COVID-19 tới 6 giờ sáng 8/3: Mỹ cảnh báo làn sóng dịch mới; Phát hiện mối liên hệ giữa nhóm máu và nguy cơ bệnh nặng
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 1.193.047 trường hợp mắc COVID-19 và 4.102 ca tử vong. Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 447 triệu ca, trong đó trên 6 triệu người không qua khỏi.
Người dân xếp hàng chờ bơm đầy bình oxy để cung cấp cho bệnh nhân COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: THX/ TTXVN
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 8/3 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 447.364.604 ca, trong đó có 6.023.496 người tử vong.
Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch COVID-19 đảo chiều. Dù vậy, sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và từng bước trở lại cuộc sống trước đại dịch.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh bắt đầu giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh “ nóng nhất” nằm ở châu Âu-châu Mỹ khi dịch tái bùng phát, số ca mắc mới vẫn cao ở nhiều nước thuộc châu lục này. Song ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Trong 1 ngày qua, Hàn Quốc là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 210.000 ca), trong khi Nga là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với xấp xỉ 700 ca.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế ở Tel Aviv, Israel. Ảnh: AFP/ TTXVN
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 375 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 61 triệu ca và trên 73.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 7/3, thế giới có 91 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 68 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Tại Mỹ – quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19, số ca mắc mới COVID-19 do biến thể Omicron đang giảm dần, trong khi các bang và thành phố ở nước này từng bước dỡ bỏ các quy định phòng dịch.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ gần đây đã công bố hướng dẫn mới về phòng dịch COVID-19, theo đó chuyển sang theo dõi số ca nhập viện, thay vì số ca mắc mới, để đánh giá nguy cơ đối với cộng đồng. Cơ quan này cho biết nguy cơ quá tải hệ thống y tế ở Mỹ là rất thấp, do đó có thể nới lỏng quy định đeo khẩu trang và các biện pháp hạn chế khác.
Đến nay, hầu hết các bang và thành phố của Mỹ đã hủy bỏ hoặc thông báo kế hoạch hủy bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang và tiêm vaccine ngừa COVID-19. Hiện Mỹ ghi nhận trung bình 54.000 ca mắc mới COVID-19 và 1.300 ca tử vong mỗi ngày. Tổng số ca mắc COVID-19 đến thời điểm này là 80.917.522 ca, trong đó có 984.020 ca tử vong.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/ TTXVN
Video đang HOT
Số ca mắc mới COVID-19 do biến thể Omicron đang giảm dần tại Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cộng đồng cho rằng các nhà lãnh đạo nên tận dụng quãng thời gian đại dịch tạm lắng để chuẩn bị cho phương án đối phó với những đợt lây nhiễm có thể bùng phát trong tương lai.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 7/3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 120.023 ca mắc mới COVID-19 và 501 ca tử vong.
Tới hết ngày 7/3, tổng số ca bệnh ở khu vực Đông Nam Á là trên 18.533.992 trường hợp và 320.258 ca tử vong. Trong ngày 7/3, Việt Nam có số ca mắc mới (trên 140.000 ca) cao nhất khu vực ASEAN, trong khi Indonesia cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (250 ca).
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Philippines và Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Lào và Việt Nam.
Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á tăng mạnh số ca mắc bệnh. Hiện đã có ít nhất 9 thành viên ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron. Tuy vậy, về cơ bản, các nước đang ngày càng khống chế tốt đại dịch và số ca tử vong không quá cao.
Tại một số nước Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia và Campuchia, nhịp sống bình thường đang dần quay trở lại. Tại đảo nghỉ dưỡng Bali của Indonesia, dịch vụ cấp visa khi đến (visa on arrival – VOA) sẽ được nối lại kể từ ngày 7/3 cho khách du lịch từ 23 quốc gia trên thế giới. Danh sách này bao gồm Australia, Mỹ, Hà Lan, Anh, Italy, Nhật Bản, Đức, Canada, Hàn Quốc, Pháp, Qatar, New Zealand, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), và 9 nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Để được cấp VOA, du khách cần đáp ứng một số điều kiện, như hộ chiếu còn hạn tối thiểu 6 tháng, mua vé máy bay khứ hồi hoặc nối chuyển đến một quốc gia khác và trình các giấy chứng nhận y tế theo yêu cầu của Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Indonesia. Mức phí được áp dụng cho VOA là 500.000 Rupiah (khoảng 35 USD). Loại thị thực này có giá trị lưu trú tối đa 30 ngày và chỉ được phép gia hạn một lần duy nhất.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 5/3/2022. Ảnh: THX/ TTXVN
Trong khi đó, Malaysia đã sẵn sàng mở cửa trở lại biên giới, đặc biệt là trong việc tiếp nhận du khách nước ngoài. Hai điểm nhập cảnh quốc tế chính cho du khách quốc tế là Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur (KLIA) và Tòa nhà Sultan Iskandar ở bang Johor.
Theo Tổng Giám đốc Cục Nhập cư thuộc Bộ Di trú Malaysia, ông Khairul Dzaimee Daud, tất cả các cổng nhập cảnh đã được kích hoạt trở lại và nhân viên làm việc tại các điểm nhập cảnh quốc tế trước đây đã được yêu cầu quay trở lại vị trí.
Ngoài ra, Bộ Di trú Malaysia dự kiến tăng lượng khách du lịch nước ngoài nhập cảnh. Trong quá trình nộp hồ sơ nhập cảnh, du khách phải chứng minh có nơi ở tại Malaysia, có đủ tài chính và hành trình du lịch.
Còn tại Campuchia, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen ngày 7/3 tuyên bố sẽ tổ chức Tết cổ truyền Chol Chhnam Thmei của người Khmer năm 2022 bình thường theo truyền thống. Theo lịch, Tết cổ truyền Chol Chhnam Thmei của người Campuchia năm 2022 sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 14 đến 16/4. Cùng ngày, Campuchia bắt đầu triển khai chính sách cấp miễn phí thuốc kháng virus Molnupiravir cho các nhân viên y tế tuyến đầu mắc COVID-19 nhưng có triệu chứng nhẹ và được điều trị tại nhà.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại tinrh Aichi, Nhật Bản. Ảnh: AFP/ TTXVN
Tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), ít nhất 4.000 cảnh sát sẽ được triển khai để hỗ trợ đợt xét nghiệm toàn dân vào cuối tháng 3. Chính quyền Hong Kong dự kiến bắt đầu xét nghiệm toàn dân vào ngày 26/3 và kéo dài 9 ngày, mỗi người xét nghiệm tổng cộng 3 lần và sẽ bị hạn chế ra khỏi nhà trong 4 ngày. Trong thời gian triển khai đợt xét nghiệm toàn dân, người dân có thể ra ngoài mua các mặt hàng được chỉ định như thực phẩm, thuốc, nhưng danh sách chi tiết cụ thể chưa được công bố.
Tại Nga, Giám đốc Viện Gamaleya, ông Alexander Gintsburg, kỳ vọng loại vaccine phòng COVID-19 dạng xit do Nga bào chế và sản xuất sẽ sớm được cấp phép sự dụng tại nước này.
Ông Gintsburg nêu rõ Bộ Y tế Nga đã giao cho viện này đến ngày 17/3 là thời hạn để hoàn thành tiêm thử nghiệm vaccine dạng xịt cho tình nguyện viên. Sau thời gian này, Viện Gamaleya sẽ gửi báo cáo kết quả thử nghiệm lâm sàng và dựa trên báo cáo này, Bộ Y tế Nga mới đưa ra quyết định về việc cấp phép sử dụng cho loại vaccine dạng xịt này.
Theo ông Gintsburg, vaccine dạng xịt đã được thử nghiệm lâm sàng cho hơn 100 người và những người này đều không có phản ứng phụ sau khi xịt. Hồi tháng 10/2021, Bộ Y tế Nga đã cho phép tiến hành thử nghiệm lâm sàng loại vaccine mới này. Đến tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Vladimir Putin đã đề nghị tham gia nhóm tình nguyện viên thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 dạng xịt. Ông Putin cho biết ông không gặp bất cứ tác dụng phụ nào sau thử nghiệm.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Toronto, Canada, ngày 2/3/2022. Ảnh: THX/ TTXVN
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tiếp tục hoành hành tại nhiều nước trên thế giới, nhiều người vẫn đang phải chống chọi với những triệu chứng rõ ràng của căn bệnh này. Trong loạt dấu hiệu này, khó thở bị xem là triệu chứng nguy hiểm nhất trong suốt 2 năm dịch bệnh vừa qua.
Sean Marchese, một y tá làm việc tại Trung tâm Mesothelioma (Mỹ) cho biết khó thở chính là một trong những dấu hiệu đáng quan ngại nhất của COVID-19 do ảnh hưởng đến mọi hoạt động hàng ngày, kể cả lúc nghỉ ngơi. Đây cũng là dấu hiệu phổ biến cùng với các triệu chứng như ho và sốt. Dấu hiệu này cho thấy cơ thể không nhận đủ oxy.
Lượng oxy thấp sẽ ảnh hưởng đến não, tim và các cơ quan quan trọng khác trong cơ thể. Một trong những thách thức lớn nhất mà đội ngũ y tế gặp phải trong đại dịch COVID-19 đó là bệnh nhân có thể yếu đi nhanh chóng khi không đủ oxy. Virus SARS-CoV-2 đã “âm thầm” làm giảm lượng oxy bão hòa trong cơ thể bệnh nhân, và sau một thời gian tổn thương, họ sẽ rất khó có thể phục hồi hoàn toàn.
Người dân di chuyển trên đường phố tại Athens, Hy Lạp, ngày 5/3/2022. Ảnh: THX/ TTXVN
Phổi là cơ quan bị ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 với những biến chứng như viêm phổi, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển và nhiễm khuẩn. COVID-19 có thể gây tổn thương lâu dài cho phổi, biểu hiện qua triệu chứng khó thở. Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp, có thể gây viêm phế quản.
Bước đầu tiên để điều trị triệu chứng là nhận thức được dấu hiệu xuất hiện. Khi bệnh nhân cảm thấy không hít đủ không khí từ việc hít thở bình thường, hoặc gặp khó khăn trong việc thở mạnh, nhiều khả năng họ đang bị khó thở. Triệu chứng này còn bao gồm việc cảm thấy tức ngực khi hít vào hoặc thở ra, khiến họ muốn hít mạnh hơn do cảm thấy thiếu không khí.
Ngay từ giai đoạn đầu đại dịch COVID-19 bùng phát, các bác sĩ đã bắt đầu theo dõi mối liên hệ giữa mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này và nhóm máu của bệnh nhân. Giờ đây, các nhà nghiên cứu đã xác thực những quan sát ban đầu đó, phát hiện ra một số protein trong máu của các bệnh nhân có liên quan đến việc gia tăng nguy cơ nhập viện và tử vong vì COVID-19.
Một số nghiên cứu quan sát sớm nhất về mối liên hệ này ở Vũ Hán (Trung Quốc) vào năm 2020 đã chỉ ra mối tương quan giữa nhóm máu của một người và nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Quan sát chung cho thấy những người thuộc nhóm máu A có nguy cơ nhập viện và tử vong cao hơn nhiều so với những người thuộc nhóm máu O.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 5/3/2022. Ảnh: THX/ TTXVN
Một nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí PLOS Genetics đã cung cấp cái nhìn sâu nhất cho đến nay về mối quan hệ nguyên nhân-kết quả giữa nhóm máu và mức độ nghiêm trọng của COVID-19. Nghiên cứu sử dụng một phương pháp phân tích được gọi là ngẫu nhiên Mendel để đánh giá mối quan hệ giữa các biến thể gene chi phối mức protein trong máu và tình hình sức khỏe của bệnh nhân mắc COVID-19.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã sàng lọc hơn 3.000 protein trong máu và mức độ nghiêm trọng của COVID-19 được xác định thông qua việc nhập viện hoặc tử vong. Một trong những phát hiện quan trọng là mối liên hệ nguyên nhân-kết quả giữa mức độ nghiêm trọng của COVID-19 và một loại enzym được gọi là ABO, xác định nhóm máu của một người.
Ông Christopher Hbel tại Đại học King’s College London (Anh), đồng tác giả nghiên cứu, cho biết dù không xem xét cụ thể mối liên hệ giữa từng nhóm máu với nguy cơ bệnh nặng, song nghiên cứu chỉ ra rằng những phát hiện về ABO đã phần nào xác thực các nghiên cứu quan sát trước đây về mối liên hệ giữa nhóm máu A với việc tăng nguy cơ bệnh nặng khi mắc COVID-19.
Thành phố New York sa thải trên 1.400 nhân viên chính phủ không tiêm vaccine ngừa COVID-19
Truyền thông Mỹ đưa tin chính quyền thành phố New York của Mỹ ngày 14/2 thông báo đã sa thải hơn 1.400 nhân viên chính phủ vì họ không tuân thủ quy định bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho một phụ nữ tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Thị trưởng thành phố New York, Eric Adams, cho biết ngay trước hạn cuối vào ngày 11/2, nhiều nhân viên trong các đơn vị hành chính đã nộp bằng chứng cho thấy họ đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19. Số người chưa tiêm chủng nhanh chóng giảm từ 3.400 người xuống 1.430 người chỉ trong một tuần trước đó. Theo đó, chính quyền New York đã sa thải số người chưa tiêm chủng này. Trong số 1.430 công chức bị sa thải có tới 914 nhân viên thuộc Bộ Giáo dục, 36 cảnh sát và 25 lính cứu hỏa.
Thị trưởng Eric Adams nhấn mạnh các nhân viên nhà nước là những người làm việc ở tuyến đầu chống đại dịch COVID-19. Do đó, để chứng tỏ họ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ để bảo vệ bản thân và người dân New York là bằng cách tiêm vaccine.
Tại New York có 13.044 viên chức đã nộp đơn xin miễn tiêm vaccine vì lý do sức khỏe và tôn giáo, trong đó hơn 70% số đơn đã bị từ chối và 2.118 đơn đã được tiếp nhận.
Quy định bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhân viên nhà nước là chính sách có từ thời cựu Thị trưởng Bill de Blasio. Cuối năm ngoái, hơn 10.000 nhân viên đã không tuân thủ quy định này. Tại New York hiện có khoảng 400.000 người lao động đang làm việc trong các cơ quan nhà nước của thành phố.
Nghiên cứu đầu tiên cho thấy miễn dịch giảm sau mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 Một nghiên cứu do Trung tâm phòng và kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ thực hiện trên quy mô toàn quốc là nghiên cứu đầu tiên cho thấy miễn dịch đối với COVID-19 bắt đầu giảm 4 tháng sau khi tiêm mũi vaccine thứ 3 bằng vaccine theo công nghệ mRNA (của Pfizer và Moderna). Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa...