Cục phó phòng chống tệ nạn xã hội nói rõ về vụ á hậu bán dâm nghìn đô
Những người bán dâm được dư luận quan tâm vì họ là người nổi tiếng, bán dâm với mức giá lên tới hàng ngàn USD. Người mua dâm lại bị xử phạt nặng hơn người bán.
Theo Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) Cao Văn Thành, nếu những người bán dâm không phải là người nổi tiếng thì sẽ rất ít được dư luận chú ý. Việc báo chí khai thác các yếu tố liên quan đến người nổi tiếng đã làm nhiều người quan tâm hơn đến người bán dâm vừa qua.
Khi được hỏi tại sao các vụ mua bán dâm ngàn USD thường chỉ nhắc đến người bán mà không thấy nói đến người mua, ông Thành giải thích, không có bất cứ quy định nào cho phép nêu tên người bán cũng như người mua dâm.
Vì vậy, cơ quan công an đã thận trọng trong cung cấp thông tin, chỉ đưa tên đối tượng môi giới chứ không đưa danh tính cụ thể người mua hoặc bán dâm.
“Đối với người mua dâm, nếu là cán bộ, viên chức, nhân viên lực lượng vũ trang thì sẽ được báo cáo về cơ quan đơn vị để xem xét và có hình thức kỷ luật”, ông Thành nói thêm.
Công an đang điều tra làm rõ hành vi hoạt động môi giới mại dâm của người mẫu T.D và diễn viên – MC C.V
Theo ông, việc thông tin nhiều về người nổi tiếng bán dâm sẽ dẫn đến sự kỳ thị đối với người bán dâm cũng như gia đình họ, mặc dù hiện nay người bán dâm không phải giáo dục tại địa phương hoặc nơi sinh sống.
Người mua dâm bị xử phạt nặng
Đại diện Cục Phòng chống tệ nạn xã hội nói rõ, trong pháp lệnh Phòng chống mại dâm, nghị định 167 (về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội) người mua dâm còn bị xử phạt nặng hơn người bán dâm.
Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-300 nghìn đồng người bán dâm. Nếu bán dâm cho nhiều người cùng một lúc thì bị phạt từ 300-500 nghìn đồng.
Phạt tiền từ 500 nghìn – 1 triệu đồng đối với hành vi mua dâm; phạt từ 2-5 triệu trong trường hợp mua dâm nhiều người cùng một lúc; phạt từ 5-10 triệu đối với hành vi lôi kéo hoặc ép buộc người khác cùng mua dâm.
Hành vi mua dâm được xác định chưa phải là hành vi nguy hiểm nên luật quy định chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính chứ chưa thể cấu thành tội phạm.
Có nên xem mại dâm như một nghề?
Ông Thành cho hay, ở Hà Lan hay Thụy Điển, mại dâm được xem như một nghề nhưng người quản lý mại dâm ở nước họ cho biết, nếu quản lý mại dâm như một nghề khác thì không phù hợp, bởi nó có tính đặc thù, phụ thuộc vào văn hoá, tập quán và ý thức pháp luật…
Ông cũng nói rõ, ở Việt Nam việc có nên hay không xem mại dâm là một nghề cũng đã được đưa ra bàn tại một vài hội thảo, nhưng ý kiến bất đồng khá nhiều.
“Điều quan trọng nhất là phải làm sao cho phù hợp với phong tục tập quán. Ngay như các nước Bắc Âu chấp nhận mại dâm nhưng vẫn có nhiều quan điểm không tán đồng đó là một nghề”, ông Thành nói.
Ông Thành cũng dẫn chứng, mại dâm tại New Zealand không bị cho là vi phạm đạo đức mà chỉ quan tâm cần có luật về mại dâm để quản lý về bệnh tật, sức khoẻ cho những người tham gia vào hoạt động này.
Theo Vũ Điệp (Vietnamnet)
Bêu tên á hậu bán dâm: Sai luật
Tuần qua, cơn bão thông tin trên báo và mạng xã hội phản ánh vụ bắt giữ một người môi giới mại dâm liên quan đến đường dây mua bán dâm cao cấp giá ngàn USD.
Kèm theo đó là hàng loạt bài viết và hình ảnh về những người bán dâm là á hậu, MC, người mẫu... trong đường dây.
Hậu quả là người bán dâm bị "ném đá", phải chịu đựng những búa rìu dư luận, thậm chí bị khủng bố về tinh thần, có khi nặng nề hơn nhiều phán quyết của tòa án.
Suy xét về luật và thực tiễn có thể cảnh báo rằng việc đăng hình ảnh, thông tin công khai về các hành vi vi phạm của người bán dâm là xâm phạm quyền công dân, quyền con người. Bêu riếu danh tính họ không có ý nghĩa giáo dục và ngăn chặn được tệ nạn xã hội. Ngược lại, việc phơi bày, mô tả chi tiết về hành vi mua bán dâm vô hình trung lại "quảng cáo" câu like lối sống đồi trụy, thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.
Mua bán dâm là tệ nạn xã hội ở bất cứ xã hội, chế độ nào cũng có. Ở ta mua bán dân là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, theo luật hình sự thì hành vi bán dâm không bị coi là tội phạm. Người có hành vi bán dâm chỉ bị xử phạt theo Nghị định số 167/2013 của Chính phủ (xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội...). Cụ thể, theo khoản 1 Điều 23 nghị định thì phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng người bán dâm. Nếu bán dâm cho nhiều người cùng một lúc thì bị phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng theo khoản 2.
Cạnh đó, một điểm nhân văn là Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm như trước đây. Việc xử phạt người bán dâm luật cũng không quy định phải công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Có nghĩa là dù có bị xử phạt thì họ vẫn được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị bạo lực, truy bức hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Hiến pháp 2013 đã khẳng định: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật. Vì thế người sử dụng mạng Internet nói chung trước khi đăng hình ảnh hoặc thông tin về việc này cần tự hỏi mình có quyền hay không. Nếu không tìm thấy câu trả lời mà cứ vô tư viết, đăng tải thì chính những người này đã phạm luật. Bởi đây là hành vi xâm phạm quyền con người, có thể bị xử lý theo pháp luật và phải bồi thường, khắc phục hậu quả tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.
Luật Báo chí đã nghiêm cấm việc tuyên truyền lối sống đồi trụy; miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, hành vi tội ác; thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Luật cũng cấm thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án.
BLDS 2015 thì quy định rõ việc sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác để đăng báo hoặc tải lên mạng xã hội mà không có sự đồng ý của người có hình ảnh là xâm phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh. Theo đó, người bị xâm phạm có quyền khởi kiện yêu cầu phải thu hồi, chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại.
Về hành chính, khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013 của Chính phủ cũng quy định phạt tiền với các hành vi: Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích; cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín nhân phẩm của người khác.
Khoản 1 Điều 155 BLHS 2015 (tội làm nhục người khác) thì quy định nếu xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ đến ba năm.
Có thể thấy rất nhiều cách thức để những người bị bêu xấu quá lố bảo vệ quyền nhân thân, uy tín, danh dự như đã nói ở trên. Chỉ có điều hành vi bán dâm trước đó được coi là trái với đạo đức xã hội nên có lẽ họ sẽ không yêu cầu xử lý vì họ sợ "được vạ thì má đã sưng".
Tuy nhiên, cũng không vì vậy mà những người dùng mạng Internet cho rằng mình bêu đúng, đừng tùy tiện ban cho mình quyền xúc phạm quyền nhân thân của người khác. Bởi mọi tổ chức và cá nhân trong xã hội cần tôn trọng và thực hiện đúng để quyền con người, quyền công dân được bảo đảm.
Luật sưNGUYỄN HỒNG HÀ, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa
Thâm nhập "thị trường trai bao" (kỳ 5): Đường dây mại dâm được mã hoá bằng mật khẩu Quý bà hoặc quý ông muốn mua dâm phải nói đúng mật khẩu hoặc có người quen giới thiệu thì "tú ông" mới đồng ý "điều hàng" cho khách. Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, đại tá Nguyễn Viết Hòa, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) - Công an tỉnh Nghệ An...