Cục vàng lấp lánh trong rừng và kỳ lạ cửa hang không phá nổi
Cửa hang Bạt được bịt một cách rất chắc chắn, bằng vật liệu kỳ lạ, nên đám lục lâm thảo khấu ở đất này đã nhiều lần dùng sức người để phá, nhưng đều bất lực.
Khi rừng già bị đốn hạ, cửa hang Bạt (xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) dần lộ thiên. Nhiều kẻ xấu nổi máu tham đã mang mìn nên ốp vào cửa hang hòng lấy vàng lấy bạc. Tất cả những cuộc tìm kiếm đều nhận thất bại đau đớn. Nhiều kẻ đã phải bỏ mạng nơi rừng hoang, núi thẳm.
gia đình ông Lò Văn Cung ở bản Khoong giờ vẫn tiếp nối các đời trước ngày ngày nhang khói tại ngôi đền và hang Bạt. Trong những dịp bản có công to, việc lớn ông vẫn lên đó thắp hương mong cho mùa màng nơi đây được tốt tươi, nhà nhà yên bình.
Câu chuyện về việc giấu của năm nào, ông Cung cũng chỉ nắm qua lời kể của các cụ trong dòng họ. Việc những kẻ xấu muốn chiếm kho báu trong mấy chục năm gần đây, ông lại nắm tương đối rõ. Hầu hết những kẻ xâm phạm đến vùng đất thiêng đều nhận cái kết đắng.
Chiếc trống đồng thu được ở bản Khoong hiện trưng bày ở Bảo tàng Sơn La.
Do cửa hang Bạt được bịt một cách rất chắc chắn, bằng vật liệu kỳ lạ, nên đám lục lâm thảo khấu ở đất này đã nhiều lần dùng sức người để phá, nhưng đều bất lực.
Trong những năm chiến tranh, một số trai bản đi lính. Khi đó, việc kiếm thuốc nổ dễ dàng, nên một người lính trong bản tên là Lường Văn Hói đã đem mìn về, rồi cùng 4 người khác phá cửa hang Bạt.
Hôm đó, trời vần vũ mây, tốp người liều lĩnh mang mìn lên núi. Họ bất chấp lời khuyên răn của các cụ cao niên trong làng là việc xâm phạm vùng đất thiêng sẽ nhận lại nhiều tai ương.
Một người trong đoàn cho rằng, với mấy quả mìn này, hang Bạt không nổ tung mới là chuyện lạ. Họ ròng dây, khoét cửa hang đặt mìn. Ai trong nhóm cũng nóng lòng với suy nghĩ mở được cửa hang là tha hồ lấy vàng lấy bạc trong đó.
Ông Cung dẫn tác giả đến hang Bạt.
Khi việc ròng dây đã hoàn thành, 4 quả mìn có sức công phá lớn được đặt trước cửa hang Bạt. Dây mìn được dẫn ra xa. Một người châm lửa đốt dây cháy chậm, một tiếng nổ vang trời bung ra, đất đá bay mù mịt. Bà con bản Khoong được dịp hồn siêu phách lạc vì vùng đất linh thiêng bị xâm phạm.
Khi đám khói trước cửa hang Bạt vừa tan, họ vội vàng chạy đến, hy vọng lấy được vàng ngay. Nhưng cửa hang Bạt vẫn cứ vững như bàn thạch. Bốn quả mìn chỉ làm vài hòn đá phía ngoài bật ra, chứ cửa hang Bạt vẫn đóng im ỉm.
Video đang HOT
Quá sửng sốt trước sự lạ này, đôi chân của những kẻ xấu dám xâm phạm vùng đất thiêng liêng đứng không vững. Giờ thì họ tin rằng, những lời cảnh báo của bà con bản Khoong là thật, không dễ gì phá được hang Bạt. Họ lầm lũi rời núi trở về bản, chứ không trống rong cờ mờ như lúc vác mìn lên để phá cửa hang.
Chỉ sau đó ít ngày, ông Hói – người dẫn đám người lên phá cửa hang tự nhiên mắc chứng bệnh lạ rồi qua đời. Mấy đồng đội của ông này cũng có số phận hẩm hiu. Người khù khờ, người chết non… Không một ai có được cuộc sống bình yên sau vụ việc phá hang Bạt đó.
Chất liệu gắn kết đắp cửa hang Bạt cứng hơn cả đá.
Bài học nhãn tiền khi tìm kho báu hang Bạt vẫn còn đó. Tuy nhiên, lời đồn số vàng bạc quá lớn trong hang đã làm dấy lên lòng tham khôn cùng của những kẻ liều lĩnh. Nhiều người khác trong bản vẫn nổi máu tham.
Ông Cung đã cùng một nhóm bàn nhau dùng thuốc nổ phá hang Bạt. Trong nhóm có cả bố vợ ông, là Hà Văn Thế. Họ không dùng mìn như nhóm trước, mà dùng thuốc nổ TNT có sức công phá cực mạnh. Những người này cũng hùng hổ lên núi Bạt với mong muốn sớm đoạt được kho báu.
Đám người này đặt thuốc nổ ở cả 3 mặt cửa hang. Họ tính toán rằng, lượng thuốc nổ này có thể làm tan cả boong-ke cốt thép, chứ cái đám đất sét trộn đá kia chẳng nhằm nhò gì. Mọi tính toán và từng công đoạn ốp thuốc nổ nơi cửa hang được ông Cung và các “cộng sự” tính toán rất chi tiết.
Một lần nữa bà con người Thái ở bản Khoong được dịp khiếp vía khi tiếng nổ vang lên giữa rừng. Chim chóc ngừng hót, cây cối đổ rạp, đất đá bắn tung tóe.
Ấy vậy mà, khi đám người kia tiến lại cửa hang Bạt, vẫn chỉ là một khối đá câm lặng, không hề bị hư hại. Thuốc nổ chỉ làm vách đá kia nứt ra vài hòn. Cửa hang Bạt không hề bị lay chuyển.
Ông Cung trước một cửa hang.
Sau sự kiện thanh niên trong bản không thể phá được hang Bạt, người Thái càng tin tưởng hơn nữa về những lời mà các cụ kể lại về kho báu này. Nó đã được yểm bùa, không ai phá được. Nhóm thanh niên này cũng có số phận vô cùng hẩm hiu. Người chết đường, chết chợ, người chết trẻ với những nguyên nhân không ai giải thích nổi.
“Khi tiếp xúc với bố vợ, tôi có hỏi chuyện này, ông ấy trước khi nhắm mắt cũng dặn kĩ con cháu là không được xâm phạm hang Bạt”, ông Cung cho biết.
Chuyện tìm kiếm kho báu hang Bạt dần rơi vào quên lãng. Thế rồi cách đây hơn chục năm, bà Lò Thị Pháp – người dân trong bản Khoong nhìn thấy một thỏi vàng lấp lánh giữa rừng.
Hôm đó bà Pháp đi nương tìm kiếm rau rừng. Bà luồn rừng, lội suối để lên đỉnh núi Bạc. Bà từng chứng kiến những cái chết tức tưởi khi xâm phạm vùng đất thiêng này, nên bà cũng không dám lại gần cửa hang. Tuy nhiên, trên đường về bản, bà đã nhìn thấy một vật gì đó phát sáng cách hang không xa. Bà tiến lại gần thì đó là một thỏi vàng to hơn chuôi dao. Thay vì lấy thỏi vàng đó, bà lại chạy vội về bản như bị ma đuổi. Bà tin rằng của cải do tiền nhân để lại, bà không dám sờ tới.
Về bản bà mới nói chuyện này với chồng, sáng hôm sau mọi người lên tìm lại không thấy thỏi vàng đâu. Tuy nhiên, câu chuyện của bà Pháp lại đánh thức lòng tham của những kẻ chuyên đi tìm vàng bạc miền Tây Bắc. Họ tin rằng, kho báu là có thực, họ mang máy dò, rồi đủ các phương tiện khác lên tìm kiếm quanh hang Bạt. Dù nỗ lực của họ có cao ngút trời, nhưng cuối cùng đều nhận lấy sự thất bại cay đắng.
Người dân bản Khoong dựng đền thờ ở cửa hang Bạt.
Hang Bạt vẫn đứng sừng sững giữa đất trời, không ai có thể tìm được phương cách để lấy được vàng bạc trong hang. Bà con trong bản đã cùng nhau góp tiền, góp của xây cái miếu thờ để cầu lấy sự bình an và cũng để nhắc nhở con cháu trong bản đây là vùng đất thiêng, không được xâm phạm.
Mấy năm gần đây, những kẻ nhăm nhe định chiếm kho báu hang Bạt đã bớt dần đi. Ông Cung vẫn tận tụy với việc hương khói tại ngôi miếu nhỏ mới được xây dựng.
Trước khi dẫn tôi đi thăm hang bạt, ông Cung phải sắm đầy đủ hương khói mới lên đường. Vượt qua tràn ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ. Con suối Khoong vẫn tuôn chảy róc rách, nước trong vắt như cái ngày nàng Băng, nàng Bương buông tóc gội đầu bên suối.
Nhắc lại câu chuyện buồn về 2 nàng sơn nữ xinh đẹp đó, ông Cung buông tiếng cảm hoài: “Kho báu kia chưa biết thực hư đến đâu, nhưng giờ dân làng cùng chung lòng bảo vệ vùng đất thiêng này là một điều đáng mừng. Ngày 2 bà theo chồng lên thuyền lại gặp nạn trên sông Đà. Họ vĩnh viễn không trở về đất này”.
Từ suối Khoong lên hang Bạt đi bộ mất hơn chục phút. Xung quanh cửa hang cây cối um tùm, muỗi vắt nhiều vô kể. Cái miếu mà mọi người dựng lên là một ngôi nhà sàn thu nhỏ. Nơi đó có đặt bát hương để tưởng nhớ đến 2 bà chúa đã về với tiên tổ.
Sau khi làm xong thủ tục lễ lạt, ông Cung dẫn tôi đi thăm từng cửa hang một. Hiện nơi này có 3 cửa hang, chỗ nào cũng có đất sét bịt chặt. Nếu không có sự hướng dẫn của ông Cung, chắc tôi không thể nào phân biệt được nơi nào là vách đá, nơi nào là cửa hang. Mọi lối vào hang vẫn bịt chặt. Có thể các bậc tiền nhân giấu kho báu đã làm nghi binh mấy cửa hang để phòng kẻ xấu đến phá hoại.
Xung quanh cửa hang cây mọc rậm rịt, không ai biết lối vào chỗ nào. Sau sự việc nhiều tay buôn đồ cổ mang máy dò kim loại đến tìm đã bị dân bản đuổi cho chạy tán loạn, giờ không ai muốn lấy kho báu nữa mà họ cùng nhau bảo vệ, lưu giữ nơi linh thiêng này cho muôn đời sau.
Huyện Vân Hồ cũng đang lên kế hoạch xây dựng và bảo tồn nơi này thành một công trình văn hóa.
THANH VÂN
Theo vtc.vn
Sơn La: Thiệt hại do ảnh hưởng cơn bão số 3 khoảng 28 tỷ đồng
Do ảnh hưởng của hoàn lưa cơn bão số 3, từ ngày 1 - 5/8, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã xuất hiện mưa lớn, lũ quét gây thiệt hại về người và tài sản, ước tính khoảng 28 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Sơn La về tình hình thiệt hại do cơn bão số 3 xảy ra trên địa bàn từ ngày 1 - 5/8, mưa lũ đã làm 1 người chết; 190 ngôi nhà bị ảnh hưởng và hư hỏng; trên 300ha lúa, rau màu, cây ăn quả bị ngập úng; hàng chục con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi.
Mưa lũ cũng làm hơn 800 vị trí tuyến đường trong tỉnh bị sạt lở, sụt lún, ngập úng gây ách tắc giao thông; nhiều công trình thủy lợi và nước sinh hoạt bị sạt lở, hư hỏng nặng; 2 điểm trường bị ngập, sập đổ tường rào, nhiều dụng cụ phục vụ dạy học bị hư hỏng. Ước tổng thiệt hại khoảng 28 tỷ đồng.
Mưa lũ gây ngập úng, thiệt hại hàng trăm ha đất sản xuất của người dân.
Tỉnh Sơn La đang tiếp tục chỉ đạo các huyện, thành phố bám sát cơ sở, tập trung khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng cơn bão số 3 và khuyến cáo người dân cảnh giác trước diễn biến phức tạp về mưa lũ trên địa bàn. Đồng thời, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại về nhà cửa, tài sản, các hộ có nguy cơ sạt lở, sớm đảm bảo ổn định cuộc sống người dân.
Nhiều vườn cây ăn quả bị ngập nước do mưa lũ.
Một số tuyến đường bị sạt lở, sụt lún, đất đá tràn ra mặt đường.
Mưa lớn khiến nước lũ tràn qua nhiều tuyến đường gây ách tắc giao thông cục bộ.
Mưa lũ quét qua nhà dân tại xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
Theo Danviet
Nhiều hộ dân ở Sơn La bị ngập sâu trong nước lũ Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, đêm 3 và sáng 4/8, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Sơn La tiếp tục có mưa vừa và mưa to. Tại huyện Mộc Châu, nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến cho nhiều gia đình ở tiểu khu 1, tiểu khu 3 và một số bản ở xã Đông Sang bị ngập sâu...