COVID-19 tới 6 giờ 18/9: Anh thay đổi chính sách phòng dịch; Ấn Độ lập kỷ lục tiêm 20 triệu liều vaccine/ngày
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 496.228 trường hợp mắc COVID-19 và 8.697 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 228 triệu ca, trong đó gần 4,7 triệu người không qua khỏi.
Italy ra quy định yêu cầu khách thăm quan phải trình thẻ xanh mới được vào các điểm du lịch, rạp chiếu phim, nhà hàng, khu thể thao trong nhà. Ảnh: AP/TTXVN
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 18/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 228.296.573 ca, trong đó có 4.692.822 người tử vong.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh trong ngày đang có dấu hiệu chững lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “ nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong cũng có xu thế giảm.
Nhiều nước Á-Âu tình hình vẫn đáng ngại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Mỹ, Ấn Độ, Iran, Anh và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới với trên 100.000 ca, trong khi số ca tử vong cũng dẫn đầu với trên 1.000 trường hợp.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 do Sinopharm sản xuất cho học sinh ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc ngày 28/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 204 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là gần 19 triệu ca và trên 100.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 17/9, thế giới có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 88 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 42.742.305 ca mắc và 690.180 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33 triệu ca mắc và trên 444.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 21 triệu ca bệnh, trong đó trên 589.000 ca tử vong.
Tại châu Á, trong các nỗ lực bao phủ vaccine của Trung Quốc, việc tiêm vaccine cho lứa tuổi từ 12-17 tuổi được xem là một phần quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho học sinh sau khi quay lại trường học, cũng như tăng cường hàng rào miễn dịch toàn dân.
Trung Quốc bắt đầu tiến hành tiêm vaccine cho trẻ vị thành niên từ 12-17 tuổi (bao gồm học sinh các trường tiểu học, trung học phổ thông, đại học, trung học kỹ thuật, trường dạy nghề, trường kỹ thuật) từ cuối tháng 7.
Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc ngày 28/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Hiện công tác tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhóm đối tượng trong độ tuổi từ 12-17 vẫn đang tiếp tục được tiến hành tại 31 tỉnh thành trên toàn Trung Quốc. Đối với nhóm trẻ dưới 12 tuổi, việc tiêm vaccine sẽ được triển khai thống nhất trong thời gian tới theo cơ chế phối hợp phòng, chống dịch bệnh của Quốc Vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc. Đến nay, nước này đã có hơn 1 tỷ người trên tổng dân số gần 1,4 tỷ người tiêm đủ 2 mũi vaccine các loại.
Trong khi đó, các chuyên gia y tế Hong Kong (Trung Quốc) kiến nghị chỉ nên tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi, sau khi phát hiện tỷ lệ xuất hiện các hiện tượng viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim sau khi tiêm vaccine trong nhóm tuổi này ở Hong Kong cao hơn dự kiến ban đầu. Cục Giáo dục Hong Kong đã thay đổi các yêu cầu về học trực tiếp toàn thời gian vào ngày 16/9, theo đó, học sinh từ 12 đến 17 tuổi đã tiêm một mũi vaccine đáp ứng yêu cầu học trực tiếp toàn thời gian.
Tại Ấn Độ, nước này đã lập kỷ lục mới với việc tiêm hơn 20 triệu liều vaccine COVID-19 trong một ngày, tạo một cú huých quan trọng cho chương trình tiêm phòng toàn quốc. Hiện Ấn Độ đã tiêm tổng cộng khoảng 787 triệu liều vaccine kể từ khi khởi động chiến dịch tiêm chủng hồi tháng 1, trong đó có 190 triệu mũi hai. Cùng ngày, Ấn Độ ghi nhận 34.403 ca mới và 320 ca tử vong trong 24 giờ qua, trong đó riêng bang Kerela chiếm gần 70% số ca mới.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Kochi, Ấn Độ, ngày 24/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Ngày 17/9, Ấn Độ đã lập kỷ lục mới với việc tiêm hơn 20 triệu mũi vaccine phòng COVID-19 trong một ngày. Đây là một bước tiến quan trọng cho chương trình chủng ngừa COVID-19 của nước này nhân dịp sinh nhật của Thủ tướng Narendra Modi (17/9/1950). Theo dữ liệu trên cổng Co-WIN, nền tảng để triển khai chương trình tiêm chủng COVID-19 của Ấn Độ, tính đến 19h (giờ địa phương) ngày 17/9, nước này đã tiêm tổng cộng 22,17 triệu mũi. Con số vẫn đang tiếp tục tăng lên cho đến cuối ngày và rất có thể sẽ đạt mốc 25 triệu mũi.
Hiện Ấn Độ đã tiêm tổng cộng khoảng 787 triệu mũi vaccine kể từ khi khởi động chiến dịch tiêm chủng hồi tháng 1, trong đó có 190 triệu mũi hai. Như vậy, đây là lần thứ 4 Ấn Độ tiêm hơn 10 triệu mũi vaccine/ngày chỉ trong vòng chưa đầy một tháng.
Các phương tiện xếp hàng tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Auckland, New Zealand, ngày 20/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
New Zeland thông báo tạm dừng các chuyến du lịch miễn cách ly (QFT) giữa nước này và Australia thêm 8 tuần nữa, trong bối cảnh bùng phát số ca mắc biến thể Delta. Australia vẫn đang đối mặt với nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, với số ca mắc tiếp tục tăng đều ở New South Wales, Victoria và vùng lãnh thổ thủ đô Canberra. Một số ít ca cũng tiếp tục xuất hiện từng đợt ở các bang và vùng lãnh thổ khác.
Australia thông báo sẽ thử nghiệm mô hình cách ly tại nhà với tất cả du khách quốc tế đã tiêm phòng đầy đủ vaccine đến Sydney. Đây là bước tiếp theo trong kế hoạch mở cửa trở lại an toàn, giúp thiết lập tiêu chuẩn cho phương thức “sống chung với COVID-19″. Theo đó, Sydney sẽ thử nghiệm chương trình cách ly tại nhà trong vòng 7 ngày, bắt đầu từ cuối tháng này. Nhà chức trách sẽ sử dụng ứng dụng điện thoại di động và công nghệ nhận diện khuôn mặt để theo dõi việc tuân thủ quy định của khoảng 175 người, trong đó có công dân nước này, người nước ngoài và một số thành viên phi hành đoàn của Qantas.
Australia đã đóng cửa biên giới vào tháng 3/2020, chỉ cho phép công dân và những người có thẻ cư trú dài hạn nhập cảnh, song phải cách ly bắt buộc trong 2 tuần tại khách sạn và tự trả phí. Nhiều thông tin cho rằng kế hoạch mở cửa trở lại của Chính phủ Australia sẽ được thực hiện khi tỷ lệ tiêm chủng đạt từ 70-80% đối với người trưởng thành. Hiện tỷ lệ tiêm chủng của nước này đang đạt khoảng 45%.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Birmingham, Anh ngày 11/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại châu Âu, Hà Lan sẽ yêu cầu chứng nhận tiêm phòng hay kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 nếu muốn vào các quán bar, nhà hàng, bảo tang, rạp hát và dự các sự kiện văn hóa khi gần như tất cả các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ. Khoảng 72% trong số 17,5 triệu người Hà Lan đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19. Số ca mắc mới đã giảm xuống còn khoảng 2.000 ca/ngày, trong khi khoảng 600 bệnh nhân mắc COVID-19 vẫn đang được điều trị trong bệnh viện.
Tương tự, Thụy Sĩ thông báo những khách du lịch nhập cảnh nước này nếu chưa được tiêm phòng COVID-19 hoặc mới khỏi bệnh sẽ phải có kết quả xét nghiệm âm tính. Biện pháp này sẽ được áp dụng từ ngày 20/9 trong bối cảnh Thụy Sĩ đang nỗ lực ngăn chặn số ca mắc mới gia tăng. Đến nay, Thụy Sĩ ghi nhận tổng cộng 823.074 ca mắc, trong đó 11.010 ca tử vong. Quốc gia này đã tiêm phòng đầy đủ cho hơn 53% dân số.
Cảnh vắng lặng trên đường phố thủ đô London, Anh khi lệnh giãn cách được ban bố nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, ngày 30/3/2020. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Ngày 17/9, Anh đã công bố những biện pháp mới liên quan đến du lịch nước ngoài, nhằm khôi phục hơn nữa cuộc sống theo trạng thái bình thường mới sau quãng thời gian dài phải áp dụng nhiều hạn chế bởi dịch bệnh COVID-19.
Video đang HOT
Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps cho biết sẽ bỏ hệ thống phân loại danh sách các nước “đỏ, xanh, vàng” theo nguy cơ về dịch bệnh COVID-19. Thay vào đó sẽ chỉ có 2 danh sách đơn giản hơn là những điểm đến có “nguy cơ cao” và “nguy cơ thấp”. Việc xét nghiệm COVID-19 bắt buộc cũng được hủy bỏ với những khách du lịch đã tiêm phòng đầy đủ, giúp họ giảm bớt chi phí đáng kể này.
Ngoài ra, có 8 nước được bỏ khỏi danh sách “đỏ” COVID-19 trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan hay điểm đến du lịch được yêu thích Maldives. Những khách du lịch trở về Anh từ các địa điểm này sẽ không còn phải chịu quy định cách ly. Dự kiến, những điều chỉnh trên sẽ được áp dụng từ ngày 4/10.
Cùng ngày, Vương quốc Anh ghi nhận thêm 32.651 ca mới mắc COVID-19 và thêm 178 ca tử vong. Số liệu này chưa bao gồm thống kê từ Scotland do một lỗi kỹ thuật.
Học sinh trong ngày đầu tiên trở lại trường học ở New York, Mỹ, ngày 13/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Mỹ, các chuyên gia dịch tễ học cho rằng người đã mắc COVID-19 thường có kháng thể bảo vệ và không thể tái nhiễm SARS-CoV-2 trong 6 tháng. Tuy nhiên, tình trạng tái nhiễm sau đó có thể gây biến chứng nghiêm trọng.
Vì vậy, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ khuyến cáo các trường hợp này nên tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 khi có thể. Liên quan tới mũi tiêm tăng cường (mũi thứ 3), giới chức y tế Mỹ cho rằng các vaccine đang được dùng tại Mỹ hiện nay đủ khả năng bảo vệ người dân chống lại trường hợp bệnh nặng và tử vong do COVID-19 mà không cần liều bổ sung.
Du khách dạo chơi trên bãi biển ở Phuket, Thái Lan, ngày 14/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 17/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 68.661 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên gần 250.000 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Philippines, Brunei và Việt Nam. Đông Nam Á vẫn là điểm dịch nóng nhất châu Á.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á tiếp tục là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này tiếp tục cho thấy tín hiệu hiệu hạ nhiệt, khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm nhanh. Có thể nói Indonesia đã qua đỉnh dịch này và tình hình đang hạ nhiệt nhanh chóng.
Cảnh vắng vẻ trên một đường phố ở thủ đô Viêng Chăn, Lào, ngày 12/9/2021 sau khi chính phủ áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm để phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Trong 1 ngày qua, nước này ghi nhận số ca tử vong vẫn ở mức cao và ca mắc mới cao thứ ba khu vực và tăng mạnh trở lại. Trong 24h qua, Philippines chính là quốc gia có số ca mắc và tử vong mới cao nhất khu vực.
Malaysia tình hình dịch bệnh đang ngày càng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua. Nhà chức trách y tế Malaysia không công bố số liệu người tử vong trong 1 ngày qua, số ca mắc mới là trên 17.000 trường hợp.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu dịch bệnh. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.
Thái Lan là điểm nóng dịch mới khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng mạnh trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh, lùi ngày mở cửa du lịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 17/9 ghi nhận thêm trên 14.500 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 171 người, tăng nhẹ so với mức của mấy ngày trước đó.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN
Campuchia có xu thể tăng trở lại so với mấy ngày trước đây, với 698 bệnh nhân mới và 11 ca tử vong trong một ngày qua. Song Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 249.639 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 924 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng vượt ngưỡng 11,3 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 10 triệu trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 7/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca mắc mới.
COVID-19 tới 6 giờ 14/9: Thế giới gần 226 triệu ca mắc; Nhiều nước châu Âu áp dụng biện pháp mới
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 387.881 trường hợp mắc COVID-19 và 6.356 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 toàn cầu xấp xỉ 226 triệu ca, trong đó trên 4,65 triệu người không qua khỏi.
Các em nhỏ đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi ngày đầu tiên trở lại trường học sau thời gian dài giãn cách, tại Riverview, bang Florida (Mỹ) ngày 10/8/2021. Ảnh: AP/TTXVN
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 14/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 225.943.674 ca, trong đó có 4.651.105 người tử vong.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh trong ngày đang có dấu hiệu chững lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch "nóng nhất" ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong cũng có xu thế giảm.
Nhiều nước Á-Âu tình hình vẫn đáng ngại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Mỹ, Ấn Độ, Iran, Anh và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới với trên 70.000 ca, trong khi 24h qua, Nga có số ca tử vong cao nhất (trên 700).
Một điểm xét nghiệm COVID-19 lưu động tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 201 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là gần 19 triệu ca và trên 103.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 13/9, thế giới có 102 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 81 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 42.013.330 ca mắc và 679.287 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33 triệu ca mắc và trên 443.300 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 21 triệu ca bệnh, trong đó có 587.000 ca tử vong.
Kết quả cuộc thăm dò dư luận được công bố ngày 13/9 cho thấy đa số người Mỹ ủng hộ việc tiêm chủng cho những người đến nơi làm việc, đến trường học và tham dự các sự kiện thể thao.
Kiểm tra thân nhiệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại trường học ở Long Beach, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Cuộc thăm dò dư luận của truyền hình CNN và SSRS cho thấy 54% số người được hỏi cho biết họ sẽ ủng hộ việc yêu cầu nhân viên văn phòng phải tiêm vaccine ngừa COVID-19 trước khi trở lại làm việc, trong khi 46% có quan điểm ngược lại.
Đối với việc tới trường học, 55% số người được hỏi ủng hộ yêu cầu tiêm chủng cho trẻ em tham gia các lớp học trực tiếp, trong khi 45% phản đối quan điểm này. Đối với việc tham gia các sự kiện đông người, 55% số người được hỏi ủng hộ yêu cầu về tiêm vaccine để có thể tham dự các sự kiện thể thao hoặc buổi hòa nhạc, so với 45% không đồng ý.
Quan điểm của những người tham gia cuộc khảo sát cũng có sự chia rẽ khi đề cập đến yêu cầu phải trình bằng chứng về tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các hoạt động hằng ngày bên ngoài gia đình, với 51% số người được hỏi cho rằng việc này là cần thiết và sẽ giúp tăng tỷ lệ tiêm chủng, trong khi 49% nói rằng điều đó là hành vi xâm phạm quyền cá nhân.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Colombo, Sri Lanka. Ảnh: THX/TTXVN
Tại châu Á, thành phố Phủ Điền (Putian) thuộc tỉnh Phúc Kiến (Fujian) của Trung Quốc đã yêu cầu đóng cửa các rạp chiếu phim, phòng tập thể hình, chặn các lối ra vào các tuyến đường cao tốc và yêu cầu người dân không rời địa phương trong thời gian ứng phó với đợt bùng phát dịch mới.
Tình hình dịch bệnh tại thành phố hơn 3 triệu dân này đang diễn biến phức tạp và nghiêm trọng, dự báo có nhiều ca mắc mới sẽ xuất hiện trong cộng đồng, trường học và nhà máy trong những ngày tới. Nhiều trường học ở Phủ Điền cũng đã tạm đóng cửa trong khi Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) đã cử một đội chuyên gia tới hỗ trợ thành phố chống dịch.
Theo NHC, từ ngày 10-12/9, tỉnh Phúc Kiến ghi nhận 43 ca mắc tại địa phương, trong đó riêng thành phố Phủ Điền ghi nhận 35 ca, với một số ca có sự xuất hiện của biến thể Delta. Ngoài ra, từ ngày 10/9, Phủ Điền cũng phát hiện 32 ca mắc không triệu chứng. Tính đến ngày 12/9, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 95.248 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 4.636 ca tử vong.
Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại một điểm xét nghiệm ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 10/9/2021. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Ở Hàn Quốc, Bộ Ngoại giao nước này ngày 13/9 quyết định gia hạn cảnh báo "Chú ý đặc biệt về du lịch" đến hết ngày 13/10 tới. Cảnh báo này áp dụng với tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết sẽ tiếp tục thu thập ý kiến của cơ quan phòng dịch, các ban ngành hữu quan, cơ quan đại diện ngoại giao của Hàn Quốc đóng tại nước ngoài, đồng thời xem xét tỷ lệ tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 ở cả trong và ngoài nước, cũng như thỏa thuận công nhận chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 với các nước để tiến tới dỡ bỏ dần lệnh này.
Chính phủ Nhật Bản xác nhận hơn 50% dân số nước này đã được tiêm hai mũi vaccine ngừa COVID-19. Nếu duy trì tốc độ tiêm chủng như hiện nay, đến cuối tháng này, hơn 60% dân số Nhật Bản sẽ được tiêm vaccine đủ liều, và nếu tỷ lệ tiêm chủng đạt tới 80% sẽ có tác động đáng kể đến các nỗ lực chống dịch hiện nay. Và với kỳ vọng ngày càng gia tăng về tỷ lệ người dân được tiêm chủng đủ liều, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ nới lỏng các khuyến cáo về việc đi lại cũng như về các sự kiện lớn vào tháng 11 năm nay.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ ngày 9/9/2021. Ảnh: Hindustan Times/TTXVN
Tại Ấn Độ, tâm lý tự mãn của một bộ phận người dân khi thấy số ca mắc và tử vong trong nước giảm đang gây lo ngại rằng nhiều người có thể bỏ tiêm mũi vaccine thứ hai, ảnh hưởng tới những nhóm người dễ bị tổn thương bởi đại dịch.
Đến nay Ấn Độ đã tiêm hơn 744 triệu liều vaccine, với 60% trong số 944 triệu dân số trưởng thành đã tiêm ít nhất một mũi và 19% tiêm đủ hai mũi.
Sau khi ghi nhận số ca mắc và tử vong do COVID-19 tăng cao nhất thế giới trong hai tháng 4-5 vừa qua, hiện số các ca mắc mới ở Ấn Độ duy trì ổn định ở mức khoảng 40.000 ca/ngày trong khi số ca tử vong cũng giảm mạnh. Cho đến nay, quốc gia Nam Á này có 33,26 triệu ca mắc bệnh, trong đó có 442.874 ca tử vong.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại một điểm tiêm chủng ở Melbourne, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Australia ngày 13/9 thông báo nới lỏng các qui định phong tỏa phòng dịch COVID-19 đối với những người tại Sydney đã tiêm đủ liều vaccine, theo đó cho phép người dân được đi cắm trại theo nhóm nhỏ, lần đầu tiên sau nhiều tháng. Trong bối cảnh đảm bảo được nguồn cung bổ sung nhằm tăng tốc chương trình tiêm vaccine, ngày 13/9, Australia sẽ mở rộng chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong đó có khoảng 1 triệu trẻ trong độ tuổi từ 12-15.
Hiện Australia đang nỗ lực khống chế làn sóng lây nhiễm thứ 3 của dịch COVID-19, do sự lây lan của biến thể Delta. Không chỉ đóng cửa các thành phố lớn nhất gồm Sydney và Melbourne, Australia còn đang đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19. Theo kế hoạch đưa đất nước thoát ra khỏi đại dịch của Thủ tướng Morrison, Australia sẽ bắt đầu mở cửa trở lại theo từng giai đoạn, khi có 70% số người trưởng thành được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19.Australia ghi nhận thêm 1.745 ca mắc COVID-19, đưa tổng số ca mắc tại nước này lên hơn 75.300 ca.
Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố tiếp tục duy trì biện pháp phong tỏa tại thành phố lớn nhất nước này Auckland để khống chế sự lây lan của biến thể Delta. New Zealand ghi nhận thêm 33 ca nhiễm biến thể Delta. Tất cả các ca nhiễm mới đều ở Auckland. Hiện quốc gia châu Đại dương này có tổng cộng 3.593 ca mắc COVID-19.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại Privas, đông nam nước Pháp, ngày 6/9/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Tại châu Âu, nhiều nước bắt đầu áp đặt các qui định phòng dịch mới. Hà Lan bắt đầu bãi bỏ quy định về khoảng cách 1,5 m giữa mọi người. Tuy nhiên, giấy chứng nhận an toàn với COVID-19 sẽ bắt buộc với những người từ 13 tuổi trở lên, đặc biệt tại quán cà phê, phòng hòa nhạc, nhà hát. Khẩu trang vẫn bắt buộc sử dụng trên phương tiện công cộng, nhất là tại các nhà ga, bến tàu. Nhà hàng vẫn phải đóng cửa từ 0h00 tới 6h. Làm việc từ xa vẫn được khuyến khích nếu có thể. Các biện pháp phòng chống virus SARS-CoV-2 cơ bản như rửa tay thường xuyên, ho và hắt hơi vào khuỷu tay và ở nhà nếu có các triệu chứng, cũng vẫn có hiệu lực.
Tại Bồ Đào Nha, quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới và số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới đã giảm, kể từ ngày 13/9, không bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài trời. Biện pháp này được dỡ bỏ do Quốc hội không gia hạn luật bắt buộc đeo khẩu trang trên đường phố kể từ cuối tháng 10/2020. Tuy nhiên, Tổng cục Y tế vẫn khuyến cáo nên đeo khẩu trang trong trường hợp tụ tập đông người hoặc khi không thể tuân thủ giãn cách xã hội.
Trong khi đó, Hy Lạp bắt buộc xét nghiệm và trả phí đối với trường hợp không tiêm chủng. Vào ngày tựu trường truyền thống, Hy Lạp đã áp dụng việc xét nghiệm bắt buộc và tính phí đối với tất cả những người chưa tiêm chủng, cho dù họ là nhân viên của khu vực công hay tư, học sinh và sinh viên, trên phương tiện giao thông hoặc trong không gian kín, công cộng. Chi phí xét nghiệm kháng nguyên và PCR, hiện do các cá nhân phải trả, được quy định mức trần lần lượt là 10 và 60 euro.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Seriate, Bergamo, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN
Ở Đức, nhằm tránh những rủi ro và quá tải cho hệ thống y tế có thể xảy ra trong làn sóng dịch thứ tư được dự đoán vào cuối tháng 9 và tháng 10 tới, Đức đã khởi động Tuần lễ tiêm chủng trên toàn quốc, theo đó, người dân trên khắp đất nước đều có thể đến tiêm vaccine mà không cần hẹn hay đăng ký trước. Chiến dịch tiêm chủng toàn quốc diễn ra khi tỷ lệ mắc COVID-19 trong 7 ngày qua trên cả nước tăng lên 81,9 ca/ 100.000 dân.
Theo số liệu giới chức y tế công bố ngày 13/9, đã có 5.511 ca mắc mới COVID-19 và 12 ca tử vong, tăng so với mức 4.749 ca mắc/100.000 người ghi nhận một tuần trước đó. Cho đến nay, có khoảng 65,5% người dân ở Đức đã được tiêm ít nhất một mũi và 62,2% đã được tiêm chủng đầy đủ. Điều này đồng nghĩa với khoảng 34% dân số chưa được tiêm vaccine. Kể từ ngày 11/10, Đức sẽ ngừng việc xét nghiệm miễn phí. Quyết định trên được cho sẽ gây khó khăn cho những người chưa tiêm chủng khi tham gia các hoạt động công cộng.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 13/9, Chính phủ Nga thông báo nước này sẽ nối lại các chuyến bay chở khách với Tây Ban Nha, Iraq, Kenya và Slovakia từ ngày 21/9, cũng như sẽ tăng số lượng các sân bay được phép có các chuyến bay đến Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập.
Nga đã áp đặt các hạn chế đi lại trên diện rộng khi bùng phát đại dịch COVID-19 vào tháng 3/2020, trong đó nhiều hạn chế vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, Nga đã dần dần mở rộng danh sách các quốc gia được phép đi lại bằng đường hàng không.
Lực lượng đặc trách chống dịch COVID-19 của Nga cho biết các quyết định khôi phục đường bay được đưa ra dựa trên đánh giá tình hình kiểm soát dịch bệnh ở các nước nêu trên đã được cải thiện đáng kể. Theo đó, từ ngày 21/9, mỗi tuần sẽ có 4 chuyến bay khứ hồi nối Moskva với các thành phố Madrid, Barcelona của Tây Ban Nha và thủ đô Bratislava của Slovakia.
Các chuyến bay chặng nối Moskva với hai thành phố Malaga và Alicante của Tây Ban Nha cũng sẽ được đưa vào khai thác trở lại. Trong khi đó, tuyến Moskva-Nairobi và Moskva-Baghdad sẽ được nối lại với tuần suất hai chuyến một tuần. Các chặng bay và chuyến bay cũng được bổ sung giữa các thành phố của Nga và các điểm du lịch nổi tiếng ở Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Seriate, Bergamo, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 13/9, gần 4 triệu trẻ em tại 10 khu vực của Italy đã trở lại trường học, với các quy định mới về thẻ xanh COVID-19 dành cho giáo viên và phụ huynh.
Khi năm học mới bắt đầu, Italy vẫn giữ nguyên các quy định phòng chống COVID-19 từ năm ngoái như thời gian vào lớp và kết thúc học khác nhau, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang cho trẻ em trên 6 tuổi và thực hiện giãn cách trên các xe buýt trường học.
Sự khác biệt chính trong năm học này là giáo viên, nhân viên nhà trường, nhân viên bên ngoài và phụ huynh khi vào trường phải mang theo thẻ xanh - một chứng chỉ kỹ thuật số hoặc giấy cho thấy họ đã được tiêm chủng, xét nghiệm âm tính hoặc phục hồi từ COVID-19. Thẻ xanh COVID-19 cũng là bắt buộc đối với sinh viên đại học. Học sinh phổ thông không yêu cầu phải có thẻ xanh.
Chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Pathum Thani, Thái Lan. Ảnh: AFP/ TTXVN
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 13/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 47.904 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 244.000 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Philippines và Việt Nam. Đông Nam Á hiện là điểm dịch nóng nhất châu Á.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á tiếp tục là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này tiếp tục cho thấy tín hiệu hiệu hạ nhiệt, khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm nhanh. Có thể nói Indonesia đã qua đỉnh dịch này.
Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Trong 1 ngày qua, nước này ghi nhận số ca tử vong vẫn ở mức cao và ca mắc mới cao thứ ba khu vực và tăng mạnh trở lại.
Kiểm tra thân nhiệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại một trường học ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN
Malaysia tình hình dịch bệnh đang ngày càng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì COVID-19 cũng ở mức báo động. Tuy nhiên, trong ngày 13/9, Malaysia tiếp tục không công bố số liệu dịch bệnh.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố ố liệu dịch bệnh. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.
Thái Lan là điểm nóng dịch mới khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng mạnh trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh, lùi ngày mở cửa du lịch. "Xứ sở chùa Phật Ngọc" trong ngày 13/9 ghi nhận thêm trên 12.000 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 132 người, giảm nhẹ so với mức của mấy ngày trước đó.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 lên xe cứu thương tại Phnom Penh, Campuchia ngày 19/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Campuchia có xu thể tăng trở lại so với mấy ngày trước đây, với 629 bệnh nhân mới và 9 ca tử vong trong một ngày qua. Song Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 244.002 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 854 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng vượt ngưỡng 11 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 9,8 triệu trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 6/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.
Yếu tố giúp Trung Quốc 'về đích' tiêm ngừa COVID-19 sau khởi đầu chậm Khi chiến dịch tiêm vaccine ngừa ngừa COVID-19 chính thức được triển khai ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc vào cuối tháng 4 vừa qua, Li Tingting - một phụ nữ nội trợ, không mấy quan tâm đến việc đăng ký tiêm. Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh:...