COVID-19 trên thế giới tuần qua: Nhiều nước bùng phát làn sóng dịch mới; Triều Tiên ‘hạ nhiệt’ ca sốt
Trong vòng một tuần qua, từ ngày 19-25/6, thế giới ghi nhận 4,4 triệu ca mắc và gần 9.000 ca tử vong vì COVID-19. Hai diễn biến đáng chú ý là nhiều nước đối mặt làn sóng dịch mới trong mùa hè, và ca sốt tại Triều Tiên lần đầu xuống dưới ngưỡng 10.000 ca/ngày.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại tiệm cắt tóc ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 1/6/2022. Ảnh: THX/ TTXVN
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 7 giờ sáng 26/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu từ đầu đại dịch là trên 548,58 triệu ca, trong đó có 6,35 triệu người tử vong.
Trong tuần qua, trên toàn thế giới, số ca mắc COVID-19 tăng 15%, số ca tử vong giảm 3% so với tuần trước đó.
Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất trong tuần qua (trên 694.000 ca mắc), đồng thời cũng là nước có số ca tử vong nhiều nhất thế giới trong tuần qua (1.604 ca).
Tiếp đó là Đức với trên 557.000 ca mắc và 358 ca tử vong. Đứng thứ ba là Pháp với trên 434.000 ca mắc và 1.043 ca tử vong trong tuần qua. Brazil đứng thứ tư về ca mắc nhưng có số ca tử vong chỉ sau Mỹ, với 1.314 ca trong tuần.
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với 88,7 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,04 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43,38 triệu ca mắc và gần 525.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 32 triệu ca mắc và trên 670.200 ca tử vong.
Phun thuốc khử trùng để phòng dịch COVID-19 tại nhà máy ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên, ngày 13/6/2022. Ảnh: Kyodo/ TTXVN
Triều Tiên: Dịch “hạ nhiệt”, ca sốt xuống dưới 10.000 ca/ngày
Ngày 25/6, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin trong 24 giờ (tính từ 18h ngày 23/6 đến 18h ngày 24/6), Triều Tiên đã ghi nhận thêm hơn 9.610 ca sốt, 12.050 trường hợp phục hồi. Đây là lần đầu tiên số ca sốt mới theo ngày tại Triều Tiên xuống dưới 10.000 ca kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này.
Theo Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh khẩn cấp quốc gia Triều Tiên, kể từ cuối tháng 4, nước này ghi nhận tổng cộng hơn 4.706.190 ca sốt, trong đó có 4.688.810 người phục hồi (chiếm tỷ lệ 99,63%) và ít nhất 71.300 người đang điều trị (0,368%).
Triều Tiên hiện đang tăng cường các biện pháp nhằm đẩy lui hoàn toàn dịch bệnh tại nước này. Các nhà sản xuất y tế trên cả nước đang tập trung nỗ lực phát triển và sản xuất các thiết bị xét nghiệm, hồi sức cấp cứu, tăng sản lượng để có thể nhanh chóng ứng phó với bất kỳ cuộc khủng hoảng y tế nào.
Ngày 12/5 vừa qua, Triều Tiên thông báo trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 ở nước này, liên quan đến dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron.
Video đang HOT
Làn sóng dịch COVID-19 thứ 6 đã xuất hiện tại Israel
Trưởng ban phòng chống dịch COVID-19 của Israel, Giáo sư Salman Zarka cho rằng “làn sóng thứ 6″ của dịch COVID-19 đã xuất hiện tại nước này, với số ca mắc mới tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4 vừa qua.
Giáo sư Zarka đưa ra phát biểu trong một cuộc họp tại Bộ Y tế Israel ngày 22/6. Ông cho biết thêm đợt dịch mới chủ yếu do dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron gây ra, nhằm vào nhóm người có sức đề kháng thấp. BA.5 hiện chiếm trên 50% số trường hợp xét nghiệm cho kết quả dương tính tại Israel.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Ashkelon, Israel. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong những ngày qua số ca mắc mới COVID-19 tại Israel liên tục ở mức trên 10.000 ca/ngày, trong đó ngày 20/6 ghi nhận 10.235 ca, mức cao nhất kể từ ngày 1/4 vừa qua. Chỉ trong chưa đầy một tuần số ca mắc mới đã tăng 45,7%. Số bệnh nhân bị triệu chứng nặng cũng tăng mạnh trở lại, lên 198 ca, mức cao nhất trong gần 2 tháng.
Trước đó, phát biểu trên đài phát thanh địa phương hôm 20/6, Tổng vụ trưởng (Thứ trưởng thường trực) Bộ Y tế Israel, ông Nachman Ash cũng nghiêng về khả năng Israel đã xuất hiện làn sóng dịch thứ 6, mặc dù không khẳng định điều này. Ông nói: “Chúng tôi thận trọng trong sử dụng thuật ngữ vì cách đây khoảng một tháng số ca mắc mới cũng tăng, nhưng sau đó lại giảm rất nhanh. Lần này thì khác, biến thể mới BA.5 có tính lây nhiễm mạnh hơn”.
Theo các quan chức và chuyên gia, đứng trước làn sóng dịch mới, Bộ Y tế Israel chưa xem xét áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế xã hội. Tuy nhiên, người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân, nhất là nên đeo khẩu trang trong các không gian kín nơi công cộng như trên xe buýt, máy bay.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Baghdad, Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN
Pháp đương đầu làn sóng dịch mới
Pháp đang đối mặt với một làn sóng mới của dịch COVID-19 do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra. Đây là nhận định được Giám đốc trung tâm tiêm chủng quốc gia Pháp Alain Fischer đưa ra ngày 22/6 trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tại nước này ngày 21/6 tăng lên mức cao nhất trong 2 tháng qua, với hơn 95.000 ca.
Phát biểu trên kênh truyền hình France 2, ông Fischer cho rằng rõ ràng làn sóng dịch COVID-19 lại đang dâng cao tại quốc gia này, đồng thời cho biết cá nhân ông ủng hộ việc tái áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng. Tuy nhiên, điều chưa rõ ràng là mức độ nghiêm trọng của làn sóng lần này sẽ ra sao.
Các nước châu Âu khác, đặc biệt là Bồ Đào Nha, cũng đang chứng kiến làn sóng dịch gia tăng do 2 dòng phụ của biến thể Omicron gồm BA.4 và BA.5 gây ra. Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho rằng 2 dòng phụ này nhiều khả năng sẽ trở thành biến thể gây bệnh chủ đạo tại khu vực. Theo ECDC, các dòng phụ này không gây nguy cơ bệnh nặng cao hơn những dòng phụ khác của biến thể Omicron nhưng lại lây lan nhanh hơn và có thể dẫn tới tình trạng gia tăng số ca nhập viện và tử vong. Thông thường, khoảng 2 tuần sau khi số ca mắc mới tăng mạnh thì số ca nhập viện bắt đầu tăng và tiếp sau đó 2 tuần là số ca tử vong tăng.
BA.5 trở thành biến thể chủ đạo gây bệnh COVID-19 tại Đức
Theo Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm Robert Koch (RKI) của Đức, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã trở thành biến thể chủ đạo gây bệnh COVID-19 tại Đức, chiếm khoảng một nửa số ca mắc mới COVID-19 ở nước này.
Trong báo cáo hàng tuần, RKI nêu rõ: “Mức tăng mạnh số ca mắc biến thể BA.5 vẫn tiếp tục cùng với số ca mắc các biến thể phụ BA.4 và BA.2.12.1. Với sự lây lan gia tăng của các biến thể này, Đức ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 gia tăng trở lại”. Theo RKI, số ca mắc hàng ngày tại Đức tiếp tục tăng với 108.190 ca ghi nhận ngày 24/6 trong khi tỉ lệ lây nhiễm trong 7 ngày tăng lên 618 ca/100.000 dân so với mức 533 ca/100.000 dân ngày 23/6.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Apple Valley, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach hiện ủng hộ đề nghị của các chuyên gia y tế về việc tiêm vaccine và tiêm mũi vaccine tăng cường cho 40 triệu người ở nước này trước mùa Đông. Dự kiến, ông Lauterbach sẽ đệ trình các biện pháp phòng chống COVID-19 cho mùa Thu tới sau khi xem xét báo cáo của các chuyên gia y tế về tính hiệu quả của các biện pháp phòng chống COVID-19 trước đây. Báo cáo này sẽ được hoàn tất vào đầu tháng 7.
Đức là một trong những nước cuối cùng trong Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ hạn chế đối với các du khách đến từ những nước thành viên khác trong EU. Hiện, nước này đã dỡ bỏ hết các biện pháp hạn chế đối với hoạt động công cộng.
Moderna phát triển dòng vaccine mới có khả năng ngăn ngừa COVID-19 và các loại bệnh hô hấp khác
Vaccine ngừa COVID-19 của Moderna. Ảnh: AFP/TTXVN
Hãng dược phẩm Moderna của Mỹ đang phát triển một loại vaccine mới, tích hợp khả năng ngăn ngừa bệnh COVID-19 và bệnh cúm, có thể sẽ được sản xuất tại cơ sở ở thành phố Melbourne (bang Victoria) của Australia.
Ngày 21/6, Giám đốc y tế của Moderna Paul Burton cho biết công ty đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ các chính phủ trên thế giới về một loại vaccine duy nhất, có khả năng điều trị nhiều bệnh đường hô hấp. Việc tích hợp vaccine sẽ giúp đơn giản hóa quá trình tiêm chủng, giảm thời gian và chi phí, qua đó nâng cao hiệu quả của hoạt động tiêm vaccine ngừa các bệnh truyền nhiễm, hiện là một vấn đề hết sức quan trọng trên toàn cầu.
Ông Burton chia sẻ Moderna đang thử nghiệm loại vaccine kết hợp ngừa cúm mùa và bệnh COVID-19 và sẽ sớm khởi động nghiên cứu giai đoạn một của một loại vaccine khác, tích hợp ngăn ngừa bệnh cúm mùa, COVID-19 và virus hợp bào hô hấp (RSV – loại virus gây ra các bệnh viêm đường hô hấp và nhiễm trùng phổi). Nhà lãnh đạo Moderna kỳ vọng các loại vaccine mới sẽ thành công và được phân phối ra thị trường vào cuối năm 2023 hoặc đầu 2024.
Giám đốc điều hành công ty Moderna tại Australia và New Zealand Michael Azrak tiết lộ sau khi các vaccine mới được phê duyệt, chúng nhiều khả năng sẽ được sản xuất tại cơ sở của Moderna ở thành phố Melbourne, cùng với vaccine ngừa COVID-19 và vaccine ngừa cúm mà Moderna đã lên kế hoạch triển khai trước đó.
Tháng 12/2021, hãng dược phẩm Moderna đã ký một thỏa thuận mang tính nguyên tắc với Chính phủ Australia và chính quyền bang Victoria về việc xây dựng nhà máy sản xuất vaccine tại thành phố Melbourne, với công suất ban đầu là 25 triệu liều/năm và có thể lên tới 100 triệu liều/năm. Ngoài vaccine ngừa COVID-19, nhà máy đặt tại Australia của Moderna cũng sẽ sản xuất các loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA để chế tạo các phương thuốc điều trị ung thư và các căn bệnh hiếm gặp khác.
Thỏa thuận này có giá trị hơn 2 tỷ AUD (1,4 tỷ USD), với tham vọng đưa Australia trở thành trung tâm sản xuất vaccine cho khu vực. Đây cũng sẽ là cơ sở sản xuất vaccine duy nhất của Moderna đặt ở bên ngoài Mỹ và châu Âu. Hiện Moderna đang lựa chọn địa điểm cho cơ sở sản xuất mới này và sẽ công bố kế hoạch chi tiết trong vòng hai tháng tới, sau khi thỏa thuận được chính thức hóa.
Hàn Quốc ghi nhận hai tháng liên tiếp số ca tử vong do COVID-19 tăng cao
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, tháng 4 vừa qua là tháng có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ hai tại nước này. Báo cáo công bố ngày 22/6 cho biết số ca tử vong do COVID-19 trong tháng nói trên là 36.697, tăng 46,3% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là tháng 4 có số ca tử vong cao nhất từ trước tới nay và cao thứ 2 tính theo tháng, sau mức 44.487 ghi nhận trong tháng 3. Nguyên nhân được giới chức y tế xác định là do sự lây lan của biến thể Omicron.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Cũng theo báo cáo trên, số trẻ sinh ra trong tháng 4 là 21.124 trẻ, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2021 và là tháng giảm thứ 77 liên tiếp kể từ tháng 12/2015. Theo các nhà xã hội học, xu hướng kết hôn muộn gia tăng và số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thấp hơn là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Trong tháng 4 vừa qua, số các cặp đôi đăng ký kết hôn là 15.795 đôi, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số vụ ly hôn giảm 20,4% xuống còn 7.198 vụ.
Dịch tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ) phức tạp trở lại
Thủ đô New Delhi của Ấn Độ một lần nữa chứng kiến số ca mắc mới COVID-19 tăng mỗi ngày với hơn 1.500 ca/ngày ghi nhận được trong 4 ngày qua.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN
Thống kê chính thức công bố ngày 18/6 cho thấy trong vòng 24 giờ qua, khu vực Delhi ghi nhận 1.534 ca mắc. Trong khi đó, số ca mắc mới theo ngày trên cả nước Ấn Độ cũng cùng xu hướng này, gần chạm mức 13.000 ca vào ngày thứ hai liên tiếp. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia Nam Á này cho đến nay là 43.296.692 ca, trong đó có 524.855 ca tử vong.
Delhi từng là một trong những địa phương tại Ấn Độ chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất trong 2 năm qua với số ca mắc cao nhất và ca tử vong cao nhất.
Số ca sốt mới theo ngày tại Triều Tiên lần đầu xuống dưới 10.000 ca
Ngày 25/6, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin trong 24 giờ (tính từ 18h ngày 23/6 đến 18h ngày 24/6), Triều Tiên đã ghi nhận thêm trên 9.610 ca sốt, 12.050 trường hợp phục hồi.
Đây là lần đầu tiên số ca sốt mới theo ngày tại Triều Tiên xuống dưới 10.000 ca kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này.
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh tại một nhà máy ở Bình Nhưỡng, ngày 16/6/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh khẩn cấp quốc gia Triều Tiên, kể từ cuối tháng 4, nước này ghi nhận tổng cộng hơn 4.706.190 ca sốt, trong đó có 4.688.810 người phục hồi (chiếm tỷ lệ 99,63%) và ít nhất 71.300 người đang điều trị (0,368%).
Triều Tiên hiện đang tăng cường các biện pháp nhằm đẩy lui hoàn toàn dịch bệnh tại nước này. Các nhà sản xuất y tế trên cả nước đang tập trung nỗ lực phát triển và sản xuất các thiết bị xét nghiệm, hồi sức cấp cứu, tăng sản lượng để có thể nhanh chóng ứng phó với bất kỳ cuộc khủng hoảng y tế nào.
Ngày 12/5 vừa qua, Triều Tiên thông báo trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 ở nước này, liên quan đến dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron.
Triều Tiên lên kế hoạch tổ chức lại các đơn vị quân đội Ngày 24/6, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin hội nghị mở rộng của Quân ủy trung ương đảng Lao động Triều Tiên khóa VIII đã kết thúc sau 3 ngày làm việc, thảo luận về các chính sách quốc phòng. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa, phía xa) chủ trì hội nghị mở rộng của Ủy ban Quân sự...