COVID-19 tới 6h sáng 9/2: Thế giới vượt 400 triệu ca mắc; Mỹ có trên 2.000 ca tử vong mới
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 2 triệu ca mắc COVID-19 và trên 10.400 ca tử vong.
Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 400 triệu ca, trong đó trên 5,77 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (212.724 ca), Brazil (171.483 ca) và Nga (165.643 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (2.018 ca), Ấn Độ (1.230 ca) và Brazil (1.090 ca). Như vậy, ca tử vong mới trong 24 giờ qua ở Mỹ lại vượt mốc 2.000 ca.
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ ghi nhận nhiều ca mắc nhất với trên 78,4 triệu ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 42,4 triệu ca và Brazil với trên 26,7 triệu ca.
Hy Lạp hủy chứng nhận tiêm phòng của nhiều người chưa tiêm mũi tăng cường
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Thessaloniki, Hy Lạp, ngày 26/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Chính phủ Hy Lạp thông báo giấy chứng nhận tiêm vaccine phòng COVID-19 của 324.000 người dân chưa tiêm mũi tăng cường sẽ chính thức hết hiệu lực.
Tổng Thư ký Cơ quan Chăm sóc sức khỏe ban đầu thuộc Bộ Y tế Hy Lạp, ông Marios Themistocleous, cho biết giấy chứng nhận tiêm phòng sẽ có hiệu lực trở lại khi những người thuộc diện nói trên tiêm mũi vaccine tăng cường. Theo các quy định hiện hành ở Hy Lạp, giấy chứng nhận tiêm phòng COVID-19 có hiệu lực trong vòng 7 tháng kể từ ngày tiêm mũi thứ hai đối với những người được tiêm vaccine loại 2 liều và 3 tháng đối với những người được tiêm vaccine loại 1 liều. Các mũi vaccine tăng cường có thể được tiêm 3 tháng sau khi hoàn tất các liều tiêm phòng cơ bản.
Hy Lạp đang trải qua làn sóng dịch bệnh mới do biến thể Omicron lây lan nhanh, khiến số ca mắc mới mỗi ngày tăng cao. Theo Tổ chức Y tế công cộng quốc gia, ngày 8/2, Hy Lạp đã công bố 22.889 ca nhiễm mới COVID-19 và thêm 108 ca tử vong.
Các bang của Đức dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 2/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Giới chức y tế Đức cho biết một số bang của nước này đang lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế để phòng chống COVID-19 dù số ca mắc mới gia tăng do những lo ngại về nguy cơ biến thể Omicron gây áp lực lên hệ thống y tế đang giảm dần.
Ngày 8/2, Đức thông báo 212.724 ca nhiễm mới trong ngày, nâng tổng số ca mắc lên trên 11,4 triệu.
Các quan chức bang Bavaria ở vùng Đông Nam nước Đức cho biết chính quyền bang chuẩn bị dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ban đêm áp dụng với các nhà hàng và nới lỏng hạn chế với các sự kiện thể thao và văn hóa. Người phát ngôn của chính quyền bang Brandenburg, gần thủ đô Berlin, cho biết bang sẽ nới lỏng các hạn chế trong lĩnh vực bán lẻ và có thể cho phép những người chưa tiêm vaccine được vào các cửa hàng với điều kiện phải đeo khẩu trang. Chính quyền các khu vực khác như Saxony và Scheleswig-Holstein đã thông báo nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19 vào tuần trước.
Bộ trưởng Y tế liên bang Karl Lauterbach cho biết lãnh đạo của các bang sẽ thảo luận về quy định phòng COVID-19 trong cuộc gặp tuần tới. Ông đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng các biện pháp hạn chế sẽ được nới lỏng trước lễ Phục sinh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Lauterbach cảnh báo về một số nguy cơ khi việc nới lỏng các biện pháp được thực hiện quá nhanh trong khi tỷ lệ người dân chưa tiêm vaccine ở Đức tương đối cao.
Italy nới lỏng các quy định phòng, chống dịch bệnh
Italy từ ngày 7/2 đã bắt đầu thực thi các quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19 mới trong trường học, đảm bảo rằng nhiều học sinh được đến trường hơn, đồng thời tiến thêm một bước tới sự trở lại trạng thái bình thường sau khi số ca nhiễm mới có xu hướng giảm dần.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Turin, Italy. Ảnh: AFP/ TTXVN
Giờ đây, các lớp học sẽ chỉ chuyển sang hình thức học trực tuyến nếu có 5 học sinh bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và ngay cả trong trường hợp một lớp có 5 bệnh nhân COVID-19, những học sinh trên 12 tuổi đã tiêm liều vaccine tăng cường và không bị nhiễm bệnh vẫn có thể đến trường. Giới chuyên môn ước tính rằng các quy định mới sẽ cho phép 600.000 học sinh được trở lại trường học từ ngày 7/2.
Chính phủ Italy cũng đã loại bỏ kỳ hạn 6 tháng đối với “siêu thẻ xanh” – tài liệu chứng nhận những người đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh – đối với những người đã tiêm mũi tăng cường. Chính phủ Italy cũng giảm một nửa thời gian mà những người không tiêm vaccine phải cách ly sau khi tiếp xúc gần với một bệnh nhân COVID-19 xuống còn 5 ngày.
Cũng trong ngày 7/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Italy Andrea Costa tuyên bố kể từ ngày 11/2 tới, quốc gia châu Âu này sẽ dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở các khu vực ngoài trời trên toàn quốc. Theo Chính phủ Italy, nước này đang bước vào một “giai đoạn mới” của đại dịch COVID-19, khi tỷ lệ tiêm chủng tăng và số ca mắc mới giảm dần.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza tuyên bố Italy có 91% dân số trên 12 tuổi đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19, 88% đã tiêm đủ 2 liều và gần 35 triệu người đã được tiêm mũi tăng cường, “kết quả này cho phép chúng tôi mở ra một giai đoạn mới trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19″.
Số ca nhập viện và chăm sóc đặc biệt ở Australia tiếp tục giảm
Nhân viên y tế chuyển người già khỏi viện dưỡng lão ở Epping Melbourne, Australia khi dịch COVID-19 bùng phát tại đây. Ảnh: AFP/TTXVN
Số ca nhập viện và chăm sóc đặc biệt do mắc COVID-19 ở Australia tiếp tục giảm xuống ngày 8/2 trong bối cảnh nhà chức trách hối thúc người dân nước này tiêm mũi vaccine tăng cường.
Do biến thể Omicron, tổng số ca mắc COVID-19 ở Australia hiện đã ở mức gần 2,4 triệu người, chiếm gần 10% dân số cả nước, trong đó có khoảng 2,2 triệu ca mắc chỉ trong vòng 2 tháng qua. Việc biến thể Omicron ít gây chết người hơn so với các biến thể trước đó của virus này và tiến độ thực hiện chương trình tiêm vaccine tăng cường đã mang lại sự lạc quan cho người dân nước này với niềm tin rằng đợt bùng phát dịch bệnh mạnh nhất ở Australia có thể đã đạt đỉnh.
Thống kê cho thấy chỉ có hơn 2.000 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại các bệnh viện ở New South Wales (NSW), bang đông dân nhất và bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron ở Australia. Đó là con số thấp nhất trong 3 tuần qua.
Hong Kong (Trung Quốc) giãn cách nghiêm ngặt nhất kể từ đầu dịch
Video đang HOT
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 5/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 8/2, khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) thông báo ghi nhận 625 ca mắc COVID-19, trong đó đa số là các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp đặc khu này ghi nhận trên 600 ca mắc mới trong 1 ngày. Trước diễn biến phức tạp trên, chính quyền đặc khu đã công bố biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Phát biểu với báo giới chiều 8/2, Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cho biết từ ngày 10-24/2, đặc khu này sẽ đóng cửa các đền chùa và tiệm làm tóc. “Thẻ thông hành vaccine” sẽ được triển khai từ ngày 24/2 và địa điểm áp dụng sẽ tăng lên thành 23 địa điểm, theo đó, chỉ những người đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 mới được đến các địa điểm như đền chùa, tiệm làm tóc, trung tâm mua sắm, cửa hàng bách hóa, siêu thị, chợ…
Trước đó, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết sẽ tiếp tục giữ vững chiến lược “không COVID”, đồng thời nhấn mạnh cần thiết phải đảm bảo hệ thống y tế không quá tải, ngăn ngừa các ca tử vong trong bối cảnh làn sóng thứ 5 đang ngày càng trầm trọng, cũng như kêu gọi người dân ở nhà chống dịch.
Ngoài ra, chính quyền đã khởi động kế hoạch “Stay home safe” (ở nhà an toàn), theo đó những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 (F1) sẽ cách ly tại nhà 14 ngày trong khi người tiếp xúc với họ (F2) sẽ cách ly tại nhà 4 ngày và phải đeo vòng tay điện tử để theo dõi, tự xét nghiệm bằng các bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh.
Các nhân viên tuyến đầu, trong đó có các nhân viên vệ sinh, an ninh và các nhân viên có nguy cơ phơi nhiễm cao sẽ nhận được trợ cấp hàng tháng là 2.000 HKD cho mỗi người, trong vòng 5 tháng bắt đầu từ tháng 2. Ngoài ra, những người thất nghiệp ngắn hạn hoặc tạm thời cũng có thể được hỗ trợ một lần 10.000 HKD.
Tính đến ngày 7/2, trên 80% dân số tại Hong Kong đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, trên 70% dân số đã tiêm đủ liều cơ bản, tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vaccine ở người cao tuổi còn thấp.
13 tỉnh, thành của Nhật Bản yêu cầu gia hạn các biện pháp phòng dịch
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Nagoya,Nhật Bản, ngày 3/2/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Thủ đô Tokyo và 12 tỉnh khác của Nhật Bản, những khu vực đang trong tình trạng gần như khẩn cấp vì COVID-19, ngày 8/2 đã yêu cầu chính phủ gia hạn các biện pháp phòng dịch dự kiến hết hạn vào cuối tuần này, để ngăn chặn dịch bệnh.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết chính phủ nước này sẽ ngay lập tức xem xét những yêu cầu trên. Các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết chính phủ sẽ cân nhắc việc kéo dài các biện pháp hạn chế thêm 3 tuần kể từ cuối tuần này đối với 13 khu vực nói trên.
Nhật Bản đang phải vật lộn để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh mới do biến thể Omicron có khả năng lây lan mạnh gây ra. Các biện pháp hạn chế hiện hành bao gồm giảm giờ mở cửa các nhà hàng, quán bar cũng như yêu cầu người dân tránh đi lại không cần thiết giữa các tỉnh, thành.
Ngày 8/2, Nhật Bản thông báo ghi nhận 155 ca tử vong vì COVID-19, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay. Trong 24 giờ qua, nước này cũng có thêm hơn 100.000 ca nhiễm mới, mức mà Nhật Bản đã ghi nhận vào ngày 5/2 vừa qua.
Hàn Quốc chuyển hướng sang hệ thống phòng dịch thông thường
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 26/1/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét phương án ứng phó với dịch COVID-19 giống như ứng phó với cúm mùa nhằm đảm bảo hệ thống y tế có thể xử lý ngay cả khi số ca mắc tăng. Điều này cho thấy Hàn Quốc có ý định dần chuyển đổi sang hệ thống phòng dịch thông thường.
Trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 do biến thể Omicron đang tăng vọt lên trên 30.000 ca/ngày, Hàn Quốc đã quyết định dừng công thức “3T” áp dụng ban đầu (xét nghiệm, truy tìm và điều trị) sang áp dụng một hệ thống quản lý kiểm dịch và truy vết tiếp xúc đơn giản hơn nhiều.
Ủy ban đối sách phòng dịch trung ương thuộc Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh của Hàn Quốc (KDCA) ngày 7/2 đã công bố một loạt biện pháp mới về phòng dịch và quản lý sức khỏe cộng đồng để ứng phó với tình hình hiện tại.
Theo KDCA, số ca bệnh nặng và số ca tử vong do biến thể Omicron gây ra thấp hơn nhiều so với biến thể Delta. Phần lớn các ca nhiễm mới biến thể Omicron không có triệu chứng hoặc ở thể nhẹ. KDCA cho biết hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Hàn Quốc hiện nay tập trung điều trị như nhau đối với tất cả các ca bệnh, do vậy việc điều trị sẽ thiếu hiệu quả vì không thể tập trung cho nhóm có nguy cơ cao.
Số liệu thống kê cho thấy số ca mắc mới ghi nhận theo ngày ở Hàn Quốc hiện đã tăng gấp khoảng 5 lần, song số ca bệnh nặng chỉ bằng 25% so với số ca bệnh nặng kỷ lục ghi nhận ngày 29/12/2021. Số ca bệnh nặng duy trì ở mức khoảng 200 ca trong một tuần trở lại đây. Công suất giường bệnh viện dành cho bệnh nhân COVID-19 thể nặng là khoảng 80% vào tháng 12/2021 và hiện giảm xuống còn khoảng 20%.
Nhiều bang tại Mỹ bỏ quy định đeo khẩu trang tại trường học
Học sinh đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại trường học ở Miami, Mỹ, ngày 18/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Hai bang Delaware và New Jersey của Mỹ sẽ bỏ quy định đeo khẩu trang tại trường học vào tháng 3 tới, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại các bang này có xu hướng giảm.
Ngày 7/2, Thống đốc bang New Jersey Phil Murphy đã ra thông báo về việc bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc tại trường học từ ngày 7/3 tới. Trong khi đó, Thống đốc bang Delaware John Carney cho biết các quy định về đeo khẩu trang ở các trường công lập và tư thục từ bậc tiểu học và trung học cũng như các cơ sở chăm sóc trẻ em sẽ hết hạn vào cuối tháng 3 tới.
Trong những tuần gần đây, các yêu cầu về việc đeo khẩu trang tại trường học đã được dỡ bỏ ở hai bang Pennsylvania và Maryland, trong khi bang Massachusetts hiện cho phép các học khu – nơi 80% học sinh và nhân viên đã được tiêm chủng – không phải đeo khẩu trang. Trong khi đó, Thống đốc bang Connecticut Ned Lamont cũng có kế hoạch thảo luận về việc chấm dứt yêu cầu đeo khẩu trang tại trường học. Tại California, Thống đốc Gavin Newsom đang xem xét sửa đổi quy định đeo khẩu trang tại trường học.
Dù quy định đeo khẩu trang tại trường học tiếp tục được áp dụng tại nhiều bang khác của Mỹ như Washington, Oregon, Nevada và New Mexico, song một số chuyên gia dự báo tình hình có thể thay đổi trong thời gian tới.
Cuba ghi nhận số ca mắc mới thấp nhất trong một tháng
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Havana, Cuba, ngày 17/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 8/2, Bộ Y tế Cuba cho biết nước này ghi nhận trong vòng 24 giờ qua 1.018 ca mắc COVID-19 mới, con số thấp nhất kể từ ngày 5/1, trước khi đợt dịch hiện tại bùng phát.
Các nhà khoa học Cuba cho rằng đảo quốc Caribe này đã trải qua đỉnh dịch và số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục giảm nhanh chóng.
Trong báo cáo mới nhất, Bộ Y tế Cuba cho biết gần 10 triệu người dân nước này, tương đương 88% dân số, đã được tiêm chủng đầy đủ ngừa COVID-19, trong khi hơn 10,5 triệu trên tổng số 11,3 triệu dân nước này đã được bảo vệ với ít nhất một liều vaccine, đưa Cuba trở thành quốc gia có tỷ lệ dân số được tiêm ngừa COVID-19 cao nhất khu vực Mỹ Latinh và đứng thứ ba trên thế giới, sau Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bồ Đào Nha.
Kể từ khi phát hiện ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên hồi tháng 3/2020, Cuba đã ghi nhận tổng cộng 1.055.927 ca COVID-19 và 8.447 trường hợp tử vong.
COVID-19 tới 6h sáng 16/1: Thế giới vượt 326 triệu ca mắc; Mỹ cập nhật hướng dẫn đeo khẩu trang
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 2 triệu ca mắc COVID-19 và trên 5.100 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 326 triệu ca, trong đó trên 5,55 triệu ca tử vong.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho phụ nữ mang thai tại London, Anh, ngày 25/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Pháp (324.580 ca), Ấn Độ (268.999 ca) và Italy (180.426 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (723 ca), Mỹ (649 ca) và Ba Lan (429 ca).
Nhìn chung, với trên 2 triệu ca mắc mới trong 24 giờ qua, số ca mắc mới trên toàn cầu vẫn ở mức cao.
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ vẫn là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất với trên 66,3 triệu ca, tiếp đó là Ấn Độ với 37,1 triệu ca mắc và Brazil với trên 22,9 triệu ca mắc.
Số ca mắc mới COVID-19 tại Philippines tăng cao kỷ lục ngày thứ 3 liên tiếp
Ngày 15/1, Bộ Y tế Philippines thông báo biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang lây lan trong cộng đồng ở vùng thủ đô Manila, trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tăng cao kỷ lục trong ngày thứ 3 liên tiếp.
Phát biểu họp báo trực tuyến, Thứ trưởng Y tế Philippines - bà Maria Rosario Vergeire, cho biết biến thể Omicron đang lan rộng trong cộng đồng ở vùng thủ đô Manila, khu vực gồm 16 thành phố với dân số hơn 13 triệu người. Bà Vergeire cảnh báo số ca mắc mới COVID-19 có thể đạt đỉnh trong thời gian từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 tới.
Theo Bộ Y tế Philippines, trong ngày 15/1, nước này ghi nhận 39.004 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất từ trước đến nay. Số ca đang phải điều trị cũng tăng kỷ lục với 280.813 ca. Philippines hiện là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao thứ 2 ở Đông Nam Á (sau Indonesia), với hơn 3,16 triệu ca mắc và gần 53.000 ca tử vong.
Indonesia ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất trong vòng 3 tháng
Indonesia ngày 15/1 thông báo ghi nhận 1.054 ca mắc mới COVID-19 - mức cao nhất trong vòng 3 tháng.
Tháng 7/2021, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới đã chật vật đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ 2, chủ yếu do sự lây lan của biến thể Delta. Sau đó, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này đã giảm xuống còn khoảng 200 ca mỗi ngày vào tháng 12/2021. Tuy nhiên, trong tháng này, số ca mắc mới tại quốc gia Đông Nam Á lại tăng cao trở lại do biến thể Omicron lây lan trong cộng đồng.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết đã phát hiện lây nhiễm Omicron cộng đồng và Jakarta là địa phương có số ca nhiễm nhiều nhất. Hiện nhà chức trách Indonesia đang phối hợp chặt chẽ nhằm siết chặt hoạt động đi lại, tăng cường y tế, tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19.
Indonesia ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron vào ngày 16/12/2021. Đến nay, nước này đã có tới hơn 500 ca nhiễm biến thể mới có khả năng lây lan nhanh. Giới chức Indonesia dự báo tỷ lệ lây nhiễm Omicron ở nước này có thể đạt đỉnh vào tháng 2 tới.
Nhật Bản vượt ngưỡng 25.000 ca mắc mới/ngày
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản, ngày 10/1/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Tình hình dịch COVID-19 cũng đang diễn biến phức tạp ở Nhật Bản khi số ca mắc mới trong ngày 15/1 vượt ngưỡng 25.000 ca kể từ ngày 26/8/2021. Như vậy, đến nay nước này ghi nhận hơn 1,83 triệu ca mắc COVID-19 và 18.423 ca tử vong.
Thời gian qua, số ca mắc mới COVID-19 tại nhiều khu vực ở Nhật Bản đã chạm các mốc cao kỷ lục do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron. Đáng chú ý, tại tỉnh Okinawa - nơi đặt phần lớn căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản (70%), 1.829 ca mắc mới đã được ghi nhận trong ngày 15/1, mức cao nhất từ trước đến nay. Thống đốc tỉnh Okinawa, ông Denny Tamaki, trước đó đã chỉ trích những hạn chế trong công tác kiểm soát dịch bệnh tại các căn cứ quân sự của Mỹ khiến biến thể Omicron lan rộng ra các cộng đồng địa phương.
Nhật Bản mới đây đã siết chặt các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 tại 3 tỉnh đặt các căn cứ quân sự của Mỹ. Kể từ tháng 11/2021, Nhật Bản áp dụng lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài, song binh sĩ Mỹ vẫn được phép ra vào nước này với điều kiện phải thực hiện xét nghiệm và cách ly.
Myanmar phát hiện thêm 10 ca nhiễm biến thể Omicron
Trong ngày 15/1, Bộ Y tế Myanmar đã ghi nhận thêm 10 ca nhiễm biến thể Omicron, qua đó đưa tổng số trường hợp nhiễm loại biến thể này tại Myanmar lên 76 người.
Thông báo của Bộ Y tế Myanmar cho hay trong số 10 ca bệnh trên có 8 người nhập cảnh từ Ấn Độ - bao gồm 5 công dân Myanmar và 3 người nước ngoài. Hai trường hợp còn lại là những thành viên trong một gia đình có tiếp xúc gần với bệnh nhân trước đó đã được xác định nhiễm biến thể Omicron.
Số bệnh nhân COVID-19 nặng tại Israel tăng cao nhất trong 3 tháng
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại Modiin, Israel, ngày 12/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ Y tế Israel cho biết, tính đến ngày 14/1, số bệnh nhân COVID-19 nặng tại nước này đã tăng lên 306 bệnh nhân, trong đó 86 bệnh nhân rất nặng và 76 bệnh nhân phải thở máy.
Trong số 306 bệnh nhân trở nặng nói trên có 125 người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 và 32 người chưa tiêm mũi tăng cường. Nếu tính theo tỷ lệ dân số, người trên 60 tuổi chiếm 6% số người chưa tiêm phòng nhưng chiếm tới 35% số ca nặng.
Kể từ đầu tháng này, Israel bắt đầu triển khai tiêm bổ sung mũi vaccine thứ 4 ngừa COVID-19 cho người lớn tuổi và có nguy cơ cao. Tính đến nay đã có trên 500.000 người dân nước này tiêm vaccine mũi thứ 4. Tuy nhiên, số ca mắc mới COVID-19 vẫn đang ở mức rất cao, trên 40.000 ca/ngày (trên tổng dân số khoảng 9,5 triệu người).
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Israel Avigdor Lieberman ngày 15/1 đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và sẽ phải tự cách ly tại nhà, song ông vẫn tiếp tục thực hiện các công việc từ xa.
Pháp phê duyệt vaccine của hãng Novavax
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở ngoại ô Paris, Pháp ngày 29/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 14/1, Cơ quan Y tế quốc gia Pháp (HAS) đã chính thức phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 của công ty công nghệ sinh học Novavax của Mỹ.
Theo HAS, dữ liệu từ các nghiên cứu khác nhau cho thấy vaccine Nuvaxovid có hiệu quả cao, giúp giảm tới 90% các triệu chứng và có thể ngăn ngừa bệnh nặng lên đến gần 100%. Loại vaccine này có thể sử dụng để tiêm cho những người từ 18 tuổi trở lên, với khoảng cách giữa liều thứ nhất và liều thứ hai là 3 tuần.
HAS cho biết thêm vaccine Novaxovid có thể sử dụng cho những người chưa tiêm liều vaccine nào hoặc không thể tiêm vaccine theo công nghệ mRNA. Dự kiến, Pháp sẽ nhận lô vaccine Novaxovid đầu tiên vào cuối tháng 1, theo đó nước này có thể triển khai tiêm từ tháng 2 tới. Theo kế hoạch, Pháp sẽ nhận được 3,2 triệu liều vaccine Novaxovid trong quý I/2022.
Đến nay, Pháp đã cấp phép lưu hành 5 loại vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson và Novavax.
CDC Mỹ cập nhật hướng dẫn về việc đeo khẩu trang
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 29/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã cập nhật hướng dẫn người dân đeo khẩu trang để ngăn chặn sự tấn công của virus SARS-CoV-2. Theo đó, cơ quan này cho biết một số loại khẩu trang có khả năng bảo vệ người dân khỏi sự tấn công của virus SARS-CoV-2 cao hơn, đồng thời đưa ra một số chỉ dẫn mà người tiêu dùng cần lưu ý.
Trong một tuyên bố, CDC Mỹ nêu rõ khẩu trang là công cụ quan trọng ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 và nhấn mạnh dù đeo khẩu trang loại nào cũng tốt hơn là không đeo.
Trong hướng dẫn cập nhật, CDC Mỹ khuyến nghị người dân đeo loại khẩu trang có khả năng bảo vệ tốt nhất đó là đeo khít mặt và thường xuyên. Hướng dẫn mới nêu rõ một số loại khẩu trang có mức độ bảo vệ cao hơn khiến một số người có thể cảm thấy khó chịu hoặc khó đeo hơn loại khác. Điều quan trọng nhất là người dân cần đeo khẩu trang vừa với mặt, cảm thấy thoải mái và có khả năng bảo vệ tốt.
Cũng theo CDC Mỹ, các sản phẩm khẩu trang làm bằng vải dệt thưa cung cấp sự bảo vệ thấp hơn các sản phẩm dệt mịn nhiều lớp. Khẩu trang phẫu thuật và KN95 cung cấp sự bảo vệ tốt hơn và các loại khẩu trang đeo khít mặt được Viện Quốc gia về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp phê duyệt, trong đó có N95, cung cấp sự bảo vệ cao nhất cho người dùng trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Evanston, Illinois, Mỹ, ngày 4/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Hướng dẫn cập nhật nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng khẩu trang có khả năng bảo vệ tốt hơn trong những điều kiện nguy cơ cao hoặc đối với những người có nguy cơ diễn tiến nặng nếu mắc bệnh, trong đó có những người đang phải chăm sóc người mắc COVID-19; khi đi máy bay hoặc phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt trong thời gian dài; làm việc tại nơi phải tiếp xúc với nhiều người; chưa tiêm tăng cường vaccine ngừa COVID-19, có nguy cơ mắc bệnh nặng do hệ miễn dịch yếu.
CDC Mỹ vẫn không khuyến khích đeo khẩu trang cho trẻ em dưới 2 tuổi, song khuyến nghị tất cả giáo viên, học sinh và những người đến trường học cần đeo khẩu trang trong không gian kín, bất kể tình trạng tiêm chủng hoặc tỷ lệ lây nhiễm của khu vực.
CDC Mỹ cũng đề nghị người dân dành khẩu trang N95 sử dụng trong phẫu thuật cho các nhân viên y tế. CDC Mỹ cập nhật hướng dẫn đeo khẩu trang lần gần đây nhất vào tháng 10/2021.
Mỹ đang đứng đầu về cả số ca mắc và tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới. Hiện nước này cũng đang phải đối phó với làn sóng lây nhiễm mới dịch COVID-19 do sự lây lan của biến thể Omicron. Theo giới chuyên gia, tình hình dịch bệnh càng phức tạp hơn do nhiều người dân không tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Brazil bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 của hãng dược AstraZeneca cho người dân tại Belo Horizonte, bang Minas Gerais, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN
Brazil đã bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi sau khi được giới chức y tế nước này cấp phép cách đây một tháng. Theo đó, hơn 20 triệu trẻ em tại Brazil đủ điều kiện để tiêm vaccine, miễn là có sự đồng ý của phụ huynh. Brazil sử dụng vaccine của hãng Pfizer/BioNTech để tiêm cho nhóm đối tượng này. Những người bản địa và trẻ em có nguy cơ cao là những nhóm ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Theo số liệu chính thức của Bộ Y tế Brazil, trên 300 trẻ em từ 5-11 tuổi đã tử vong vì COVID-19, trong tổng số khoảng 620.000 người không qua khỏi vì đại dịch tại nước này. Số ca nhiễm mới tại Brazil đã tăng mạnh kể từ khi biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 xuất hiện vào cuối tháng 11/2021. Ngày 14/1, Brazil ghi nhận 112.286 ca nhiễm mới, gần bằng mức kỷ lục (115.228 ca) ghi nhận ngày 23/6/2021, thời điểm nước này chao đảo vì làn sóng thứ 3 của đại dịch.
Châu Phi ghi nhận trên 10 triệu ca mắc COVID-19
Tiêm vaccine phòng COVID-19 của Johnson & Johnson cho nhân viên y tế tại Pretoria, Nam Phi ngày 17/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho biết châu lục này đã ghi nhận trên 10,4 triệu ca mắc COVID-19. Toàn châu lục với 55 quốc gia đã ghi nhận 234.096 ca tử vong.
Những quốc gia có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất trong châu lục gồm Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ethiopia và Ai Cập. Xét về khu vực, khu vực phía Nam châu Phi chịu ảnh hưởng nhiều nhất, tiếp theo là Bắc Phi và Đông Phi. Trung Phi ít bị ảnh hưởng nhất.
CDC Châu Phi cảnh báo nhiều quốc gia trong khu vực đang đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4. Những nước đang có dấu hiệu dịch tăng nhanh gồm có Maroc, Ethiopia, Tunisia, Zambia, Libya, Algeria...
Thế giới ghi nhận 394,6 triệu ca mắc, 5,7 triệu ca tử vong do COVID-19 Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 6/2 theo giờ Việt Nam, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 394.686.439 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 5.754.420 ca tử vong. Số người đã bình phục là 313.423.604, trong khi có 90.851 ca phải điều trị tích cực. Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại...