Cú ‘quay xe’ của chồng sau nhiều năm khóc vì chuyện Tết nội, Tết ngoại
Vợ chồng cứ tới gần Tết là cãi vã, chị muốn anh thực hiện lời hứa về Tết ngoại một lần, còn anh đem mẹ chồng, đem trọng trách dâu trưởng của chị ra làm “ bia đỡ đạn”.
Chị là người Hải Dương lấy chồng Khánh Hoà. Ngày cưới, tiễn chị ra sân bay về nhà chồng, mẹ chị mắt đỏ hoe dặn: “ Lấy chồng xa khó khăn cũng phải tự mình vượt qua, chẳng gần để có bố mẹ mà đỡ đần. Có gì ấm ức thì điện về cho bố mẹ”. Bố chỉ nói vỏn vẹn: “Hãy nhớ, con vẫn có một căn nhà để trở về”.
Nhìn dáng cao gầy của bố mẹ liêu xiêu giữa sân bay, chị nghẹn ngào, thương đấng sinh thành có mụn con độc nhất lại làm dâu cách nhà cả nghìn cây số. Anh nắm nhẹ tay chị an ủi: “Tết vợ chồng mình về với ba mẹ. Sau này, vợ nhớ nhà thì bay vèo 2 tiếng là lại ăn cơm mẹ nấu”.
Về làm dâu hơn tháng thì hết năm, chị háo hức lên kế hoạch về đón Tết cùng nhà ngoại như lời anh nói. Bố mẹ chị cũng vì rể mới mà mua mua sắm sắm, sửa sang lại căn buồng. Biết kế hoạch của anh chị, má chồng đánh tiếng: “Dâu mới Tết đầu đã tót về nhà đẻ là không tôn trọng nhà chồng. Chị phải ở nhà chồng để còn đi chào họ hàng, làng xóm, làm quen nền nếp. Muốn về cũng phải để năm sau”.
Chị nói lại với chồng, anh dù thương vợ nhưng không thể cãi lời mẹ. Vốn “dị ứng” với người nói được mà không làm được, chị thất vọng rồi giận chồng mấy ngày liền.
Vốn “dị ứng” với người nói được mà không làm được, chị thất vọng rồi giận chồng mấy ngày liền. (Ảnh minh họa: Freepik)
Tết đầu tiên về làm dâu, lạ nước lạ cái, lạ cả từ nết ăn uống đến phong tục, chị đâm lúng túng, khó làm hài lòng gia đình chồng. Giao thừa tới, cả nhà chồng vui vẻ ngồi nhậu từ chập tối, chúc tụng rôm rả, còn chị chốc chốc lại ngước mắt nhìn trời, ngăn dòng nước mắt chực trào.
Gọi điện về chúc mừng năm mới, thấy bố mẹ già cô đơn bên ấm trà, cỗ thắp hương đơn sơ vì “hai thân già ăn uống chẳng bao nhiêu nên không muốn lích kích” theo lời mẹ, chị không dám nói chuyện lâu, sợ thấy nỗi khắc khoải giấu kín trong ánh mắt cố vẽ nét cười của bố mẹ.
Tết đầu xa quê áp lực, nhớ nhà, nhớ bố mẹ, chị thường khóc trộm, chẳng dám than thở vì sợ cả nhà biết lại lo lắng. Chồng chị dẫu thương vợ nhưng là người ít nói nên lâu lâu chỉ an ủi được vài câu.
Thấm thoát gần 5 năm chị ăn Tết bên nội vì hết lý do dâu mới lại đến lý do mới sinh nở, rồi con chưa cứng cáp nên bố mẹ chồng không cho đi xa.
5 năm lấy chồng, chỉ hai lần chị được về thăm bố mẹ vào ngày thường. Mỗi lần nhớ tới lời hứa của chồng, chị đều thấy tủi thân. Bố mẹ chị lo con gái buồn nên không dám hỏi “Tết này có về nhà không?” mà chỉ khéo léo an ủi: “Tết nhất quan trọng gì đâu, khi nào cháu cứng cáp rồi về”. Chừng ấy cái Tết bố không buồn sắm đào quất, mẹ chẳng màng mua áo mới.
Ở nhà chồng, những bận đón năm mới, chị phải lo chợ búa, nấu cỗ cúng bái tổ tiên, sửa sang dọn dẹp nhà cửa, thấy mệt mỏi. Tết với chị giống như nút thắt khiến tâm tình ngày càng trầm lặng. Vợ chồng cứ tới gần Tết là cãi vã. Chị muốn anh thực hiện lời hứa, còn anh đem má chồng, đem trọng trách dâu trưởng của chị ra làm “bia đỡ đạn”.
Video đang HOT
Năm nay con đã cứng cáp, chị muốn đưa con về ngoại đón Tết một lần. Thế mà mới hôm trước, má chồng đưa cho chị danh sách những thứ cần mua dịp Tết này, những công việc, thủ tục phải làm. Chị cầm mấy tờ giấy chữ ken đặc, muốn ngất vì mệt.
Chị muốn ngỏ lời với má chồng cho chị về Hải Dương vì bố đẻ mới bị tai biến, tuy tai qua nạn khỏi nhưng sức khoẻ giảm sút rõ rệt. Thế nhưng mỗi lần muốn mở lời, chị lại thôi vì ba má chồng chị khó tính, chị lại là dâu trưởng, sợ là không được phép. Chị tự trách mình, ai bảo lấy chồng xa…
Bỗng nhiên tối nọ, sau bữa cơm, chồng dẫn chị sang phòng ba má thưa: “Thưa ba má, Tết này gia đình con đưa cu Win về bên ngoại. Nhà vợ con có mỗi mụn con gái, bố vợ sức khoẻ yếu rồi, năm nay chúng con về cho ông bà đỡ hiu quạnh. Con đã sắp xếp để vợ chồng chú út năm nay về đón Tết với ba má từ ngày 28″.
Chị nghe mà trào nước mắt vì vui và vì xúc động. Không ngờ chồng có cú “quay xe” vào phút chót. Ba má chồng ngỡ ngàng nhưng không có lý do thuyết phục hơn để từ chối.
Tối đó chị ôm chồng, miệng cứ liên tục cảm ơn. Chị tất bật mua bán, chuẩn bị chu toàn mọi thứ cho ba má chồng và tìm những đặc sản ngon, lạ mua về ăn Tết bên ngoại. Bao nhiêu năm rồi, chị mới lại có cảm giác hân hoan đón Tết.
Nhìn vợ “tay năm tay mười” hơn mọi năm nhưng miệng luôn nở nụ cười, đôi lúc nhè nhẹ cất tiếng hát, anh bỗng thấy có lỗi, thầm hứa từ giờ, Tết sẽ tròn đầy ở cả nhà nội lẫn nhà ngoại.
Chuyện về quê ăn Tết làm lộ ra những đứa con ích kỷ
Nghe nhiều bạn trẻ kêu ca chuyện quà cáp, đi lại, tiêu Tết, làm việc nhà..., tôi cảm thấy buồn vì thế hệ các bạn nhiều người suy nghĩ ích kỷ và nặng vật chất quá.
Tôi đã là một bà già - một bà mẹ chồng hơn 70 tuổi.
Mấy ngày nay, như hầu hết các bà mẹ khác ở tỉnh lẻ, tôi cũng dọn dẹp nhà cửa, sắm sanh Tết nhất, mong chờ ngày con cháu về đoàn tụ vui vầy. Rảnh rang, tôi vào các báo đọc đôi bài viết về những câu chuyện gia đình. Dù không phải chuyện nhà mình nhưng đọc nhiều chia sẻ về chuyện về quê ăn Tết phải mua quà, vật vã làm lụng, hay phải ấm ức vì chuyện Tết nội Tết ngoại, tôi vẫn thấy thật buồn.
Các bạn trẻ ạ, hầu hết các ông bà già như tôi đều không kỳ vọng gì việc ngày Tết con cái mang thật nhiều quà, biếu thật nhiều tiền đâu. Chúng tôi cũng không có ý nghĩ đợi con cái về để bắt hầu hạ, làm tất tần tật việc ngày Tết. Và đa phần các bà mẹ chồng như tôi, sống ở thời buổi này, cũng thấy bình thường với việc con mình chia đôi thời gian cho Tết nội, Tết ngoại.
Tôi dọn dẹp nhà cửa, sắm sanh Tết nhất, mong chờ ngày con cháu về đoàn tụ vui vầy. (Tranh minh họa: Ensure)
Phận làm cha mẹ, chúng tôi chỉ muốn con cái hạnh phúc, muốn gia đình có ít ngày sum vầy.
Có bao giờ các bạn đặt mình ở vị trí cha mẹ già để tưởng tượng xem ngày Tết chúng tôi nghĩ gì không?
Có bao giờ các bạn lường được, nếu là cha là mẹ mà đọc được câu chuyện vợ chồng con mình cãi nhau vì hóa ra con dâu bao năm nay ăn Tết nhà mình là vì con trai ép buộc hay chúng nó rút sạch cả tiền tiết kiệm cho cái Tết hoành tráng, hay tách đôi gia đình về hai quê cho công bằng, thì chúng tôi buồn đến chừng nào không?
Khi tôi còn trẻ, đất nước còn nghèo, điều kiện đi lại khó khăn lắm. Thời ấy, chúng tôi làm gì có tháng lương 13 hay thưởng Tết hoành tráng. Cơ quan nào khá thì chia được ít thực phẩm, cơ quan kém hơn thì có hộp mứt với chai rượu nho nhỏ, cơ quan khó khăn thì chẳng có gì.
Thời ấy, chúng tôi phải dành dụm sẵn sàng cả năm cho ngày Tết; nuôi lợn, trồng cây, tiết kiệm tiền riêng. Nhưng ngày Tết thực sự rất vui, không khí ở đâu cũng rộn rã, tưng bừng. Cả xóm cùng nhau đụng lợn, góp gạo gói bánh chưng, trang hoàng nhà cửa. Nhà nào có con cái đi xa về thì như niềm vui của cả làng, cả họ, ai cũng quan tâm thăm hỏi. Họ cũng thường có điếu thuốc, hộp bánh, vài chiếc kẹo làm quà cho cụ già, trẻ nhỏ.
Những việc làm mâm cơm cúng, đi thăm hỏi họ hàng, Tết từ xưa vẫn đều có. Nhưng thời ấy chúng tôi chẳng nghe ai kêu ca. Bởi tất cả đều đón Tết với tâm thức chờ đợi, vui vẻ, với những mong cầu tương lai sáng sủa hạnh phúc, với niềm sung sướng có những ngày tươm tất hơn ngày thường, gia đình đông vui hơn ngày thường.
Bây giờ, tôi cảm thấy các bạn nghĩ đến Tết là đã thấy mỏi, như một kiểu định kiến nặng nề của người trẻ về Tết, nhất là các bạn trẻ thành phố hay nhà có chút điều kiện mà phải lấy chồng quê.
Ý kiến cá nhân tôi, thứ nhất, các bạn nên điều chỉnh từ trong suy nghĩ. Tết là ngày lễ cổ truyền của dân tộc, là ngày đoàn tụ gia đình. Đất nước nào trên thế giới cũng có lễ Tết như vậy, dù tính lịch âm hay dương, dù là nước nghèo hay nước phát triển. Vì thế, hãy coi đó là việc tất nhiên, và sẵn sàng đón nhận nó hàng năm, các bạn sẽ đỡ nặng nề đi rất nhiều.
Hãy nghĩ xem vì sao Nhà nước phải ra luật, phải họp bàn bao cuộc để chúng ta có kỳ nghỉ Tết đủ dài. Hãy nghĩ xem bao người hy sinh canh gác, phục vụ, làm việc tăng ca... để các bạn có được những ngày gần gũi đủ đầy với gia đình mình mà thêm trân quý ý nghĩa của cái Tết Nguyên Đán này.
Các bạn đừng nghĩ Tết là phải về quê, phải lo cho bố mẹ, phải quà cáp... Tất cả những điều ấy đều là các bạn tự cân nhắc, quyết định; không ai bắt được bạn hết.
Thứ hai, việc đi lại xa gần, việc chia Tết nội ngoại, tôi khuyên các bạn hãy bàn bạc với nhau một cách mạch lạc và sòng phẳng. Nếu gia đình nào cảm thấy quá khó khăn, hãy trao đổi thêm với cả đại gia đình hai bên một cách khéo léo. Trong mỗi gia đình, có thể có một vài người cực đoan; nhưng chắc chắn sẽ có người thấu tình đạt lý.
Hơn nữa, nhu cầu về Tết bố mẹ mình, dù là nội hay ngoại, cũng vô cùng chính đáng. Vì vậy, nếu là người phải chịu thiệt thòi, bạn cũng đừng ngại lên tiếng đấu tranh để sự đúng đắn được thực hiện. Ở trường hợp ngược lại, bạn hãy từ mong muốn của mình mà chia sẻ với bạn đời, đừng bắt người kia phải chịu đựng điều bản thân không muốn.
Thứ ba, việc chi tiêu ngày Tết, các bạn nên lấy câu các cụ dạy từ xưa mà áp vào, "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm". Chi tiêu cho ngày Tết nên tương xứng với kinh tế gia đình. Cái gì là bản chất mới có thể lâu dài.
Bạn không thể năm nào cũng có sổ tiết kiệm hay số dư thẻ tín dụng thoải mái để mà rút mãi. Năm nay rút, có khi cả một năm tới bạn phải còng lưng bù vào. Như vậy dần dà, ý nghĩa đáng quý của ngày Tết sẽ mất dần từ những lo toan thiếu hụt, tính toán bù đắp của chính bản thân bạn.
Tôi thực sự can ngăn những ai có ý nghĩ phải hoành tráng, phải "sĩ" dịp Tết này. Nếu bố mẹ bạn có một chút tình thương nhỏ nhoi với con cái thì tôi chắc chắn họ sẽ rất xót xa biết con mình phải xoay vần, nợ nần, móc sạch hầu bao để về ăn Tết với bố mẹ. Thậm chí, họ sẽ cảm thấy thật đau lòng khi việc trở về với bố mẹ lại thành gánh nặng đè lên con cái.
Về các công việc nhà ngày Tết, tôi thấy nó thực sự chẳng đáng gì. Không biết một vài bạn trẻ có phải được nuông chiều quá không hay các bạn đang nói thậm xưng lên, nhưng ở tuổi gần đất xa trời thế này tôi cũng hiếm gặp gia đình nào mà ngày Tết bắt một cô con dâu loay hoay lo tất tần tật. Thông thường, bữa cơm ngày Tết các gia đình đông đúc kiểu gì cũng có sự tham gia của nhiều người (dù không thể là tất cả).
Như vậy, chỉ là mỗi người một chân một tay. Ừ thì có người lao động chính, người lao động phụ, nhưng cả năm có vài bữa cơm quê, các bạn có thể nghĩ coi như cố thêm tí xíu chiều lòng người già, bù đắp cho những ngày đi xa. Mình gói nồi bánh chưng vất vả thì lũ trẻ có thêm những trải nghiệm, bố mẹ con cháu có thêm giây phút bên nhau. Mình nấu thêm mâm cỗ thì cả nhà lại thêm một bữa cơm sum vầy.
Hãy nghĩ đến niềm vui của người già, con trẻ, hãy nghĩ đến may mắn rằng ta còn cha, còn mẹ, còn anh em đông đủ để vất vả ngày Tết. Coi đó như một sự săn sóc thật tâm dành cho cha mẹ thì bạn sẽ tự dưng thấy bớt đi nhiều khó chịu, mệt mỏi.
Cuối cùng, tôi vẫn cho rằng giữa những người trong cùng gia đình, hãy cứ chân thành với nhau. Hãy nói những điều cảm thấy quá sức, cảm thấy gây áp lực, mệt mỏi cho mình; chia sẻ với nhau những mong muốn để đưa ra các giải pháp phù hợp cho tất cả. Là bậc con cái, nếu đều coi nhà vợ, nhà chồng như nhà mình, tự nhiên nhiều điều sẽ được hóa giải, được giải quyết rất nhẹ nhàng.
Còn ở những gia đình oái oăm, không biết điều - chắc chỉ chiếm số vô cùng nhỏ - thì các bạn trẻ ơi, các bạn hãy thẳng thắn nói quan điểm của mình và kiên quyết thực hiện những điều đúng đắn - ví dụ Tết về nhà ngoại. Mâu thuẫn có thể có ở lần đầu tiên nhưng nó sẽ giảm dần ở lần thứ hai, thứ ba và rồi nó thành nếp quen, mọi người phải chấp nhận.
Nhưng hãy nhớ, phải là điều đúng đắn, và bạn vẫn phải cư xử thật văn minh trên tinh thần đấu tranh để xây dựng chứ đừng đấu tranh kiểu tung hê tất cả.
Dù sao, cuối cùng, người thân vẫn là quan trọng nhất, chúng ta vẫn hướng về nhau, yêu thương nhau; vậy ta cùng học cách yêu thương bao dung hơn, đừng ích kỷ.
Chúc các bạn có những ngày Tết thật ý nghĩa và vui vẻ bên gia đình, người thân; để những tâm sự ngày Tết của chúng ta sau này sẽ là những câu chuyện ngọt ngào, những ký ức vui tươi.
Giục vợ về ngoại đón giao thừa, chồng nhận câu trả lời đứng hình Nghĩ đến chuyện vợ không về đón giao thừa cùng bố mẹ đẻ nhiều năm nay, tôi canh cánh trong lòng. Cuối cùng tôi cũng mạnh dạn đưa ra một lời đề nghị. 8 năm làm dâu là 8 năm vợ xăm xắn, chu đáo ở nhà chồng. Tôi chưa từng có lời nào trách móc chê bai vợ vì cô ấy quả...