Cục Hàng không Việt Nam bất ngờ đề xuất chưa điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tạm thời chưa xem xét việc điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa.
Cục Hàng không Việt Nam bất ngờ đề xuất chưa điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam cho hay, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc ổn định giá cả, hạn chế các tác động tiêu cực đến đời sống xã hội là cần thiết. Do đó, cơ quan này đề xuất thạm thời chưa xem xét việc điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển.
Trước đó, đầu tháng 3/2020, chính Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển về mức quy định năm 2014 (đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam là tăng trung bình 3,75% giá dịch vụ vận chuyển so với khung giá hiện hành).
Lý giải cho sự thay đổi này, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến vận tải hàng không, khiến giá nhiên liệu Jet A1 giảm.
Trong khi đó, đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) ngày 9/4/2020 cho thấy, giá nhiên liệu Jet A1 ở khu vực châu Á giảm còn 24,66 USD/thùng. Dự báo mức giá bình quân năm 2020 là 56,9 USD/thùng. Trong giai đoạn thị trường phát triển ổn định (khi chưa có dịch COVID-19), giá nhiên liệu cơ bản có xu hướng tăng cao. Do đó, việc xây dựng chính sách cần xem xét xu hướng tăng trở lại của giá nhiên liệu bay khi thị trường dần hồi phục.
Tuy nhiên, các hãng hàng không lại cho rằng, giai đoạn hiện nay, với tác động nặng nề của dịch COVID-19, sản lượng hành khách, hệ số ghế sử dụng và doanh thu của các hãng sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, hàng loạt chi phí khác lại gia tăng như chi chi phí bảo đảm an toàn phòng chống dịch, chi phí sân đậu tàu bay… làm chi phí trên mỗi chuyến bay và trên hành khách tăng cao.
Số liệu thống kê từ Vietnam Airlines cho thấy, nếu như năm 2015, chi phí cho một hành khách/km là 1.933 đồng/km, đến năm 2018, con số này là 2.027 đồng/km (tăng 4,8%). 3 tháng đầu năm 2020, khi đã có ảnh hưởng ban đầu của dịch COVID-19, chi phí này là 2.345 đồng/km. Dự kiến cả năm nay, chi phí này sẽ tăng lên tới 12.925 đồng/km (51,3%).
Video đang HOT
Các hãng hàng không nhận định việc điều chỉnh tăng khung giá vé như đề xuất vào tháng 3/2020 của Cục Hàng không Việt Nam không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines chia sẻ, dự kiến, sau điều chỉnh mức giá trần về mức như năm 2014 với các đường bay có khoảng cách từ 500km trở lên và giữ nguyên giá hiện tại với các đường bay có khoảng cách dưới 500km sẽ hầu như không tác động đến chỉ số giá tiêu dùng năm 2020.
“Việc này sẽ giúp Vietnam Airlines và các hãng hàng không Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, nâng cấp chất lượng dịch vụ cho đối tượng khách hàng có nhu cầu dịch vụ cao, có thêm các mức giá rẻ nhằm kích cầu, khuyến khích khách đi máy bay”, ông Lê Hồng Hà cho hay.
Về vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, xem xét phân tích vấn đề trên và có báo cáo Bộ Giao thông Vận tải trước ngày 31/5/2020.
Đầu tháng 3/2020, Cục Hàng không Việt Nam đã có đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển về mức quy định năm 2014.
Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất giữ nguyên giá trần cho các đường bay kinh tế – xã hội (1,6 triệu đồng) và các đường bay khác dưới 500km (1,7 triệu đồng), đồng thời tăng giá trần đường bay có cự ly vận chuyển 500 – 850km từ 2,2 triệu đồng lên 2,25 triệu đồng (tăng 2,27%).
Giá trần đường bay từ 850 – 1.000km cũng được đề xuất tăng từ 2,79 triệu đồng lên 2,89 triệu đồng (tương đương 3,58%). Đường bay từ 1.000 – 1.280km tăng từ 3,2 triệu đồng lên 3,4 triệu đồng (tương đương 6,25%) và đường bay từ 1.280km trở lên sẽ tăng từ 3,75 triệu đồng lên 4 triệu đồng (tương đương 6,67%).
Đề xuất này của Cục Hàng không Việt Nam được đưa ra trên cơ sở biến động chi phí đầu vào. Cụ thể, theo thống kê, tháng 2/2020, giá nhiên liệu Jet A1 khu vực châu Á là 65,27 USD/thùng (tăng 11,36% so với thời điểm tháng 8/2015). Thuế nhập khẩu 7%, tỷ giá tăng khoảng 3,25% so với thời kỳ tháng 8/2015; Thuế bảo vệ môi trường tăng 200% (từ 1.000đồng/l lên 3.000đồng/l). Biến động của giá nhiên liệu và tỷ giá trong thời gian từ tháng 8/2015 đến tháng 2/2020 tác động làm tăng khoảng 5,62% chi phí một chuyến bay.
Bộ Tài chính muốn truy thu thuế các ngân hàng từ 2011 tới nay
Hiệp hội Ngân hàng vừa có văn bản kiến nghị lên Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước về việc các TCTD bị truy thu thuế giá trị gia tăng từ thư tín dụng từ đầu năm 2011 tới nay.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết vừa nhận được phản ảnh của các tổ chức tín dụng (TCTD) hội viên về việc Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính ban hành Công văn số 1606/TCT-DNL ngày 22/4/2020 về thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với dịch vụ thư tín dụng (L/C) của các tổ chức tín dụng (TCTD) gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó nêu:
Căn cứ quy định tại Luật các TCTD năm 2010 và các quy định pháp luật liên quan,"... kể từ ngày 1/1/2011, khi Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 có hiệu lực thi hành thì thư tín dụng (L/C) là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán, do vậy sẽ không thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định" và yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, hướng dẫn các TCTD trên địa bàn quản lý có phát sinh hoạt động cung cấp dịch vụ thư tín dụng (L/C) thì thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT theo đúng quy định.
Thực hiện Công văn nêu trên, hiện các Cơ quan thuế địa phương đang yêu cầu các TCTD rà soát, kê khai và nộp thuế GTGT đối với các khoản thu từ thư tín dụng phát sinh từ ngày 01/01/2011 đến nay.
Hiệp hội Ngân hàng cho biết, trên cơ sở nghiên cứu thông lệ quốc tế về bản chất nghiệp vụ L/C, các quy định pháp luật liên quan và ý kiến đề nghị của các TCTD hội viên, Hiệp hội Ngân hàng có ý kiến và kiến nghị về vấn đề này như sau:
Thứ nhất về Bản chất nghiệp vụ thư tín dụng: Theo các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về nghiệp vụ thư tín dụng chứng từ và thông lệ quốc tế (Bộ quy tắc về thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ - UCP 600) thì: Thư tín dụng, trong đó ngân hàng đóng vai trò là ngân hàng phát hành/xác nhận L/C, về bản chất là cam kết/ bảo lãnh thanh toán, như đối với thư tín dụng nhập khẩu (bao gồm cả thư tín dụng dự phòng).
Trong trường hợp này, ngân hàng cung cấp dịch vụ bảo lãnh thanh toán và được luật pháp coi là hình thức cấp tín dụng (Khoản 14 Điều 4 và Khoản 3 Điều 98 Luật các tổ chức tín dụng). Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các TCTD phải phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro cho các cam kết này (Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và tính vào giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn như các loại cấp tín dụng khác (Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 25/11/2019 về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài).
Cho nên, theo Hiệp hội ngân hàng, các khoản phí liên quan trực tiếp đến việc phát hành, xác nhận, thông báo L/C để bảo lãnh thanh toán cho khách hàng là phí thu trên hoạt động cấp tín dụng và không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo quy định của Luật thuế GTGT, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế.
Về Thực tế áp dụng thuế GTGT đối với thư tín dụng: Lâu nay, căn cứ Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thuế GTGT (Thông tư số 219/2013/TT-BTC, Công văn số 11754/BTC-CST ngày 06/9/2010 của Bộ Tài chính, Công văn số 4520/TCT-DNL ngày 4/10/2017 của Tổng cục Thuế...), các TCTD đã và đang thực hiện đúng chính sách thuế GTGT trên cơ sở bóc tách rõ bản chất của các khâu trong dịch vụ là dịch vụ thanh toán hay hoạt động cấp tín dụng để xác định các loại phí liên quan đến thư tín dụng thuộc hay không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.
Về Tác động của Công văn số 1606/TCT-DNL và động thái của các Cơ quan thuế địa phương, theo Hiệp hội Ngân hàng, những động thái của các Cơ quan thuế địa phương căn cứ Công văn số 1606/TCT-DNL của Tổng cục Thuế gây lo ngại cho các TCTD trong việc diễn giải và áp dụng thực hiện pháp luật của các cơ quan quản lý.
Việc áp dụng thu thuế GTGT không đúng bản chất của thư tín dụng, đặt vấn đề truy thu thuế, phạt kê khai sai và tiền chậm nộp thuế GTGT đối với các khoản thu liên quan đến thư tín dụng phát sinh từ đầu năm 2011 đến nay sẽ gây tác động xáo trộn lớn, ảnh hưởng xấu tới hoạt động của các ngân hàng thương mại, nhất là trong bối cảnh phải tập trung hỗ trợ chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Thuế GTGT là thuế gián thu, trường hợp phải nộp bổ sung thuế GTGT dịch vụ thư tín dụng đã phát sinh thì ngân hàng phải thu lại từ khách hàng. Trong lúc nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, việc đồng loạt truy thu tiền thuế GTGT là không khả thi, ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng và các doanh nghiệp liên quan. Ngoài ra, việc yêu cầu "hồi tố" sẽ làm phát sinh một loạt chi phí xã hội do phải điều chỉnh hóa đơn, số liệu về kê khai, nộp thuế, khấu trừ thuế...
Để đảm bảo việc thu thuế GTGT đối với nghiệp vụ thư tín dụng của các TCTD thực hiện đúng quy định pháp luật, đúng bản chất nghiệp vụ, tránh mâu thuẫn, bất cập trong thực hiện quy định pháp luật về thuế GTGT và pháp luật chuyên ngành ngân hàng đối với nghiệp vụ thư tín dụng L/C, tạo điều kiện cho các TCTD và các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị:
Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế hướng dẫn các Cục Thuế địa phương không áp dụng thuế GTGT đối với nghiệp vụ phát hành thư tín dụng và các khoản phí có liên quan đến quy trình cấp tín dụng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo đúng tinh thần của Luật các TCTD 2010, Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thi hành. Không yêu cầu "hồi tố", bắt các TCTD rà soát, kê khai và nộp thuế GTGT đối với khoản thu từ nghiệp vụ thư tín dụng phát sinh từ năm 2011 đến nay; Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan làm rõ các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật để việc hiểu và áp dụng thuế GTGT đối với nghiệp vụ thư tín dụng đúng bản chất, thống nhất, không gây khó khăn trong hoạt động của các TCTD.
Thêm 2 tổ chức được cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán Theo tìm hiểu, hai tổ chức mới được cấp giấy phép đều là những doanh nghiệp còn rất trẻ. Ảnh minh họa. Ngân hàng Nhà nước vừa cấp giấy phép cho 2 tổ chức không phải là ngân hàng được hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Cụ thể, ngày 15/4/2020, Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép cho...