Cù Lao Chàm, nơi biển xanh vẫy gọi
Cù Lao Chàm là điểm du lịch nổi tiếng tại Hội An, được biết đến với những bãi cát trắng trải dài, biển xanh mát hay các loại hải sản thơm ngon.
Cù Lao Chàm thuộc Tân Hiệp, Hội An, Quảng Nam, cách biển Cửa Đại 15 km. Nơi đây gồm 8 đảo là Hòn Lao, Dài, Mồ, Khô Mẹ, Khô Con, Lá, Tai, Ông. Nhiều du khách sau khi thăm thú phổ cổ Hội An thường tới cụm đảo này để tận hưởng vẻ đẹp yên bình, hoang sơ của thiên nhiên.
Thời gian
Tháng 3 – 8 hàng năm là thời điểm phù hợp cho chuyến tham quan. Lúc này, thời tiết ấm, nắng vàng, trong và biển lặng. Không nên đi vào các tháng còn lại vì có bão, biển động, đảo trở thành khu vực bị cô lập.
Vẻ đẹp yên bình của Cù Lao Chàm. Ảnh: Hương Chi.
Di chuyển tới Hội An
Máy bay: Từ Hà Nội, TP HCM bạn đặt vé tới Đà Nẵng với giá 550.000 – 2.200.000 đồng tùy hãng, thời gian đi.
Tàu hỏa: Giá một vé từ Hà Nội dao động 300.000 – 650.000 đồng, còn TP HCM khoảng 900.000 – 1.200.000 đồng tùy loại ghế ngồi, mã tàu.
Sau khi đến Đà Nẵng, bạn đi taxi hoặc xe buýt số 01 đến Hội An. Giá một vé xe buýt là 20.000 đồng một người. Ngoài ra, bạn có thể thuê xe máy với giá 60.000 – 120.000 đồng một ngày.
Ô tô: Ở Hà Nội, bạn mua vé tại bến xe Giáp Bát hoặc Nước Ngầm với giá trung bình từ 380.000 đồng. Tại TP HCM, bạn tới bến xe miền Đông mua vé giá khoảng 430.000 đồng, xe sẽ đưa bạn tới thẳng Hội An.
Di chuyển tới Cù Lao Chàm
Ca nô: Giá vé một người là 150.000 đồng, bán tại Cửa Đại hoặc các đại lý du lịch trong Hội An. Bạn sẽ mất khoảng 20 phút di chuyển. Thời gian xuất phát vào 8h – 10h30.
Tàu gỗ: Vé khoảng 30.000 đồng một người và 80.000 đồng nếu mang theo xe máy. Bạn nên đến bến Bạch Đằng lúc 7h hoặc Cửa Đại vào 8h hàng ngày để mua vé.
Di chuyển tại Cù Lao Chàm
Phương tiện di chuyển cơ động nhất là xe máy. Bạn thuê tại các nhà nghỉ trên đảo với giá 80.000 – 200.000 đồng một ngày.
Ngoài ra, bạn có thể tham quan các đảo bằng thuyền với mức giá 500.000 – 1.500.000 đồng một lần. Các thuyền này đều gồm dịch vụ lặn biển ngắm san hô.
Video đang HOT
Lưu trú
Nhà nghỉ ở đây chủ yếu dạng homestay, tập trung tại Bãi Làng, Bãi Hương. Một phòng hai người có giá 150.000 đồng. Nếu thuê lẻ, giá khoảng 50.000 – 100.000 đồng một người.
Lưu ý: Bãi Làng là nơi cập bến của tàu gỗ, Bãi Hương là ca nô. Tùy phương tiện di chuyển, bạn có thể chọn nhà nghỉ gần khu vực cập bến.
Ngoài ra, nếu thích hòa mình với thiên nhiên, bạn có thể cắm trại tại tại Bãi Ông, Bãi Hương, Bãi Bìm. Lều bạt thuê của người dân trên đảo với giá 150.000 đồng một chiếc.
Tham quan
Nhà bảo tàng biển Cù Lao Chàm là nơi giới thiệu lịch sử, phong tục tập quán cũng như sản vật biển. Nhờ cách sắp xếp các hiện vật rất khoa học, du khách có thể hiểu thêm về nét đẹp văn hóa của mảnh đất này.
Chùa Hải Tạng được bao bọc bởi tường đá xung quanh. Ảnh: Hương Chi.
Chùa Hải Tạng xây dựng năm 1758 tại chân núi phía tây đảo Hòn Lao. Bên trong chùa có hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng, tượng thờ đồ sộ cùng một quả chuông lớn. Đây là nơi người dân và thương lái tới lễ Phật và cầu mong được phù hộ trên con đường làm ăn buôn bán.
Giếng cổ Chăm hay Xóm Cấm có tuổi đời 200 năm. Công trình hình ống tròn, nền giếng hình vuông, lòng xây theo kiểu vành khăn. Kiến trúc này mang đặc trưng giống nhiều giếng Chăm khác ở Hội An.
Chợ Tân Hiệp nằm sát cầu cảng, kế bên bến cá Bãi Làng. Chợ chia làm hai phần riêng biệt, khu trong bán nhu yếu phẩm hàng ngày cho người dân, khu ngoài bán hải sản và đồ lưu niệm. Bạn có thể ngã giá khoảng 20% một món hàng trước khi quyết định mua.
Ngoài ra, đảo Yến, miếu tổ nghề Yến, bãi Đá Chồng cũng là những điểm đến nhiều du khách ghé qua. Những ai thích ngụp lặn trong làn nước xanh trong thì Bãi Xếp, Bãi Ông, Bãi Làng là điểm lý tưởng.
Ăn uống
Các loại hải sản ở đây đều có vị ngọt tự nhiên. Ảnh: Thiện Nguyễn.
Ngoài các loại hải sản như cua đá, mực một nắng thì bào ngư, yến sào và rau rừng cũng là những món ngon bạn nên thử.
Lễ hội truyền thống
Lễ hội cầu ngư diễn ra vào ngày 3,4 tháng 4 âm lịch. Đây là dịp người dân khấn vái thần biển để cầu mong xóm làng bình yên, người ra khơi thuận buồm xuôi gió, đánh bắt được nhiều hải sản. Ngày đầu tiên sẽ dành cho việc cúng lễ, ngày thứ hai lễ nghinh thần. Sau khi kết thúc, các hoạt động thể thao vui chơi như đua thuyền, kéo co, hát bội sẽ được tổ chức.
Lễ giỗ tổ nghề Yến là dịp tưởng nhớ đến các bậc tiền bối có công trong nghề khai thác yến sào, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên biển đảo. Các hoạt động gồm đua ghe ngang, kéo co bằng thuyền, giao lưu văn nghệ… Lễ hội tổ chức vào hai ngày 9,10 tháng 3 âm lịch.
Lịch trình gợi ý
Ngày 1: Nhà bảo tồn biển Cù Lao Chàm – Khu khai thác Yến – Giếng nước cổ – Chùa Hải Tạng – Tham quan tự do.
Ngày 2: Đảo Yến – Xóm Cấm – Bãi Làng – Về đất liền.
Lưu ý
Trước khi lên đảo, bạn không nên mang theo túi nilon.
Không bẻ san hô khi lặn biển.
Nên chuẩn bị các vật dụng đi biển như mũ, dép bệt, kính, kem chống nắng, thuốc trị côn trùng (nếu có ý định cắm trại)…
Mang đầy đủ giấy tờ tùy thân để tiện cho việc thuê xe.
Theo VNE
Hè về đắm mình trong màu xanh của Cù Lao Chàm
Vẫn được coi là một hòn ngọc thô nhưng Cù Lao Chàm đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với rất nhiều du khách trong và ngoài nước mỗi khi tới Hội An.
Cù Lao Chàm là cụm đảo bao gồm 8 hòn đảo nhỏ: Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Lao, Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô Con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông. Thiên nhiên ban tặng cho nơi này rừng xanh, biển rộng cùng với một hệ sinh thái vô cùng đa dạng, chính nhờ đó Cù Lao Chàm đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Với tổng diện tích khoảng 15,5 km2 và 3.000 dân sinh sống, Cù Lao Chàm cách trung tâm TP Hội An 18 km, hiện đang bảo tồn gần như nguyên vẹn hệ sinh thái biển gồm 950 loài thủy sinh vật, trong đó có nhiều loài cá, san hô quý hiếm.
Từ biển Cửa Đại có 2 loại phương tiện để ra đảo, nếu đi tàu gỗ sẽ mất khoảng một tiếng còn nếu chọn tàu cao tốc thì chừng 20 phút sau là du khách có thể đặt chân lên đảo.
Một điều chú ý là các tàu bắt đầu chở khách ra Cù Lao Chàm từ lúc 8h và trở về đất liền từ 13h đến16h. Nếu không ngủ đêm trên đào, du khách nên tranh thủ đi sớm để có thêm thời gian khám phá.
Chùa Hải Tạng - ngôi chùa cổ được xây dựng từ hơn 400 năm trước nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân nơi đây. Chùa không có sư trụ trì mà chỉ có một đôi vợ chồng già trông coi việc hương khói.
Con đường ngoằn ngoèo đưa du khách lên tham quan chùa Hải Tạng.
Bao phủ xung quanh đảo là làn nước biển xanh trong khiên Cù Lao Chàm như một hòn ngọc giữa biển khơi.
Du khách sẽ có cơ hội thưởng thức hải sản tươi ngon được đánh bắt và chế biến ngay bên bờ biển. Du lịch ở đây chưa bị thương mại hóa nên các dịch vụ ăn uống cũng như nghỉ ngơi có giá cả rất hợp lý.
Ốc vú nàng - loài hải sản có cái tên lạ tai rất thu hút thực khách nhưng số lượng chỉ có hạn ở Cù Lao Chàm.
Du khách trước khi lên đảo đều được khuyến cáo không được mang theo túi nilon vì Cù Lao Chàm hướng đến phát triển du lịch xanh, thân thiện đồng thời với bảo vệ môi trường.
Hiện chưa có điện lưới quốc gia và cuộc sống người dân trên đảo chủ yếu còn phụ thuộc vào đánh bắt hải sản nên chắc chắn du khách sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị ở Cù Lao Chàm.
Theo VNE
Phượt xe máy Đà Nẵng - Lăng Cô cuối tuần Được coi là một trong những vịnh biển đẹp tầm cỡ thế giới, nước biển ở Lăng Cô có màu ngọc bích, bãi cát trắng mịn kéo dài cả chục cây số. Cách TP Huế khoảng 60 km về phía bắc và TP Đà Nẵng khoảng 30 km về phía nam, vịnh Lăng Cô nằm giữa một nhánh rẽ của dãy Trường Sơn...