Covid 24h: TP HCM ghi nhận gần 8.500 ca nhiễm, Hà Nội giãn cách theo khu vực
TP HCM ghi nhận ngày nhiều bệnh nhân Covid-19 nhất với 8.499 ca, Hà Nội chia quận huyện thành 3 khu vực để tiếp tục giãn cách xã hội sau ngày 6/9.
Bộ Y tế tối qua công bố 14.894 ca nhiễm mới ở đợt dịch thứ tư, trong đó riêng số ca mắc ở TP HCM là 8.499, tăng 2.536 ca so với hôm trước. Đây là ngày ghi nhận số bệnh nhân Covid-19 cao nhất tại đô thị này từ khi dịch xuất hiện.
Số ca tử vong do Covid-19 tại TP HCM từ đầu năm đến nay đã gần con số 10.000. Theo Phó giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Văn Vĩnh Châu, tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở TP HCM vào khoảng 4,2%. Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tùy giai đoạn dịch, tỷ lệ tử vong dao động từ 2,1 đến 4,4%.
“Nhìn chung tình trạng tử vong ở thành phố nằm trong tỷ lệ thống kê của thế giới, nhưng ở giới hạn cao. Đây cũng là điều mà thành phố tìm mọi cách để kéo giảm”, ông Châu nói và cho biết việc xuất hiện thêm nhiều ca mắc mới cùng lúc sẽ dẫn đến tình trạng số ca cần hồi sức cũng tăng theo. Điều này ảnh hưởng chất lượng của hệ thống điều trị và khả năng tử vong sẽ tăng.
Người dân khai báo “di chuyển nội địa” tại chốt kiểm soát ở quận Bình Thạnh, ngày 30/8. Ảnh: Quỳnh Trần
Hôm nay, hơn 10 triệu dân TP HCM bước vào ngày thứ 13 trong đợt siết chặt giãn cách kéo dài 15 ngày theo nguyên tắc “ai ở đâu yên đấy”. Quận 7 và huyện Củ Chi đã công bố kiểm soát được dịch theo kế hoạch mà Ban chỉ đạo chống Covid-19 thành phố đặt ra ngày 15/8.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố, việc này không có nghĩa là hai địa phương này sẽ nhanh chóng được nới lỏng giãn cách mà phải chờ đánh giá chung các quận huyện. Trên tổng thể kết quả đánh giá toàn địa bàn, thành phố sẽ có giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.
Về thời điểm nới lỏng giãn cách, lãnh đạo Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố cho biết chưa thể xác định cụ thể. Theo đó, thành phố đang phấn đấu kiểm soát dịch trước ngày 15/9 theo Nghị quyết của Chính phủ. Nghĩa là trong 11 ngày tới các quận huyện phải tiếp tục thực hiện nghiêm việc giãn cách.
Sau 40 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16, tổng số ca nhiễm ghi nhận tại Hà Nội đến nay là 3.409 ca. Hiện, thành phố có 6 ổ dịch phức tạp gồm: ngõ 24 Kim Đồng (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai); chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình); phường Văn Miếu, Văn Chương (quận Đống Đa); phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) và xã Tân Lập (huyện Đan Phượng).
Video đang HOT
Hôm qua chính quyền Thủ đô quyết định từ ngày 6 đến 21/9 sẽ chia địa bàn thành 3 khu vực nguy cơ để tiếp tục giãn cách theo các mức độ khác nhau. Trong đó, vùng một gồm 10 quận, huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai; một phần địa giới hành chính của 5 quận, huyện Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.
Sơ đồ phương án phân vùng phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội thực hiện từ ngày 6/9 đến ngày 21/9.
Đây là khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Thành phố xác định khu vực này là “vùng đỏ”, nhiều trường hợp nguy cơ cao sẽ tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 và một số biện pháp ở mức cao hơn với nguyên tắc “ai ở đâu, ở đó”, “người ở vùng nào, ở vùng đó”.
Vùng hai gồm toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh. Toàn bộ khu vực này sẽ áp dụng Chỉ thị 15 và một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng phân khu trong vùng.
Vùng ba là toàn bộ 10 quận, huyện: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên; và một phần của 5 quận, huyện của phân vùng một: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín. Toàn bộ khu vực này áp dụng Chỉ thị 15 và một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng phân khu trong vùng về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông nghiệp hỗ trợ “vùng một”.
Từ 8h ngày 5/9, 1,5 triệu dân Đà Nẵng sẽ thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quyết định mới do Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh ký tối qua. Theo đó, thành phố phân chia từng cấp độ nới lỏng các hoạt động xã hội theo từng địa bàn và mức độ nguy cơ (vùng đỏ, vùng vàng và vùng xanh).
Lực lượng chức năng tuần tra tại vùng đỏ trên đường Trần Cao Vân, Đà Nẵng, chiều 3/9. Ảnh: Nguyễn Đông
Với người dân sống ở vùng vàng, bao gồm cả vùng và điểm xanh ở các khu dân cư tại phường, xã vùng vàng Đà Nẵng áp dụng cách ly xã hội “cao hơn Chỉ thị 16″. Người ra đường phải có giấy đi đường QR code kèm giấy tờ tùy thân, thực hiện 5K, không tập trung quá 2 người nơi công cộng, đeo tấm che giọt bắn khi giao tiếp; thực hiện nguyên tắc “một cung đường hai điểm đến”.
Người dân vùng xanh (thiết lập theo quy mô cấp phường, xã khi 14 ngày liên tục không có ca bệnh nhiễm cộng đồng), được đi chợ truyền thống với tần suất 5 ngày một lần. Mỗi hộ gia đình chỉ cử một người đi chợ và phải có giấy đi chợ QR code do địa phương cấp. Khu vực bán hàng tại chợ phải có vách ngăn.
Ngoài ra, người dân được đi tập thể dục, đi bộ ngoài trời và nơi công cộng trong phạm vi vùng xanh, trong khoảng thời gian từ 5 đến 7h sáng; giữ khoảng cách tối thiểu 2 m với người khác. Các nhà hàng, cửa hàng, quán ăn được bán hàng qua mạng, không được phục vụ tại chỗ.
Người dân ở vùng đỏ là nơi phong tỏa cứng, phải thực hiện việc cách ly theo quy định của Bộ Y tế.
Hà Nội: Từ 12h trưa 25/5 dừng hoạt động nhà hàng ăn uống, cắt tóc, gội đầu
UBND TP Hà Nội vừa có công điện khẩn về việc quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, trên địa bàn TP đã xuất hiện chùm ca bệnh mới chưa xác định nguồn lây nhiễm tại các khu vực chung cư tập trung đông dân, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp.
Từ 12h ngày mai (25/5), TP quyết định tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đến khi có thông báo mới. Cụ thể: Nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người; các cửa hàng cắt tóc, gội đầu.
Thực hiện dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền hiệu quả hơn, nhanh hơn bằng nhiều hình thức thiết thực, phát huy tuyên truyền trên loa truyền thanh xã, phường, các khu chung cư, trên không gian mạng.
Hà Nội hôm nay đã cho phong tỏa nhiều khu dân cư do liên quan đến ca mắc Covid-19 mới.
Khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, làm việc trực tuyến.
Sở Y tế chủ trì, phối hợp Bộ Tư lệnh Thủ đô và UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát triển khai phương án bổ sung các khu cách ly tập trung để chủ động đáp ứng việc cách ly tập trung.
Chủ tịch TP cũng nhấn mạnh phải xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người đứng đầu và các cá nhân liên quan nếu để xảy ra lây chéo trong khu cách ly tập trung và lây nhiễm dịch bệnh từ các khu cách ly tập trung ra cộng đồng; các vi phạm về quy định phòng, chống dịch bệnh.
Rà soát kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của các lực lượng trong toàn bộ hệ thống phòng chống dịch Covid-19 từ tổ dân phố, thôn xóm, hộ gia đình, tổ sản xuất, nhất là các khu chung cư, khu nhà trọ, ký túc xá sinh viên, khu nhà ở học sinh, sinh viên...
Ổ dịch tại tập đoàn T&T được đánh giá phức tạp.
Giám sát, quản lý chặt chẽ việc cách ly y tế tại cộng đồng, tuyệt đối không để xảy ra các ca bệnh mới phát sinh tại cộng đồng.
Thần tốc, truy vết, cách ly, khoanh vùng, tổ chức xét nghiệm nhanh, kịp thời để sàng lọc khi có ca bệnh mới phát sinh.
Người đứng đầu UBND TP yêu cầu, tất cả người dân từ các tỉnh, thành khác trở về Hà Nội: Thời điểm từ ngày 10-24/5 đều phải khai báo y tế trên website http://tokhaiyte.vn và các ứng dụng NCOVI, Bluezone, hoàn thành chậm nhất trong ngày 25/5.
Từ ngày 25/5, thực hiện khai báo y tế trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm có mặt tại Hà Nội.
Diễn biến dịch 24/5: Bắc Giang vượt 1000 ca, chùm ca bệnh ở Hà Nội phức tạp Trong 24h qua, Việt Nam có thêm 187 ca Covid-19 gồm 3 ca nhập cảnh và 184 ca trong nước. Như vậy, tính từ 27/4 đến nay, nước ta đã có đến 2.349 ca lây nhiễm trong cộng đồng, xuất hiện ở 30 tỉnh thành. Sau 28 ngày, tổng số ca nhiễm của đợt dịch thứ 4 đến nay cao gấp 2,85 lần...