Cụ ông 98 tuổi nhớ lại lễ kết nạp Đảng 76 năm trước
98 tuổi đời, 76 tuổi Đảng – với cụ Phan Tố Đức, đó là niềm tự hào lớn lao. Bởi lẽ cả cuộc đời cụ đã trọn vẹn, thủy chung với Đảng, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Cơn mưa khiến con đường đất dẫn vào nhà lão thành cách mạng Phan Tố Đức (SN 1917, xóm Kim Tiến, Võ Liệt, Thanh Chương, Nghệ An) trơn như đổ mỡ. Gần 100 tuổi, con cái phương trưởng, công tác xa, cụ sống với người vợ thứ 2 trên mảnh đất hương hỏa ông cha để lại. Ở tuổi bách niên giai lão nhưng trí nhớ cụ vẫn còn khá minh mẫn. Cụ không giấu được niềm vui khi kể cho khách nghe về những đứa con, đứa cháu của mình. Cụ bảo, đời cụ theo Đảng, được học hành, dù chưa đến nơi đến chốn nhưng cụ tự hào bởi các con cháu giờ đã là thạc sỹ, tiến sỹ, giảng viên đại học tại các trường có uy tín.
Phan Tố Đức tham gia cách mạng từ sớm, từ những năm cuối thập kỷ 30 của thế kỷ trước, khi đó Đảng Cộng sản Việt Nam đang hoạt động bán công khai. Sách báo tuyên truyền về chủ trương của Đảng được đưa về từng vùng quê. Khi đó, cậu học trò Đức đang học lớp Nhì đệ nhị thì phải nghỉ vì gia cảnh quá khó khăn. Được giác ngộ cách mạng, học trò Đức nhanh chóng trở thành hạt nhân trong phong trào đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng ở xã Võ Liệt.
Lão thành cách mạng Phan Tố Đức.
“Ngày đó sách báo của Đảng đã được đưa về các làng quê. Chúng tôi có nhiệm vụ nhận sách báo rồi chia cho các tổ, nhóm đọc cho người dân nghe để biết về chủ trương lớn của Đảng. Rồi tham gia vận động người dân tham gia các “phường” như phường cấy, phường tiền… để đoàn kết, tập hợp lực lượng”, cụ Đức nhớ lại.
Cụ Phan Tố Đức tâm sự: “Thực ra ban đầu vẫn chưa hình dung được Đảng là gì? Đảng có vai trò như thế nào? Chỉ biết rằng, những việc Đảng đang vận động, đang thực hiện đều mang tới hạnh phúc, no ấm cho người dân, đặc biệt là dân cày. Vậy là theo thôi”. Cái ngày cụ vào Đảng, cách đây cũng đến 76 năm trời nhưng cụ vẫn nhớ, bởi đó là thời khắc đánh dấu bước ngoặt quan trọng của cuộc đời cụ: Ngày chàng trai Phan Tố Đức trở thành người của Đảng, đứng trong hàng ngũ của Đảng để thực hiện lý tưởng &”độc lập dân tộc, dân cày có ruộng”…
“Tôi còn nhớ như in đó là ngày phiên chợ Rộ. Tôi nhận được tin nhắn của anh Miên (nhà gần chợ Rộ, là cơ sở bí mật của tổ chức Đảng – PV) lên có việc cần bàn. Đến nơi, đã thấy 4 người ở đó, trong đó có một đồng chí huyện ủy viên (sau này tôi mới biết). Chúng tôi phải bày các quân bài, tiền ra bàn như thể đang chơi đánh chắn để ngụy trang rồi bàn công việc. Đồng chí huyện ủy viên thông báo tình hình cách mạng ở các nơi và việc cần thiết phải thành lập một chi bộ Đảng ở Võ Liệt để lãnh đạo phong trào ở đây.
98 tuổi đời, 76 năm cụ gắn bó với Đảng.
Trước tình hình thực tế, nhận thấy cần thiết phải có một tổ chức Đảng để lãnh đạo phong trào địa phương, cả 5 người chúng tôi đều nhất trí thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương xã Võ Liệt. Buổi lễ đơn sơ nhưng không kém phần trang nghiêm.
Không có nghi thức chào cờ, đọc Quyết dịnh hay đọc lời tuyên thệ nhưng mỗi chúng tôi đều cảm thấy rưng rưng thiêng liêng xúc động, thấy rõ trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp to lớn mà Đảng đang thực hiện và thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Tại buổi thành lập Chi bộ Đảng này, đồng chí Phan Văn Cớn được bầu làm Bí thư, tôi là Phó Bí thư phụ trách công tác tuyên truyền”, cụ Phan Tố Đức nhớ lại.
Sau khi chi bộ Đảng xã Võ Liệt được thành lập, phong trào cách mạng ở Võ Liệt có bước chuyển biến mới. Tuy nhiên, khi phong trào đấu tranh đang lên thì Binh biến Đô Lương nổ ra (13/1/1941). Địch tăng cường khủng bố, vây ráp và đàn áp phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân. Nhiều tổ chức cơ sở Đảng bị lộ, trong đó có Chi bộ Võ Liệt. Ông Phan Tố Đức cùng nhiều đồng chí bị bắt.
Video đang HOT
Tấm huy hiệu 75 năm tuổi Đảng là minh chứng cho lòng thủy chung, son sắc của cụ Phan Tố Đức với Đảng.
Người thanh niên Phan Tố Đức bị kết án 12 năm khổ sai và bị chuyến đến nhà lao Buôn Ma Thuột. “Từ lúc giam giữ ở Đồn Rạng đến nhà lao Vinh rồi đến nhà lao Buôn Ma Thuột địch tra tấn chúng tôi bằng đủ các ngón đòn nhằm buộc những người bị bắt khai ra các cơ sở, tổ chức Đảng. Vững một lòng tin vào Đảng, chúng tôi đều giữ khí tiết trước mọi đòn roi tra tấn của kẻ thù”, cụ Đức nhớ lại.
Cách mạng Tháng Tám nổ ra, nhiều nhà lao được phá, nhiều nhà hoạt động cách mạng được thả, trong đó có Phan Tố Đức. Do tình hình thực tiễn, Phan Tố Đức ở lại Nha Trang tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1946, cụ thân sinh mất, Phan Tố Đức từ Nha Trang về Thanh Chương chịu tang cha. Với sự phân công của huyện ủy, Phan Tố Tâm nhận nhiệm vụ Phó bí thư đoàn thanh niên huyện rồi chuyển qua tòa án, sau đó phụ trách công tác tuyên truyền.
Năm 1947, Đại hội thanh niên tinh Nghệ An, Phan Tố Đức được bầu vào Ban chấp hành và công tác tại đây 2 nhiệm kỳ (2 năm) trước khi chuyển sang phòng liên lạc Miền Nam, phụ trách việc vận chuyển vũ khí, lương thực vào Nam. Sau đó ông được điều trở lại phụ trách công tác tuyên truyền của huyện Thanh Chương và đảm trách công việc này trong suốt 20 năm.
“Cả cuộc đời tôi đã trọn vẹn, thủy chung theo Đảng”.
“Năm 1972, người vợ của tôi mất, để lại 7 đứa con, trong đó mới chỉ có đứa lớn nhất đi học đại học, 6 đứa còn lại còn nhỏ dại. Tôi quyết định xin nghỉ để thay vợ chăm sóc, nuôi dạy các con. Hiểu được hoàn cảnh của tôi, cấp trên đồng ý cho tôi nghỉ. Giờ ngẫm lại, tôi thấy quyết định ngày xưa là đúng. Nhờ có Đảng, tôi được đi học, dẫu không được nhiều nhưng dù ở đâu tôi cũng tự học, kể cả khi ở nhà lao.
Nhờ có Đảng, tôi được rèn luyện tư tưởng để trở thành một người Đảng viên góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng Tổ quốc. Tôi trở về làm một ông nông dân, nhưng các con, các cháu của tôi đã nối tiếp con đường tôi đi và bảo ban nhau khắc phục khó khăn để học tập, rèn luyện. Với tôi, đó là điều hạnh phúc nhất”, cụ Đức tự hào.
Học tập suốt đời, đó là điều cụ có được khi đi theo Đảng.
Tháng 9/2014, cụ Phan Tố Đức được trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Tấm Huy hiệu được cụ cất giữ như báu vật, cho vào cặp số, khóa bằng mật khẩu hẳn hoi. Run run nâng tấm Huy hiệu trên tay, cụ bảo, đó là phần thưởng cao quý nhất và là niềm tự hào của mình. “76 năm đi theo Đảng, tôi tự hào là chưa bao giờ làm một điều gì có lỗi với Đảng, với nhân dân. Cả cuộc đời tôi đã thủy chung, trọn vẹn niềm tin với Đảng…”.
Tiễn khách về, cụ lại ngồi vào bộ bàn ghế đơn sơ kê trên thềm. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, cụ vẫn cần mẫn đọc báo, xem sách. Cụ bảo, già rồi, không thể đi đâu xa khỏi ngôi nhà của mình, đôi mắt cũng mờ đi nhiều lắm, nên phải đọc để biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đang phát triển như thế nào, đời sống nhân dân đã đổi thay ra sao…
Hoàng Lam
Theo Dantri
Để sinh viên cảm thấy lý tưởng Đảng không quá cao xa!
Tránh giáo điều, khô khan hay ép buộc, mà cần có nhiều hình thức thể hiện, để đoàn viên sinh viên cảm thấy lý tưởng Đảng không quá cao xa, mà sinh động, gần gũi với cuộc sống học tập và rèn luyện hàng ngày.
Công tác phát triển Đảng trong sinh viên và cán bộ trẻ là một nội dung hoạt động trọng tâm của Đoàn Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội. Nhờ sự giới thiệu, dìu dắt của chi đoàn, chi bộ các cấp, các đảng viên trẻ đã ngày càng trưởng thành, trở thành hạt nhân của phong trào chung.
Tuy nhiên, bối cảnh mới cũng đặt ra nhiều thách thức cần đổi mới trong công tác này. Đó là những nội dung chính mà ThS. Trần Bách Hiếu - Bí thư Đoàn trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN chia sẻvới chúng tôi.
ThS. Trần Bách Hiếu - Bí thư Đoàn trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN.
Thưa anh, công tác phát triển Đảng trong cán bộ và sinh viên có vị trí như thế nào trong hoạt động của Đoàn Thanh niên và Hội sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH QGHN?
Công tác phát triển Đảng trong sinh viên và cán bộ trẻ là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Đoàn Thanh niên Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN). Đây cũng là một nội dung hoạt động đạt được nhiều thành tích của Đoàn trường nhiều năm qua. Hàng năm, Đoàn trường giới thiệu khoảng hơn 50 sinh viên và cán bộ trẻ được kết nạp Đảng, trong đó đa phần là đoàn viên sinh viên.
Có thể nói, đây là hoạt động rất quan trọng đối với các chi bộ, Đảng bộ Nhà trường và tổ chức Đoàn Thanh niên. Bởi các đảng viên trẻ sẽ được chọn lựa từ những đoàn viên ưu tú, có phẩm chất tốt, có lý tưởng cống hiến cho hoạt động chung. Khi trở thành những đảng viên trẻ, họ sẽ là những hạt nhân của phong trào Đoàn, tiếp tục quá trình tu dưỡng, rèn luyện để có thể gánh vác những trọng trách lớn hơn.
Họ là tấm gương, là người dẫn đầu, cỗ vũ những cá nhân khác và trở thành nguồn lực quan trọng trong xây dựng đội ngũ của bất kỳ một tổ chức, tập thể nào. Công tác này nếu làm tốt thì mới nâng cao được chất lượng đảng viên, chất lượng đội ngũ, làm nền tảng cho sự phát triển của tổ chức.
Anh có nhận xét như thế nào về những đoàn viên ưu tú được giới thiệu kết nạp Đảng tại Đảng bộ trường?
Trước hết, các bạn có lòng tự hào rất lớn về mái trường, về ngành học, về trách nhiệm của những thanh niên trẻ đang theo đuổi các ngành học KHXH&NV đối với xã hội và với đất nước. Các bạn có lý tưởng và có hướng phấn đấu rõ rệt. Tác phong, lối sống, cách ứng xử của những đoàn viên này theo đó cũng thể hiện những phẩm cách tích cực như: nhiệt tình, nỗ lực, trung thực, có tinh thần xây dựng nhưng cũng khéo léo, biết chia sẻ, cảm thông... Đây là những phẩm chất của sinh viên ĐHKHXH&NV mà Đoàn trường đang hướng tới để xây dựng và bồi đắp.
Thứ hai, đó là những sinh viên có học lực tốt, tích cực và yêu thích tham gia nghiên cứu khoa học. Đó cũng là một đặc điểm rất riêng của sinh viên Trường ĐHKHXH&NV, môi trường đề cao học tập, giảng dạy kết hợp với nghiên cứu.
Thứ ba, họ là những cá nhân nhận được sự tín nhiệm lớn của các thành viên trong lớp, trong chi đoàn mình sinh hoạt. Các bạn ấy còn thế hiện được tính xung kích, tiên phong của mình trong rất nhiều hoạt động tập thể. Điều này rất quan trọng đối với những đảng viên trẻ.
Hiện nay, phong trào Đoàn - Hội nói chung và công tác phát triển Đảng nói riêng đang đứng trước những khó khăn: hiện tượng "phai nhạt" lý tưởng sống trong thanh niên; hoạt động phong trào chưa thực sự thu hút sự yêu thích, quan tâm của đoàn viên, đảng viên trẻ... anh có thể chia sẻ về quan điểm này ?
Đây cũng là một thực trạng, một khó khăn mà tổ chức Đoàn, Hội đang phải đối mặt. Lý do thì có nhiều. Môi trường hiện nay có nhiều biến động: toàn cầu hoá, hội nhập, sự phát triển của kinh tế, công nghệ, sự đa chiều của thông tin, sự thay đổi các giá trị sống, cái tôi cá nhân ngày càng được đề cao, mối liên hệ giữa cá nhân và tổ chức, tập thể thiếu khăng khít... Môi trường hiện giờ giúp các bạn trẻ dễ tiếp cận cái mới, dễ chạy theo xu hướng, nhưng đồng thời cũng sẽ khó hơn trong việc giữ bản sắc riêng của mình, kiên trì lý tưởng mà mình theo đuổi. Không ít các bạn trẻ bị mất phương hướng, sống không có lý tưởng, hiểu không đúng về tổ chức Đảng và Đoàn, Hội.
Quả thực, hoạt động Đoàn, Hội cũng đứng trước những thách thức là phải đổi mới hoạt động của mình sao cho hiệu quả, thiết thực hơn; thu hút sự quan tâm của đoàn viên thanh niên; thực sự nắm bắt được suy nghĩ và nhu cầu của các bạn để có hướng hỗ trợ. Hay như nâng cao nhận thức về Đảng, về trách nhiệm và lợi ích của cá nhân đoàn viên khi đứng trong hàng ngũ của Đảng cũng cần có nhiều cách tiếp cận. Tránh giáo điều, khô khan hay ép buộc, mà cần có nhiều hình thức thể hiện, để đoàn viên sinh viên cảm thấy lý tưởng Đảng không quá cao xa, mà sinh động, gần gũi với cuộc sống học tập và rèn luyện hàng ngày.
Những nội dung thông tin ấy cần được thẩm thấu tự nhiên vào suy nghĩ của các bạn trẻ. Tôi ví dụ cuộc thi tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh dưới hình thức sân khấu hoá ở Trường ĐHKHXH&NV đã giúp truyển tải và phổ biến một nội dung tưởng như là khó và khô, trở nên hấp dẫn, thú vị và dễ đi vào lòng người.
Sắp tới, công tác phát triển Đảng trong sinh viên và cán bộ trẻ sẽ có những định hướng mới nào, thưa anh?
Nhiều năm về trước, sau một thời gian theo dõi, đánh giá, thường thì sinh viên đến năm thứ ba mới được chi đoàn, chi bộ giới thiệu kết nạp Đảng. Nhưng khi hết thời gian thử thách một năm thì các đồng chí Đảng viên trẻ cũng hoàn thành khóa học tại trường nên ít có cơ hội được thể hiện, đóng góp vào hoạt động chung. Để khắc phục tình trạng này, những năm gần đây, các chi bộ đã theo dõi và kết nạp đoàn viên ưu tú ngay từ năm thứ nhất, thứ hai để các bạn sớm trưởng thành và có nhiều thời gian cống hiến cho tổ chức Đoàn, tổ chức Đảng.
Một yếu tố nữa sẽ được chú trọng hơn trong thời gian tới đó là Đảng bộ, các chi bộ, tổ chức Đoàn có kế hoạch cụ thể và tạo điều kiện để các đảng viên trẻ thực sự phát huy được năng lực và tính tiên phong của mình trong tập thể. Chúng ta đã làm tốt khâu lựa chọn và kết nạp đoàn viên ưu tú, đã xây dựng được cho mình nguồn "đầu vào" chất lượng cho đội ngũ đảng viên trẻ.
Nhưng không phải là sau khi trở thành đảng viên chính thức thì được phép dừng lại. Cần tin tưởng và giao nhiệm vụ một cách cụ thể. Ví dụ: đối với cán bộ trẻ là phải nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực nghiên cứu, chuẩn hoá học vị, có sáng kiến, sáng tạo trong công việc, rèn luyện đạo đức tác phong. Đối với sinh viên thì cần tiếp tục có những đích mới trong công việc học tập và hoạt động phong trào để xứng đáng với vai trò Đảng viên của mình.
Xin trân trọng cám ơn anh!
Anh Hoàng (thực hiện)
Theo Dantri
Gần chục năm xa cách vì chiến tranh, 5 cha con bất ngờ gặp nhau tại Hà Nội Năm 1955, ngày đón Đảng, Chính phủ về tiếp quản Thủ đô, cụ Hồ Kỷ được Chính phủ mời ra Hà Nội dự lễ duyệt binh lớn nhất của Quân đội ta hồi đó. Điều đặc biệt bất ngờ là chính tại đây, cụ được gặp lại bốn người con trai từ các chiến trường sau 8, 9 năm xa cách... Tháng 4/1958,...