COVID-19 tới 6h sáng 31/12: Thế giới có tới 1,7 triệu ca mắc mới; Một loạt nước ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận tới 1,7 triệu ca mắc COVID-19 và trên 6.100 ca tử vong.
Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là trên 286,6 triệu ca, trong đó trên 5,44 triệu ca tử vong.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới trung tâm y tế ở New York, Mỹ ngày 14/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 466.000 ca), Pháp (206.243 ca) và Anh (189.213 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.216 ca), Nga (926 ca) và Ba Lan (709 ca).
Số ca mắc mới tăng vọt ở nhiều nước, đẩy tổng số ca mắc trong ngày 30/12 toàn thế giới lên tới 1,7 triệu ca. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày toàn thế giới vượt mốc 1 triệu kể từ khi đại dịch bùng phát cách đây 2 năm.
Số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới đã tăng 44% trong tuần trước so với tuần trước đó. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo một “cơn sóng thần” COVID-19 có nguy cơ khiến các hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải.
Hơn 85% các ca nhiễm mới xảy ra ở hai khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Omicron gồm châu Âu với 4.022.000 ca mắc mới trong 7 ngày qua, tăng 36% so với tuần trước, và Mỹ và Canada với 2.264.000 ca trong cùng giai đoạn, tăng 83%. Trong khi đó, châu Á ghi nhận 268.000 ca mắc mới, giảm 12% so với tuần trước. Tỷ lệ tử vong vì COVID-19 trên toàn thế giới tiếp tục giảm trong 3 tuần liên tiếp với 6.400 ca được ghi nhận trong tuần qua – giảm 6% so với tuần trước.
Trong bối cảnh biến thể Omicron lây nhanh, có nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong vì biến thể Omicron thấp hơn 75% so với các biến thể gây ra các đợt bùng phát COVID-19 trước đây. Đây là kết luận của các nhà khoa học được đăng tải trên tờ Telegraph của Anh trích dẫn dữ liệu của các nhà nghiên cứu từ Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nam Phi và Đại học Pretoria.
WHO khuyến nghị các nước cẩn trọng trong giảm thời gian cách ly
Nhân viên y tế hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Norwood, Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị chính phủ các nước không nên giảm các biện pháp phòng dịch COVID-19, trong đó có việc giảm thời gian cách ly, mặc dù các phát hiện ban đầu cho thấy biến thể Omicron có thể khiến bệnh tình người mắc ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đó.
Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, chỉ ra rằng ngay cả với những biến thể trước, hầu hết bệnh nhân sẽ ủ bệnh và xuất hiện các triệu chứng hoặc cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong 6 ngày đầu. Như vậy, chỉ sau khoảng thời gian này, khả năng dương tính hoặc truyền bệnh mới thấp hơn. Do đó, việc giảm thời gian cách ly với những người mắc COVID-19 là “sự đánh đổi” giữa việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh với duy trì các hoạt động của nền kinh tế.
Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO đưa ra tuyên bố trên sau khi Tây Ban Nha thông báo rút ngắn thời gian cách ly đối với các ca mắc COVID-19 từ 10 xuống còn 7 ngày. Trước đó, Mỹ cũng giảm khuyến nghị cách ly đối với các trường hợp mắc COVID-19 không có triệu chứng từ 10 xuống còn 5 ngày.
Châu Mỹ
Số ca bệnh mới ở châu Mỹ tiếp tục tăng mạnh
Thông báo ngày 30/12 của Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) cho biết số ca mắc mới COVID-19 tại khu vực Mỹ Latinh đã tăng 50% trong tuần qua, trong khi số bệnh nhân tử vong tăng 11%.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Mississauga, Ontario, Canada, ngày 27/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Thống kê cho thấy chỉ từ ngày 19 đến 25/12, hơn một nửa số quốc gia tại châu Mỹ ghi nhận số ca bệnh mới tăng hơn 20%, mức tăng cao nhất trên toàn thế giới. Mỹ đứng đầu châu lục về số ca mắc mới COVID-19, tiếp theo là Canada và Argentina.
Khu vực Trung Mỹ không ghi nhận xu hướng gia tăng số ca bệnh mới, ngoại trừ Panama và Belize. Trong khi đó, ở khu vực Andes, các quốc gia như Bolivia, Colombia, Ecuador và Peru đều ghi nhận tình trạng tăng mạnh số ca nhiễm mới. Tại khu vực phía Nam, số ca mắc mới COVID-19 đều tăng mạnh ở Paraguay và Uruguay. Tại khu vực Caribe, Puerto Rico, Cộng hòa Dominica và Jamaica cũng ghi nhận mức tăng đáng kể.
PAHO cảnh báo rằng số lượng ca bệnh mới sẽ có thể tiếp tục gia tăng trong những tuần tới, cũng như các ca nhập viện và tử vong do COVID-19, vì biến thể Omicron rất dễ lây lan và đã xuất hiện tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực.
Số ca mắc mới COVID-19 trung bình mỗi ngày tại Mỹ cao chưa từng có trong 7 ngày qua
Số ca mắc mới COVID-19 trung bình mỗi ngày trong vòng 7 ngày qua tại Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục – 258.312 ca. Lần gần đây nhất số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày ở mức cao đỉnh điểm là 250.141 ca, được ghi nhận vào đầu tháng 1 năm nay.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Dearborn, Michigan, Mỹ, ngày 17/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Số ca mắc mới gia tăng trở lại tại Mỹ vào đúng thời điểm người dân đi du lịch nước ngoài trong các kỳ nghỉ. Tuy nhiên, kể từ dịp Giáng sinh vừa qua, mỗi ngày có hàng trăm chuyến bay đã bị hủy trên toàn lãnh thổ Mỹ do nhân viên hàng không dương tính với virus SARS-CoV-2 phải nghỉ hàng loạt. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ hiện cũng đang giám sát 86 tàu du lịch ghi nhận các ca mắc COVID-19.
Giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walensky nhấn mạnh dù dữ liệu từ các nước cho thấy biến thể Omicron không gây biến chứng nặng, nhưng hiện vẫn còn quá sớm để có thể đánh giá chính xác tác động của làn sóng dịch bệnh này trên phạm vi toàn nước Mỹ, đặc biệt là khi độ bao phủ vaccine phòng bệnh giữa các bang không đồng đều. Bà lưu ý rằng dù số ca mắc trung bình theo ngày trong một tuần qua tăng 60% so với tuần trước đó, nhưng tỷ lệ nhập viện trong cùng thời điểm chỉ tăng 14% lên khoảng 9.000 ca/ngày. Tỷ lệ tử vong giảm khoảng 7% xuống mức 1.100 ca mỗi ngày. Trên cả nước hiện có khoảng 76.000 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại các cơ sở y tế, tăng 19% trong 10 ngày qua.
Argentina ghi nhận con số đáng báo động về dịch bệnh
Argentina ghi nhận con số đáng báo động về dịch COVID-19 với 50.506 ca mắc mới trong ngày 30/12, mức cao nhất kể từ tháng 5 vừa qua.
Con số này tăng hơn gấp đôi so với mức kỷ lục 20.263 ca trong ngày 27/12. Như vậy, đến nay, đất nước 45 triệu dân này có trên 5,6 triệu ca mắc COVID-19 và 117.146 ca tử vong (tăng 35 ca trong 24 giờ qua). Giới chuyên gia y tế cảnh báo nguy cơ lây lan dịch COVID-19 ở nước này hiện ở mức rất cao, đặc biệt ở vùng thủ đô Buenos Aires.
Argentina đã tiêm phòng cho 70% dân số đủ các mũi tiêm cơ bản và đang triển khai tiêm mũi tăng cường cho nhân viên tuyến đầu và người trên 60 tuổi.
Số ca mắc mới COVID-19 tại Canada tiếp tục vượt mốc 20.000 ca
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Vancouver, British Columbia, Canada, ngày 28/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Số ca mắc mới COVID-19 tại Canada lần thứ hai vượt mốc 20.000 ca trong ngày 30/12. Theo đó, với 27.995 ca mắc mới phát hiện, tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia Bắc Mỹ này hiện là trên 2,1 triệu ca, trong đó có 30.265 ca tử vong.
Số ca mắc COVID-19 theo ngày ở Canada liên tục lập mốc cao kỷ lục trong những ngày gần đây trong bối cảnh siêu biến thể Omicron lây lan mạnh.
Châu Âu
Bồ Đào Nha ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Cascais, Bồ Đào Nha, ngày 22/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Bồ Đào Nha ngày 30/12 thông báo ghi nhận 28.659 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, mức cao nhất từ trước đến nay, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 1,35 triệu ca, trong đó có 18.937 ca tử vong (tăng 12 ca).
Video đang HOT
Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là thủ đô Lisbon, vùng Vale do Tejo và khu vực miền Bắc nước này. Hiện tỷ lệ lây nhiễm ở Bồ Đào Nha là 923,4 ca/100.000 dân.
Chính phủ Bồ Đào Nha đã gia hạn các biện pháp phòng dịch đến ngày 5/1/2022, theo đó yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận tiêm phòng COVID-19 hoặc kết quả xét nghiệm âm tính khi tới các địa điểm công cộng như nhà hàng, quán bar và các tụ điểm giải trí.
Bồ Đào Nha là một trong số những quốc gia đạt tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, với gần 90% dân số đã tiêm đủ liều cơ bản và gần 2,4 triệu người đã tiêm mũi tăng cường.
Ca nhập viện tại Ireland tăng kỷ lục
Tại Ireland, 20.554 ca mắc mới COVID-19 được báo cáo trong ngày 30/12, vượt qua mức kỷ lục một ngày trước đó, trong bối cảnh số ca nhập viện bắt đầu tăng. Hiện biến thể Omicron chiếm phần lớn số ca mắc mới COVID-19 tại Ireland.
Người đứng đầu Cơ quan Y tế Ireland, ông Tony Holohan, đã bày tỏ quan ngại về diễn biến tình hình dịch bệnh tại nước này, đồng thời khuyến cáo người dân tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch. Ireland hiện có 768.449 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.912 ca tử vong.
Số ca mắc mới COVID-19 tại Anh tiếp tục chạm mốc cao kỷ lục
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Portsmouth, phía Nam vùng England ngày 23/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 30/12, số ca mắc mới COVID-19 tại Anh lập kỷ lục mới với 189.213 ca, trong đó có gần 23.000 ca được báo cáo tại Bắc Ireland trong 5 ngày kể từ lễ Giáng sinh.
Trong 7 ngày qua đã có 914.723 người xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trên khắp Vương quốc Anh. Số liệu của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) England, vùng duy nhất của Vương quốc Anh không áp dụng thêm các biện pháp hạn chế sau Giáng sinh cho thấy, tính đến ngày 29/12, số ca nhập viện do COVID-19 tại vùng England đạt mức cao kỷ lục kể từ tháng 3 với 10.462 ca, tăng 48% so với tuần trước. Tuy nhiên, khoảng 30% trong số bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện để điều trị các chứng bệnh khác.
Giám đốc Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) – Tiến sĩ Jenny Harries, cho biết UKHSA cần theo dõi dữ liệu trong vài tuần tới để đánh giá chắc chắn làn sóng dịch đang diễn ra theo hướng nào.
Ngày 30/12, Anh thiết lập các bệnh viện dã chiến nhằm ngăn chặn nguy cơ quá tải bệnh nhân nội trú vì số ca mắc mới COVID-19 tăng vọt.
Ca mắc cao kỷ lục, Hy Lạp tăng cường các biện pháp phòng dịch
Hy Lạp đã đưa ra các biện pháp phòng dịch mới đối với ngành dịch vụ giải trí để ngăn chặn biến thể Omicron. Các biện pháp này có hiệu lực từ ngày 30/12/2021 đến ngày 16/1/2022.
Theo đó, giới chức Hy Lạp yêu cầu các quán bar, câu lạc bộ giải trí ban đêm và nhà hàng phải đóng cửa vào lúc nửa đêm và không được bật nhạc, ngoại trừ đêm Giao thừa đón Năm mới 2022, các địa điểm này có thể mở cửa đến 2h sáng 1/1/2022 nhưng cũng không có âm nhạc. Trong thời gian được phép hoạt động, các cơ sở này chỉ được phép tiếp đón mỗi bàn 6 người.
Hy Lạp buộc phải áp dụng các biện pháp mới nói trên sớm hơn dự kiến vì số ca nhiễm mới tăng mạnh. Ngày 30/12, giới chức y tế Hy Lạp thông báo nước này ghi nhận 35.580 ca mới, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay, và 72 ca tử vong. Bộ trưởng Y tế Hy Lạp Thanos Plevris cho rằng biến thể Omicron đang dần trở thành biến thể lây lan chính tại nước này, chỉ trong vòng 1 tháng kể từ khi Hy Lạp phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể được đánh giá là có khả năng lây nhiễm cao này, và đang gây áp lực cho hệ thống y tế công.
Biến thể Omicron lan rộng tại CH Séc
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở Praha, CH Séc ngày 6/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại CH Séc, Bộ trưởng Y tế Vlastimil Válek cảnh báo làn sóng dịch COVID-19 do biến thể Omicron gây ra sẽ đạt đỉnh vào tuần cuối cùng của tháng 1/2022 và tuần đầu tiên của tháng 2/2022.
Hiện biến thể này đang lan rộng trong cộng đồng ở một số vùng của CH Séc. Dự kiến, ông Válek sẽ làm việc với các chuyên gia vào ngày 30/12 nhằm thảo luận về khả năng giảm thời gian cách ly và thời gian tiêm chủng vaccine. Trên cơ sở đó, chính phủ sẽ thảo luận và ban hành các biện pháp mới.
Chính phủ Séc đang đẩy nhanh việc tiêm chủng liều thứ 3 cho người trưởng thành sau 5 tháng tiêm đủ liều cơ bản, kể từ ngày 4/1/2022.
Châu Á
Nhật Bản mở rộng chương trình xét nghiệm miễn phí
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Tokyo, Nhật Bản ngày 30/10/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Chính phủ Nhật Bản đang tích cực mở rộng chương trình xét nghiệm COVID-19 miễn phí trong bối cảnh dịch bệnh đang có dấu hiệu tái bùng phát trong những ngày gần đây do người dân đi lại nhiều vào dịp cuối năm.
Tính tới ngày 28/12, có 14 tỉnh, thành ở Nhật Bản đã thành lập các cơ sở xét nghiệm miễn phí. Riêng tại thủ đô Tokyo, có khoảng 160 nhà thuốc do Công ty Welcia Yakkyoku Co. quản lý đang cung cấp dịch vụ xét nghiệm COVID-19 miễn phí cho người dân theo chương trình của chính phủ. Việc thành lập các trung tâm xét nghiệm miễn phí là nỗ lực mới nhất của Chính phủ Nhật Bản nhằm kiểm soát dịch COVID-19, giúp phát hiện sớm các ca mắc mới, nhất là các ca nhiễm biến thể Omicron, góp phần ngăn chặn biến thể này trong cộng đồng.
Chỉ riêng trong ngày 29/12, Nhật Bản đã phát hiện 501 ca mắc COVID-19 mới trên toàn quốc. Đây là ngày đầu tiên số ca nhiễm mới ở nước này vượt ngưỡng 500 ca/ngày kể từ ngày 16/10 vừa qua.
Philippines duy trì cảnh báo dịch bệnh COVID-19 ở cấp độ 2
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em tại thành phố Marikina, Philippines, ngày 29/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 30/12, Philippines cho biết nước này sẽ duy trì cảnh báo dịch bệnh COVID-19 ở cấp độ 2 cho đến ngày 15/1/2022 bất chấp sự gia tăng số ca nhiễm mới và quan ngại về biến thể Omicron.
Theo người phát ngôn của Tổng thống Philippines, Karlo Nograles, ở mức cảnh báo cấp độ 2, một số doanh nghiệp và sự kiện tại các địa điểm trong không gian kín được phép hoạt động với tối đa 50% công suất và áp dụng với những người đã tiêm đủ liều vaccine cơ bản, nhóm đối tượng dưới 18 tuổi và thậm chí cả những những người chưa tiêm chủng; đối với các cơ sở ngoài trời, công suất hoạt động tối đa là 70% với điều kiện tất cả những người tham gia đã tiêm đủ liều cơ bản.
Bộ Y tế Philippines cho biết nước này đang chứng kiến số ca COVID-19 tăng mạnh khi ngày càng nhiều người dân ra ngoài tham gia các hoạt động tập trung đông người vào mùa lễ hội hiện nay. Đến nay, Philippines đã phát hiện 4 ca nhiễm biến thể Omicron, tất cả đều là các ca nhập cảnh.
Thái Lan yêu cầu công chức làm việc tại nhà sau kỳ nghỉ Năm mới
Người dân đeo khẩu trang tại trung tâm thương mại ở Bangkok, Thái Lan ngày 24/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 30/12, Bộ Y tế Thái Lan cho biết nhằm ngăn chặn biến thể Omicron, các quan chức chính phủ sẽ làm việc tại nhà sau kỳ nghỉ Năm mới 2022, trong khi học sinh có thể quay lại học trực tuyến. Khu vực tư nhân cũng đang được khuyến khích cho phép nhân viên làm việc tại nhà.
Số ca nhiễm biến thể Omicron ở Thái Lan đang gia tăng với 740 ca được xác nhận ở 33/77 tỉnh, trong đó 489 ca là các trường hợp nhập cảnh và số còn lại là các ca lây nhiễm trong cộng đồng có liên quan đến những trường hợp này. Ngày 29/12, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) đã yêu cầu các quan chức nhà nước phải tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu về làm việc tại nhà trong hai tuần sau kỳ nghỉ Năm mới.
Trong khi đó, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã kêu gọi người dân cẩn thận hơn khi đón Năm mới, luôn đeo khẩu trang và cố gắng tránh những khu vực đông người.
COVID-19 tới 6h sáng 25/8: Mỹ ca tử vong cao thứ 2 thế giới; Ấn Độ lây nhiễm tăng trở lại
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 589.000 ca bệnh COVID-19 và 9.771 ca tử vong. Ca nhiễm mới lại vượt mốc 100.000 tại Mỹ và ca tử vong ở nước này tăng lên mức cao thứ hai thế giới.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Kigali, Rwanda ngày 23/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 25/8 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 213.880.238 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.463.268 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 590.772 và 9.780 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 191.415.494 người, 17.928.935 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 109.936 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới với 100.969 ca mới; tiếp theo là Ấn Độ (51.016 ca) và Iran (40/623 ca); Indonesia dẫn đầu về số ca tử vong mới với 1.038 người chết, tiếp theo là Mỹ (930 ca) và Brazil (794 ca).
Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 38.915.565 người, trong đó có 647.926 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 32.511.370 ca nhiễm, bao gồm 435.788 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 20.614.866 ca bệnh và 575.742 ca tử vong.
Chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 đi chôn cất tại một nghĩa trang ở Cape Town, Nam Phi ngày 9/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Bất chấp làn sóng mới, Mỹ lạc quan kiểm soát dịch bệnh vào mùa Xuân 2022
Mỹ có thể kiểm soát đại dịch COVID-19 vào đầu năm tới, căn cứ vào việc có thêm nhiều vaccine ngừa COVID-19 được cấp phép đầy đủ trong những tuần tới. Đây là dự báo lạc quan được Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci đưa ra ngày 24/8, một ngày sau khi vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ) phối hợp sản xuất với hãng BioNTech (Đức) được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép đầy đủ.
Trong các chương trình phỏng vấn trên truyền hình, Tiến sĩ Fauci cho biết việc FDA cấp phép đầy đủ cho vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech đã mở đường cho có thêm nhiều người được tiêm vaccine này. Dự kiến, FDA có thể cấp phép đầy đủ đối với vaccine ngừa COVID-19 của hãng Moderna và hãng Johnson&Johnson trong những tuần tới, cũng như có thể cho phép tiêm vaccine cho trẻ nhỏ vào mùa Thu này.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Jonesboro, bang Arkansas (Mỹ) ngày 4/8/2021. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Với hơn một nửa tổng dân số Mỹ được tiêm chủng đầy đủ, các chuyên gia và quan chức trong chính quyền Tổng thống Joe Biden hy vọng rằng việc FDA cấp phép đầy đủ cho vaccine của Pfizer/BioNTech sẽ đóng vai trò là chất xúc tác, giúp đẩy nhanh quá trình tiêm chủng ở quốc gia này, góp phần làm giảm tâm lý lo ngại của người dân khi đi tiêm chủng.
Tâm lý lo ngại của người dân đối với các loại vaccine ngừa COVID-19 đang được sử dụng hiện nay chính là một trở ngại lớn đối với chính quyền Mỹ trong việc đạt được mục tiêu tiêm chủng cho tất cả người dân, điều kiện để đối phó với biến thể mới của virus SARS-COV-2.
Trong khi đó, làn sóng gia tăng lây nhiễm do biến thể Delta đang đẩy nước Mỹ vào một giai đoạn khó khăn hơn. Theo tờ USA Today, các ca nhiễm mới đang tăng ở 42 tiểu bang, ca tử vong tăng ở 43 bang, mức tệ nhất từ tháng 12/2020.
Trong 24 giờ qua, số ca tử vong tại Mỹ đã lên tới 930 ca, cao thứ hai thế giới chỉ sau Indonesia.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại California, Mỹ ngày 19/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Anh ghi nhận ca tử vong trong ngày cao nhất kể từ 12/3
Số liệu chính thức cho thấy trong ngày 24/8 Anh ghi nhận 174 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19, con số cao nhất kể từ ngày 12/3, trong khi số ca nhiễm mới trong ngày là 30.838.
Trong tuần qua, Anh đã ghi nhận tổng cộng 705 trường hợp tử vong vì COVID-19, tăng 8,8%. Con số này tại Anh được tính với những người tử vong sau khi có kết quả dương tính với COVID-19 trong vòng 28 ngày.
Số ca tử vong tăng mạnh được ghi nhận trong ngày 24/8 một phần do khâu báo cáo số liệu dồn lại trong dịp cuối tuần. Số ca tử vong hàng ngày của Anh đang tăng, nhưng vẫn thấp hơn nhiều mức trung bình 1.000 ca/ngày giai đoạn đỉnh dịch.
Hiện 77% dân số trưởng thành tại Anh đã tiêm hai liều vaccine ngừa COVID-19. Nước này cũng đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế để phòng dịch từ giữa tháng 7, cho phép người dân đi lại, giao lưu và trở lại công sở làm việc.
Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện Hoàng gia Papworth ở Cambridgeshire, Anh. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Ấn Độ: Lây nhiễm đang tăng trở lại
Cũng trong ngày 24/8, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo số ca mắc COVID-19 tại nước này đã tăng lên 32.474.773, với 25.467 ca mắc mới được ghi nhận trên toàn quốc trong 24 giờ qua. Số ca tử vong vì COVID-19 cũng tăng lên 435.110 người sau khi có thêm 354 bệnh nhân không qua khỏi.
Hiện vẫn còn 319.551 ca mắc COVID-19 đang được điều trị trên cả nước, giảm 14.373 ca trong 24 giờ qua. Nước này cũng ghi nhận thêm 39.486 bệnh nhân mắc COVID-19 được xuất viện, nâng số người được chữa khỏi lên 31.720.112 người.
Bệnh nhân COVID-19 được hỗ trợ thở oxy tại bệnh viện dã chiến ở New Delhi, Ấn Độ ngày 27/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Người nhiễm biến thể Delta có tải lượng virus cao gấp 300 lần so với virus gốc
Kết quả nghiên cứu của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố ngày 24/8 cho thấy những người nhiễm biến thể Delta có tải lượng virus cao gấp 300 lần so với phiên bản gốc của virus SARS-CoV-2.
Mặc dù vậy, theo KDCA, tải lượng virus giảm dần theo thời gian, theo đó sau 4 ngày kể từ ngày nhiễm sẽ giảm xuống mức cao gấp 30 lần virus gốc và sau 9 ngày xuống mức cao gấp hơn 10 lần. Đặc biệt, sau 10 ngày, tải lượng virus ở người nhiễm biến thể Delta và người nhiễm các biến thể khác là tương đương. Để đưa ra kết luận trên, KDCA đã tiến hành so sánh tải lượng virus của 1.848 bệnh nhân nhiễm biến thể Delta và 22.106 bệnh nhân nhiễm các biến thể khác.
Phát biểu họp báo, ông Lee Sang-won, người đứng đầu Bộ phận Điều tra và Phân tích Dịch tễ học của Bộ Y tế Hàn Quốc, cho biết tải lượng virus cao hơn đồng nghĩa virus có thể lây lan nhanh hơn, làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh và nhập viện. Tuy nhiên, ông khẳng định điều này không có nghĩa biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn gấp 300 lần so với các biến thể khác. Theo ông, tốc độ lây lan của biến thể Delta chỉ cao hơn 1,6 lần so với biến thể Alpha và gấp 2 lần so với phiên bản gốc virus SARS-CoV-2.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho một em nhỏ tại Jerusalem ngày 29/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Hàn Quốc: Số ca mắc mới tăng trở lại trên 1.500 ca/ngày
Trong khi đó, số ca mắc mới COVID-19 của Hàn Quốc đã tăng trở lại trên mức 1.500 ca/ngày, với 1.509 ca ghi nhận ngày 24/8, đưa tổng số lên 239.287 ca kể từ đầu dịch.
Đáng chú ý, Hàn Quốc đến nay ghi nhận tổng cộng 2.599 ca mắc COVID-19 mặc dù đã tiêm phòng đầy đủ. Con số này tương đương cứ 100.000 người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 đủ liều thì có 35,1 người nhiễm bệnh sau tiêm.
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum cho biết chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng trong bối cảnh hầu hết ca mới gần đây là những người từ 20-30 tuổi và phần lớn chưa tiêm vaccine. Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu tiêm cho 70% dân số vào tháng 9 để đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11.
Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 21/8/2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Australia chuẩn bị tiêm liều vaccine tăng cường
Australia đang chuẩn bị cho việc tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường trong năm 2022. Trước đó, hôm 13/8, Bộ trưởng Y tế Greg Hunt khẳng định nguồn dự trữ vaccine của Australia rất dồi dào và chính phủ đã tính đến khả năng cần đến liều vaccine tăng cường một năm sau khi được tiêm phòng đủ hai mũi. Bộ trưởng Hunt cho biết sẽ cần đến các mũi tiêm này trong vòng 12 tháng tính từ khi người dân được tiêm chủng đầy đủ.
Ngày 24/8, Vùng lãnh thổ thủ đô (ACT) của Australia đã ghi nhận 30 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là một mức cao kỷ lục mới tại thủ đô Canberra bất chấp việc khu vực này đã được phong tỏa 12 ngày qua. Số ca nhiễm trên nâng tổng số ca liên quan đến ổ dịch này lên 167 ca, trong đó có 4 người đang phải điều trị trong bệnh viện.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN
Thống đốc vùng ACT Andrew Barr cho biết hiện còn quá sớm để khẳng định liệu lệnh phong tỏa có thể được gia hạn đến sau 2/9 hay không, nhưng số ca nhiễm trong cộng đồng đang rất đáng lo ngại.
New Zealand cân nhắc gia hạn biện pháp phòng dịch
Tại New Zealand, chính phủ nước này đang cân nhắc khả năng gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc cấp độ 4 sau khi ghi nhận 41 ca nhiễm mới trong cộng đồng, gồm 38 ca tại Auckland và 3 ca tại Wellington, nâng tổng số ca nhiễm trong cộng đồng trên cả nước lên 148 ca.
Lệnh phong tỏa hiện nay được ban bố từ ngày 17/8, sau khi ghi nhận ca nhiễm biến thể Delta đầu tiên trong cộng đồng tại Auckland, và sẽ hết hiệu lực vào giữa đêm 27/8. Theo quy định phong tỏa cấp độ 4, các trường học và công ty đều phải đóng cửa, trừ những cơ sở kinh doanh hàng thiết yếu như siêu thị, hiệu thuốc và trạm dịch vụ.
Kiểm tra các thông tin cá nhân và mã sức khỏe của hành khách tại một nhà ga ở Nam Kinh, Trung Quốc, ngày 23/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trung Quốc: 1 ca nhiễm cộng đồng mới
Ngày 24/8, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết Trung Quốc đại lục ghi nhận 35 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 23/8, trong đó có 1 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 34 ca nhập cảnh.
Theo số liệu của NHC, trong số các ca mắc nhập cảnh có 9 ca ở Thượng Hải, 8 ca ở Quảng Đông, 7 ca ở Chiết Giang, 4 ca ở Vân Nam, Phúc Kiến và Tứ Xuyên mỗi nơi có 2 ca, và Thiên Tân và Thiểm Tây mỗi nơi có 1 ca mắc mới. Không có thêm trường hợp tử vong vì COVID-19 nào được ghi nhận tại Trung Quốc đại lục trong ngày 23/8.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Manila, Philippines ngày 15/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Thái Lan "học cách sống chung với COVID-19"
Ủy ban Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm (NCDC) đã thông qua việc thay đổi chiến lược của Thái Lan sang "học cách sống chung với COVID-19". Dự kiến, NCDC sẽ đề nghị Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) cân nhắc mở cửa trở lại một số lĩnh vực của đất nước, phù hợp với cam kết hồi tháng 6 của Thủ tướng Chan-o-cha mở cửa đất nước trong 120 ngày.
Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát Dịch bệnh (DDC) Opas Karnkawinpong, trọng tâm trong tương lai sẽ là kiềm chế các ca nhiễm ở mức độ không vượt quá khả năng của hệ thống y tế công cộng, với các biện pháp chính là tiêm chủng cho các nhóm dễ bị tổn thương và truy vết nhanh hơn với giả định rằng tất cả mọi người đều có thể bị nhiễm bệnh. Cục trưởng Opas nêu rõ các biện pháp phong tỏa hiện nay sẽ hết hạn vào ngày 31/8 và chính phủ sẽ cân nhắc về việc liệu có mở cửa sau đó hay không.
Trong một diễn biến khác, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan cho biết hãng AstraZeneca sẽ cung cấp 61 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho Thái Lan trước cuối năm nay, nâng tổng số vaccine các loại mà nước này đã đặt mua lên 120 triệu liều. Số vaccine này đủ để tiêm phòng cho khoảng 60 triệu người.
Thái Lan là trung tâm sản xuất vaccine COVID-19 của AstraZeneca cho khu vực. Ảnh: Reuters
Với cam kết trên, Thái Lan đã vượt qua mục tiêu ban đầu là mua vaccine để tiêm cho 50 triệu dân vào cuối năm 2021. Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan nhận định cam kết của AstraZeneca là một tin tuyệt vời, giúp nước này tiến gần mục tiêu đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.
Tình hình lây lan dịch COVID-19 đang có dấu hiệu chậm lại, qua đó củng cố hy vọng rằng kế hoạch của Chính phủ Thái Lan mở cửa lại đất nước trước cuối năm nay có thể vẫn thực hiện được. Trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận 17.165 ca mới và 226 ca tử vong vì COVID-19. Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, Thái Lan đã có tổng cộng 1.083.951 ca mắc COVID-19, trong đó có 9.788 ca tử vong.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân ở Bangkok, Thái Lan, ngày 23/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ca bệnh vượt 4 triệu, Indonesia bắt đầu nới lỏng hạn chế
Kể từ ngày 24/8, Indonesia đã thực hiện nới lỏng các hạn chế phòng dịch tại một loạt khu vực trên khắp đất nước, bao gồm cả thủ đô Jakarta.
Quyết định này được công bố hôm 23/8 trong bối cảnh cư dân Jakarta là khu vực đầu tiên tại Indonesia được tiếp nhận vaccine Pfizer/BioNTech.
Tổng thống Joko Widodo cho biết việc nới lỏng được thực hiện khi số ca nhiễm mới đã giảm 78% kể từ ngày 15/7, khi làn sóng dịch đang ở đỉnh điểm. Tỉ lệ sử dụng giường bệnh hiện đã giảm xuống còn 33%.
Ông Widodo cho biết: "Bằng cách quan sát sự cải thiện ở một số chỉ số, chính phủ sẽ dần dần điều chỉnh một số hạn chế đối với các hoạt động công cộng. Việc nới lỏng các hạn chế sẽ đi kèm với việc thực hiện các giao thức nghiêm ngặt về sức khỏe và sử dụng ứng dụng PeduliLindungi như một yêu cầu bắt buộc".
Trẻ em đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Blang Bintang, Aceh, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN
Ra mắt vào năm ngoái, ứng dụng dành cho thiết bị di động, hiển thị bằng chứng về việc tiêm chủng và tình hình COVID-19 ở các khu vực xung quanh vị trí một người, hiện được yêu cầu truy cập sử dụng để tới các địa điểm công cộng như cửa hàng tạp hóa và trung tâm thương mại.
Tổng thống Widodo lưu ý chính phủ đặt mục tiêu tiêm trên 100 triệu liều vaccine COVID-19 cho người dân vào cuối tháng 8. Tới nay, 32,05 triệu người Indonesia, chiếm 15,2% dân số mục tiêu, đã được tiêm chủng đầy đủ.
Brunei ghi nhận ca tử vong đầu tiên trong hơn 1 năm
Theo tờ Straits Times, ngày 24/8, Brunei đã ghi nhận 2 ca tử vong, đây là những trường hợp tử vong đầu tiên tại nước này trong hơn 1 năm qua. Nạn nhân là một cụ bà 85 tuổi và một người đàn ông 69 tuổi, đều là công dân Brunei, qua đời do nhiễm trùng phổi sau khi được đưa vào trung tâm cách ly trong tháng này.
Như vậy tổng ca tử vong do COVID-19 tại Brunei đến nay là 5 trường hợp. Lần cuối nước này ghi nhận ca tử vong là vào tháng 6 năm ngoái.
Campuchia sắp hoàn tất tiêm phòng cho 10 triệu người
Báo Khmer Times ngày 24/8 đưa tin trong 2 ngày tới, nước này sẽ hoàn thành mục tiêu đầu tiên là tiêm phòng COVID-19 cho 10 triệu người.
Người dân xếp hàng chờ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN
Kể từ khi triển khai chiến dịch tiêm phòng từ ngày 10/2 đến ngày 23/8, Campuchia đã tiêm vaccine cho 9.851.896 người dân trong nước và người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại nước này (bao gồm cả thanh thiếu niên trong độ tuổi 12-17), trong đó 7.967.118 người đã tiêm đủ liều.
Về tình hình dịch, Bộ Y tế Campuchia ngày 24/8 xác nhận trong 24 giờ qua có 466 ca mới, gồm 94 ca nhập cảnh và 372 ca lây nhiễm cộng đồng. Tổng số ca mắc COVID-19 từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay tại Campuchia đã vượt mốc 90.000 ca, song số ca nhiễm mới vẫn ở mức dưới 500 ca/ngày. Cũng trong 24 giờ qua, đã có thêm 13 ca tử vong, nâng tổng số lên 1.821 ca.
Lào: Ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh
Bộ Y tế Lào ngày 24/8 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 336 ca mới, trong đó 189 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 147 ca cộng đồng.
Số ca nhiễm trong cộng đồng tại Lào tiếp tục tăng cao với nhiều chuỗi lây nhiễm mới được phát hiện, đặc biệt là ổ dịch tại trại giam ở tỉnh Savannakhet. Trong 24 giờ qua, Savannakhet là tỉnh ghi nhận số ca lây nhiễm trong cộng đồng cao nhất cả nước với 128 ca, trong đó hầu hết là các phạm nhân trong trại giam.
Tính từ đầu dịch, Lào ghi nhận tổng cộng 12.957 ca mắc COVID-19, trong đó có 11 ca tử vong. Đã có 2,1 triệu người được tiêm mũi đầu vaccine ngừa COVID-19 và trên 1,6 triệu người được tiêm phòng đầy đủ.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào, ngày 5/7/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Philippines ghi nhận số ca mắc COVID-19 theo ngày cao nhất từ khi dịch bùng phát Ngày 23/8, Bộ Y tế Philippines cho biết đã ghi nhận 18.332 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, mức cao nhất theo ngày kể từ khi dịch bùng phát tại nước này. Giới chức Manila cũng lần đầu tiên thừa nhận tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng do biến thể Delta tại Vùng đô thị Manila. Ngoài ra, Philippines...