Cục diện phức tạp
Ngày 11/3, quốc kỳ của Thụy Điển được kéo lên tại trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ( NATO) ở Brussels (Bỉ), đánh dấu quốc gia Bắc Âu chính thức trở thành thành viên thứ 32 của liên minh quân sự lớn và lâu đời nhất thế giới này.
Ngày 7/3/2024, Thụy Điển đã chính thức trở thành thành viên thứ 32 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sau khi Thủ tướng nước này Ulf Kristersson (trong ảnh) chuyển các tài liệu gia nhập cho Chính phủ Mỹ tại một buổi lễ ở Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Sự kiện này sẽ thay đổi đáng kể cán cân địa – chính trị trong khu vực cũng như môi trường an ninh tại châu Âu, vốn đã có nhiều biến động vì xung đột Nga – Ukraine.
Chỉ cách đây vài năm, khó có thể tưởng tượng Thụy Điển sẽ gia nhập NATO vì đất nước này giữ vị trí trung lập trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới. Sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, nhất là khi Liên Xô giải thể năm 1991, Thụy Điển cũng cắt giảm chi tiêu quân sự. Tuy nhiên, kể từ khi năm 2014, Thụy Điển lại bắt đầu đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng. Nghĩa vụ quân sự bắt buộc được áp dụng lại vào năm 2018 và chi tiêu quốc phòng đã tăng gấp 5 lần trong 5 năm qua. Sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Thụy Điển và nước láng giềng Bắc Âu Phần Lan bắt đầu quá trình gia nhập NATO.
Đánh giá về việc kết nạp Thụy Điển, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố: “Thụy Điển có lực lượng vũ trang có năng lực và nền công nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới. Việc Thụy Điển gia nhập làm cho NATO mạnh hơn”.
Mặc dù số lượng không đông, song quân đội Thụy Điển được đánh giá là được huấn luyện rất bài bản và trang bị hiện đại, nên về sức mạnh quân sự, những năm gần đây, nước này luôn nằm trong nhóm 30 nước và vùng lãnh thổ đứng đầu (trong số trên 140 quốc gia/vùng lãnh thổ) trong Bảng xếp hạng hỏa lực toàn cầu. Thụy Điển là quốc gia có lực lượng hải quân mạnh với các tàu ngầm tiên tiến, quen hoạt động ở vùng biển Baltic nông. Ngoài hải quân, Thụy Điển còn sở hữu một trong những lực lượng không quân lớn nhất châu Âu với khoảng 100 máy bay chiến đấu. Điều này có nghĩa là các quốc gia NATO ở Đông Bắc Âu có thể chủ động việc giám sát không phận khu vực.
Video đang HOT
Theo Trung tâm Wilson có trụ sở tại Washington, ngành công nghiệp quốc phòng của Thụy Điển – một trong những ngành lớn nhất ở châu Âu, sản xuất một số thiết bị tinh vi nhất trên thị trường. Năng lực công nghệ cao trong khu vực tư nhân của Thụy Điển cùng với số lượng lớn các khoáng sản quan trọng, như quặng sắt và kim loại đất hiếm, rất quan trọng đối với ngành công nghiệp quốc phòng. Thụy Điển có thể đóng góp vào việc sản xuất khí tài của NATO khi nước này đang tự sản xuất máy bay chiến đấu, nổi bật với dòng máy bay tiêm kích đa nhiệm JAS 39 Gripen của Tập đoàn Saab.
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), xuất khẩu vũ khí của Thụy Điển tài khóa 2020 – 2021 đạt khoảng 1,7 tỷ USD, tới gần 60 nước. Danh mục khí tài do Thụy Điển xuất khẩu cũng khá đa dạng, từ phụ tùng máy bay chiến đấu, các loại radar, hệ thống tác chiến điện tử, cảnh báo trên không… đến xe bọc thép, xe chiến đấu bộ binh, tên lửa, chiến đấu cơ, tàu chiến và cả tàu ngầm. Mỹ là khách hàng mua các loại lựu pháo trang bị cho hải quân và hệ thống pháo phản lực do Thụy Điển cung cấp.
Với vị trí là mắt xích quan trọng kết nối Bắc cực với biển Baltic và Đại Tây Dương, việc Thụy Điển gia nhập NATO đã làm thay đổi đáng kể cục diện địa – chính trị ở khu vực này. Giờ đây, ngoại trừ Nga, tất cả các nước ven biển Baltic đều là thành viên NATO. Điều đó sẽ giúp NATO có lợi thế chiến lược ở biển Baltic. Giới phân tích đánh giá trong trường hợp xung đột giữa NATO và Nga ở biên giới phía Đông leo thang, Thụy Điển sẽ là nơi trung chuyển quan trọng về hậu cần và quân đội.
NATO cũng có thể mở rộng ảnh hưởng ở Bắc cực thông qua việc Thụy Điển gia nhập. Hiện nay, 7/8 quốc gia trong Hội đồng Bắc cực là thành viên NATO (ngoại trừ Nga). Đây được xem là khu vực có tầm quan trọng chiến lược và có khả năng xảy ra tranh chấp trong tương lai bởi tiềm năng về những nguồn tài nguyên và tuyến vận chuyển ngắn hơn đang còn ẩn giấu dưới lớp băng tan chảy tại vùng cực.
Đối với Thụy Điển, quyết định gia nhập NTO được cho sẽ giúp nước này có được sự đảm bảo an ninh trong bối cảnh cấu trúc an ninh châu Âu đã thay đổi. Tuy nhiên, việc nước này từ bỏ chính sách không liên kết cũng có thể mang tới những hệ lụy phức tạp. Chính sách không liên kết cho phép Thụy Điển duy trì tính độc lập trong chính sách đối ngoại, đồng thời giúp tạo dựng danh tiếng của nước này như một quốc gia trung lập và hòa bình, nhờ đó Thụy Điển có thể theo đuổi vai trò tích cực trong quan hệ quốc tế và giải quyết xung đột. Nay với việc gia nhập liên minh quân sự, vai trò này không còn.
Đối với ổn định và an ninh khu vực, như tuyên bố của Đại sứ quán Nga tại Stockholm, việc Thụy Điển gia nhập “ khối quân sự thù địch với Nga” sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định ở Bắc Âu và khu vực Baltic, nơi vốn từng một trong những khu vực ổn định nhất thế giới. Sau khi NATO kết nạp Phần Lan và Thụy Điển, danh sách các “quốc gia trung lập” ở châu Âu ngày càng ít dần, điều này tạo ra nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO. Nga coi việc Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên NATO là “mối đe dọa đáng kể với an ninh của Moskva” và cảnh báo về những động thái phản ứng trước những bước tiến của NATO.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh Chính phủ Nga sẽ giám sát chặt chẽ cách Thụy Điển hành xử trong “khối quân sự hiếu chiến” và dựa trên điều này, Nga sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa mang tính chất chính trị và quân sự – kỹ thuật để ngăn chặn các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Nội dung chính xác của các biện pháp sẽ phụ thuộc vào các điều kiện và mức độ hội nhập của Thụy Điển vào NATO, chẳng hạn như khả năng triển khai quân đội và vũ khí của NATO tới quốc gia Scandinavia này.
Trên thực tế, khi Phần Lan gia nhập NATO, Nga thông báo thành lập quân khu mới để củng cố các vị trí của nước này gần biên giới Phần Lan. Theo các chuyên gia quân sự, nếu NATO điều lực lượng hoặc lắp đặt các khí tài quân sự đến Phần Lan và Thụy Điển, Nga có thể sẽ đáp trả quyết liệt và cứng rắn hơn. Điều đó càng thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang tại châu Âu, khiến căng thẳng, xung đột và đối đầu thêm trầm trọng, không có lợi cho hòa bình và an ninh khu vực.
Như vậy, có thể khẳng định việc NATO kết nạp Thụy Điển và Phần Lan chắc chắn sẽ thay đổi môi trường an ninh châu Âu, làm căng thẳng hơn mối quan hệ giữa khối này với Nga, khiến cục diện địa – chính trị khu vực trở nên phức tạp hơn. Tình hình này cũng khiến triển vọng giải quyết các vấn đề khu vực, như cuộc xung đột Nga – Ukraine, thêm khó khăn.
Phần Lan có thể sớm đóng cửa biên giới với Nga
Bộ trưởng Nội vụ Phần Lan Mari Rantanen tuyên bố nước này có thể sớm đóng cửa các trạm kiểm soát biên giới với Nga vì lý do an ninh.
Xây dựng hàng rào biên giới giữa Nga và Phần Lan tại Imatra, Phần Lan ngày 14/4/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo đài RT, phát biểu tại một cuộc họp báo, bà Rantanen cho biết Bộ Nội vụ Phần Lan sẽ chuẩn bị một đề xuất trình chính phủ. Bà lưu ý rằng các biện pháp đóng cửa biên giới có thể có hiệu lực nếu cần thiết để chống mối đe dọa nghiêm trọng liên quan trật tự công cộng, an ninh quốc gia hoặc sức khỏe cộng đồng.
Theo bà Rantanen, quyết định cuối cùng cũng sẽ phụ thuộc vào Nga. Bà cáo buộc Nga đã thay đổi chính sách biên giới để cho phép những người di cư bất hợp pháp tràn vào Phần Lan. Bà Rantanen từ chối suy đoán lý do Nga thay đổi chính sách biên giới, nhưng cho rằng Nga có thể không hài lòng về điều gì đó trong các hoạt động của Phần Lan. Bà Rantanen cũng nói Phần Lan đã liên lạc với Nga nhưng cuộc đàm phán không mang lại kết quả như mong muốn.
Nga vẫn chưa bình luận về cáo buộc của Phần Lan.
Gần đây, Phần Lan lo ngại về những người nhập cư bất hợp pháp từ các nước thứ ba. Nước này đã thắt chặt các biện pháp ở biên giới bằng cách cấm người dân từ Nga đi qua biên giới bằng xe đạp.
Theo chính quyền Phần Lan, khoảng 60 người đã đến biên giới phía Đông nước này vào 13 và 14/11, hầu hết trong số họ đến từ Iraq, Somalia và Yemen.
Theo bà Rantanen, mối quan tâm chính của Phần Lan không phải là số lượng người di cư mà là ngăn chặn cuộc khủng hoảng quy mô lớn tương tự như cuộc khủng hoảng đã gây chấn động khắp Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2015.
Mối quan hệ giữa Nga và Phần Lan đã xấu đi đáng kể kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine vào tháng 2/2022. Sau đó, Phần Lan quyết định phá vỡ quan điểm trung lập kéo dài hàng thập kỷ và gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Phần Lan cũng ủng hộ EU thực hiện các biện pháp trừng phạt Nga. Vào tháng 9, nước này đã tuân theo các khuyến nghị của EU về hạn chế nhập khẩu và cấm hầu hết ô tô mang biển số Nga vào nước này, đồng thời yêu cầu phương tiện có biển số Nga đã ở trên lãnh thổ Phần Lan phải rời đi trước tháng 3/2024.
Ngày 13/11, Đại sứ quán Nga ở Helsinki đưa ra cảnh báo rằng Phần Lan đã cấm người dân qua biên giới với Nga bằng xe đạp trong một thời gian không xác định. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã tố cáo các khuyến nghị gần đây của EU là phân biệt chủng tộc.
Hồi tháng 9, Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây làm tổn thương người dân bình thường, nhưng khẳng định Phần Lan không có lựa chọn nào khác ngoài việc áp đặt các biện pháp này.
Đầu tháng 7, Bộ Ngoại giao Nga thông báo trục xuất 9 nhà ngoại giao Phần Lan. Bộ Ngoại giao Nga cho biết đã triệu Đại sứ Phần Lan để phản đối lập trường chống Nga của Helsinki. Tháng trước đó, Phần Lan thông báo đã trục xuất 9 nhà ngoại giao Nga, cáo buộc những người này thực hiện các nhiệm vụ tình báo.
Quan hệ Nga - Phần Lan căng thẳng sau khi Phần Lan gia nhập NATO hồi tháng 4, từ bỏ chính sách không liên minh quân sự kéo dài hàng thập kỷ. Phần Lan cũng dựng hàng rào biên giới kiên cố hơn với Nga. Phần Lan có chung 1.340 km đường biên giới với Nga và đây cũng là biên giới ngoài của EU.
Latvia trục xuất công dân Nga không xin được giấy phép cư trú mới Ngày 9/3, Chính phủ Latvia đã bắt đầu quá trình trục xuất các công dân người Nga không xin được giấy phép di trú mới hoặc không vượt qua bài kiểm tra tiếng Latvia. Một góc thủ đô Latvia. Ảnh minh họa: Getty Bà Maira Roze, lãnh đạo Văn phòng quốc gia về các vấn đề công dân và di cư Latvia, cho...