Cửa hàng điện thoại chi trăm triệu mang tượng Steve Jobs về Việt Nam
Một cửa hàng di động tại TP.HCM đã chi 110 triệu đồng để mua tượng sáp huyền thoại Apple về trưng bày trong cửa hàng.
Ngày 8/1, một cửa hàng di động trên đường Trần Quang Khải, quận 1, TP.HCM đã chi 110 triệu đồng để mua tượng sáp của cựu CEO Apple trưng bày trong cửa hàng.
“Cửa hàng tôi từ những ngày đầu thành lập đã gắn bó với các mặt hàng của Apple. Tôi rất thần tượng Steve Jobs và muốn chia sẻ sự thần tượng với khách hàng đến cửa hàng của mình. Tôi hy vọng tượng sáp sẽ thu hút khách đến tham quan cửa hàng”, ông Minh Tuấn, chủ cửa hàng di động chia sẻ.
Theo ông Tuấn, tượng sáp này được vận chuyển từ Trung Quốc với tổng chi phí 110 triệu đồng. Tượng được làm từ chất liệu sáp, cao khoảng 1,8 mét, tương đương kích thước thật của người sáng lập Apple.
Áo cổ lọ, quần Jeans và những phụ kiện như kính, dây nịt của tượng sáp mô phỏng chân thực trang phục thường ngày của Steve Jobs lúc sinh thời. Tượng sáp này mất 1 tháng để đặt hàng và vận chuyển. Theo chủ cửa hàng đây là tượng sáp Steve Jobs duy nhất tại Việt Nam.
Một số hình ảnh cận cảnh tượng sáp Steve Jobs.
Dù Apple tích cực truy quét các cửa hàng mạo danh Apple Store, nhưng tại Trung Quốc và VN, vẫn xuất hiện những cửa hàng bán lẻ sử dụng logo táo khuyết và “đạo nhái” cách bài trí cửa hàng của Apple.
Từ cuối 2015, Apple đã tăng cường hiện diện tại Việt Nam khi mở văn phòng đặt tại quận 1, TP.HCM. Đến đầu năm 2017, công ty Võ Trân đại diện pháp lý trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam của Apple, đã gửi văn bản đến các nhà bán lẻ trong nước yêu cầu ngừng sử dụng các nhãn hiệu của “táo khuyết” khi chưa được cấp phép.
“Các đơn vị không được ủy quyền của Công ty Apple để bán hoặc sửa chữa, bảo hành các sản phẩm Apple nhưng đang sử dụng các nhãn hiệu quả táo, Apple hoặc iPhone trên các biển hiệu cửa hàng; Và ngoài ra, có thời điểm cửa hàng của Ông/bà còn kinh doanh hàng hóa nhãn hiệu của công ty Apple nhưng không phải là hàng chính hãng Apple là hàng giả mạo nhãn hiệu”, trích văn bản.
Video đang HOT
Tượng sáp Steve Jobs được làm khá chi tiết.
“Việc này có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng rằng đây là cửa hàng được ủy quyền của Công ty Apple khi họ mua hoặc sửa chữa sản phẩm Apple tại đây. Do đây là các hành vi xâm phạm quyền SHTT của công ty Apple (điều 129 – Luật SHTT) nên Công ty Apple có quyền tiến hành các biện pháp pháp lý chống lại các hành vi này của Ông/bà”.
Tuy nhiên, việc trưng bày tượng sáp Steve Jobs của cửa hàng trên không nằm trong danh mục biểu hiện vi phạm mà đại diện pháp lý của Apple tại Việt Nam nêu ra trong văn bản năm 2017. Apple Store hiện cũng không trưng bày tượng sáp của các đời CEO.
Năm 2012, đại diện pháp lý của Apple cũng lên tiếng vệ hình ảnh của Steve Jobs khi có dấu hiệu bị thương mại hóa. Apple đã đe dọa kiện khi một công ty Trung Quốc sản xuất và bán búp bê có hình dáng Steve Jobs. Theo Daily Telegraph, khi đó Apple tuyên bố sở hữu hình ảnh của Steve Jobs cho mục đích thương mại.
Tượng sáp Steve Jobs trị giá 110 triệu đồng được trưng bày trong một cửa hàng di động ở TP.HCM.
Năm 2010, Apple đã ngăn chặn thành công một công ty bán búp bê hình Steve Jobs. Tuy vậy, sở hữu pháp lý về hình ảnh “phù thủy” Steve của Apple là vô căn cứ bởi nó chỉ dành cho người sống. Khác với quyền sở hữu trí tuệ, việc sử dụng hình ảnh của người đã khuất là tự do.
Tại Mỹ, quyền sử dụng hình ảnh của người đã khuất chỉ tồn tại ở cấp tiểu bang. Luật liên bang không cấm việc này. Cá biệt bang Indiana của Mỹ quy định hạn chế sử dụng hình ảnh thương mại của một người trong 100 năm sau khi người đó qua đời. Điều này có nghĩa các yêu cầu pháp lý của Apple về hình ảnh Steve Jobs là vô lý.
Theo Zing
Xiaomi tung chiêu, cửa hàng điện thoại xách tay ở VN gặp khó
Xiaomi nâng thời gian unlock bootloader lên 2 tháng nhằm ngăn chặn tình trạng hàng xách tay tràn lan trên thị trường. Động thái này là đòn đánh vào các cửa hàng nhỏ lẻ ở Việt Nam.
"Chờ tận 2 tháng để cài đặt phần mềm thì làm gì còn ai muốn mua điện thoại xách tay nữa", anh Quang Trung, đại diện một hệ thống bán điện thoại xách tay tại Hà Nội cho biết.
Cách đây vài ngày, hàng loạt người dùng điện thoại Xiaomi đã chia sẻ lên các diễn đàn công nghệ về việc họ không thể unlock bootloader của máy để cài đặt firmware (hệ điều hành) bản quốc tế như trước.
Khi gửi yêu cầu tới Xiaomi, người dùng đã nhận được thông báo thời gian chờ lên tới 1.440 giờ (2 tháng) để có thể thực hiện việc này, trong khi đó, thời gian chờ trước đây chỉ 360 giờ (15 ngày).
Xiaomi nâng thời gian chờ unlock bootloader lên 1.440 giờ.
Unlock bootloader là một thuật ngữ nói việc can thiệp vào hệ thống để có thể cài đặt những phiên bản phần mềm hệ thống khác vào máy. Smartphone xách tay của Xiaomi từ Trung Quốc về Việt Nam thường không có sẵn tiếng Việt, không có kho ứng dụng CH Play (do bị cấm ở Trung Quốc).
Đây là lý do chính khiến các cửa hàng khi xách tay điện thoại Xiaomi về Việt Nam phải tiến hành unlock bootloader để có thể cài đặt lại hệ điều hành phiên bản quốc tế để máy có thể hoạt động tương đương hàng chính hãng ở Việt Nam.
Để thực hiện thao tác này, người dùng sẽ phải tải công cụ unlock của Xiaomi, kết nối điện thoại với máy tính, đăng nhập tài khoản Mi sau đó tiến hành các bước unlock theo hướng dẫn. Cuối cùng, người dùng cần chờ hệ thống máy chủ của Xiaomi cấp phép để sang bước tiếp theo.
Điện thoại Xiaomi xách tay đang ảnh hưởng nhiều đến doanh số của máy chính hãng.
Trao đổi với Zing.vn, đại diện của Xiaomi Việt Nam cho biết để hạn chế tình trạng nhập khẩu sản phẩm trái phép, hãng tạm thời đưa ra giải pháp tăng thời gian chờ với những yêu cầu mở khóa bootloader. "Việc này để ngăn chặn những lợi ích làm tổn hại đến việc kinh doanh của chúng tôi", đại diện hãng phản hồi qua email.
"Để hạn chế ảnh hưởng đến những người dùng đam mê công nghệ, chúng tôi đang làm việc hết mình để đưa ra những phương thức chống lại hành vi gian lận này sớm nhất có thể", vị này cho biết.
Có thể thấy, Xiaomi đang muốn ngăn chặn triệt để tình trạng bán điện thoại xách tay của hãng tràn làn trên thị trường như hiện nay. Xiaomi cũng cho biết nguồn hàng xách tay ảnh hưởng khá nhiều đến doanh số bán máy chính hãng cũng như khiến công ty không thể kiểm soát hoàn toàn chất lượng sản phẩm.
Trên thực tế, Xiaomi đã bắt đầu ngăn chặn hàng xách tay từ khi mới bước chân vào thị trường Việt Nam. Tháng 6/2017, hãng đã nâng cao chính sách bảo mật, yêu cầu thời gian unlock bootloader tối thiểu 72 giờ (3 ngày). Đến tháng 1/2018, thời gian đó nâng lên 360 giờ và hiện tại là 1.440 giờ.
Dù Xiaomi đã bước chân vào thị trường Việt Nam hơn một năm nhưng hàng xách tay vẫn có chỗ đứng riêng bởi giá bán cạnh tranh. Bên cạnh đó, một số mẫu máy được người dùng ưa chuộng tại thị trường xách tay nhưng Xiaomi không mang về bán chính hãng tại Việt Nam như chiếc Xiaomi Mi 8 SE.
Thêm vào đó, hàng xách tay thường có mặt khá sớm trên thị trường chỉ sau 3-5 ngày khi Xiaomi bán ra tại Trung Quốc. Trong khi đó phải 1-2 tháng sau, máy chính hãng mới được bán ra tại Việt Nam.
Theo Xiaomi, thời gian chờ phụ thuộc vào việc người dùng mới đăng ký hay đã kích hoạt tài khoản Mi. "Nếu người dùng gặp phải tình trạng chờ đến 1.440 giờ, chúng tôi khuyến nghị nên liên hệ trung tâm chăm sóc khách hàng ủy quyền DigiCare của chúng tôi tại Việt Nam để xác minh tài khoản", đại diện Xiaomi cho biết.
Đây không phải lần đầu Xiaomi có biện pháp đối phó với hàng xách tay ở Việt Nam. Hồi đầu năm nay, hãng bán Mi A1 ở Việt Nam với giá thấp hơn ở Trung Quốc, khiến các cửa hàng kinh doanh điện thoại xách tay điêu đứng. Trước Việt Nam, Xiaomi từng thành công trong việc "tiêu diệt" hàng không chính ngạch ở Indonesia.
Ngoài việc không có CH Play, các smartphone Xiaomi xách tay từ Trung Quốc còn chứa phần mềm không phù hợp. Năm 2017, Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM từng cảnh báo có các smartphone bán ở thị trường Việt Nam cài đặt bản đồ đường lưỡi bò vi phạm luật pháp quốc tế.
Khi đó, Xiaomi cũng lên tiếng cho rằng những máy được phân phối chính hãng tại Việt Nam không gặp tình trạng nói trên. Trên các máy "xách tay" (vốn là phiên bản nội địa cho thị trường Trung Quốc), Xiaomi không dùng phần mềm Google Maps, thay vào đó là ứng dụng Baidu Maps, hiển thị đường lưỡi bò trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Theo zing
Steve Jobs đã dự đoán về sự 'xuống dốc' của Apple từ cách đây 20 năm Một chủ đề sôi nổi đang được bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội Reddit, nói về các sản phẩm nào của Apple khiến bạn khó chịu nhất. Chủ đề đã lan rộng hơn khi một cư dân mạng trích dẫn lời tiên đoán của Steve Jobs cách đây hơn 20 năm về tình tình Apple. Thứ 5 vừa qua, một chủ...