. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận...