COVID-19 tới 6h sáng 14/4: Thêm 2.500 ca tử vong; Gần 50% dân số thế giới có thể đã mắc bệnh
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 951.000 ca mắc COVID-19 và trên 2.500 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 501 triệu ca, trong đó trên 6,21 triệu ca tử vong.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Saint-Denis, ngoại ô Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Hàn Quốc (195.370 ca), Đức (179.888 ca) và Pháp (146.926 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (307 ca), Nga (267 ca) và Mỹ (228 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 82 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 521.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 30 triệu ca mắc và trên 661.000 ca tử vong.
Gần 50% dân số thế giới có thể đã mắc COVID-19
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN
Một số nhà nghiên cứu ước tính gần 50% dân số thế giới có thể đã nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 ít nhất một lần trong 2 năm qua. Kết quả nghiên cứu mới này do Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington (Mỹ) công bố trên tạp chí The Lancet.
Do biến thể Omicron có khả năng lây lan mạnh, số ca mắc COVID-19 đã tăng vọt trong vài tháng qua. Vào đầu năm 2022, thế giới chính thức ghi nhận gần 300 triệu ca mắc COVID-19. Nhưng chỉ một tháng sau khi bước sang năm mới, tổng số ca mắc trên thế giới đã vượt 400 triệu. Hiện số liệu của Đại học Johns Hopkins cho thấy đã có hơn 500 triệu ca mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát đầu năm 2020. Tuy nhiên, con số này được cho là chưa thực sự phản ánh đúng mức độ lây lan thực sự của virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu.
Nghiên cứu của IHME đưa ra báo cáo toàn diện về số ca mắc COVID-19 khi phân tích dữ liệu của 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Báo cáo đưa ra số ca mắc mà các nhà nghiên cứu gọi đây là phát hiện “gây sửng sốt”. Cụ thể, đến giữa tháng 11/2021, ước tính có 3,39 tỷ người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 ít nhất một lần, tương đương với khoảng 44% dân số thế giới. Đáng chú ý, con số ước tính này chỉ được đưa ra vào thời điểm trước khi biến thể Omicron có khả năng lây lan mạnh xuất hiện.
Các nhà nghiên cứu IHME đã tính toán và phát hiện tính đến ngày 14/11/2021, thế giới có 400 triệu ca mắc COVID-19. Dù nghiên cứu mới này không đưa tác động của biến thể Omicron vào mô hình tính toán, nhưng các tác giả cho rằng vào đầu năm 2022 có thêm hàng tỷ ca mắc nữa, trong đó có những ca mắc dù đã tiêm vaccine và ca tái nhiễm.
Các tác giả nghiên cứu nêu rõ các mô hình tính toán cho thấy hơn 50% dân số thế giới có thể đã nhiễm biến thể Omicron. Tuy nhiên, các nhà khoa học sẽ phải chờ dữ liệu mới về huyết thanh học trong những tháng tới để đưa ra bản phân tích chi tiết. Theo đó, số ca mắc COVID-19 tính đến tháng 3/2022 có thể tăng gần gấp đôi số ca mắc tính đến ngày 14/11/2021.
Số liệu cũng cho thấy những khu vực có tỷ lệ nhiễm cao không đạt được miễn dịch cộng đồng. Thậm chí, nghiên cứu phát hiện tỷ lệ mắc COVID-19 giảm không đáng kể ở khu vực đã có 80% dân số mắc bệnh.
Kể từ đầu dịch, nhiều nhà nghiên cứu nhấn mạnh số ca mắc COVID-19 được công bố chính thức thấp hơn nhiều so với số ca mắc thực tế. Hàng loạt công trình nghiên cứu theo dõi số ca mắc tại nhiều nơi trên thế giới và phát hiện rất nhiều ca mắc chưa được ghi nhận. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ước tính gần 25% số ca mắc chưa được báo cáo chính thức.
Tuần trước, một báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân tích hơn 150 nghiên cứu và cho rằng tính đến cuối năm 2021, khoảng 65% dân số ở châu Phi có thể đã mắc COVID-19, cao hơn khoảng 97 lần so với con số công bố chính thức.
WHO cảnh báo không nên mất cảnh giác trước đại dịch COVID-19
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở thành phố Ashkelon, Israel ngày 22/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Chủ tịch Ủy ban Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Didier Houssin ngày 13/4 cho biết ủy ban này hoàn toàn nhất trí rằng hiện nay không phải là thời điểm hạ thấp cảnh giác trước đại dịch COVID-19.
Phát biểu họp báo sau khi Ủy ban Khẩn cấp WHO kết luận rằng đại dịch vẫn gây ra tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế (PHEIC) – mức cảnh báo cao nhất mà WHO có thể đưa ra, ông Houssin khẳng định: “Hiện nay không phải là lúc hạ thấp mức độ cảnh giác của chúng ta, trái lại, đây là lời khuyến nghị cực kỳ mạnh mẽ. Đại dịch COVID-19 còn lâu mới chấm dứt, mức độ lây lan của virus SARS-CoV-2 vẫn còn rất mạnh, tỷ lệ tử vong vẫn cao và virus SARS-CoV-2 đang tiến hóa một cách không thể dự đoán được”.
Ông Houssin nói tiếp: “Hiện nay không phải là lúc lơ là trước loại virus này, hoặc buông lỏng công tác giám sát, xét nghiệm và thông báo, hay sao lãng các biện pháp y tế công cộng, đồng thời không được phép ngừng chiến dịch tiêm chủng”.
Trung Quốc khẳng định thực hiện nghiêm “chính sách không COVID linh hoạt”
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thượng Hải, Trung Quốc ngày 9/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 13/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định nước này sẽ không nới lỏng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch COVID-19.
Theo Đài Truyền thanh nhà nước Trung Quốc, phát biểu trong chuyến thăm tới đảo Hải Nam, ở miền Nam, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh phải tiếp tục thực hiện nghiêm “chính sách không COVID linh hoạt”. Việc làm này cần được thực hiện song song với nỗ lực nhằm giảm thiểu tác động của các biện pháp phòng dịch đối với hoạt động kinh tế và xã hội.
Những phát biểu trên được nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh nước này đang đương đầu với đợt bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong hơn hai năm qua. Thành phố Thượng Hải, trung tâm sản xuất và cửa ngõ giao thương quan trọng, đang là tâm dịch với hơn 25.000 ca mắc mới ghi nhận trong ngày 13/4. Thành phố này đã áp dụng các biện pháp phong tỏa từng phần từ đầu tháng 4, khiến nhiều nhà máy tại đây phải dừng hoạt động.
Hàn Quốc công bố kế hoạch tiêm mũi 4 cho nhóm nguy cơ cao
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 16/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 13/4, Chính phủ Hàn Quốc công bố kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4 cho người cao tuổi.
Đối tượng tiêm là người từ 60 tuổi trở lên và đã tiêm mũi 3 được 120 ngày. Thời gian đặt lịch tiêm bắt đầu từ ngày 18/4 và thời gian tiêm phòng bắt đầu từ ngày 25/4.
Quan chức thuộc Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) Jeong Eun-kyeong cho biết hơn 90% người Hàn Quốc ở độ tuổi 60 trở lên đã được tiêm mũi 3 (mũi tăng cường) nhưng vẫn được khuyến nghị tiêm mũi 4 vì tác dụng của vaccine bắt đầu giảm đi đáng kể khoảng 2 tháng sau mũi 3. Có khoảng 10,66 triệu người Hàn Quốc trong độ tuổi trên thuộc nhóm nên tiêm mũi 4.
Mũi tiêm thứ 4 chỉ được chỉ định tiêm cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi đang điều trị tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi hoặc những người có hệ miễn dịch kém. Việc tiêm mũi 4 sẽ được triển khai tại các cơ sở y tế, sử dụng vaccine công nghệ mRNA. Người thuộc nhóm chống chỉ định sử dụng vaccine mRNA có thể được tiêm bằng vaccine của hãng Novavax.
Video đang HOT
Nhật Bản chưa áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm
Du khách chờ xét nghiệm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 29/11/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Ngày 13/4, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio khẳng định mặc dù số ca nhiễm mới COVID-19 tại nước này đang có xu hướng tăng, nhưng tại thời điểm hiện nay, Nhật Bản chưa cần áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm.
Lý giải vấn đề này trước Quốc hội, Thủ tướng Kishida cho biết mặc dù số ca nhiễm mới đang có xu hướng tăng trên toàn quốc, nhưng tỷ lệ sử dụng giường dành riêng cho các bệnh nhân COVID-19 nói chung và các bệnh nhân COVID-19 nguy kịch nói riêng vẫn ở mức thấp. Bên cạnh đó, có tới 85% người cao tuổi ở nước này, vốn là nhóm có nguy cơ bệnh nặng cao hơn so với các nhóm đối tượng khác, đã được tiêm 3 mũi vaccine phòng COVID-19. Ngoài ra, cho tới thời điểm này, chưa có chính quyền địa phương nào đề nghị áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm.
Trong những ngày gần đây, số ca mắc mới COVID-19 có xu hướng gia tăng trở lại ở Nhật Bản. Ngày 13/4, nước này ghi nhận 51.331 ca mắc mới, và 44 ca tử vong vì COVID-19. Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia y tế đã lên tiếng cảnh báo Nhật Bản đang bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 7 của dịch COVID-19.
Hy Lạp tạm dỡ bỏ các hạn chế trong mùa du lịch Hè 2022
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Promachonas, Hy Lạp ngày 10/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Hy Lạp ngày 13/4 cho biết các biện pháp phòng dịch COVID-19 như đeo khẩu trang và các chứng nhận liên quan COVID-19 sẽ được dỡ bỏ trong mùa du lịch Hè năm nay và nhà chức trách sẽ cân nhắc tái áp đặt các biện pháp này vào tháng 9 tới.
Bộ trưởng Y tế Hy Lạp Thanos Plevris nêu rõ quyết định nới lỏng các hạn chế là dựa trên số liệu dịch tễ và đề xuất của các chuyên gia. Theo đó, từ ngày 1/5 đến 31/8 tới, người dân sẽ không còn phải xuất trình chứng nhận tiêm vaccine hay chứng nhận khỏi bệnh COVID-19 khi vào các không gian trong nhà hay ngoài trời như nhà hàng, đồng thời nhà chức trách cũng đang xem xét dỡ bỏ yêu cầu trình chứng nhận điện tử về COVID-19 của Liên minh châu Âu (EU) khi nhập cảnh nước này.
Ngoài ra, đeo khẩu trang tại các không gian trong nhà cũng không còn là bắt buộc kể từ ngày 1/6 và sinh viên sẽ quay trở lại trường học sau kỳ nghỉ Lễ Phục sinh mà không cần định kỳ trình kết quả tự xét nghiệm âm tính với COVID-19.
Ông Plevris cho biết tất cả các biện pháp này sẽ được đánh giá lại vào tháng 9.
Số ca mắc mới COVID-19 tại Hy Lạp đã giảm trong những tuần gần đây, với 15.000 ca mắc mới và 64 ca tử vong ngày 12/4. Trong tổng số 11 triệu dân nước này, khoảng 72% đã tiêm vaccine đầy đủ.
Bồ Đào Nha gia hạn các biện pháp phòng dịch
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Lisbon, Bồ Đào Nha, ngày 8/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Chính phủ Bồ Đào Nha đã quyết định gia hạn các biện pháp chống dịch COVID-19 đến ngày 22/4 trong bối cảnh có nhiều cảnh báo từ giới chuyên gia về nguy cơ làn sóng dịch mới có thể bùng phát tại một số nước. Như vậy, tình trạng cảnh giác dịch bệnh COVID-19 tại nước này sẽ kéo dài thêm 4 ngày so với quy định trước đó.
Theo thông báo của Hội đồng Bộ trưởng Bồ Đào Nga, nước này sẽ tiếp tục duy trì các quy định phòng dịch, trong đó có yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang tại các không gian kín thuộc khu vực công cộng, cơ sở khám chữa bệnh và phương tiện giao thông công cộng.
Những người chưa tiêm mũi vaccine tăng cường và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 cũng buộc phải thực hiện quy định đeo khẩu trang khi tới thăm khám tại các cơ sở y tế và nhà dưỡng lão.
ADVERTISING
X
Chính phủ Bồ Đào Nha đưa ra quyết định trên trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 và nhập viện đang giảm dần, song tỷ lệ tử vong do đại dịch vẫn có xu hướng tăng. Trong 14 ngày qua, cứ 1 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, có 29 người không qua khỏi. Thực tế này buộc giới chức Bồ Đào Nha cảnh giác trước nguy cơ dịch bệnh COVID-19.
Nhiều chuyên gia gần đây dự báo làn sóng dịch bệnh có thể tái bùng phát tại Mỹ và nhiều nước châu Âu trong mùa Thu năm tới, do đó, các nước cần có sự chuẩn bị để ứng phó với nguy cơ này.
Mexico chuẩn bị tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên diện rộng cho trẻ em
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Mexico City, Mexico. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador cùng ngày thông báo Chính phủ Mexico đã đề nghị cơ chế phân phối vaccine toàn cầu COVAX cung cấp vaccine ngừa COVID-19 dành cho trẻ em để chuẩn bị tiêm chủng trên diện rộng cho nhóm đối tượng này, sau khi Mexico hoàn thành chiến dịch chủng ngừa cho người trưởng thành vào cuối tháng 4/2022.
Nhà lãnh đạo Mexico cho biết nước này đã thanh toán trước một lô vaccine từ COVAX và dự kiến COVAX sẽ phản hồi yêu cầu của Mexico trong vài ngày tới. Tổng thống Lopez Obrador cũng cho hay Mexico có đủ vaccine để tiêm mũi tăng cường cho người trưởng thành.
Quốc gia có khoảng 130 triệu dân bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 từ cuối năm 2020, với đối tượng ưu tiên hàng đầu là các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Từ cuối tháng 10/2021, Mexico đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em dưới 18 tuổi có bệnh nền hoặc khuyết tật, cũng như bắt đầu tiêm chủng cho thanh, thiếu niên trong độ tuổi 15-17 từ cuối tháng 11/2021.
Mexico đến nay đã ghi nhận hơn 5,7 triệu ca mắc COVID-19 và 323.800 người tử vong. Hiện có hơn 85,9 triệu người dân Mexico đã được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, trong đó 93% được tiêm đủ hai mũi. Từ cuối tháng 12/2020 đến nay, Mexico đã tiếp nhận gần 224,4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.
Lo ngại về khả năng ứng phó hạn chế với một làn sóng mới của dịch COVID-19 tại Mỹ
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Việc gia tăng số ca mắc mới COVID-19 tại một số vùng của Mỹ mặc dù chương trình xét nghiệm để xác định các ca nhiễm mới đã thu hẹp làm dấy lên những lo ngại về khả năng khó phát hiện một làn sóng dịch mới tại quốc gia vốn chịu ảnh hướng lớn nhất của dịch COVID-19 này.
Bloomberg cho rằng việc tiến hành các xét nghiệm và giải trình tự virus là yếu tố cốt lõi để có thể ứng phó nhanh chóng với những làn sóng dịch COVID-19 mới. Nhưng trong bối cảnh hiện nay khi Mỹ đang dần khôi phục trạng thái bình thường sau dịch COVID-19, nhu cầu tiến hành xét nghiệm giảm, các ưu tiên tài trợ của ngân sách liên bang chuyển đổi, điều này buộc các trung tâm xét nghiệm phải đóng cửa, trong khi các cơ sở y tế khác sẽ phải tăng giá tiến hành xét nghiệm khi không còn nhận được sự hỗ trợ từ các chương trình xét nghiệm của chính phủ. Theo đó, người dân chuyển hướng tự xét nghiệm tại nhà để giảm chi phí và cơ quan chức năng sẽ không thể tiếp cận đầy đủ thông tin xét nghiệm để đánh giá tình hình dịch bệnh thực tế khi người dân không thông báo kết quả xét nghiệm. Chính vì lý do này, bất chấp tiến bộ của khoa học trong phát triển vaccine và thuốc điều trị COVID-19, các chuyên gia y tế cho “hàng phòng vệ” COVID-19 của Mỹ sẽ trở nên yếu dần theo thời gian, thay vì vững mạnh hơn.
Trong vài tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 đã bắt đầu gia tăng tại nhiều địa phương của Mỹ như New York, Massachusetts và Chicago. Một số chính quyền địa phương đã bắt đầu kêu gọi sự cảnh giác trước dịch bệnh.
Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) Mỹ, “biến thể tàng hình” BA.2 của Omicron chiếm hơn 85% số ca nhiễm mới tại nước này (tính đến tuần kết thúc ngày 9/4), tăng so với con số 75,4% ghi nhận 1 tuần trước và 65.8% của 2 tuần trước đó.
Theo báo cáo của Hiệp hội Nhi khoa Mỹ (AAP) và Hiệp hội bệnh viện nhi khoa, kể từ đầu dịch COVID-19 đến nay, gần 12,9 triệu trẻ em tại Mỹ có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó có 114.000 trường hợp được ghi nhận trong 4 tuần qua.
Báo cáo cũng cho biết trẻ em chiếm tới 19% tổng số ca mắc COVID-19 toàn nước Mỹ. AAP nhấn mạnh tới sự cần thiết thu thập thông tin dữ liệu về từng nhóm tuổi của bệnh nhân COVID-19, qua đó đánh giá hậu quả lâu dài của dịch COVID-19 đối với sức khỏe, tinh thần và phúc lợi xã hội đối với thế hệ trẻ em trưởng thành trong giai đoạn dịch bệnh.
COVID-19 tới 6h sáng 13/4: Thế giới vượt mốc 500 triệu ca bệnh; 17% không thể trở lại làm việc
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 911.000 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh vượt mốc 500 triệu, trong đó có trên 6,2 triệu ca tử vong.
17% bệnh nhân không thể trở lại làm việc vì ảnh hưởng sức khoẻ hậu COVID-19.
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Iran. Ảnh: IRNA/ TTXVN
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 13/4 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 500.794.656 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 6.208.667 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 991.413 và 2.754 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 450.795.293 người, 43.790.696 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 44.017 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 210.676 ca; Pháp đứng thứ hai với 190.762 ca; tiếp theo là Đức (164.628 ca). Đức và Anh đứng đầu về số ca tử vong mới, với cùng 288 người chết trong ngày; tiếp theo là Mỹ 271 ca và Hàn Quốc với 171 ca.
Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 82.119.050 người, trong đó có 1.012.796 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.037.388 ca nhiễm, bao gồm 521.746 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 30.183.929 ca bệnh và 661.493 ca tử vong.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với gần 185 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 144,25 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 97,1 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 56,45 triệu ca, tiếp đến là châu Phi gần 11,8 triệu ca và châu Đại Dương 6,22 triệu ca nhiễm.
Người dân chọn mua hàng tại một siêu thị ở Frankfurt, Đức ngày 7/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN
17% bệnh nhân không trở lại làm việc vì ảnh hưởng sức khoẻ hậu COVID-19
Báo Financial Times ngày 12/4 đưa tin phần lớn trong hơn 100 triệu người trên toàn thế giới đã bình phục sau khi mắc COVID-19 đang chịu những tác động nặng nề về sức khỏe và nhiều người chưa thể trở lại làm việc. Dự báo sẽ có thêm nhiều người lâm vào tình trạng tương tự, từ đó kéo theo nguy cơ thiếu hụt lao động.
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Leicester (Anh) đã thu thập thông tin của 1.170 người từng nhập viện vì COVID-19 trong giai đoạn từ tháng 3-11/2020. Qua đó, họ nhận thấy 17% trong số này không trở lại làm việc sau khi đã khỏi bệnh và xuất viện được 5 tháng; 19% thay đổi công việc do các tác động liên quan tới sức khỏe hậu COVID-19. Ngoài ra, 25% các doanh nghiệp tại Anh cho biết những tác động sau khi mắc căn bệnh này là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng lao động nghỉ việc trong thời gian dài.
Viện Brookings tại Mỹ cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Theo đó, viện nghiên cứu chính sách này cho biết tính đến tháng 11/2021, 15% trong tổng số 1.060.000 vị trí việc làm đang cần nhân sự để thay thế những lao động vắng mặt vì sức khỏe suy giảm hậu COVID-19.
ệnh nhân COVID-19 được điều trị tại trung tâm y tế ở Reno, Nevada, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN
Biến thể Omicron khiến con người dễ tái nhiễm hơn
Giới chuyên gia cho rằng việc tái nhiễm virus SARS-CoV-2 hiếm khi xảy ra, song điều này đã khác khi Omicron xuất hiện.
Tiến sĩ Saqib Shahab, người đứng đầu cơ quan y tế tỉnh bang Saskatchewan nhấn mạnh do Omicron rất khác biệt, nên việc lây nhiễm trước đó không bảo vệ được con người trước làn sóng tấn công của biến thể này. Ông dẫn dữ liệu y tế công cộng cho biết khoảng 10% số người mắc COVID-19 gần đây tại Canada là do nhiễm BA.2 - biến thể phụ của Omicron. Trước đó, những người này từng mắc BA-1 hoặc biến thể khác, như Delta.
Điều này phù hợp với các nghiên cứu gần đây ở Anh cho thấy 10% số ca bị nhiễm lại virus SARS-CoV-2. Theo Tiến sĩ Shahab, như vậy việc nhiễm Omicron không có nghĩa là con người đã có tấm khiên bảo vệ mình khỏi việc tái nhiễm.
Học sinh rời trường học ở Hong Kong, Trung Quốc, ngày 11/1/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN
Nhà dịch tễ học Nazeem Muhajarine thuộc Đại học Saskatchewan cho biết so với các biến thể khác, Omicron có khả năng chống chọi tốt hơn miễn dịch do vaccine hoặc các lần nhiễm trước đó tạo ra. Omicron không chỉ có khả năng thoát khỏi miễn dịch, mà còn đến vào đúng thời điểm khả năng miễn dịch của con người giảm dần, sau khi hầu hết người dân Canada đã tiêm đủ liều cơ bản. Do đó, giới chức y tế đề nghị người dân đã tiêm đủ liều cơ bản nếu có điều kiện nên tiêm mũi tăng cường.
Mỹ thay đổi hướng tiếp cận trong ứng phó với dịch bệnh
Số ca mắc COVID-19 đang có dấu hiệu gia tăng trở lại tại Mỹ ngay cả khi nhiều người dân mong muốn gác lại những nỗi lo lắng này để hướng tới cuộc sống bình thường mới.
Thủ đô Washington đã chứng kiến một loạt ca mắc COVID-19 trong các thành viên quốc hội và chính quyền, và số ca mắc trong thành phố nói chung cũng đang gia tăng. Số ca mắc tại New York và các khu vực khác ở vùng Đông Bắc cũng đang tăng lên, với việc Philadelphia ngày 11/4 thông báo sẽ ban hành quy định bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang ở những nơi công cộng trong nhà.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định có những cơ sở để dự đoán mọi sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19 trong thời gian tới có khả năng sẽ ít gây thiệt hại hơn so với những làn sóng trước đó. Sự kết hợp giữa vaccine, mũi tiêm nhắc lại và phương pháp điều trị mới đồng nghĩa ngay cả khi số ca bệnh tăng lên, số ca nhập viện và tử vong được kỳ vọng sẽ không tăng quá mức. Nhà Trắng đang kỳ vọng chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường và việc cung cấp thuốc điều trị COVID-19 có thể chống lại bất kỳ làn sóng dịch nào bùng phát trong thời điểm hiện tại, thay vì các biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang hay đóng cửa doanh nghiệp.
Phát biểu trên kênh truyền hình MSNBC ngày 11/4, ông Ashish Jha, điều phối viên ứng phó với đại dịch COVID-19 của Nhà Trắng, nhấn mạnh: "Chúng ta không cần phải để dịch COVID-19 điều khiển cuộc sống của mình nữa. Chúng ta hiện có rất nhiều liệu pháp được áp dụng rộng rãi cho những người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn".
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/ TTXVN
Phù hợp với cách tiếp cận mới này, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) vào cuối tháng 2 đã ban hành hướng dẫn mới, theo đó người dân không cần đeo khẩu trang trừ khi số ca mắc và nhập viện tăng lên rõ rệt. Giáo sư y tế công cộng Leana Wen tại Đại học George Washington cũng nhận định không cần thiết phải khôi phục các biện pháp hạn chế để ngăn dịch lây lan nếu các bệnh viện không bị quá tải trở lại.
Indonesia ban hành quy định mới sau khi vượt chỉ tiêu tiêm chủng
Tính đến ngày 11/4, tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 tại Indonesia là 77,62%, vượt chỉ tiêu đề ra ban đầu (70%). Cùng với tình hình dịch bệnh cải thiện, chính phủ nước này đã mở cửa du lịch và điều chỉnh quy định phòng chống dịch.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến ngày 12/4, người phát ngôn Lực lượng đặc nhiệm quốc gia về xử lý COVID-19, Wiku Adisasmito, cho biết 12/34 tỉnh thành trên cả nước vượt mốc tiêm chủng trung bình quốc gia (77,62%), trong đó thủ đô Jakarta đứng đầu với mức tiêm chủng đạt 126% so với chỉ tiêu. Ông Wiku cho rằng ý thức và kỷ luật cộng đồng là chìa khóa để kiểm soát dịch bệnh. Yếu tố này càng quan trọng hơn nữa trong giai đoạn quốc gia có dân số theo Hồi giáo lớn nhất thế giới đang thực hiện tháng ăn chay Ramanda và chuẩn bị Lễ Eid Al-Fitr lớn nhất trong năm.
Người phát ngôn Wiku cho biết thêm các quy định phòng chống dịch mới nhất được điều chỉnh. Đối với du khách nước ngoài, Chính phủ Indonesia yêu cầu phải xuất trình thông tin đầy đủ đã được cập nhật trên ứng dụng giám sát sức khỏe PeduliLindunghi, trừ các trường hợp không thể tiêm phòng theo chỉ định của bác sĩ và các trường hợp đã bình phục sau khi mắc COVID-19.
Đối với khách du lịch trong nước, người lớn đã tiêm mũi tăng cường và trẻ em dưới 6 tuổi đi kèm đã tiêm đủ hai mũi vaccine cơ bản sẽ không phải xuất trình kết quả xét nghiệm COVID-19.
Sau đợt bùng phát dịch do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, hiện số ca mắc mới và số ca tử vong đều giảm nhanh chóng trên cả nước. Tỷ lệ lấp đầy giường bệnh giảm mạnh từ 40% hồi đầu tháng 2 xuống còn 4%.
Một điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 8/4/2022. Ảnh: THX/ TTXVN
Nguy cơ viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine COVID-19 "rất thấp"
Nguy cơ bị viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 "rất thấp" và thấp hơn nhiều so với những nguy cơ tổn hại sức khỏe khi mắc COVID-19. Đây là kết quả nghiên cứu đã được giới chuyên gia thẩm định và được công bố trên tạp chí The Lancet ngày 11/4.
Nghiên cứu cho thấy nguy cơ bị viêm cơ-màng ngoài tim sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 là thấp và không khác nhiều so với người tiêm vaccine ngừa các bệnh khác. Cụ thể, chỉ có 18 ca viêm cơ tim trên 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, so với tỷ lệ 56 ca trên 1 triệu liều vaccine ngừa bệnh khác. Nguy cơ viêm cơ-màng ngoài tim ở người tiêm vaccine mRNA ngừa COVID-19 cao gần 4 lần so với người tiêm các loại vaccine khác ngừa COVID-19.
Đáng chú ý, nghiên cứu chỉ rõ nam giới dưới 30 tuổi có nguy cơ viêm cơ tim cao hơn 10 lần so với nữ giới cùng nhóm tuổi. Nam giới trên 30 tuổi có nguy cơ cao hơn 3 lần so với nữ giới cùng nhóm tuổi.
Giải thích nguyên nhân các vấn đề về tim mạch liên quan đến vaccine mRNA ngừa COVID-19, nghiên cứu cho rằng đó có thể là tác dụng phụ của phản ứng viêm do bất kỳ loại vaccine nào gây ra, chứ không chỉ là vaccine ngừa COVID-19.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Berlin, Đức. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân Anh lo lắng về chi phí sinh hoạt hơn COVID-19
Người dân Anh hiện lo lắng về khả năng tài chính của họ nhiều hơn lo lắng về đại dịch COVID-19, trong bối cảnh lạm phát trở thành mối quan tâm hàng đầu của người dân.
Kết quả khảo sát xã hội do Đại học College London (UCL) thực hiện hồi tháng 3 vừa qua, cho biết 38% người trưởng thành ở Anh lo lắng về khả năng tài chính của họ - tỷ lệ cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát này được thực hiện lần đầu tiên hồi tháng 3/2020. Trong khi đó, tỷ lệ người dân Anh lo ngại về khả năng mắc COVID-19 giảm từ 40% trong tháng 1 vừa qua xuống còn 33%. Tất cả các nhóm tuổi đều bày tỏ ngày càng lo ngại về khả năng tài chính, trong đó cao nhất là những người thuộc nhóm tuổi từ 30 đến 59 tuổi, gấp đôi so với nhóm lớn tuổi hơn. Trong nhóm người ở độ tuổi trung niên này chỉ có khoảng 1/3 lo ngại về đại dịch COVID-19.
ADVERTISING
X
Anh đã dỡ bỏ gần như toàn bộ các hạn chế pháp lý liên quan đến dịch COVID-19 vào ngày 24/2. Trong kho đó, vấn đề đảm bảo tài chính cho gia đình đã trở thành mối quan tâm hàng đầu đối với người dân Anh khi lạm phát tiêu dùng trong tháng 2 vừa qua đã tăng lên mức cao nhất trong 30 năm qua, tới 6,2%. Theo kết quả khảo sát, chỉ khoảng một nửa số người được hỏi cảm thấy đảm bảo được tài chính cho gia đình, giảm so với gần 2/3 trong cuộc khảo sát tháng 10 năm ngoái.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 4/4/2022. Ảnh: Yonhap/ TTXVN
Ngày thứ ba liên tiếp Thái Lan ghi nhận hơn 100 ca tử vong vì COVID-19
Theo số liệu thống kê chính thức được công bố ngày 12/4, số ca tử vong vì COVID-19 tại Thái Lan lại vượt trên 100 ca trong ngày thứ ba liên tiếp.
Cụ thể, với thêm 101 bệnh nhân không qua khỏi trong 24 giờ qua, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này đã tăng lên 26.298 ca. Trước đó, ngày 10/4, Thái Lan ghi nhận 108 ca tử vong và đây là số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất theo ngày tại nước này trong gần 6 tháng qua.
Do hầu hết các ca tử vong trong làn sóng dịch gần đây là những người chưa tiêm vaccine hoặc những người dễ tổn thương, giới chức y tế đang triển khai các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng cho các nhóm này.
Cũng trong ngày 12/4, số ca mắc mới COVID-19 tại Thái Lan đã giảm nhẹ, với 19.982 ca. Đây là số ca mắc mới thấp nhất trong 28 ngày qua. Tuy nhiên, giới chức và các chuyên gia đã cảnh báo nguy cơ về một đợt lây nhiễm mới trong kỳ nghỉ lễ Songkran sắp tới. Theo dự báo, sau dịp này, số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày tại Thái Lan có thể lên tới 100.000 ca.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thượng Hải, Trung Quốc ngày 1/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Mỹ thúc đẩy tiêm phòng cho nhân viên liên bang
Bộ Tư pháp Mỹ ngày 11/4 đã yêu cầu tòa án phúc thẩm liên bang cho phép chính quyền của Tổng thống Joe Biden nối lại thực thi sắc lệnh về tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhân viên liên bang. Sắc lệnh này trước đó đã bị một tòa án cấp thấp hơn "vô hiệu hóa" vào tháng 1 năm nay.
Trong tuyên bố mới nhất, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo đã yêu cầu tòa phúc thẩm "thực hiện các bước đi phù hợp để chính phủ có thể nối lại việc triển khai và thực thi sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Joe Biden. Tuyên bố nhấn mạnh tòa phúc thẩm nên ngay lập tức ra phán quyết, đồng thời cho rằng việc đình chỉ thực thi sắc lệnh đang gây tác động nghiêm trọng tới lợi ích của người dân và cả chính quyền.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Biden cho biết ông sẽ yêu cầu khoảng 3,5 triệu nhân viên làm việc trong các cơ quan, tổ chức của Chính phủ Mỹ tiêm vaccine ngừa COVID-19 trước ngày 22/11/2021. Những người từ chối tiêm phòng có thể sẽ bị kỷ luật hoặc bị sa thải. Tuy nhiên, vào giữa tháng 1 năm nay, Tòa án Tối cao Mỹ đã đình chỉ sắc lệnh này.
Theo thống kê của Nhà Trắng, tính đến nay, mới có hơn 93% nhân viên viên liên bang được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19.
COVID-19 tới 6h sáng 11/4:Trên 6,2 triệu ca tử vong; Ấn Độ lo làn sóng 4 do biến thể XE Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 615.000 ca mắc COVID-19 và 1.600 ca tử vong mới, nâng tổng số người thiệt mạng lên trên 6,2 triệu.. Ấn Độ e ngại làn sóng thứ tư do biến thể tái tổ hợp XE. Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 4/4/2022. Ảnh: Yonhap/ TTXVN Theo trang thống...