Cùng con gái 13 tháng tuổi chiến đấu với ung thư: Nếu con là chiến binh, mẹ sẽ là chiến mã!
Gần 3 tháng nay, chị Huyền nuốt nước mắt, mạnh mẽ cùng con cô con gái 13 tháng tuổi đối đầu chống ung thư.
Video: Chị Nguyễn Thị Thu Huyền (mẹ bé Sam) chia sẻ đầy xúc động.
Cú sốc không ngờ tới: ‘Con còn bé quá Sam ơi!’
Mang nặng 9 tháng 10 ngày, ngày hạ sinh bé Sam (tên đầy đủ là Phạm Diệp Anh) cả gia đình chị Nguyễn Thị Thu Huyền vỡ oà trong niềm hạnh phúc. Một bé con kháu khỉnh, khoẻ mạnh chào đời cùng bao kì vọng tốt đẹp và mong ước bình an của những người thân trong gia đình.
Bé Sam khi còn khoẻ mạnh.
Quyết định sinh thêm bé thứ ba, chị Huyền suy nghĩ: ‘Hai anh chị, một chị học lớp 7, một anh học lớp 5 rồi, sinh thêm em bé thứ ba cho vui nhà. Anh chị lớn cũng đã có thể trông em, biết nhường nhịn, yêu thương em nên mình cứ nghĩ rằng Sam sẽ cứ thế mà lớn lên khoẻ mạnh, có điều kiện để phát triển mọi mặt. Ấy vậy mà, con bé lại là đứa chịu thiệt thòi nhất…!’ – vừa cất lời nhưng chị Huyền đã không kìm được hai hàng nước mắt.
Chị Huyền – mẹ bé Sam không kìm được lòng.
‘Trộm vía’ suốt những tháng đầu đời, bé Sam ăn ngoan, ngủ lành, bụ bẫm, chẳng hề ốm vặt và ít quấy bố mẹ, tăng cân bình thường nên không ai biết được trong người bé đang mang mầm bệnh. Chỉ đến khi trong một lần xuống thăm con cháu, bà ngoại bé Sam ngắm nghía rồi sinh nghi:
‘Mẹ mình bảo, bé Sam mắt to, mắt bé. Mình thì nghĩ con mới ngủ dậy vả lại trẻ con mắt hơi không đều chắc là chuyện bình thường. Sau đó mình nghĩ lại, sợ sau này con lớn nhỡ con trách mình ngày bé không quan tâm đến con nên quyết định đưa Sam đi khám’ – chị Huyền nhớ lại.
Vừa tiếp xúc, bác sĩ đã khẳng định mắt con không bình thường nhưng để chắc chắn thì phải sau khi xét nghiệm mới có kết quả. Là mẹ, chị Huyền chỉ nghĩ con bị bệnh gì đó thôi, chứ hai từ ‘ung thư’ thì chẳng thể dám nghĩ. Ngày bác sĩ đọc kết quả xét nghiệm, đứa con 11 tháng của chị bị u nguyên bào võng mạc (ung thư võng mạc), do phát hiện muộn nên tế bào ung thư đã di căn sang cả hai mắt. Bầu trời như sụp xuống với cả gia đình.
‘Mình và gia đình chỉ biết khóc thôi. Bác sĩ nói mắt phải con hỏng hết, mắt trái thì tỉ lệ giữ được là 50:50, khả năng phải bỏ mắt. Khi ấy cả bầu trời u ám dội xuống mình. Mình nghĩ tới con. Con người chỉ có đôi mắt để nhìn thế giới, con cũng cần được nhìn để thấy những người trong gia đình, để vui chơi, học hành. Mình thực sự sốc. Trời ơi, Sam còn nhỏ quá…’
Nụ cười của bé Sam khiến nhiều người xót xa.
Nhật kí của mẹ: Chuyến xuất ngoại đầu tiên của con là để trị xạ
Suy sụp, bần thần người chẳng thể làm gì, ngày ngày ngắm con chị Huyền ‘vuốt’ nước mắt: ‘Còn nước còn tát, dù chỉ là một tia hy vọng nhỏ để cứu con, chắc chắn mẹ nào cũng sẽ cố gắng. Mình bắt đầu tìm hiểu, hỏi han các bác sĩ và đưa con đi điều trị’.
Sau hai lần điều trị hoá chất ở Việt Nam, chị Thu Huyền cùng gia đình được giới thiệu nên quyết định đưa bé Sam sang Thái Lan, tiếp tục chạy chữa nâng cao tại bệnh viện Ramathibodi (Băng Cốc): ‘Ban đầu do còn vướng nhiều thủ tục nên chưa thể sang Thái Lan ngay được, chờ làm giấy tờ mà mình sốt ruột vì chậm ngày nào thì tế bào ung thư sẽ hại bé Sam ngày đó’.
Ngày 20/1, hai vợ chồng chị Huyền bắt đầu làm thủ tục nhập viện cho Sam. Cô con gái út ở nhà vốn nhanh nhẹn, láu cá nhưng nhìn thấy xung quanh nhiều bác sĩ bỗng trở nên e rè, sợ hãi, nhút nhát hẳn đi: ‘Chắc con bé biết bác sĩ sẽ tiêm, truyền dịch, làm đau nên thấy bác sĩ là toàn trốn thôi. Nhìn con thương lắm’.
Vết sẹo do đặt ống cạnh tim trong quá trình xạ trị.
Bé Sam trốn nấp bác sĩ.
Thấy con đau, chỉ ước gánh đi bệnh tật cho con, bố Sam vừa bồng bế con, vừa hỏi bác sĩ trong sự bất lực: ‘Con tôi còn sống được bao lâu nữa’ khiến chị Huyền lại một lần nữa tim thắt lại.
Đợt điều trị đầu tiên của bé Sam kéo dài 13 ngày, vì không thông thạo tiếng, chị Huyền phải thuê thêm phiên dịch với giá 2 triệu đồng/ngày. Thêm cả viện phí, chi phí đi lại, ăn uống cũng là cả vấn đề: ‘Chi phí cũng lớn lắm nhưng tiền thì mình còn kiếm ra được chứ sức khoẻ của con thì không chờ đợi được. Với bố mẹ, chẳng gì đánh đổi được đứa con của mình cả!’.
Đi chữa bệnh cũng đúng vào dịp Tết, gia đình chị Huyền phải gửi hai con lớn về quê với ông bà, trong thời khắc giao thừa cũng chỉ biết chúc nhau qua điện thoại mà không thể đoàn viên: ‘Lúc ấy, tất cả mọi người đều cầu mong rằng, Sam có thể chữa khỏi bệnh, có thể lớn lên. Đó là mong muốn duy nhất’.
Không còn tóc nhưng vẫn cười lên như này Sam nhé!
Ngay khi có hoá chất trong người, cơ thể bé con ‘phản ứng’ ngay lập tức, những sợi tóc tơ mong manh của con rụng dần theo cả mảng. Ngắm nhìn lại hình ảnh con chúm chím cười với chỏm tóc ‘bờm’ gọn xinh yêu. Bây giờ mỗi lần gội đầu, tóc của con rụng nhiều, ‘nhìn mà sót’, chị Huyền cùng chồng bảo nhau cạo hẳn đầu cho con.
Sam ngoan ngoãn ngồi yên trên chiếc ghế hợp tác với bố mẹ càng khiến chị Huyền thương con hơn. Chị nghẹn ngào: ‘Sam như cũng biết ấy, thương bố mẹ nên ngoan lắm. Chẳng khóc lóc gì cả. Trước tóc con bé vốn dày và đen giờ nhìn đầu con trọc húi, đội mũ vào còn đỡ chứ để đầu không thấy tội mà đau lòng’.
Video: Sam được bố cạo tóc vì tóc rụng quá nhiều.
Không ăn gì được, bé Sam hằng ngày chỉ uống sữa, hoạ hoằn lắm mới được nửa bát con cháo, cô bé sọp hẳn người đi. Thương em, chị gái Su (11 tuổi) hay dành việc trông và chơi cùng em. Mỗi lần được chị trêu đùa, bé Sam cứ ôm chầm lấy cổ chị, cười giòn tan – tiếng cười là thanh âm nhiệm màu, xua tan phần nào không khí ảm đạm trong ngôi nhà từ ngày phát hiện bé mắc bệnh.
Bé Sam trêu đùa cùng chị gái.
Ngắm nụ cười hồn nhiên, trong trẻo này chị Huyền chỉ mong con có thể mạnh khoẻ trở lại.
Con yêu! Mẹ sẽ luôn đồng hành cùng con!
Trong lần truyền dịch gần nhất, các bác sĩ thông báo, do cơ thể bé Sam đáp ứng thuốc khá tốt nên tình hình khối u đã co lại nhỏ hơn, mắt bé được giữ lại. Ngày 16/3 tới đây, cô bé sẽ tiếp tục sang Thái tiến hành đợt điều trị mới kéo dài một tuần: ‘Mỗi lần như này cả nhà và con đều mệt mỏi. Người bình thường đã không chịu được những cơn đau nhức trong người rồi huống chi là một đứa trẻ.
Nhưng hiện tại cả nhà chỉ có thể chờ đợi và tin tưởng vào bác sĩ thôi. Mình phải cố gắng mạnh mẽ thì Sam mới học mạnh mẽ theo được’.
Chưa biết hành trình phía trước sẽ như thế nào, còn gian nan đến đâu, chỉ biết khi Sam còn là ‘chiến binh’ thì mẹ sẽ là ‘chiến mã’ luôn song hành cùng con.
Nếu Sam lớn hơn, nếu Sam có thể nói chắc chắn Sam sẽ nói: ‘Con yêu mẹ, mẹ ơi!’.
Chị Huyền tranh thủ làm việc nhà khi con chưa dậy.
Sam rất ngoan, sáng ngủ dậy không quấy khóc nhiều.
Khoảng thời gian giữa những ngày điều trị, bé Sam cũng uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Sam ngoan ngoãn, tự chơi.
Kỳ Duyên – Kiên Nas
Theo baodatviet
Dự án BV vệ tinh chuyên khoa ung bướu: Hiệu quả tăng, tỷ lệ chuyển tuyến giảm mạnh
Tỷ lệ bệnh nhân chuyển lên tuyến trên điều trị ung thư đã giảm nhanh sau 5 năm triển khai Dự án Bệnh viện vệ tinh đối với chuyên khoa ung bướu.
Dự án bệnh viện vệ tinh đối với chuyên khoa ung bướu thuộc Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2020.
Hiện cả nước đã có 8 bệnh viện chuyên khoa ung bướu và 72 trung tâm, khoa điều trị ung bướu thuộc các bệnh viện tuyến tỉnh, giúp giảm cơ bản tình trạng bệnh nhân ung bướu phải chuyển tuyến trên điều trị.
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết, hiện nay Bệnh viện K đang trực tiếp thực hiện chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn cho 42 đơn vị điều trị ung bướu thông qua mô hình bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816 của Bộ Y tế về tăng cường y bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới công tác. Trong đó, các bệnh viện vệ tinh gồm cả công và tư như Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt ở Vĩnh Phúc và một bệnh viện ở Nghệ An.
Khám và điều trị cho bệnh nhân ung thư (Ảnh: TL)
Việc chuyển giao kỹ thuật thông qua Đề án bệnh viện vệ tinh thời gian qua đã đáp ứng 80% nhu cầu của bệnh viện tuyến dưới, giúp các bệnh viện đáp ứng được nhu cầu của người dân mà không cần chuyển tuyến.
Ngoài ra, nhờ dự án bệnh viện vệ tinh một số bệnh viện trước đây bệnh nhân chuyển tuyến gần 100%, nay chỉ còn 10-20%. Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh, tỷ lệ chuyển tuyến với bệnh nhân ung thư hiện khoảng 10%, trong khi trước đây đến 90%. Tại Phú Thọ, trước đây bệnh nhân chuyển tuyến 95%, giờ còn 5%.
Cũng theo GS.TS Trần Văn Thuấn, trước đây công suất giường bệnh của Bệnh viện K lên tới trên 300%, quá tải ở nhiều khoa phòng, tuy nhiên qua 5 năm triển khai Dự án bệnh viện vệ tinh đối với chuyên khoa ung bướu, hiện nay, công suất giường bệnh của bệnh viện còn 106%, tình trạng quá tải đã giảm rất nhiều, bệnh nhân có thể điều trị tại địa phương nhưng vẫn được tiếp cận với các bác sĩ tuyến trên mà không phải chuyển tuyến, người bệnh không phải đi lại.
Tỷ lệ bệnh nhân chuyển lên tuyến trên giảm mạnh sau 5 năm triển khai Dự án bệnh viện vệ tinh chuyên khoa ung bướu (Ảnh: X. Mai).
Lãnh đạo Bệnh viện K cho biết, trước khi tiếp nhận các bệnh viện là bệnh viện vệ tinh, với vai trò là bệnh viện hạt nhân, Bệnh viện K đã cử các đoàn công tác đi khảo sát, đánh giá nhu cầu tiếp nhận kỹ thuật cũng như điều kiện nhân lực, trang thiết bị để đảm bảo việc chuyển giao kỹ thuật đạt hiệu quả.
Bên cạnh việc hỗ trợ chuyên môn cho 42 đơn vị điều trị ung bướu thông qua mô hình bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816, Bệnh viện K cùng các bác sĩ của các bệnh viện vệ tinh thường xuyên triển khai các hoạt động tầm soát phát hiện sớm ung thư, cung cấp kiến thức phòng và kiểm soát các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
Chuyển giao chuyên môn kỹ thuật, cử bác sĩ của bệnh viện về hỗ trợ trực tiếp, hội chẩn trực tuyến... giúp các bệnh nhân có thể điều trị tại địa phương nhưng vẫn được tiếp cận với các bác sĩ tuyến trên mà không phải chuyển tuyến điều trị.
Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận trên 165.000 người mắc ung thư mới, trên 110.000 người tử vong do ung thư; 70% bệnh nhân ung thư đến khám ở giai đoạn muộn làm giảm cơ hội được điều trị khỏi đồng thời tăng chi phí điều trị. Do đó, bên cạnh việc ưu tiên cho các bệnh viện vệ tinh về chuyển giao chuyên môn kỹ thuật, hỗ trợ điều trị, Bệnh viện K Trung ương cùng các bác sĩ của bệnh viện vệ tinh rất chú trọng công tác tầm soát ung thư.
Từ nay đến năm 2020, Bộ Y tế sẽ triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh mở rộng chuyển giao kỹ thuật thêm các chuyên khoa khác như nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu và chống độc; đồng thời thiết lập hệ thống hội chẩn trực tuyến từ xa tại tất cả các bệnh viên hạt nhân và vệ tinh để chẩn đoán, điều trị kịp thời cho bệnh nhân, tiếp tục giảm tỷ lệ người bệnh phải chuyển lên tuyến trên.
Theo giadinhvietnam
Nhiễu loạn thị trường đồ dùng trẻ em Với tầng lớp trung lưu đang ngày càng tăng trưởng mạnh, nhu cầu của các bậc cha mẹ đối với những sản phẩm dành cho con đang ngày càng cao về cả số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, chính sự tiềm năng này gây nên sự nhiễu loạn về chất lượng của các mặt hàng. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet Thị trường...