COVID-19 tới 6h sáng 17/9: Thế giới có 527.000 ca mắc mới; Mỹ có thêm 1.700 ca tử vong
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 527.000 ca bệnh COVID-19 và trên 8.800 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 227,7 triệu ca, trong đó trên 4,68 triệu ca tử vong.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Rio Grande do Sul, Brazil ngày 16/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 126.000 ca), Ấn Độ (34.649 ca) và Brazil (34.407 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.704 ca), Mexico (897 ca) và Nga (794 ca).
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là ba nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, với số ca mắc COVID-19 lần lượt là trên 42,6 triệu ca, 33,3 triệu ca và 21 triệu ca. 10 nước bị ảnh hưởng nhất thế giới nằm rải rác trên khắp các châu lục.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành và gây ra những tác động và thiệt hại vô cùng to lớn, kể cả người, vật chất lẫn tinh thần, các nhà khoa học đã đưa ra những nhận định về thời gian COVID-19 kết thúc.
Chuyển bệnh nhân tử vong do COVID-19 tới nhà xác bệnh viện tỉnh Pathum Thani, Thái Lan, ngày 4/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Các nhà khoa học cho rằng khác với những đại dịch trước đây, COVID-19 sẽ không thể kết thúc trong vòng 6 tháng tới, mà cần nhiều thời gian hơn, dù rằng nhiều quốc gia đã nhanh chóng triển khai và thu được hiệu quả đối với chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19. Giới khoa học đều cho rằng đợt bùng phát hiện nay sẽ được kiểm soát khi hầu hết dân số toàn cầu, khoảng 90-95%, có khả năng miễn dịch nhờ tiêm chủng hoặc miễn dịch tự nhiên sau khi đã khỏi bệnh. Giới chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vaccine COVID-19.
Giáo sư Lone Simonsen – một nhà dịch tễ học thuộc Đại học Roskilde ở Đan Mạch khẳng định: “Nếu không tiêm phòng, bạn sẽ giống như một mục tiêu dễ bị tấn công, vì virus sẽ lan rộng và tấn công hầu như tất cả mọi người vào mùa Thu và mùa Đông này”. Theo bà, trong 130 năm qua, thế giới ghi nhận 5 đại dịch cúm và trong 5 đại dịch trên, đợt lâu nhất kéo dài 5 năm. Các đại dịch còn lại bao gồm 2-4 đợt lây nhiễm trong thời gian trung bình 2 hoặc 3 năm. COVID-19 được xác định là đại dịch nghiêm trọng hơn, khi thế giới đã bước sang năm thứ hai với làn sóng dịch bệnh thứ 3 và vẫn chưa thấy hồi kết. Do đó, virus SARS-CoV-2 có thể sẽ không đi theo con đường giống như các đại dịch trong quá khứ. Với con số tử vong là hơn 4,6 triệu người cho đến nay, số người tử vong vì COVID-19 đã cao gấp đôi so với bất kỳ đợt bùng phát dịch bệnh nào kể từ dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.
Trong khi đó, làn sóng lây nhiễm mới có thể sản sinh ra những biến thể mới. Ông Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota ở bang Minneapolis, đồng thời là cố vấn của Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhận định “những đợt bùng phát này sẽ tiếp tục xảy ra trên khắp thế giới. Sau đó, nó sẽ giảm dần, có khả năng sẽ giảm xuống thấp. Và sau đó, rất có thể sẽ có đợt bùng phát khác vào mùa thu và mùa Đông”.
Do hàng tỷ người trên thế giới vẫn chưa được tiêm chủng, những ổ dịch mới có thể sẽ xuất hiện tại trường học, phương tiện giao thông công cộng và nơi làm việc trong những tháng tới, khi các nền kinh tế mở cửa trở lại. Ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên, một số đối tượng – như trẻ sơ sinh, những người không thể hoặc không được tiêm chủng – vẫn thuộc nhóm nguy cơ cao mắc bệnh. Ngoài ra, lây nhiễm vẫn có thể xảy ra ở những người đã được tiêm vaccine.
Vì vậy, theo giới chuyên gia thế giới sẽ phải đối mặt với giai đoạn khó khăn trong một vài tháng tới và vaccine vẫn là “tấm khiên” hiệu quả bảo vệ con người trước sự tấn công của virus.
Lần đầu tiên từ tháng 6, Ukraine ghi nhận trên 100 ca tử vong một ngày
Chuyển bệnh nhân tử vong do COVID-19 tới nhà xác bệnh viện ở Kiev, Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Y tế Ukraine ngày 16/9 cho biết nước này ghi nhận 118 ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua, vượt ngưỡng 100 ca lần đầu tiên kể từ đầu tháng 6 vừa qua.
Bộ trên cũng cho biết có 5.744 ca mắc mới COVID-19 tại nước này trong một ngày qua, tăng mạnh so với 4.640 ca ghi nhận 24 giờ trước đó. Như vậy, tổng số ca mắc và tử vong vì COVID-19 ở Ukraine tính đến ngày 16/9 lần lượt là 2,33 triệu ca và 54.651 ca. Với dân số 41 triệu người, Ukraine là một trong những quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch này. Số ca mắc mới đang có chiều hướng gia tăng trong vài tuần gần đây, do đó chính phủ nước này tuyên bố sẽ siết chặt các biện pháp hạn chế trong tương lai gần nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Trước đó, Ukraine dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa khi số ca bệnh giảm trong mùa Hè, song vẫn áp đặt cảnh báo “màu vàng” trên toàn quốc, hạn chế các sự kiện tập trung đông người và giới hạn công suất hoạt động của các phòng tập thể thao, rạp chiếu phim và nhiều địa điểm khác.
Tổng thống Nga xác nhận hàng chục nhân viên thân cận mắc COVID-19
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga ngày 24/7/2021. Ảnh: TASS/TTXVN
Tổng thống Vladimir Putin xác nhận hàng chục người trong đội ngũ thân cận của ông có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trước khi ông tự cách ly vào đầu tuần này.
Phát biểu qua kết nối video tới một cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) được tổ chức tại thủ đô Dushanbe của Tajikistan, Tổng thống Putin bày tỏ rất tiếc phải hủy bỏ chuyến thăm Dushanbe vào phút chót do nhiều người trong đội ngũ nhân viên của ông mắc COVID-19. Ông xác nhận “không chỉ một hoặc hai người mà là vài chục người”.
Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thông báo Tổng thống Putin đã tiếp xúc với một số người trong đoàn tháp tùng mắc COVID-19. Ông đã quyết định tự cách ly sau khi gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad ở Moskva vào ngày 13/9 và tham vấn các bác sĩ. Hiện tại, Tổng thống Putin hoàn toàn khỏe mạnh và bản thân ông không mắc COVID-19. Vì đang tự cách ly, ông không đến Tajikistan tham dự các cuộc họp của CSTO trong tuần này, thay vào đó sẽ tham dự theo hình thức trực tuyến.
Italy ban hành luật mới về “thẻ xanh”
Video đang HOT
Nhân viên an ninh kiểm tra chứng nhận COVID-19 của khách tham quan tại Rome, Italy, ngày 6/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Italy có kế hoạch ban hành luật bắt buộc tất cả người lao động sử dụng “thẻ xanh” nhằm tăng tỷ lệ tiêm vaccine trước mùa Đông năm nay.
Theo luật mới dự kiến có hiệu lực kể từ ngày 15/10, người lao động không tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc không có kết quả xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 gần đây sẽ bị phạt tiền lên tới 1.000 euro. Ngoài ra, không loại trừ khả năng các trường hợp này còn có thể bị sa thải.
“Thẻ xanh” là một hình thức chứng nhận một cá nhân đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong 48 giờ trước đó hoặc đã bình phục sau khi mắc COVID-19 trong thời gian gần đây. Hiện Italy yêu cầu xuất trình loại thẻ này đối với giáo viên cũng như tất cả những người đến nhà hàng, rạp chiếu phim, sân vận động, đi tàu hoặc xe buýt liên tỉnh hay bay nội địa.
Hiện có hơn 40 triệu người Italy được tiêm chủng đủ liều vaccine COVID-19, chiếm khoảng 75% dân số trên 12 tuổi. Chính phủ nước này hy vọng có thể tăng tỷ lệ chủng ngừa thêm 4 triệu người. Trong khi đó, các công đoàn kêu gọi chính phủ cấp phép xét nghiệm COVID-19 miễn phí cho những người lao động chưa được tiêm phòng.
Trung Quốc ghi nhận 80 ca mắc mới COVID-19
Một điểm xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, ngày 14/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc ngày 16/9 thông báo Trung Quốc ghi nhận 80 ca mắc mới COVID-19, tăng so với 73 ca ngày trước đó.
Trong số ca mắc mới nói trên, 49 ca lây nhiễm cộng đồng, hầu hết tại tỉnh Phúc Kiến ở Đông Nam Trung Quốc, so với 50 ca ghi nhận một ngày trước đó. Ngoài ra có 13 ca mắc mới không triệu chứng, so với 16 ca một ngày trước đó. Không có ca tử vong mới nào được thông báo.
Tính đến ngày 16/9, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 95.493 ca mắc COVID-19 với 4.636 ca tử vong.
Nhật Bản sẽ sớm bình thường hóa hoạt động kinh tế xã hội
Một điểm tiêm chủng vaccine COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 16/9, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide khẳng định sẽ sớm nới lỏng các hoạt động kinh tế xã hội, mở đường cho việc khôi phục lại cuộc sống bình thường của người dân.
Thủ tướng Suga cho biết Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu trong khoảng thời gian từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 11, sẽ hoàn thành tiêm chủng cho tất cả những người đăng ký. Trên cơ sở đó, chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 và xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 sẽ được sử dụng như một điều kiện quan trọng để từng bước nới lỏng các hạn chế trong sinh hoạt của người dân, mở đường cho việc bình thường hóa các hoạt động kinh tế xã hội như ăn uống, tổ chức sự kiện, du lịch…
Tuy nhiên, trong trường hợp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trở lại, Chính phủ Nhật Bản tái tuyên bố áp dụng tình trạng khẩn cấp thì việc nới lỏng này sẽ phải tạm dừng, thậm chí các biện pháp phòng dịch có thể được tăng cường hơn nữa nếu cần thiết.
Cùng ngày, ông Shigeru Omi, cố vấn hàng đầu Nhật Bản về COVID-19, nhận định nước này đã bước qua gần hết giai đoạn đỉnh điểm của đợt dịch thứ 5, tuy nhiên vẫn cần theo dõi sát sao hệ thống y tế đang trong tình trạng quá tải
Với việc hệ thống y tế vẫn đang quá tải bệnh nhân COVID-19, phần lớn các địa phương của Nhật Bản sẽ vẫn áp dụng tình trạng khẩn cấp cho đến hết ngày 30/9. Dữ liệu của chính phủ cho thấy hơn 50% dân số nước này đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.
Số ca mắc mới tại bang Victoria của Australia cao nhất trong năm
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới điều trị tại bệnh viện ở ngoại ô Melbourne, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Bang Victoria của Australia thông báo bang này ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trong một ngày cao nhất kể từ đầu năm 2021, trong khi tiến độ tiêm chủng được đẩy nhanh trên toàn quốc, với gần 70% người trưởng thành đã tiêm mũi vaccine đầu tiên, làm dấy lên hy vọng các biện pháp phòng dịch được nới lỏng.
Cụ thể, thành phố Melbourne của bang Victoria ghi nhận 514 ca mắc mới, vượt số ca mắc mới trong một ngày cao nhất trong năm là 473 ca ghi nhận ngày 13/9.
Melbourne và Sydney – 2 thành phố lớn nhất Australia – đang đẩy mạnh chương trình tiêm vaccine trong bối cảnh nước này nỗ lực kiềm chế làn sóng lây nhiễm thứ 3 do biến thể Delta, theo đó áp dụng lệnh ở nhà nghiêm ngặt đối với gần một nửa trong tổng dân số 25 triệu người.
Tuy nhiên, tỉ lệ lây nhiễm ở Australia thấp hơn nhiều so với nhiều nước khác, với khoảng 80.000 ca và 1.128 ca tử vong, và nhà chức trách cam kết nới lỏng nhiều biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, có thể vào tháng 10 tới, sau khi thêm nhiều người tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Trong một cuộc họp báo tại Canberra, Thủ tướng Scott Morrison cho biết mục tiêu 70% và 80% dân số tiêm 2 mũi vaccine là trong tầm tay. Theo một kế hoạch mở cửa trở lại công bố hồi tháng 7 vừa qua, chính quyền liên bang sẽ kêu gọi các bang và vùng lãnh thổ bắt đầu sống chung với COVID-19 một khi đạt được các mục tiêu này. Cho tới nay, 44% người trên 16 tuổi ở Australia đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19, trong khi 69% được tiêm ít nhất 1 mũi. Tại Victoria, độ bao phủ vaccine mũi 1 sẽ đạt 70% ngày 17/9.
Nhiều địa phương ở Mỹ áp dụng quy định bắt buộc trình chứng nhận tiêm chủng
Người dân ngồi trong xe ô tô chờ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại một điểm tiêm chủng lưu động ở Los Angeles, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn lây lan trên khắp nước Mỹ, giới chức hạt Los Angeles ngày 15/9 đã ban hành quy định chỉ những người đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 mới được tới các quán rượu và câu lạc bộ đêm. Quy định có hiệu lực từ tháng 10 tới.
Theo quy định của Sơ y tế Los Angeles, những người tới tụ điểm giải trí nêu trên phải cung cấp chứng nhận đã tiêm chủng trước khi vào cửa, cũng giống với việc trình thẻ căn cước để đảm bảo người tới đây đủ tuổi theo quy định pháp luật.
Cũng theo quy định mới ban hành, người tham gia các sự kiện ngoài trời có quy mô hơn 10.000 người cũng phải trình chứng nhận tiêm chủng hoặc có kết quả xét nhiệm âm tính.
Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, hạt Los Angeles đến nay vẫn đang áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại phần lớn các sự kiện trong nhà hoặc một số hoạt động ngoài trời.
Tháng trước, thành phố San Francisco cũng yêu cầu người dân trình chứng nhận tiêm chủng vaccine khi ăn tối tại các nhà hàng hoặc tới các khu vui chơi giải trí. Chính quyền thành phố New Orleans ngay sau đó cũng công bố quy định tương tự.
Hiện còn một bộ phận người dân Mỹ không đi tiêm chủng vaccine. Mặc dù việc tiêm chủng miễn phí và giới khoa học khẳng định vaccine có hiệu quả cao trong phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm hoặc biến chứng nặng ỏ người mắc COVID-19, hiện chỉ có 54% người dân nước này đã được tiêm chủng đầy đủ. Đây chính là nguyên nhân khiến dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan tại Mỹ.
Cuba xin cấp phép 2 loại vaccine tại WHO
Vaccine ngừa COVID-19 Soberana của Cuba. Ảnh: AFP/TTXVN
Cuba ngày 15/9 thông báo sẽ xúc tiến quy trình xin cấp phép lưu hành vaccine ngừa COVID-19 Abdala và Soberana tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với mục đích sớm thương mại hóa rộng khắp 2 loại vaccine này. Dự kiến, trong ngày 16/9, các chuyên gia của Cuba, Mỹ và WHO sẽ nhóm họp trực tuyến bàn về quy trình.
Trong nước, Cuba đã sử dụng hai loại vaccine nói trên tiêm chủng cho người dân, bao gồm cả trẻ nhỏ. Chương trình tiêm chủng của Cuba còn sử dụng vaccine Sinopharm. Hiện có 38,5% dân số Cuba được tiêm chủng.
COVID-19 tại ASEAN hết 16/9: Ca mắc mới ở Philippines cao nhất; Toàn khối thêm 1.371 ca tử vong
Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 16/9, có 9 quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận tổng cộng 69.313 ca mắc COVID-19 và 1.371 ca tử vong.
Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 11.263.417 ca, trong đó 248.385 người tử vong.
Nhân viên đeo khẩu trang, sử dụng tấm nhựa chắn phòng lây nhiễm COVID-19 tại văn phòng ở Taguig, Philippines, ngày 15/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trong ngày 16/9, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất tiếp tục là Philippines với 21.161 ca. Tổng số ca mắc tại quốc gia này đã là 2.304.192 ca.
Đứng số 2 ASEAN về ca mắc hàng ngày là Malaysia với 19.495 ca. Tới nay, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2.030.935 ca mắc COVID-19.
Thái Lan đứng thứ 3 ASEAN về ca mắc trong ngày 16/9 với 13.897 ca, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên 1.434.237 ca.
Tiếp đó là Việt Nam với 10.489 ca, Indonesia với 3.145 ca mắc, Campuchia với 693 ca, Lào với 154 ca, Brunei với 109 ca và Timor-Leste với 70 ca.
Về số ca tử vong, có 7 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Malaysia (422 ca), Philippines (277 ca), Indonesia (237 ca), Việt Nam (234 ca), Thái Lan (188 ca), Campuchia (11 ca) và Timo-Lester (2 ca).
Chuyển bệnh nhân tử vong do COVID-19 tới nhà xác bệnh viện tỉnh Pathum Thani, Thái Lan, ngày 4/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong bối cảnh số ca mắc ở Đông Nam Á vẫn ở mức cao, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà Poonam Khetrapal Singh, mới đây đã nhấn mạnh kế hoạch phục hồi của khu vực cần tập trung vào nâng cấp hệ thống y tế thiết yếu.
Theo bà Singh, cuộc khủng hoảng COVID-19 còn lâu mới kết thúc và thế giới chuẩn bị bước vào năm thứ 3 đương đầu với đại dịch. Trước nguy cơ xuất hiện thêm nhiều biến thể mới trong khi vẫn cần thời gian để khắc phục tình trạng mất cân bằng trong phân phối và tiếp cận vaccine, bà Singh cho rằng điều cần nhất là có một hệ thống y tế mạnh, hướng tới chăm sóc sức khỏe ban đầu (PHC) và không để ai bị bỏ lại phía sau. Hệ thống y tế như vậy sẽ giúp dân chúng khỏe mạnh hơn và đảm bảo an ninh tài chính. Bà khẳng định hệ thống y tế có khả năng chống chịu là cơ sở để các nước sẵn sàng và đảm bảo có thể ứng phó trong các trường hợp khẩn cấp hay khi xảy ra những biến động lớn.
Bà Singh cho biết các nước trong khu vực Đông Nam Á đã nhất trí rằng không thể và không nên chờ đợi thêm nữa mà phải hành động ngay để xây dựng lại các hệ thống y tế thiết yếu tốt hơn. Kế hoạch rõ ràng về cách thức triển khai nỗ lực này đã được nêu chi tiết trong một tuyên bố sau Phiên họp lần thứ 74 của Ủy ban Khu vực của WHO.
Singapore tăng cường các biện pháp phòng dịch cho trẻ em và người già
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại nước này những ngày gần đây tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 năm qua, Singapore đã tăng cường các biện pháp phòng dịch, đặc biệt cho những người dễ bị tổn thương như trẻ em chưa được tiêm vaccine phòng bệnh và người cao tuổi.
Theo đó, tổng số 808.000 bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên (ART) sẽ được phân phát cho học sinh và nhân viên các trường tiểu học, trường mầm non và trường giáo dục đặc biệt thuộc Bộ Giáo dục Singapore (MOE) trên toàn quốc trong tuần này để học sinh có thể tự làm xét nghiệm tại nhà với sự hỗ trợ của phụ huynh. Mỗi học sinh sẽ được nhận 3 bộ ART.
Singapore cũng đã kích hoạt chương trình quốc gia tiêm mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19 cho người cao tuổi.
Trên trang Facebook cá nhân, Bộ trưởng Y tế Singapore (MOH), ông Ong Ye Kung, cho biết khoảng 3.200 người từ 60 tuổi trở lên đã được tiêm mũi 3 vào ngày 15/9, 12.000 người đã đặt lịch tiêm và dự kiến trong vài ngày tới 140.000 người sẽ nhận được tin nhắn mời đặt lịch tiêm từ MOH.
Tất cả những người từ 60 tuổi trở lên cũng như những người sống cạnh người cao tuổi được khuyến cáo giảm tối đa tương tác xã hội trong 2 tuần tới do số ca mắc COVID-19 tăng mạnh trong những ngày gần đây, dự kiến sớm vượt mốc 1.000 ca/ngày.
Cơ quan chăm sóc sức khỏe tổng hợp (AIC) hối thúc người cao tuổi chưa tiêm phòng nên đi tiêm càng sớm càng tốt vì đây là những đối tượng có nguy cơ chuyển bệnh nặng cao hơn 6 lần so với người đã được tiêm vaccine. Trong khi đó, những người đã tiêm vaccine đầy đủ cũng được khuyến cáo nên tiêm mũi tăng cường.
Tính đến ngày 16/9, Singapore ghi nhận 73.938 ca mắc COVID-19 với 58 trường hợp tử vong, hơn 81% dân số đã được tiêm vaccine đầy đủ.
Indonesia cho phép nối lại các giải đấu thể thao
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Indonesia Zainudin Amali đã cho phép tổ chức các giải đấu thể thao với điều kiện áp dụng các quy định y tế nghiêm ngặt.
Trong cuộc họp trực tuyến với đại diện các môn thể thao, Bộ trưởng Zainudin nhấn mạnh rằng dù vẫn còn đại dịch, các hoạt động thể thao cần được nối lại song song với việc đồng hành cùng các nỗ lực chống dịch của chính phủ. Dù được Bộ Thanh niên và Thể thao phê chuẩn, tất cả các bản đệ trình về kế hoạch tổ chức giải đấu thể thao vẫn cần được Cảnh sát Quốc gia Indonesia - cơ quan có thẩm quyền cấp phép các sự kiện tập trung đông người - xem xét.
Dự kiến, 4 môn thể thao sẽ nối lại các giải đấu trong thời gian sắp tới, bao gồm leo núi, bóng quần, bóng rổ và cầu lông. Riêng môn bóng quần và leo núi sẽ khởi động giải vô địch quốc gia.
Thêm nhiều lĩnh vực kinh tế ở Malaysia được hoạt động trở lại
Từ ngày 17/9, sẽ có thêm nhiều lĩnh vực kinh tế tại Malaysia được phép hoạt động trở lại, kể cả ở những bang đang trong giai đoạn I của Kế hoạch phục hồi quốc gia.
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 15/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Thủ tướng Ismail Sabri ngày 16/9 cho biết các cửa hàng và dịch vụ như chụp ảnh, bán hoa, lưu niệm và thủ công mỹ nghệ, đồ chơi trẻ em sẽ được phép mở cửa trở lại. Bên cạnh đó, các cửa hàng kinh doanh thảm, mỹ phẩm, thuốc lá, vốn được cho là những lĩnh vực kinh tế không thiết yếu trước đây, nay được phép mở cửa trở lại. Tuy nhiên, ở giai đoạn I các doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động 60% công suất nếu có 40% số nhân viên đã hoàn thành tiêm chủng. Nếu toàn bộ số nhân viên đã được tiêm phòng thì sẽ được hoạt động 100% công suất. Các khu thể thao trong nhà và ngoài trời cũng được phép hoạt động trở lại tại các bang trong giai đoạn II và III. Kèm theo đó, nhân viên các cơ sở và khách hàng phải tuân thủ quy định giãn cách xã hội cơ bản như: đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và vệ sinh cá nhân và trang thiết bị bằng dung dịch tẩy trùng. Tương tự, những cuộc họp, hội nghị tổ chức trực tiếp sẽ được phép tổ chức tại những bang ở giai đoạn II, III và IV.
Kế hoạch phục hồi quốc gia của Malaysia gồm 4 giai đoạn với giai đoạn IV là giai đoạn cuối cùng. Đến thời điểm hiện tại chỉ còn lại 2 bang là Kedah và Johor đang ở giai đoạn I. Trong khi đó đã có 10 bang và vùng lãnh thổ liên bang được chuyển sang giai đoạn II và 3 bang đang ở giai đoạn III và 1 vùng lãnh thổ liên bang ở giai đoạn IV. Malaysia có 13 bang và 3 vùng lãnh thổ liên bang, trong đó thủ đô Kuala Lumpur, Putrajaya và Lubuan được coi là vùng lãnh thổ liên bang.
Malaysia dựa trên 3 tiêu chí để xét chuyển giai đoạn trong Kế hoạch phục hồi quốc gia, gồm số ca mắc mới có triệu chứng nghiêm trọng từ mức độ 3 tới mức độ 5 (có triệu chứng khó thở cho đến phải dùng máy trợ thở); tỷ lệ sử dụng giường điều trị tích cực (ICU) và tỉ lệ dân số hoàn thành tiêm chủng. Để chuyển từ giai đoạn I sang giai đoạn II, tỷ lệ nhập viện có triệu chứng nặng là 6,1 người/100.000 dân; từ giai đoạn II sang giai đoạn III, tỷ lệ này là 3/100.000 dân. Giai đoạn 3 chuyển sang giai đoạn 4 là 1,3/100.000 dân hoặc mỗi ngày cả nước có 400 bệnh nhân nhập viện.
Tính đến ngày 15/9, khoảng 71% người trưởng thành tại Malaysia đã hoàn thành tiêm chủng và 92,5% dân số đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19.
COVID-19 tại ASEAN hết 11/9: Philippines có ca mắc mới cao kỷ lục; Ca nhiễm cộng đồng tại Lào tăng cao Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 11/9, có 9 quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 80.680 ca mắc COVID-19 và 1.172 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 10.916.723 ca, trong đó 241.261 người tử vong. Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN Trong ngày...