COVID-19 xóa mờ hy vọng nâng cao thu nhập của các nước Đông Nam Á
Đại dịch COVID-19 cùng giá cả hàng hóa leo thang và sự bất ổn toàn cầu khiến mục tiêu nâng cao thu nhập người dân của các nước Đông Nam Á trở nên khó đạt được.
Tốc độ tăng trưởng của Indonesia vẫn còn quá chậm để đạt được mục tiêu Tổng thống Joko đặt ra trong năm 2019. Ảnh: AFP
Trong lời tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ lần 2 vào năm 2019, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cam kết sẽ nâng thu nhập trung bình của người dân cao gấp 3 vào năm 2050, đưa đất nước sánh ngang với các nền kinh tế có thu nhập cao như Ba Lan và Chile.
Không chỉ có Indonesia, các quốc gia láng giềng như Thái Lan và Malaysia cũng đặt mục tiêu tương tự.
Tháng 10/2019, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha đặt mục tiêu trong năm 2036, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Thái Lan đạt ít nhất 12.700 USD, lọt bảng xếp hàng những quốc gia giàu có. Năm ngoái, Malaysia cũng rục rịch triển khai kế hoạch trở thành quốc gia phát triển vào giữa thập kỷ này.
Nhưng khi nói đến những thiệt hại lên nền kinh tế do đại dịch COVID-19, buộc trường học, khu công nghiệp hay lĩnh vực du lịch phải đóng cửa hai năm, những hy vọng phía trên dường như đang dần mờ nhạt.
Video đang HOT
Giá lương thực và năng lượng tăng cao trong ngắn hạn cũng như chuỗi cung ứng chưa hoạt động đồng nghĩa với hoạt động xuất khẩu và lao động giá rẻ sẽ không đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cần thiết trong những năm tới.
“Những tổn hại mà COVID-19 để lại càng bị khoét sâu thêm do chiến tranh và biến đổi khí hậu”, nhà kinh tế học Alicia Garcia Herrero trả lời phỏng vấn báo Straits Times trong cuộc thảo luận trực tuyến gần đây do Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô Asean 3 (AMRO) tổ chức.
AMRO nói rằng các nền kinh tế trong khu vực còn phải chật vật để bù lại những tổn thất do đại dịch gây ra trong bối cảnh thiếu lao động có tay nghề cao và các chính phủ dè xẻn trong chi tiêu.
“Đại dịch càng kéo dài thì những tổn thất càng lan rộng và lâu dài hơn”, Tiến sĩ Hoe Ee Khor – nhà kinh tế cấp cao của AMRO – phát biểu.
Tuần trước, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết mặc dù Indonesia dự báo chứng kiến tốc độ tăng trưởng trở lại như thời kỳ trước đại dịch, ở mức 5% trong năm nay và 5,3% trong năm tới, thì nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á vẫn tăng trưởng quá chậm so với mục tiêu đề ra của Tổng thống Widodo.
Indonesia cần ghi nhận mức tăng trưởng gần 6%/năm từ năm nay đến năm 2040 để đạt mục tiêu. Trên thực tế, tăng trưởng GDP hàng năm của nước này chỉ đạt trung bình 5% trong 4 năm trước 2019.
Tiến sĩ Chatib Basri, cựu Bộ trưởng Tài chính Indonesia, chỉ ra rằng quốc gia này cần phải nỗ lực gấp đôi cho dịch vụ giáo dục và y tế để tăng năng suất.
“Đã hai năm trẻ em không thể thường xuyên đến trường. Chúng ta không thể đánh giá được chất lượng thị trường lao động. Không chỉ Indonesia mà mọi quốc gia Đông Nam Á đều phải nỗ lực đẩy mạnh”, Tiến sĩ Chatib nói.
Theo ADB, tăng trưởng GDP của Malaysia dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi so với năm ngoái lên 6% vào năm 2022 trước khi giảm xuống 5,3% vào năm 2023. Trong khi đó, Thái Lan ghi nhận mức tăng trưởng 3% vào năm nay và 4,5% vào năm sau.
Nếu GDP của Malaysia tăng trưởng ổn định ở mức khoảng 6% trong những năm tới, nước này được dự đoán sẽ giành một vị trí trong hàng ngũ các quốc gia có thu nhập cao cùng với Panama và Costa Rica vào năm 2025.
Tuy nhiên, trong bối cảnh giá hầu hết các mặt hàng chủ lực, như dầu ăn và lúa mì, đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm 2020, lạm phát tại các nước Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng.
Khoon Goh, nhà kinh tế trưởng ANZ có trụ sở tại Singapore, kết luận: “COVID-19 ngăn cản tiến độ đạt được mục tiêu. Không chỉ vậy, với giá cả hàng hóa tăng cao và sự bất ổn toàn cầu, việc đạt được mục tiêu sẽ trở nên khó khăn hơn”.
WHO đánh giá cao chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 của Campuchia
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Campuchia ngày 10/4 đánh giá thành công của chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại nước này đã giúp cứu sống nhiều người, ổn định hệ thống y tế và đóng góp cho sự phục hồi kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: THX/TTXVN
Chia sẻ qua mạng xã hội, bà Li Ailan cho biết: "Campuchia đã đạt tỷ lệ bao phủ liều cơ bản vaccine ngừa COVID-19 ở mức cao từ giai đoạn rất sớm. Thành công của chương trình tiêm chủng đã giúp cứu sống nhiều người, bảo vệ hệ thống y tế và đóng góp cho phục hồi kinh tế". Bà kêu gọi người dân Campuchia đi tiêm mũi tăng cường khi đến lượt mình để bảo vệ bản thân và người xung quanh khi quay lại cuộc sống bình thường, trong bối cảnh biến thể Omicron vẫn hiện hữu.
Trong khi đó, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã quyết định thử nghiệm dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang đối với 4 tỉnh không ghi nhận, hoặc ghi nhận rất ít, ca nhiễm mới. Trong đoạn ghi âm được truyền thông công bố, Thủ tướng Hun Sen cho biết các tỉnh này bao gồm Ratanakiri, Mondulkiri và Stung Treng ở Đông Bắc, và tỉnh Preah Vihear ở Tây Bắc. Người dân các địa phương này được tự quyết định việc đeo khẩu trang trong khi đeo khẩu trang vẫn là quy định bắt buộc tại các tỉnh khác.
Theo số liệu của Bộ Y tế Campuchia, đến nay đã có ít nhất 92,8% dân số được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, 88% đã tiêm đủ liều cơ bản. Khoảng 8 triệu người ở đất nước 16 triệu dân này đã tiêm mũi thứ ba, 1,21 triệu người đã tiêm mũi thứ tư. Với tỷ lệ bao phủ vaccine cao, Campuchia đã nối lại hoàn toàn hoạt động kinh tế xã hội. Từ tháng 11/2021, nước này cho phép người đã tiêm đủ liều vaccine được nhập cảnh mà không cần cách ly.
COVID-19 tới 6 giờ sáng 10/4: Trung Quốc dịch bệnh lại lập đỉnh; Chuyên gia cảnh báo làn sóng mới vào mùa Thu Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 798.308 trường hợp mắc COVID-19 và 2.088 ca tử vong. Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 498 triệu ca, trong đó trên 6,2 triệu người không qua khỏi. Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN Theo số...