CSGT TP.HCM mong chủ quán nhậu báo tin khách xỉn lái xe: Quán nào sẽ báo?
Thông tin CSGT TP.HCM mong chủ quán nhậu báo tin khách say xỉn vẫn tự lái xe nhận nhiều ý kiến tranh luận trên mạng xã hội. Nhiều người đặt câu hỏi: liệu có chủ quán nào báo tin?
Phòng CSGT đường bộ – đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) cho biết, điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu bia là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tai nạn giao thông.
CSGT mong muốn nhưng…
Đánh giá cao vai trò của chủ các cơ sở kinh doanh và tầm quan trọng của công tác phối hợp giữa lực lượng chức năng với chủ các cơ sở kinh doanh trong việc kéo giảm tai nạn giao thông gây ra do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia, CSGT TP.HCM đã cùng công an các phường phối hợp gặp chủ các cơ sở kinh doanh có sử dụng rượu bia để tuyên truyền.
CSGT Bến Thành tuyên truyền tại quán nhậu trên địa bàn đảm trách. Ảnh PC08
Theo nội dung cam kết, các chủ nhà hàng, quán nhậu, karaoke,… sẽ thường xuyên nhắc khách đến ăn uống chấp hành nghiêm quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; không tự lái xe sau khi đã uống rượu bia. Tại các quán nhậu cũng sẽ chủ động treo băng rôn với nội dung: “Không lái xe sau khi đã uống rượu bia”.
CSGT cũng đề nghị chủ quán, những người chứng kiến phát hiện người đã sử dụng rượu bia cố tình điều khiển xe có thể báo cho lực lượng CSGT gần nhất biết, xử lý.
Theo CSGT, các hành động này sẽ chung tay kéo giảm tình trạng tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.
CSGT tới tuyên truyền tác hại của bia rượu, chủ quán nhậu liền giảm giá 10% cho khách đi Grab
Theo tìm hiểu của PV, nội dung này nằm trong kế hoạch ra quân cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm từ 20.6 đến 20.9.2022. Cụ thể, CSGT sẽ tổ chức vận động các bến xe, bến cảng, chủ nhà hàng, quán bar, vũ trường… tuyên truyền, nhắc nhở khách hàng đến ăn uống chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu, bia. Treo các banner nội dung “Không lái xe sau khi uống rượu bia” tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, quán ăn có phục vụ rượu bia.
Trong quá trình tuyên truyền, CSGT cũng mong cơ sở kinh doanh ăn uống thông báo lực lượng CSGT biết xử lý các trường hợp đã sử dụng rượu bia cố tình điều khiển phương tiện. Mong muốn này thực tế là tốt, việc chủ quán ăn, nhà hàng luôn nhắc nhở khách đã uống rượu bia thì không nên điều khiển phương tiện giao thông là một việc làm đúng, cần nhân rộng. Thậm chí, trước đây đã có nhiều quán sẵn sàng miễn phí taxi, phí vận chuyển cho khách say xỉn, hoặc đã uống rượu được chở về tận nhà.
Trong mối quan hệ giữa chủ quán và khách – thực chất là nơi cung cấp dịch vụ ăn uống và người sử dụng, “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” hoặc “khách hàng luôn là thượng đế”. Vậy thử hỏi có quán nào dám chặn xe hoặc lén gọi điện cho CSGT thông báo việc thượng đế mình vi phạm nồng độ cồn?
Thiếu thực tế
Đây là câu hỏi được nhiều bạn đọc Thanh Niên đặt ra sau khi đọc nội dung bài viết. Đa số bạn đọc cho rằng, trong tâm thế chủ quán nhậu, sẽ rất khó để có thể gọi CSGT tới xử phạt khách vừa nhậu ở quán của mình. “Khác gì kêu người ta đạp đổ chén cơm của mình?”; “Rồi mấy quán đó phá sản luôn vì khách đi khu vực khác nhậu”; “Quá thiếu thực tế”; “Nhiệm vụ giao cho chủ quán bất khả thi”; “Quán nhậu mà báo tin cho CSGT lỡ khách mà biết được thì hơi mệt à nha”,… là những bình luận của độc giả.
Trên mạng xã hội, nội dung này cũng nhận nhiều ý kiến tương tự. Nickname Văn Thiên viết: “Quan trọng là đến quán tuyên truyền quán nhắc khách khi uống rượu bia thì không lái xe. CSGT lại bảo quán báo tin khi khách đến quán nhậu uống mà vẫn lái xe, khác gì bảo quán đóng cửa”.
Nhiều ý kiến tranh luận quanh câu chuyện CSGT vận động người dân, chủ quán báo tin khi khách đã uống rượu bia vẫn lái xe. Ảnh NGUYỄN ANH
Tài khoản Ngô Hậu cho rằng, quán sẽ đóng cửa sớm. Facebooker Anh Khoa cũng nhận xét, chủ quán nhậu chuyển qua bán nước ngọt, cà phê “là vừa”.
Trước thông tin này, người dùng mạng còn hài hước rủ nhau nhậu online, thậm chí gợi ý các quán nhậu nên mở thêm dịch vụ đưa khách về nhà hoặc quán làm dịch vụ giữ xe qua đêm và nhớ hỏi khách địa chỉ nhà trước khi uống.
Cuối cùng là vì ai?
Bạn đọc Phong Ng để lại bình luận trên Thanh Niên rằng, việc này hình thức quá, nếu thực sự lực lượng CSGT muốn xử phạt tất cả những người đã nhậu mà vẫn lái xe thì chỉ cần bố trí lực lượng tập trung trên các tuyến đường có nhiều quán nhậu là xử lý được.
Việc đến các quán ăn, nhà hàng, quán nhậu có kinh doanh rượu bia vận động ký cam kết nằm trong đợt cao điểm ra quân từ 20.6 – 20.9.2022. Ảnh NGUYỄN ANH
Phản bác lại ý kiến này, nickname Trần Hạ nói: “Trước là tuyên truyền, sau là xử phạt. Ai đi nhậu cũng tự giác đón xe ngoài chở về thì đâu cần tuyên truyền, đâu cần nhắc nhở. Quan trọng là ý thức, đã uống rượu bia thì không lái xe, chứ làm màu để làm gì?”.
Độc giả Helen cũng phân tích, CSGT bố trí chốt gần quán nhậu thì bị mỉa mai là “gài”; vận động chủ quán nhắc nhở, tác động khách thì bị chê là “hình thức”. “Ngoài xử phạt thì biện pháp vận động người dân tuân thủ cũng mang tinh thần xây dựng, là một bước trong công tác bảo vệ quần chúng nhân dân”, bạn đọc Helen chia sẻ.
Người dùng Minh Anh nhẹ nhàng bình luận, để an toàn cho bản thân và mọi người, ngoài chi phí hùn tiền nhậu, cần thêm một khoản phí đi xe ôm về nhà để cuộc vui trọn vẹn.
Để trả lời cho câu hỏi cuối cùng vì ai thì rõ ràng ai cũng đồng thuận rằng: vì chính sức khỏe, tính mạng không chỉ của người điều khiển phương tiện, hạn chế tai nạn giao thông, gây ra nỗi đau cho bản thân cũng như những người vô tội không liên quan. Người đi nhậu đã xác định uống rượu bia thì không nên lái xe, việc tuần tra kiểm soát về nồng độ cồn của CSGT cần liên tục, nghiêm minh. Chủ quán trong vai trò dịch vụ thì cần những cách thức góp ý hóm hỉnh, thông minh để khách lựa chọn. Thậm chí, nhiều hàng quán, quán bar ở phương Tây còn để sẵn máy đo nồng độ cồn ở ngay cửa ra. Nếu khách nào sau khi ăn uống xong đi về có thể ghé thổi thử, nếu nồng độ cồn quá mức quy định thì sẽ được khuyến cáo mạnh là không được lái xe về.
Chủ quán nhậu TP.HCM ký cam kết nhắc khách không lái xe sau khi uống rượu, bia
Một số chủ quán nhậu ở TP.HCM vừa ký cam kết với CSGT, công an phường sẽ nhắc khách không lái xe sau khi uống rượu, bia; đồng thời treo băng rôn "Không lái xe sau khi đã uống rượu, bia" để khách hàng dễ nhìn thấy.
Ngày 5.7, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) cho biết, mới đây, đội CSGT Bến Thành (thuộc PC08) vừa phối hợp với Công an P.Bến Nghé (Q.1) gặp chủ các cơ sở kinh doanh nhà hàng, quán ăn, vũ trường, karaoke, các điểm có kinh doanh rượu, bia trên địa bàn tuyên truyền những quy định của pháp luật về Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia.
CSGT tới tuyên truyền tác hại của bia rượu, chủ quán nhậu liền giảm giá 10% cho khách đi Grab
Bên cạnh đó, CSGT cũng tuyên truyền về hậu quả của việc điều khiển xe tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia và chế tài xử phạt đối với hành vi này.
Qua đó, chủ các cơ sở kinh doanh đã ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia.
Chủ cơ sở kinh doanh ký cam kết với lực lượng chức năng.Ảnh PC08
Theo nội dung này, chủ các cơ sở kinh doanh sẽ thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở khách hàng đến ăn uống chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia; không tự lái xe sau khi đã uống rượu, bia.
Tại các cơ sở kinh doanh cũng chủ động treo băng rôn nội dung: "Không lái xe sau khi đã uống rượu, bia" để khách hàng dễ dàng nhìn thấy. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh tiếp tục chấp hành nghiêm quy định không để xe lấn chiếm lòng lề đường để đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Quán nhậu treo băng rôn "Không lái xe sau khi uống rượu, bia". Ảnh PC08
Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM cho biết, thời gian tới, CSGT TP.HCM sẽ tiếp tục tuyên truyền và triển khai cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đến các cơ sở có kinh doanh rượu, bia trên địa bàn đảm trách.
CSGT TP.HCM sẽ phát các tấm băng rôn, banner với nội dung "Không lái xe sau khi đã uống rượu, bia" cho các cơ sở kinh doanh để đồng bộ và nâng cao hiệu quả tuyên truyền.
CSGT khuyến cáo, nếu ai phát hiện người đã sử dụng rượu, bia cố tình lái xe thì có thể thông báo cho lực lượng CSGT gần nhất biết, xử lý.
Công an Hậu Giang lên tiếng việc CSGT vừa lái ô tô, vừa nghe điện thoại Ngày 2/7, Công an tỉnh Hậu Giang thông tin việc đoạn clip ghi lại cảnh hai cán bộ CSGT đi trên ô tô, trong đó có người vừa lái xe vừa nghe điện thoại và có lời nói không đúng mực. Hai ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh 2 người đàn ông mặc sắc phục CSGT,...