Cuộc bầu cử Mỹ đầy khốc liệt, 37 ngày sau mới kết luận được ai là Tổng thống
Tháng 11 của 20 năm trước, gần 100 triệu cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu để chọn ra tổng thống thứ 43 của họ. Ít ai ngờ rằng, đây sẽ trở thành cuộc bầu cử gây tranh cãi nhất lịch sử Mỹ.
Cuộc cạnh tranh vào Nhà Trắng năm 2000 giữa ông Bush (trái) và ông Gore (phải) cực kỳ khốc liệt (ảnh: CNN)
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 có thể trở thành một trong những cuộc bầu cử gây tranh cãi nhất trong lịch sử Mỹ, khi Tổng thống Donald Trump kiên quyết không nhận thua và kiện ra tòa.
Lịch sử Mỹ cũng từng ghi nhận nhiều cuộc bầu cử gây tranh cãi hoặc kiện tụng liên miên, thậm chí ảnh hưởng còn kéo dài đến ngày nay.
Loạt bài này sẽ điểm lại và làm rõ hơn về những cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đầy gay cấn này.
Hai ứng viên cạnh tranh khốc liệt cho chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng lúc bấy giờ là Al Gore – ứng viên của đảng Dân chủ và George W. Bush – ứng viên của đảng Cộng hòa và cũng là con trai cựu Tổng thống George H. W. Bush.
Ngày 7.11.2000, cuộc bầu cử chính thức bắt đầu. Theo giới quan sát, cả hai ứng viên đều có những ưu điểm riêng, khiến việc nhận định kết quả bỏ phiếu trở nên rất khó lường. Những cuộc thăm dò dư luận cho kết quả 50 – 50 đối với cả hai ứng viên, biến đây trở thành một trong những cuộc bầu cử hấp dẫn nhất lịch sử Mỹ.
Trong khi Bush “con” nắm lợi thế ở các bang miền Nam, Trung Tây nước Mỹ thì ông Al Gore nhận được sự ủng hộ từ các bang miền Đông và miền Tây.
Khoảng 97 triệu cử tri Mỹ đã tham gia bỏ phiếu (chiếm 1/2 tổng số cử tri đủ điều kiện đi bầu cử lúc bấy giờ là 200 triệu người). Kết quả kiểm phiếu phổ thông được cập nhật từng giờ, cho thấy hai ứng viên bám đuổi nhau sát nút.
Khoảng 8 giờ tối ngày 7.11.2000 (giờ Mỹ), một loạt các kênh truyền thông đưa tin ông Al Gore thắng ở bang Florida. Các bang “chiến địa” khác là Pensylvania và Michigan cũng được cho là đã ngả hẳn về ứng viên đảng Dân chủ.
Tuy nhiên, vài giờ sau, nhiều hãng truyền thông Mỹ lại đưa tin ông Al Gore chưa chắc thắng ở Florida. Quá trình kiểm phiếu ở Florida khi đó mới hoàn tất khoảng 80%, cho thấy giới truyền thông Mỹ đã quá vội vàng.
Kết quả cuối cùng bầu cử Mỹ năm 2000 phải nhờ vào phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ (ảnh: AP)
Phe Cộng hòa thắp lên hy vọng ở bang Florida, nơi ông Jeb Bush – em trai của George W. Bush đang làm Thống đốc.
Video đang HOT
Đến ngày 8.11.2000, khoảng 85% số phiếu được kiểm ở Florida. Ông Bush bất ngờ vượt lên dẫn trước ông Al Gore hơn 100.000 phiếu. Các hãng truyền thông Mỹ lại đua nhau tung tin Bush “con” chiến thắng, ứng viên Gore đã chuẩn bị gọi điện chúc mừng đối thủ.
Tuy nhiên, tình thế đột ngột thay đổi khi kết quả kiểm phiếu mới cho thấy, 2 hạt lớn của Florida dồn phiếu cho ông Gore. Khoảng cách 100.000 phiếu nhanh chóng thu hẹp và ông Gore rút lại ý định nhận thua. Giới truyền thông Mỹ “kháo” đừng vội đưa tin khi bang Florida chưa kiểm xong phiếu.
Kết quả cuối cùng cho thấy Bush “con” thắng ông Gore 1.700 phiếu ở Florida. Tuy nhiên, ông Bush vẫn chưa được nhận phiếu đại cử tri của bang này.
Theo luật, nếu cách biệt số phiếu quá nhỏ, chính quyền bang phải kiểm lại phiếu xem kết quả có chính xác không. Giới truyền thông Mỹ rút kinh nghiệm, không đưa tin khi chưa có kết quả cuối cùng ở bang Florida.
Ông Bush khi đó giành 246 phiếu đại cử tri, trong khi ông Gore có 266 phiếu. Nếu thắng ở bang Florida với 25 phiếu đại cử tri, ông Bush sẽ chiến thắng chung cuộc.
Ngày 26.11, kết quả kiểm phiếu lại cho thấy, ông Bush thắng cử ở bang Florida với chỉ 537 phiếu phổ thông nhiều hơn so với ông Al Gore. Tổng số cử tri đi bỏ phiếu ở bang Florida là khoảng 6 triệu người.
Ông Bush thắng đối thủ với cách biệt sít sao (ảnh: Reuters)
Ông Gore cho rằng “bầu cử có gian lận” và khởi kiện. Cả đảng Dân chủ và Cộng hòa sau đó lao vào tranh cãi khiến cuộc đua vào Nhà Trắng kéo dài tới 37 ngày.
Ngày 9.12, Tòa án bang Florida quyết định cho kiểm đếm lại toàn bộ phiếu, kể cả hơn 70.000 phiếu bị cho là không hợp lệ trước đó. Một số hạt của bang Florida nhanh nhảu đổ phiếu ra kiểm lại. Tình hình ở bang này suýt rơi vào hỗn loạn, thậm chí là bạo động, khi các nhóm cử tri ủng hộ cho 2 ứng viên biểu tình rầm rộ, ẩu đả.
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi Tòa án bang Florida ra quyết định kiểm phiếu lại, Tòa án Tối cao Liên bang Mỹ khẩn cấp vô hiệu hóa phán quyết trên. Bang Florida không được kiểm phiếu lại. Căng thẳng tạm lắng xuống giữa các cử tri. Phe Dân chủ phản đối phán quyết của Tòa án Tối cao.
Ngày 12.12, Tòa án Tối cao Liên bang Mỹ chính thức tuyên bố, lệnh tái kiểm phiếu ở bang Florida là vi hiến, cấm bang này kiểm phiếu lại dưới mọi hình thức. Kết quả kiểm phiếu lại ở một số hạt “nhanh nhảu” trước đây đều bị hủy.
Phán quyết cuối cùng của Tòa án Tối cao Liên bang Mỹ đồng nghĩa với việc Bush “con” chiến thắng, giành trọn vẹn 25 phiếu đại cử tri ở bang Florida. Qua đó, ông Bush đắc cử tổng thống Mỹ với 271 phiếu đại cử tri.
Phe Dân chủ sau đó liên tục cáo buộc “có gian lận”, cho rằng đảng Cộng hòa đã loại hơn 54.000 phiếu hợp lệ ở Florida. Phe Dân chủ cũng cáo buộc quan chức bầu cử bang Florida bấm lỗ trên phiếu bầu cho ông Gore, khiến máy kiểm phiếu bị nhầm lẫn và loại bỏ phiếu.
Tuy nhiên, những hoài nghi, cáo buộc là vô dụng khi phe Dân chủ cũng như ông Gore không đưa ra được bất kỳ bằng chứng xác đáng nào. Ông Bush chính thức trở thành Tổng thống thứ 43 của Mỹ.
Bê bối kiện tụng, cãi vã trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2000 chấm dứt.
Ông Trump chưa muốn thừa nhận thất bại trước ông Biden (ảnh: BBC)
Bầu cử năm 2020 của Mỹ giữa Tổng thống Trump và ông Biden cũng đầy tranh cãi khi ông Trump tuyên bố “có gian lận” và kiện kết quả kiểm phiếu, bất chấp việc ông Biden thắng phiếu đại cử tri áp đảo.
Hôm 5.11, ông Gore lên tiếng cho rằng, cuộc bầu cử Mỹ năm nay “hoàn toàn khác” so với năm 2000.
“Đây là một cuộc bầu cử hoàn toàn khác so với cuộc bầu cử cách đây 20 năm. Joe Biden có nhiều cơ hội để chiến thắng. Nguyên tắc quan trọng nhất mà tôi đã bảo vệ cách đây 20 năm giống như Joe Biden và nhiều người khác đang bảo vệ hiện nay, chính là kiểm đếm mọi phiếu bầu một cách hợp pháp và tuân theo nguyện vọng của người dân Mỹ”, ông Gore nói.
Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush cho rằng, Tổng thống Trump có quyền theo đuổi các thách thức pháp lý về kiểm phiếu, nhưng khẳng định, bầu cử ở Mỹ về cơ bản là công bằng.
“Người dân Mỹ có thể tin tưởng cuộc bầu cử này về cơ bản là công bằng và kết quả là rõ ràng”, ông Bush nói về bầu cử tổng thống Mỹ năm nay.
Tổng thống Trump sẽ làm gì nếu phải rời Nhà Trắng?
Tổng thống Trump sẽ còn hơn 2 tháng để lên kế hoạch cho tương lai nếu nhiệm kỳ của ông chấm dứt vào ngày 20/1.
Ông Trump có niềm đam mê với ánh đèn sân khấu, AFP tin rằng ông sẽ quay lại với đam mê này khi rời Nhà Trắng. Theo AFP, không nhiều người tin vào viễn cảnh vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ sẽ theo đuổi một cuộc sống truyền thống hậu Nhà Trắng như viết hồi ký hay thỉnh thoảng tổ chức các sự kiện từ thiện.
Trump có thể mất đi "chìa khóa" vào Nhà Trắng nhưng tất nhiên không bị cắt quyền đăng nhập Twitter.
Khi Trump còn là Tổng thống, ông gặp phải những hạn chế nhất định trong việc đăng thông điệp nào đó trên Twitter hay Facebook. Khi không còn ở cương vị này, ông sẽ không còn bị gò bó bởi những ràng buộc trên.
"Cách tiếp cận của Twitter đối với các nhà lãnh đạo thế giới, các ứng viên và các quan chức công quyền dựa trên nguyên tắc mọi người nên có quyền lựa chọn xem các nhà lãnh đạo của họ đang nói gì với bối cảnh rõ ràng. Khung chính sách này áp dụng với các nhà lãnh đạo tại nhiệm và các ứng viên chứ không phải các công dân khi họ không còn giữ các vị trí này", một phát ngôn viên của Twitter cho hay.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: WP)
Một số đồng minh gần đây bắt đầu nói về việc ông Trump đang lên kế hoạch tái tranh cử vào năm 2024.
Cho tới nay mới chỉ có Grover Cleveland là Tổng thống duy nhất trong lịch sử Mỹ đảm nhiệm 2 nhiệm kỳ không liên tiếp. Ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1892 sau khi thất bại trong nỗ lực tái đắc cử 4 năm trước đó.
Cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Mulvaney từng khẳng định ông Trump là người "không thích thua cuộc".
"Tôi tuyệt đối tin tưởng ông ấy có khả năng tranh cử vào năm 2024. Ông ấy là một người 74 tuổi có rất nhiều năng lượng", ông Mulvaney nói.
Nói về khả năng này, Bryan Lanza - cựu cố vấn của Tổng thống tin rằng ông Trump đang "ở một vị thế thuận lợi" để tái tranh cử sau 4 năm nữa.
Cách đây vài tháng, Tổng thống Trump từng ám chỉ về việc bắt đầu 1 thương hiệu "Trump TV" khi ông thường xuyên tỏ ra bất mãn về Fox News - tờ báo hiếm hoi của Mỹ ủng hộ nhà lãnh đạo Mỹ.
"Người xem muốn có một sự thay đổi ngay bây giờ. Tôi cũng thế", ông Trump nói. Không ai có thể phủ nhận ông chủ Nhà Trắng có khiếu hút ánh đèn sân khấu thiên bẩm.
Nhưng cũng có những lo ngại về việc ông sẽ bị kéo vào các vấn đề pháp lý nghiêm trọng.
Các công tố viên ở New York đang điều tra việc Trump trả tiền để mua sự im lặng của một sao phim khiêu dâm, các giao dịch kinh doanh phức tạp và các hoạt động kế toán bí ẩn. Cùng với đó là các cáo buộc tấn công tình dục trong quá khứ.
Là Tổng thống, ông Trump được hưởng quyền miễn truy tố. Nhưng ông rời khỏi Nhà Trắng, mọi chuyển sẽ rất khác.
8 cộng sự của Trump, bao gồm cả những người từng là quản lý chiến dịch tranh cử, luật sư và cố vấn an ninh quốc gia bị truy tố hoặc bỏ tù với các tội danh nghiêm trọng, trong đó có các cáo buộc liên quan tới chiến dịch năm 2016.
Cũng có 1 kịch bản khác là ông Trump muốn thoát khỏi tất cả.
Hồi tháng 6, ông từng nhắc tới việc đi xa cùng vợ trên 1 chiếc RV.
"Những chiếc xe tải thật đẹp. Các bạn có nghĩ tôi có thể nhảy lên một trong số chúng và lái đi không? Tôi thích làm điều đó, chỉ cần lái nó rời khỏi tất cả những thứ này", ông nói trong một cuộc vận động tranh cử ở Pennsylvania.
Theo AFP, nếu tính tới chuyện nghỉ xả hơi, Trump có thể tới các sân golf hoặc các tòa tháp của mình.
Quê nhà Ấn Độ ca ngợi Kamala Harris 'làm nên lịch sử' Pháo được đốt trong ngôi nhà của tổ tiên Kamala Harris khi Ấn Độ ăn mừng chiến thắng của phó tổng thống đắc cử Mỹ. Tại làng Thulasendrapuram thuộc bang Tamil Nadu, nơi từng là nhà của ông ngoại Kamala Harris, người dân ăn mừng bằng đốt pháo, cầu nguyện tại các ngôi đền lớn và vẫy những tấm poster có hình Phó...