CTCK đồng loạt dự báo thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh, khuyến nghị nhà đầu tư giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục
Trong quá trình giảm này sẽ vẫn có những nhịp hồi phục (pull back) nhằm test lại đường trendline dài hạn đã bị vi phạm và đây sẽ cơ hội cho nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục theo hướng an toàn hơn.
Phiên giao dịch 24/10 diễn ra khép lại với những diễn biến không thực sự tích cực. Áp lực bán mạnh trong phần lớn thời gian khiến các chỉ số chìm sâu trong sắc đỏ. Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số Vn-Index giảm 16,95 điểm (1,8%) xuống 922,73 điểm và là phiên điều chỉnh thứ 5 liên tiếp.
Không những vậy, phiên giao dịch 24/10 cũng đánh dấu việc VN-Index rơi xuống dưới đường xu hướng (trendline) tăng trưởng dài hạn từ đầu năm 2016 tới nay. Điều này khiến cho giới đầu tư lo ngại thị trường đã rơi vào xu hướng “downtrend” sau gần 3 năm tăng trưởng.
Đánh giá về xu thế thị trường lúc này, hầu hết các CTCK đều tỏ ra khá bi quan và cho rằng thị trường sẽ tiếp tục giảm sâu và nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp trong danh mục.
Theo đánh giá của CTCK SHS, trendline tăng trưởng từ năm 2016 đến nay của VN-Index và VN30 lần lượt tại 930 và 900 điểm đã bị xuyên thủng. Diễn biến này đã khiến cho xu hướng dài hạn của thị trường trở nên xấu đi nhiều trên góc nhìn kỹ thuật. Theo đó, đà giảm của thị trường vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc mà có thể sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới cho đến khi thị trường tìm được điểm cân bằng cung cầu mới.
Tuy nhiên, trong quá trình giảm này sẽ vẫn có những nhịp hồi phục (pull back) nhằm test lại đường trendline dài hạn đã bị vi phạm và đây sẽ cơ hội cho nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục theo hướng an toàn hơn.
SHS dự báo, trong phiên giao dịch 25/10, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm với ngưỡng hỗ trợ tâm lý tại 900 điểm. Nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu có thể tận dụng những nhịp hồi trong phiên nhằm hạ tỷ trọng về mức an toàn. Hành động bắt đáy trong giai đoạn này chưa được khuyến nghị khi mà thị trường vẫn chưa thực sự tìm được điểm cân bằng cung cầu tại một vùng đáy mới. Rủi ro giảm về quanh vùng 900 điểm tương ứng với vùng đáy của VN-Index trong tháng 7 vẫn còn khá cao.
Vn-Index đã “thủng” trendline tăng trưởng dài hạn
Video đang HOT
Chung quan điểm thận trọng, CTCK MBS cho rằng thời điểm này thị trường rất nhạy cảm với những yếu tố tác động bên ngoài trong khi lại bỏ qua những thông tin hỗ trợ bên trong. Điều cần làm lúc này là “liệu cơm gắp mắm” cho danh mục, ưu tiên quản lý rủi ro, không bình quân giá, đưa tỷ trọng về mức cân bằng hoặc thấp. Với diễn biến yếu như hôm nay thì có khả năng sau đây thị trường tăng trở lại chỉ là phục hồi kỹ thuật. Trong trường hợp xấu nhất thì khả năng thị trường có thể thoái lui về vùng 912 -920 điểm, thậm chí có thể kiểm tra lại vùng đáy cũ hồi tháng 7.
CTCK Bảo Việt (BVSC) đánh giá nhà đầu tư đang có sự bi quan và lo sợ về khả năng tiếp tục sụt giảm sâu của thị trường trong ngắn hạn. Trong phiên kế tiếp, thị trường nhiều khả năng giảm về vùng hỗ trợ 906-917 điểm.
BVSC kỳ vọng thị trường sẽ có phản ứng hồi phục trở lại tại vùng hỗ trợ trên về cuối phiên. Tỷ trọng danh mục tổng nên được khống chế ở mức tối đa 15-20% cổ phiếu trong giai đoạn này. Đối với các tài khoản có tỷ trọng tiền mặt lớn, có thể thực hiện các hoạt động trading với tỷ trọng thấp mang tính do đáy nếu thị trường xuất hiện “wash-out” trong các phiên tới. Vùng kháng cự của chỉ số nằm tại 950- 960 điểm và 975-990 điểm. Vùng hỗ trợ của chỉ số nằm tại 906-918 điểm và 860-865 điểm.
Trong khi đó, CTCK HSC đánh giá xu hướng ngắn hạn của thị trường chủ yếu phụ thuộc vào tình hình thế giới, đặc biệt là trong những tuần gần đây. Xu hướng trước mắt của thị trường Việt Nam gắn liền với các thị trường mới nổi khác trong bối cảnh các thị trường này đang không được NĐT ưa chuộng.
Phiên 25/10 sẽ là phiên khá quan trọng đối với thị trường vì đây sẽ là phiên cho thấy động thái chọc thủng hỗ trợ hôm nay có được xác nhận hay không.
Theo HSC, nếu động thái xuyên thủng xu hướng tăng trưởng từ năm 2016 tới nay được xác nhận thì ngưỡng hỗ trợ mạnh tiếp theo sẽ là 870-880 và ngưỡng 915 là ngưỡng hỗ trợ yếu. Tuy nhiên nếu thị trường hồi phục được trong phiên 25/10 thì vùng 930-940 sẽ lại trở thành vùng hỗ trợ cho VN-Index.
Minh Anh
Theo Trí thức trẻ
Khoảng trống nhà tạo lập thị trường: Đi tìm nhà tạo lập thị trường phái sinh
"Chưa thấy lợi ích, chẳng có gì hấp dẫn". Đây là câu chốt ngắn gọn của lãnh đạo một công ty chứng khoán (CTCK), khi trả lời câu hỏi của Đầu tư Chứng khoán vì sao CTCK, ngân hàng chưa mặn mà trở thành nhà tạo lập thị trường không chỉ trên thị trường phái sinh, mà cả trên thị trường cơ sở cổ phiếu lẫn trái phiếu.
Kỳ cuối: Đi tìm nhà tạo lập thị trường phái sinh
Chưa thấy lợi ích
Ý kiến từ những người trong cuộc cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến vai trò của nhà tạo lập thị trường trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam mờ nhạt, nhưng cốt lõi nằm ở mục đích của nhà quản lý, tổ chức thị trường chưa khớp nối "mượt mà" với mục đích của các tổ chức mong muốn làm nhà tạo lập thị trường.
Theo đó, cơ chế tạo lập thị trường đã và đang xây dựng nhằm tạo thanh khoản, nhưng lại thiếu tính thực tế và chưa đủ sức thu hút nhà tạo lập thị trường tham gia.
Thậm chí, theo ý kiến từ lãnh đạo một số CTCK, ngân hàng, nhà quản lý đang "bắt" các tổ chức trở thành nhà tạo lập thị trường phải hy sinh, chịu thiệt về lợi ích, trong khi đổi lại họ chưa thấy được bù đắp cho những hy sinh này.
Đây trở thành lý do chính khiến các tổ chức dù muốn làm nhà tạo lập thị trường, nhưng vẫn đứng ngoài cuộc. Điều này cũng không phải là ngoại lệ trên TTCK phái sinh còn non trẻ.
"Tôi nhận thấy cần có vai trò của nhà tạo lập thị trường trên thị trường phái sinh, nhất là các hợp đồng tương lai chỉ số còn thời gian đáo hạn dài và sắp tới là trên thị trường phái sinh trái phiếu chính phủ.
Tuy nhiên, do tính chất thị trường non trẻ, cộng với hiện không có động lực thu hút các bên tham gia, nên sự xuất hiện của nhà tạo lập thị trường trên TTCK phái sinh hiện còn quá sớm. Bản thân chúng tôi thấy không những chưa nhận được lợi ích, mà còn phải đối mặt với nhiều áp lực, nên chưa có ý định làm nhà tạo lập thị trường trên TTCK phái sinh", lãnh đạo một CTCK chia sẻ.
Đi sâu vào các khó khăn với nhà tạo lập thị trường, theo ý kiến từ những người trong cuộc, chủ yếu liên quan đến việc chưa nhận thấy cửa kiếm lời khi thực hiện giao dịch chênh lệch giá (arbitrage) giữa thị trường cơ sở và thị trường phái sinh cổ phiếu, tới đây là phái sinh trái phiếu.
Thêm vào đó, còn thiếu cơ chế thanh toán, vay mượn chứng khoán... mang tính ưu đãi với nhà tạo lập thị trường, nên chưa thu hút họ tham gia.
Cách nào tạo sức hút?
Với TTCK phái sinh, để thu hút các CTCK, ngân hàng trở thành nhà tạo lập thị trường, ý kiến từ các chuyên gia cho rằng, cần có thời gian.
Tuy nhiên, muốn có "quả ngọt" , thì phải hành động ngay từ bây giờ với nhiều giải pháp đồng bộ để tránh đi vào "vết xe đổ" èo uột như nhà tạo lập thị trường trên thị trường cơ sở cổ phiếu, cũng như trái phiếu hiện tại.
Điều quan trọng đầu tiên là nhà quản lý, tổ chức thị trường cần thay đổi tư duy theo hướng nhà tạo lập thị trường phải cân bằng giữa trách nhiệm và quyền lợi. Thậm chí cần khuyến khích nhà tạo lập thị trường tham gia bằng những cơ chế ưu đãi, hỗ trợ, nhất là trong bối cảnh TTCK phái sinh còn non trẻ như hiện tại.
Cụ thể là cần có cơ chế ưu đãi về phí giao dịch với nhà tạo lập thị trường.
Thêm vào đó, có những hỗ trợ về cơ chế thanh toán, tiết kiệm cả về thời gian lẫn chi phí khi vay mượn chứng khoán. Kinh nghiệm thành công về hoạt động của nhà tạo lập thị trường ở nhiều nước cho thấy, cần có cơ chế cho phép họ bán khống.
Cơ quan quản lý, tổ chức thị trường còn cần có hướng dẫn chi tiết về cơ chế giao dịch chênh lệch giá giữa thị trường trái phiếu cơ sở và phái sinh trái phiếu, để các tổ chức nhìn thấy cơ hội kiếm lời, từ đó hấp dẫn họ tham gia.
Đồng thời, cần có các giải pháp bền vững để cải thiện thanh khoản và quy mô cho TTCK phái sinh, qua đó tạo triển vọng dài hạn cho hoạt động của nhà tạo lập thị trường.
Để tháo gỡ những bất cập về cơ chế đối với nhà tạo lập thị trường trên thị trường phái sinh, bên cạnh Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, còn cần sự phối hợp giữa các cơ quan này với Ngân hàng Nhà nước trong tháo gỡ các vướng mắc, cũng như tạo ra cơ chế khuyến khích, ưu đãi để thu hút các ngân hàng tham gia.
Nguyễn Hữu
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Trước giờ giao dịch 27/9: Theo dõi phản ứng thị trường trước các thông tin quan trọng Không nằm ngoài dự báo của các CTCK trong nước, Việt Nam đã được lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2. Trong khi đó, đêm qua FED đã công bố tăng lãi suất lên 2,25%. Đây là những thông tin quan trọng sẽ tác động tới tâm lý nhà đầu tư các thị trường chứng...