COVID-19 tới 6h sáng 7/5: Thế giới thêm 1.700 ca tử vong; Thượng Hải kiểm soát thành công sóng dịch
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 465.000 ca mắc COVID-19 và trên 1.700 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 516 triệu ca, trong đó trên 6,27 triệu ca tử vong.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (86.026 ca), Mỹ (49.615 ca) và Italy (43.947 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (258 ca), Anh (228 ca) và Mỹ (141 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 83,4 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,02 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 523.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 30,5 triệu ca mắc và trên 664.000 ca tử vong.
Số ca mắc mới COVID-19 tại Hàn Quốc giảm xuống mức 20.000
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận ngày 6/5 tại Hàn Quốc đã giảm xuống mức 20.000 ca, so với mức trên 40.000 ca một ngày trước đó, trong bối cảnh nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế để tiến tới trở lại trạng thái bình thường trước khi dịch bùng phát.
Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này có thêm 26.714 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 28 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca mắc lên 17.464.782 ca. Con số này giảm đáng kể so với 42.296 ca mắc mới ghi nhận ngày 5/5 và 50.556 ca một tuần trước. Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 48 ca tử vong do COVID-19, nâng số bệnh nhân không qua khỏi vì dịch bệnh này lên 23.206 người. Tỷ lệ tử vong là 0,13%.
Tính đến ngày 6/5, đã có 44,55 triệu người tại Hàn Quốc, tương đương 86,8% dân số, đã tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 và 33,16 triệu người đã được tiêm mũi nhắc lại đầu tiên; 2,6 triệu người đã tiêm mũi nhắc lại lần hai (mũi thứ tư).
Trung Quốc: Thượng Hải đã kiểm soát thành công làn sóng dịch COVID-19 tồi tệ nhất
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Thành phố Thượng Hải ngày 6/5 cho biết đã kiểm soát hiệu quả làn sóng dịch COVID-19 tồi tệ nhất Trung Quốc sau 1 tháng phong tỏa gần 25 triệu dân. Chính quyền thành phố cam kết duy trì chiến lược “Không COVID” bất chấp cái giá phải trả về kinh tế đang ngày càng lớn.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Thị trưởng Thượng Hải, ông Ngô Thanh (Wu Qing) cho biết số ca nhiễm mới tại trung tâm tài chính này đã giảm liên tiếp kể từ ngày 22/4. Ông Ngô Thanh cho biết: “Hiện tình hình phòng và kiểm soát dịch bệnh của thành phố đã được cải thiện và dịch bệnh đã được kiểm soát hiệu quả”. Ông cũng nhấn mạnh vẫn có nguy cơ dịch tái bùng phát và thành phố Thượng Hải chưa thể bỏ chiến lược “Không COVID năng động”.
Virus SARS-CoV-2 đã được xác định lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc cuối năm 2019. Chiến lược mà Trung Quốc áp dụng để chiến đấu chống dịch – gồm xét nghiệm hàng loạt, cách ly nghiêm ngặt và phong tỏa không ngoại lệ – đang đe dọa mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% trong năm nay.
Hiện khoảng 2,3 triệu cư dân Thượng Hải vẫn đang ở trong các khu vực có nguy cơ cao và bị phong tỏa, 16,67 triệu người khác đang ở các “vùng phòng vệ” có nguy cơ thấp hơn, đồng nghĩa với việc về lý thuyết họ có thể ra khỏi nhà.
Thượng Hải đã ghi nhận 4.024 ca nhiễm mới không triệu chứng trong ngày 5/5, giảm so với 4.390 ca ngày 4/5. Số ca mắc COVID-19 có triệu chứng là 245 ca, giảm so với 261 ca trước đó một ngày. Số ca tử vong giảm từ 13 xuống còn 12 ca.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 5/5/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc đã bước sang một giai đoạn mới trong ứng phó với đại dịch COVID-19 với các biện pháp phản ứng nhanh chóng và can thiệp sớm để ngăn ngừa biến thể Omicron rất dễ lây lan và khó nắm bắt.
Phát biểu với báo giới ngày 6/5 tại thủ đô Bắc Kinh, ông Liang Wannian, người đứng đầu nhóm chuyên gia về COVID-19 của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, cho biết trong giai đoạn mới chống dịch này, bắt đầu từ tháng 3, chính quyền thực hiện các biện pháp kiên quyết và nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây nhiễm trong cộng đồng, bao gồm quản lý các nguồn lây nhiễm, cắt đứt các chuỗi lây truyền và bảo vệ các nhóm cư dân dễ bị tổn thương. Ngoài ra, sẽ có thêm nhiều bệnh viện, nhiều cơ sở được chuyển đổi công năng thành nơi chăm sóc y tế và các khu cách ly được lập ra để sẵn sàng phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát tại các địa điểm hoặc cơ sở đông dân cư như viện dưỡng lão cho người cao tuổi.
Hiện các cơ quan chức năng Trung Quốc đang thiết lập hàng nghìn điểm xét nghiệm PCR tại các thành phố lớn. Riêng tại Thượng Hải – trung tâm tài chính và thương mại lớn của Trung Quốc đại lục, đã có 9.000 điểm xét nghiệm được thiết lập và có 5.000 điểm đã đi vào hoạt động. Các điểm xét nghiệm được đặt tại khu dân cư, công viên, tòa nhà văn phòng, lối vào ga tàu hỏa hoặc trạm tàu ngầm. Mỗi người sẽ mất 15 phút làm xét nghiệm.
Nhiều thành phố khác của nước này cũng sẽ thực hiện các biện pháp tương tự Thượng Hải để kiểm soát dịch bệnh.
Indonesia đánh giá để chuẩn bị chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu
Video đang HOT
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Surabaya, East Java, Indonesia, ngày 26/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Chính phủ Indonesia cho biết sẽ xem xét chuyển từ giai đoạn đại dịch COVID-19 sang giai đoạn bệnh đặc hữu dựa vào kết quả đánh giá tình hình dịch bệnh trong kỳ nghỉ lễ kéo dài Eid Al-Fitr kết thúc ngày 8/5 tới.
Thông tin trên được ông Abraham Wirotomo – quan chức Văn phòng Tham mưu Tổng thống, đưa ra sau khi chính phủ nước này thông báo đã chuẩn bị các kế hoạch để chuyển từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn bệnh dịch đặc hữu.
Phát biểu họp báo, ông Abraham cho biết Chính phủ Indonesia sẽ chờ đánh giá về tình hình dịch bệnh một vài tuần sau lễ Eid Al-Fitr. Ông bày tỏ hy vọng số ca mắc mới của Indonesia sẽ không gia tăng như ở các quốc gia khác.
Ông Abraham cho biết đại dịch COVID-19 ở Indonesia đã nằm trong tầm kiểm soát 7 tuần qua, với tỷ lệ lây nhiễm (Rt) ở dưới mức 1 và số ca mắc mới liên tục giảm.
Riêng trong ngày 6/5, Indonesia chỉ ghi nhận 245 ca mắc mới và 17 ca tử vong.
Phần Lan mở rộng đối tượng tiêm mũi vaccine thứ tư
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Espoo, Phần Lan, ngày 18/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Viện Y tế và Phúc lợi xã hội Phần Lan (THL) khuyến cáo các chính quyền địa phương triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi thứ tư cho những người đang được chăm sóc tại nhà, cũng như những người cao tuổi bị suy giảm miễn dịch.
ADVERTISING
X
THL nêu rõ khuyến cáo trên căn cứ vào cơ sở dữ liệu theo dõi cập nhật về COVID-19 và hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine cũng như ý kiến của Nhóm Chuyên gia vaccine. Trước đó, cơ quan chức năng khuyến cáo tiêm vaccine mũi thứ tư cho những người trên 12 tuổi bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng, những người trên 80 tuổi và tất cả những người cao tuổi sống trong viện dưỡng lão.
Tại Phần Lan, 87,5% số người trên 18 tuổi đã được tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, trong khi khoảng 51% số người trên 80 tuổi đã được tiêm mũi thứ tư, cách mũi thứ ba 3 tháng.
Giám đốc nghiên cứu tại THL, bà Merit Melin cho biết các liều vaccine tăng cường cho thấy lợi ích về sức khỏe rõ ràng hơn trong các đợt bùng phát dịch bệnh so với giai đoạn hiện nay khi số ca mắc mới COVID-19 giảm dần. Số liệu thống kê cho thấy số ca mắc mới COVID-19 tại quốc gia Bắc Âu này tiếp tục giảm trong 5 tuần liên tiếp, song số ca tử vong lại tăng. Trong 2 tuần cuối tháng 4 vừa qua, đã có 600 người cần chăm sóc tại các bệnh viện chuyên khoa, 38 người cần chăm sóc tích cực và 474 người đã tử vong. THL dự báo số ca mắc mới COVID-19 tăng trở lại vào mùa Thu và hối thúc các cơ quan dịch vụ y tế chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với đợt dịch mới.
Australia thử nghiệm tiêm mũi tăng cường phòng COVID-19 liều thấp
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Sydney, Australia ngày 17/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Một cuộc thử nghiệm lâm sàng đối với tiêm mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19 liều lượng thấp quy mô toàn cầu chuẩn bị được triển khai ở bang Victoria của Australia. Cuộc thử nghiệm này nhằm củng cố hệ miễn dịch, giúp giảm các tác dụng phụ và đảm bảo nguồn cung vaccine dồi dào.
Theo kế hoạch, sẽ có 3.800 tình nguyện viên từ các nước Australia, Indonesia, Mông Cổ tham gia chương trình thử nghiệm mũi tăng cường liều thấp quy mô lớn này. Trong khi đó, theo thông báo ra ngày 6/5 của Viện Nghiên cứu trẻ em Murdoch (MCRI), cuộc thử nghiệm sắp diễn ra này sẽ có sự tham gia của 800 tình nguyện viên tại bang Victoria.
Đại diện của MCRI cho biết chương trình này sẽ tiêm vaccine của hãng Pfizer/BioNTech với liều lượng 15 microgram, giảm một nửa so với liều lượng ban đầu là 30 microgram. Đối với vaccine của hãng Moderna, liều lượng sẽ là 20 microgram thay vì 50 microgram. Sau khi tiêm chủng, những tình nguyện viên buộc phải thực hiện xét nghiệm máu 4 lần nhằm đánh giá mức độ kháng thể. Toàn bộ kết quả xét nghiệm sẽ được đăng tải trên hệ thống theo dõi trực tuyến trong 7 ngày và những người tham gia sẽ nhận được các cuộc gọi để tư vấn về các phản ứng phụ mà họ gặp phải.
Giáo sư Kim Mulholland, phụ trách chương trình thử nghiệm, khẳng định tầm quan trọng của chương trình trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với tình trạng hệ miễn dịch suy giảm theo thời gian. Ông nhấn mạnh cuộc thử nghiệm này sẽ đánh giá cách thức tốt nhất để tiêm các mũi tăng cường cho người dân và khoảng cách giữa các mũi tăng cường sau này. Giáo sư Mulholland nói thêm cuộc thử nghiệm này không chỉ cho phép các nước đảm bảo nguồn cung vaccine và giảm chi phí, mà còn có thể hiểu hơn về các phản ứng phụ trong trường hợp tiêm liều lượng thấp. Chương trình thử nghiệm của MCRI cũng sẽ đánh giá liệu mũi tiêm vaccine cơ bản và mũi vaccine tăng cường của hai hãng khác nhau có tạo ra kháng thể mạnh hơn hay không.
Dự án thử nghiệm trên nhận được sự tài trợ của Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) với số tiền 12,3 triệu AUD (khoảng 8,8 triệu USD).
COVID-19 tới 6h sáng 5/5: Thế giới vượt 515 triệu ca mắc; Lo ngại về biến thể phụ của Omicron
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 556.000 ca mắc COVID-19 và 1.644 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 515 triệu ca, trong đó trên 6,26 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (166.960 ca), Hàn Quốc (49.038 ca) và Pháp (47.925 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Anh (227 ca), Đức (222 ca) và Mỹ (164 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 83 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,02 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 523.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 30 triệu ca mắc và trên 663.000 ca tử vong.
Mỹ lo ngại về các biến thể phụ của Omicron
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Một biến thể phụ mới dễ lây lan của Omicron đang lan rộng trên toàn nước Mỹ trong bối cảnh số ca mắc ở nước này đang tăng trở lại.
Theo dữ liệu được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố ngày 3/5, biến thể phụ mới của Omicron được gọi là BA.2.12.1 đã gây ra 36,5% số ca mắc mới ở nước này trong tuần kết thúc vào ngày 30/4, tăng so với 26,6% một tuần trước đó và tăng so với 16,7% hai tuần trước đó.
Một số khu vực ở Mỹ như vùng Northeast, đang ghi nhận nhiều ca mắc do BA.2.12.1 gây ra nhiều hơn so với các biến thể phụ khác. Cơ quan Y tế bang New York lần đầu tiên thông báo sự xuất hiện của biến thể phụ BA.2.12.1 vào giữa tháng 4 và đến ngày 23/4, biến thể này gây ra 41,6% số ca mắc COVID-19 trên toàn bang.
Giám đốc CDC Rochelle Walensky cho biết biến thể phụ BA.2.12.1 dường như có khả năng lây lan cao hơn 25% so với biến thể phụ BA.2. Hiện CDC đang tiến hành đánh giá tìm hiểu thêm về tác động của biến thể phụ này đối với tính hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19.
Ngoài BA.2.12.1, hai biến thể phụ mới khác của Omicron là BA.4 và BA.5 cũng đã xuất hiện tại Mỹ, làm tăng nguy cơ tái nhiễm ở những người đã nhiễm các biến thể phụ trước đó của Omicron.
Người đứng đầu khoa dịch tễ học thuộc Đại học California, thành phố Los Angeles (Mỹ), Zhang Zuofeng nêu rõ: "Các biến thể phụ BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan hơn so với biến thể phụ BA.1 và BA.2 cũng như có khả năng trốn hệ miễn dịch". Do vậy, những người chưa tiêm vaccine mà đã nhiễm biến thể Delta, hoặc các biến thể phụ trước đây của Omicron là BA.1 và BA.2 có nguy cơ tái nhiễm cao. Tuy nhiên, do virus nằm ở đường hô hấp trên và gây ra ít nhiễm vào phổi, nên sẽ có ít tác động gây ra bệnh trở nặng và tử vong.
Hiện chỉ có một số ít các ca mắc COVID-19 tại Mỹ là do biến thể phụ BA.4 và BA.5. Theo ông Zhang, hai biến thể phụ mới này có thể gây ra số ca mắc gia tăng tại Mỹ, song không giống như làn sóng dịch bệnh do biến thể gốc Omicron gây ra vào tháng 1.
Mỹ ghi nhận trung bình khoảng 60.000 ca mắc mới và 320 ca tử vong/ngày kể từ ngày 3/5, so với 25.000 ca mắc mới/ngày hồi đầu tháng 4.
EU khuyến nghị không nên chủ quan trước đại dịch COVID-19
Ngày 4/5, Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách vấn đề Y tế và an toàn thực phẩm Stella Kyriakides cho rằng đại dịch COVID-19 vừa bước sang giai đoạn mới nhưng chưa phải giai đoạn kết thúc.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em tại Berlin, Đức ngày 8/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh Broadcasting Corporation của CH Cyprus, bà Stella Kyriakides nêu rõ Ủy ban châu Âu (EC) đã tuyên bố giai đoạn mới của đại dịch COVID-19, nhưng đây chưa phải là giai đoạn kết thúc. Bình luận về việc hầu hết các nước EU đã dỡ bỏ hoặc nới lỏng phần lớn các biện pháp hạn chế phòng dịch, bà Stella Kyriakides thận trọng khuyến nghị các nước thành viên không nên vội chủ quan trước dịch bệnh, cảnh báo luôn có nguy cơ xuất hiện đợt bùng phát mới.
Những bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh một số nước EU đã bước vào làn sóng dịch bệnh thứ 5 trong khi các nhà khoa học cảnh báo một đợt dịch mới trên toàn thế giới có thể xảy ra. Hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang chú ý tới những dòng phụ của biến thể Omicron và quan ngại khả năng xảy ra đợt bùng phát dịch bệnh mới trên toàn cầu.
Bà Kyriakides cho biết EC đang lo ngại trước thực tế rằng vẫn còn 90 triệu người tại các nước EU chưa tiêm phòng và tình trạng nhiều người còn do dự chưa đi tiêm mũi tăng cường sau khi các nước nới lỏng hạn chế. Bà cho rằng những người này có nguy cơ mắc COVID-19 và trở thành nhân tố góp phần gây ra một làn sóng dịch bệnh mới.
Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) tạm ngừng nhiều hoạt động vận tải hành khách để phòng dịch COVID-19
Ngày 4/5, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã đóng cửa hàng chục ga tàu điện ngầm và tạm ngừng hoạt động các tuyến xe buýt nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan và tránh nguy cơ phải phong tỏa như thành phố Thượng Hải.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 25/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Các nhà cung cấp dịch vụ vận tải hành khách ở Bắc Kinh cho biết chính quyền thành phố đã đóng cửa hơn 40 ga tàu điện ngầm, tương đương 10% tổng số nhà ga trong hệ thống, và tạm ngừng vận hành 158 tuyến xe buýt. Phần lớn ga tàu điện ngầm và tuyến xe buýt bị đình chỉ nằm ở quận Triều Dương (Chaoyang), tâm dịch COVID-19 ở Bắc Kinh.
Trước đó, thành phố Bắc Kinh với 22 triệu dân đã đóng cửa các trường học, cũng như một số cơ sở kinh doanh và tòa chung cư ở các khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19.
Với hàng chục ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày, Bắc Kinh đang cố tránh kịch bản phải phong tỏa toàn phần như Thượng Hải, đồng thời hy vọng có thể phát hiện, cách ly và khoanh vùng COVID-19 thông qua chiến dịch xét nghiệm đại trà.
Trong tuần này, 12/16 quận của Bắc Kinh triển khai đợt xét nghiệm diện rộng thứ 2, sau khi hoàn thành 3 đợt xét nghiệm diện rộng vào tuần trước với khoảng 21,8 triệu cư dân được xét nghiệm.
Cũng trong ngày 4/5, chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã kêu gọi người cao tuổi tiếp tục thực hiện xét nghiệm COVID-19 thường xuyên khi vùng này dần nới lỏng các biện pháp giãn cách và khôi phục các hoạt động xã hội.
Chính quyền Hong Kong đã phân phối bộ xét nghiệm nhanh (RAT) cho những người từ 60 tuổi trở lên từ ngày 19/4 để khuyến khích tự thực hiện xét nghiệm. Đến ngày 2/5, khoảng 2 triệu bộ xét nghiệm nhanh đã được phân phối tại Hong Kong. Giới chức Y tế đặc khu đánh giá người cao tuổi có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn, việc xét nghiệm thường xuyên bằng các bộ xét nghiệm nhanh sẽ giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời, ngăn bệnh tiến triển nặng hoặc tử vong.
Giới chức y tế Hong Kong khuyến nghị người già đã tiêm đủ liều cơ bản vaccine phòng bệnh vẫn nên xét nghiệm nhanh ít nhất 1 lần/tuần, trong khi những người chưa tiêm đủ cần xét nghiệm ít nhất 3 lần/tuần. Chính quyền đặc khu sẽ tiếp tục phân phối các bộ xét nghiệm nhanh thông qua các cơ sở dịch vụ dành cho người cao tuổi đến cuối tháng 5.
Số ca mắc mới COVID-19 tại Hàn Quốc giảm
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 1/5/2022. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Hàn Quốc ngày 4/5 ghi nhận số ca mắc mới giảm xuống dưới 50.000 ca, trong bối cảnh nước này đã dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang ngoài trời nhằm đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường như trước đại dịch.
Theo Cơ quan phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh của Hàn Quốc (KDCA), nước này ghi nhận thêm 49.064 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc đến nay lên 17.395.791 ca. Hàn Quốc cũng có thêm 72 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số lên 23.079 ca.
Giới chức Lào khuyến khích người dân tiêm mũi tăng cường
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại nhà ga tàu hỏa ở Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN
Giới chức y tế Lào mới đây khuyến nghị người dân tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 nhằm củng cố hệ miễn dịch và đáp ứng tiêu chí cần để có thể xin cấp phép xuất cảnh.
Ngày 4/5, nhật báo Vientiane Times đăng bài viết nhấn mạnh tiêm mũi tăng cường (mũi thứ ba hoặc mũi thứ tư) là yêu cầu đối với việc xin cấp phép ra nước ngoài.
Phó Tổng cục trưởng Cục Kiểm soát bệnh truyền nhiễm trực thuộc Bộ Y tế Lào, bà Phonepaserd Sayamoungkhoun, nhấn mạnh bất kỳ trường hợp nào nộp đơn xin xuất cảnh sang một quốc gia khác đều phải tiêm mũi tăng cường. Bà khuyến nghị tất cả những người đủ điều kiện nên tiêm mũi này nhằm củng cố khả năng miễn dịch với COVID-19 và điều đó cũng sẽ tạo thuận lợi cho việc xin cấp phép tham gia nhiều hoạt động khác.
Quy định tiêm mũi tăng cường được đưa ra tại thời điểm Ủy ban chuyên trách Quốc gia về Phòng ngừa và Kiểm soát dịch COVID-19 đang khảo sát ý kiến công chúng, trong đó có người nước ngoài đang sinh sống tại Lào, về đề xuất mở cửa các biên giới của nước này cho tất cả người dân trong nước và công dân nước ngoài. Kết quả khảo sát sẽ được nêu trong một bản đề xuất và văn bản này sẽ được đệ trình lên Chính phủ Lào để cân nhắc và ra quyết định phù hợp.
Theo số liệu của Ủy ban chuyên trách quốc gia về Phòng ngừa và Kiểm soát dịch COVID-19, tính đến nay, gần 70% dân số Lào đã tiêm đủ các mũi cơ bản vaccine ngừa COVID-19, song tỷ lệ tiêm mũi tăng cường vẫn ở mức thấp khi mới chỉ chiếm 19,4% dân số cả nước.
Ủy ban trên đang lên kế hoạch đề nghị chính phủ mở cửa đất nước hoàn toàn sau khi ghi nhận chiều hướng số ca mắc mới và số ca tử vong vì COVID-19 giảm ổn định. Một nhu cầu cấp bách hiện nay đối với quốc gia Đông Nam Á này đó là cần phục hồi nền kinh tế, đặc biệt là hồi sinh ngành du lịch.
Tính đến ngày 4/5, Lào ghi nhận tổng cộng 208.111 ca mắc COVID-19, trong đó có 746 ca tử vong.
Biến thể phụ mới của Omicron đã có mặt ở Australia
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Sydney, Australia ngày 13/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Cơ quan Y tế của Australia ngày 4/5 thông báo nước này vừa ghi nhận 3 biến thể phụ mới của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 ở các bệnh nhân mắc COVID-19, bao gồm biến thể BA.2.12.1, BA.4 và BA.5.
Phó Giáo sư Stuart Turville thuộc Viện nghiên cứu Kirby, Đại học New South Wales (UNSW) cho biết hiện vẫn chưa xác định được mức độ nghiêm trọng và khả năng lây truyền của các biến thể phụ mới này. Ông Turville chia sẻ sẽ cần một thời gian nữa để các nhà nghiên cứu có thể đưa ra một số kết luận giải đáp thắc mắc liệu những biến thể phụ mới của Omicron có phải là một trong những loại virus có khả năng lây nhiễm cao hay không. Ông nói tương tự như tất cả các loại biến thể đã được ghi nhận trước đó, thông số quan trọng cần theo dõi là mức độ nghiêm trọng của bệnh và dữ liệu này cần thời gian để tích lũy.
Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy các biến thể phụ BA.1 và BA.2 của Omicron có khả năng đáng kể tránh phản ứng kháng thể của người bệnh, vốn đã có được trước đó do nhiễm virus trong quá khứ và hoặc nhờ việc tiêm vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm, cũng như vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, các nhà khoa học khẳng định trong trường hợp bị nhiễm các biến thể này, người bệnh sẽ gặp tác động ít nghiêm trọng hơn nếu đã được tiêm chủng đầy đủ hoặc đã từng mắc COVID-19. Giới chức y tế Australia cảnh báo biến thể phụ mới BA.4, BA.5 và BA2.12.1 có khả năng sẽ thay thế biến thể phụ BA.1 và BA.2 tại Australia trong thời gian tới.
Trước đó, giới chức y tế Australia đã lên tiếng cảnh báo người dân cần thận trọng trong mùa Đông năm nay (bắt đầu từ tháng 6 kéo dài đến hết tháng 9) do khả năng gia tăng đột biến các trường hợp mắc COVID-19 và bệnh cúm mùa trong bối cảnh chính phủ nước này và chính quyền các bang đang dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.
Theo Nhóm Cố vấn kỹ thuật về tiêm chủng của Australia (ATIGI), sau 3 tháng mắc COVID-19, người dân cần đi tiêm liều vaccine tăng cường ngừa COVID-19 sớm nhất có thể.
COVID-19 tới 6 giờ sáng 3/5: Pháp dẫn đầu thế giới về ca tử vong; Châu Phi đối mặt nguy cơ 'ế' vaccine Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 231.682 trường hợp mắc COVID-19 và 1.124 ca tử vong. Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt 513 triệu ca, trong đó trên 6,26 triệu người không qua khỏi. Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở Port Elizabeth, Nam Phi ngày 10/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN...