COVID-19 tới 6 giờ 11/9: Thế giới trên 224 triệu ca mắc và 4,6 triệu ca tử vong vì đại dịch
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 568.621 trường hợp mắc COVID-19 và 8.582 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 224,5 triệu ca, trong đó trên 4,6 triệu người không qua khỏi.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại một điểm tiêm chủng ở Melbourne, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 11/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 224.586.147 ca, trong đó có 4.628.847 người tử vong.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh trong ngày đang có dấu hiệu chững lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “ nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong cũng có xu thế giảm.
Nhiều nước Á-Âu tình hình vẫn đáng ngại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Mỹ, Ấn Độ, Iran, Anh và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới và tử vong trong ngày cao nhất thế giới.
Nhân viên y tế chăm sóc các bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện Polynesie, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 201 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là gần 19 triệu ca và trên 103.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 10/9, thế giới có 105 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 84 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 41.729.799 ca mắc và 676.346 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33 triệu ca mắc và trên 442.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 20 triệu ca bệnh, trong đó có 585.828 ca tử vong.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân tử vong do COVID-19 tới nhà xác bệnh viện ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 10/9, giới chức y tế Mỹ cho biết người được tiêm phòng đầy đủ đã giảm nguy cơ tử vong do COVID-19 tới 11 lần, đồng thời giảm nguy cơ nhập viện tới 10 lần, kể từ khi biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 trở thành biến thể phổ biến nhất.
Dữ liệu này được công bố trên một trong 3 tờ báo do Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) của Mỹ xuất bản. Những tờ báo này đều nhấn mạnh hiệu quả thực tế của vaccine phòng COVID-19 trong việc chống lại những hậu quả nghiêm trọng.
Với những lý do chưa hoàn toàn rõ ràng, dữ liệu từ một trong những nghiên cứu cho thấy vaccine của Moderna đã cung cấp mức độ bảo vệ cao hơn một chút trong giai đoạn biến thể Delta hoành hành.
Thông tin trên được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố một kế hoạch tiêm chủng quyết liệt, trong đó yêu cầu các công ty sử dụng hơn 100 nhân sự phải tiêm chủng cho người lao động hoặc phải xét nghiệm y tế cho họ hàng tuần.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Osaka, Nhật Bản ngày 9/9/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Tại Đông Bắc Á, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) vừa xác nhận 18 trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Eta của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, số ca mắc mới ở Nhật Bản đang có xu hướng giảm.
Ngày 9/9, nước này chỉ ghi nhận thêm 10.397 ca mắc mới trên toàn quốc, giảm 2.001 ca so với một ngày trước đó. Chính phủ Nhật Bản đã thông qua kế hoạch cơ bản về nới lỏng các biện pháp hạn chế liên quan tới dịch COVID-19 trên cơ sở đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 4/9/2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc Jeong Eun-kyung cho biết mô hình “sống chung an toàn với dịch COVID-19″ có thể được Chính phủ Hàn Quốc xem xét sớm nhất là vào cuối tháng 10 tới và chính phủ nước này đang nỗ lực hướng tới mục tiêu này.
Khoảng thời gian phù hợp để Hàn Quốc áp dụng mô hình này là khi tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh đạt 90% ở người cao tuổi và 80% ở người trưởng thành. Ngoài ra, một quan chức Chính phủ Hàn Quốc cho biết nước này đang xem xét việc mua trước thuốc điều trị COVID-19 từ nhiều công ty dược phẩm trên thế giới nhằm giảm nguy cơ xảy ra bất kỳ vấn đề nào về nguồn cung.
Cảnh sát kiểm tra các phương tiện nhằm ngăn chặn người đi từ vùng dịch tới những vùng không có dịch COVID-19 tại Kilmore, cách Melbourne, Australia khoảng 60 km, ngày 10/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại châu Đại Dương, lần đầu tiên từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Australia ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày lên tới 1.900 ca. Riêng bang tâm dịch New South Wales (NSW) trong ngày 10/9 phát hiện 1.542 ca mới, vượt con số cao nhất ghi nhận trong tuần trước là 1.533 ca. Đáng lo ngại, số bệnh nhân COVID-19 cần nhập viện tại Sydney trong 2 tuần qua đã tăng gấp 2 lần, lên 6.000 ca. Thực tế này gia tăng sức ép lên ngành y tế.
Tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) ngày 9/9 đã đưa Nhật Bản, Albania, Armenia, Azerbaijan, Brunei và Serbia ra khỏi danh sách đi lại an toàn, đồng nghĩa với việc người nhập cảnh EU từ nhóm 6 nước trên sẽ phải chịu các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn như xét nghiệm COVID-19 và cách ly. Hiện danh sách đi lại an toàn trong dịch COVID-19 của EU còn 12 quốc gia, trong đó có Australia, Canada và Saudi Arabia.
Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo lần đầu tiên trong 2 tháng qua, số ca mắc COVID-19 tại nước này đã giảm dưới ngưỡng nguy cơ cao 150 ca/100.000 dân theo quy định của cơ quan này. Tính đến ngày 9/9, Tây Ban Nha ghi nhận tổng cộng 4.903.021 ca mắc, bao gồm 85.218 ca tử vong. Với tỷ lệ người tiêm chủng vaccine đạt hơn 70% dân số, chính quyền trung ương và các địa phương của Tây Ban Nha đã nhất trí cho phép các trung tâm thể thao ngoài trời như được tăng số lượng người tham gia trong tháng 9 này.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Miami, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 10/9, Đan Mạch đã dỡ bỏ quy định sử dụng “hộ chiếu vaccine” khi vào các câu lạc bộ đêm, chấm dứt việc áp đặt các biện pháp hạn chế phòng, chống COVID-19. Theo giới chức Đan Mạch, lý do khiến nước này có thể dỡ bỏ mọi hạn chế là nhờ việc triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên diện rộng. Hiện có tới 73% trong số 5,8 triệu người dân nước này đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 và con số này ở những người trên 65 tuổi là 96%.
Tại Anh, Nghị viện Scotland đã phê chuẩn quy định từ ngày 1/10 cấp “hộ chiếu” vaccine COVID-19 cho người tham gia các hoạt động có nguy cơ lây nhiễm cao như câu lạc bộ đêm hay lễ hội âm nhạc. Theo đó, người tham gia các sự kiện lớn hoặc các hoạt động tập trung đông người sẽ phải trình chứng nhận tiêm chủng.
Cùng ngày, Cơ quan Tiêm chủng thường trực của Đức (STIKO) đã ra khuyến nghị nên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho tất cả phụ nữ mang thai. Theo cơ quan này, phụ nữ mang thai không những có nguy cơ bệnh trở nặng hơn khi mắc COVID-19 mà còn có nguy cơ sinh non, do vậy nhóm đối tượng này được khuyến cáo lập tức đi tiêm phòng bất kể có bệnh nền hay không.
Video đang HOT
Nhân viên y tế đến từ ngõ xóm để xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Colombo, Sri Lanca, ngày 12/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Liên quan tới công tác bào chế vaccine, nhà sáng lập hãng dược phẩm BioNTech của Đức, bà zlem Treci thông báo công ty này chuẩn bị bào chế vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi sau vài tuần nữa.
Trong khi đó, Hãng dược phẩm Moderna ngày 9/9 thông báo đang phát triển loại vaccine 1 mũi duy nhất, kết hợp giữa mũi tăng cường chống COVID-19 với vaccine cúm thử nghiệm của hãng, với hy vọng có thể đưa ra thị trường mũi tiêm vaccine hằng năm chống virus thể bào gây bệnh lý hô hấp (RSV) và các loại bệnh về hô hấp khác.
Kể từ ngày 17/9, tất cả những người đến từ “vùng đỏ” trong Liên minh châu Âu (EU) nhập cảnh vào Bỉ và chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ phải tự cách ly 10 ngày. Thời gian cách ly sẽ được rút ngắn nếu có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7.
Nhân viên y tế Israel lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại Jerusalem. Ảnh: AFP/TTXVN
Bỉ áp dụng biện pháp trên nhằm đối phó với tình hình dịch tễ và các ca nhập viện mới gây áp lực cho đội ngũ y, bác sĩ của nước này. Theo số liệu mới nhất từ Viện Y tế công cộng (Sciensano) công bố ngày 10/9, toàn Bỉ hiện có 708 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện, tăng 8% so với giai đoạn trước, trong đó có 216 người đang được chăm sóc đặc biệt (tăng 11%). Trong thời gian từ ngày 3-9/9, trung bình mỗi ngày có 68 bệnh nhân nhập viện, tăng 5% so với giai đoạn trước.
Từ ngày 31/8-6/9, trung bình 1.937 ca nhiễm được ghi nhận mỗi ngày, giảm 6% so với bảy ngày trước đó. Trong thời gian này, gần 39.800 mẫu xét nghiệm đã được thực hiện hàng ngày, với tỷ lệ dương tính là 5,5% và trung bình 6,9 ca tử vong mỗi ngày. Kể từ đầu mùa dịch, COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 25.447 người ở Bỉ. Trong khi đó, 86% dân số trưởng thành ở Bỉ đến nay đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN
Kể từ ngày 13/9, những người bị suy giảm khả năng miễn dịch sẽ nhận được giấy mời tiêm bổ sung phòng chống COVID-19 bằng vaccine của hãng Pfizer hoặc hãng Moderna. Mũi thứ ba này dành cho những người trên 12 tuổi. Đây là những bệnh nhân bị rối loạn miễn dịch bẩm sinh, đang lọc máu mãn tính, mắc các bệnh viêm nhiễm đang dùng thuốc ức chế miễn dịch.
Trong số này có các bệnh nhân mắc bệnh Crohn, viêm khớp dạng thấp), bệnh nhân đang điều trị ung thư hoặc đã được điều trị bệnh ung thư trong ba năm qua, bệnh nhân đã được cấy ghép tế bào gốc hoặc nội tạng, kể cả trước khi phẫu thuật và những người bị nhiễm HIV/AIDS có số lượng tế bào CD4 dưới 200/mm3 máu.
Những người này cũng sẽ được tiêm chủng theo thứ tự giảm dần độ tuổi, với một vài trường hợp ngoại lệ. Việc tiêm mũi bổ sung là một phần trong chương trình tiêm chủng cơ bản phòng chống COVID-19 (với 1 hoặc 2 mũi) cho nhóm đối tượng này.
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại Taungoo, Bago, Myanmar. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 10/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 54.083 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên gần 238.000 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Philippines, Myanmar, Brunei và Việt Nam. Đông Nam Á vẫn là điểm dịch nóng nhất châu Á.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á tiếp tục là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này tiếp tục cho thấy tín hiệu hiệu hạ nhiệt, khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm nhanh.
Nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Trong 1 ngày qua, nước này ghi nhận số ca tử vong vẫn ở mức cao và ca mắc mới cao thứ ba khu vực.
Malaysia tình hình dịch bệnh đang ngày càng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì COVID-19 cũng ở mức báo động. Tuy nhiên, trong ngày 10/9, Malaysia không công bố số liệu dịch bệnh.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua có trên 2.102 ca bệnh mới và 88 ca tử vong. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân từ vong do COVID-19 tới nhà xác bệnh viện ở tỉnh Pathum Thani, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
Thái Lan cũng là điểm nóng dịch mới khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng mạnh trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh, lùi ngày mở cửa du lịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 10/9 ghi nhận thêm trên 14.000 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 189 người, giảm nhẹ so với mức của mấy ngày trước đó.
Campuchia có xu thể tăng trở lại so với mấy ngày trước đây, với 660 bệnh nhân mới và 12 ca tử vong trong một ngày qua. Song Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 lên xe cứu thương tại Phnom Penh, Campuchia ngày 19/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 237.925 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 1.048 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng vượt ngưỡng 10,8 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 9,6 triệu trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 8/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới. Brunei có ca tử vong đầu tiên sau nhiều tháng.
COVID-19 tại ASEAN hết 7/9: Trên 235.500 ca tử vong; Philippines tái phong toả thủ đô chỉ sau 1 ngày dỡ bỏ
Trong ngày 7/9, các nước ASEAN ghi nhận trên 73.000 ca nhiễm mới và 1.726 ca tử vong, đưa tổng số ca tử vong trong khối vượt mốc 235.500 ca.
Philippines tái phong toả thủ đô chỉ 1 ngày sau khi thông báo dỡ bỏ yêu cầu người dân phải ở nhà.
Người dân chờ tiêm vaccine tại trung tâm tiêm chủng ở Bangkok, ngày 23/7/2021. Ảnh: Reuters
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 7/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 73.232 ca mắc mới COVID-19 và 1.726 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 10.623.378 trường hợp và 235.578 ca tử vong. Toàn khối có 9.409.568 bệnh nhân đã bình phục.
Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 8 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 683 ca; Việt Nam đứng thứ hai với 316 ca; Malaysia ghi nhận 311 ca tử vong mới; Thái Lan thêm 241 ca tử vong; Philippines thêm 161 ca và Campuchia ghi nhận thêm 11 ca; Timor Leste thêm 2 và Brunei thêm 1 ca.
Với 18.547 ca nhiễm trong ngày 7/9, Malaysia đứng đầu khu vực về ca mắc mới. Tổng ca bệnh ở nước này đã lên tới 1.880.734 ca, bao gồm 18.802 ca tử vong.
Philippines đứng thứ hai với 18.012 ca nhiễm, nâng tổng ca bệnh lên 2.121.308 trường hợp, bao gồm 34.498 ca tử vong. Thái Lan cùng ngày ghi nhận 13.821 ca nhiễm mới và tổng ca bệnh hiện đã vượt 1,3 triệu ca.
Indonesia chứng kiến số lượng ca nhiễm mới tiếp tục xu hướng giảm, với 7.201 ca trong ngày, mặc dù nước này vẫn dẫn đầu khu vực về ca bệnh với 4.140.634 trường hợp và 137.156 ca tử vong.
Việt Nam cùng ngày ghi nhận 14.208 ca nhiễm mới, nâng tổng cộng ca bệnh lên 550.996, bao gồm 13.701 ca tử vong.
Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Yangon, Myanmar ngày 1/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Philippines tái phong tỏa thủ đô Manila
Ngày 7/9, Philippines tái áp đặt lệnh phong tỏa phòng dịch COVID-19 tại thủ đô Manila, chỉ một ngày sau khi thông báo dỡ bỏ yêu cầu ở nhà đối với hơn 13 triệu người.
Chính phủ Philippines đã lên kế hoạch bắt đầu thử nghiệm "phong tỏa quy mô hẹp hơn" tại Manila kể từ ngày 8/9, dù ghi nhận ca mắc COVID-19 cao kỷ lục do biến thể Delta siêu lây nhiễm. Kế hoạch bất ngờ này quy định "phong tỏa cứng" đối với các hộ gia đình, các tòa nhà, các tuyến đường hoặc các khu dân cư lân cận, thay vì toàn bộ thủ đô. Điều này giúp giảm bớt các biện pháp hạn chế ở phần còn lại của Manila - vốn đóng góp hơn 30% cho nền kinh tế của đất nước - và tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở cửa trở lại và thúc đẩy du lịch địa phương.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Manila, Philippines, ngày 24/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Tuy nhiên, lực lượng đặc trách phòng COVID-19 của chính phủ cùng ngày đã đảo ngược kế hoạch trên, theo đó gia hạn các biện pháp phong tỏa hiện hành đến ngày 15/9 tới - hoặc cho đến khi việc thử nghiệm phong tỏa các địa điểm cụ thể được triển khai.
Với quyết định mới nhất này, các nhà hàng, các thẩm mỹ viện chưa được phép mở cửa trở lại. Trong khi đó, các nhà thờ chỉ được phép tổ chức sinh hoạt tôn giáo trực tuyến.
Thái Lan đi qua nửa chặng đường tới miễn dịch cộng đồng
Thái Lan đã đi được nửa chặng đường tiến tới miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19, nửa năm sau khi những người đầu tiên được tiêm chủng.
Số liệu do Bộ Y tế Thái Lan công bố cho thấy đến nay 25,2 triệu người nước này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, trong đó 10 triệu người đã tiêm đầy đủ 2 mũi.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 26/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Phát biểu ngày 6/9, người phát ngôn Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) Taweesilp Visanuyothin đã hoan nghênh mốc 25 triệu người được tiêm mũi đầu tiên, cho rằng cần thêm 25 triệu người nữa được tiêm vaccine để đạt được mục tiêu mà nước này đặt ra.
Liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được tiêm tại Thái Lan vào ngày 28/2. Chính phủ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đặt mục tiêu có 50 triệu người, tức 70% của dân số 70 triệu người, được tiêm mũi vaccine đầu tiên để tạo ra miễn dịch cộng đồng. Tỷ lệ tiêm chủng hàng ngày trên toàn quốc đã tăng nhanh trong vài tuần qua, đạt mức cao nhất là hơn 920.000 mũi hôm 3/9, do nguồn cung vaccine dồi dào hơn.
Nội các Thái Lan ngày 7/9 cũng đã thông qua ngân sách 4,25 tỷ baht (khoảng 130 triệu USD) để mua thêm 12 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ hãng dược phẩm Sinovac của Trung Quốc nhằm hỗ trợ kế hoạch tiêm kết hợp hai loại vaccine.
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 23/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Singapore: Ca mắc mới cao nhất trong hơn 1 năm qua
Ngày 7/9, Bộ Y tế Singapore thông báo đã ghi nhận 328 ca mắc mới COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là số ca mắc mới trong ngày cao nhất mà "đảo quốc Sư tử" ghi nhận được trong hơn 1 năm qua.
Số ca mắc mới tại Singapore đã vượt mốc 100 ca/ngày trong hai tuần qua, trong bối cảnh nước này dỡ bỏ hầu hết các biện pháp kiểm dịch khi triển khai dần kế hoạch mở cửa trở lại.
Trong buổi họp báo diễn ra 1 ngày trước đó, Bộ trưởng Tài chính kiêm người đứng đầu lực lượng đặc trách chống COVID-19, bà Lawrence Wong, cho biết có thể Singapore sẽ tái áp đặt các biện pháp hạn chế nếu số ca mắc mới tăng mạnh. Số ca mắc trong ngày 7/9 là cao nhất kể từ khi Singapore ghi nhận 904 ca mắc mới COVID-19 hồi tháng 8/2020.
Cảnh vắng vẻ tại Vịnh Marina, Singapore, trong thời gian áp dụng các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 ngày 11/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Cho tới nay, hơn 80% trong tổng số 5,7 triệu dân Singapore đã hoàn thành tiêm chủng và đây là một trong số nhiều nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới.
Indonesia: Dịch diễn biến tích cực
Công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Indonesia đang ghi nhận những diễn biến tích cực rõ rệt. Trong tuần này, tỷ lệ mắc mới COVID-19 ở Indonesia đã lần đầu tiên ở dưới mức 5% - ngưỡng giới hạn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho thấy dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát.
Trong ngày 6/9, tỷ lệ mắc mới tại Indonesia ghi nhận ở mức 4,57% - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020, khi nước này phát hiện các trường hợp đầu tiên mắc COVID-19. Tháng 7 vừa qua, Indonesia trở thành tâm dịch của châu Á với tỷ lệ lây nhiễm chạm mốc cao kỷ lục là 33,4%, trong đó biến thể Delta gây ra đa số ca mắc bệnh.
Các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19 đã tiếp tục được nới lỏng hơn nữa trong ngày 6/9, trong đó hầu hết các khu vực trên đảo Java đã được hạ mức cảnh báo về dịch bệnh. Theo đó, các trung tâm mua sắm, nhà máy và nhà hàng được mở cửa trở lại với một số điều kiện.
Mặc dù vậy, Tổng thống Joko Widodo khuyến cáo người dân Indonesia không nên tự mãn do những nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19 vẫn còn hiện hữu. Dữ liệu hằng tuần của Bộ Y tế Indonesia cho thấy một số tỉnh vẫn ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm cao, trong đó tỉnh Aceh là 17,4% và Bắc Kalimantan là 16,7%.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Yogyakarta, Indonesia, ngày 14/6/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Campuchia lên kế hoạch đón khách du lịch quốc tế
Bộ Du lịch và các ban liên quan của Campuchia cũng đang lập kế hoạch mở cửa biên giới cho khách du lịch quốc tế vào tháng 11 tới. Thông báo mới của Bộ Du lịch Campuchia cho biết khách du lịch quốc tế có chứng nhận tiêm phòng COVID-19 đầy đủ có thể nhập cảnh nước này sớm nhất vào tháng 11 tới. Để tạo thuận lợi cho việc đi lại, Campuchia cũng xem xét nới lỏng hoặc dỡ bỏ hoàn toàn quy định cách ly 14 ngày đối với khách du lịch hoàn tất tiêm phòng COVID-19.
Campuchia hiện là nước đạt tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 cho người dân ở mức cao thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau Singapore. Nước này đã tiêm phòng COVID-19 cho trên 70% dân số là người trưởng thành và dự kiến đạt miễn dịch cộng đồng với 75% dân số được tiêm phòng COVID-19 vào cuối tháng 9 này. Campuchia cũng đã bắt đầu triển khai tiêm liều tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho một số nhóm đối tượng nhất định. Campuchia. Tỷ lệ dân cư đã được tiêm ngừa COVID-19 ở thủ đô Phnom Penh hiện là 120%.
Tiếp nhận lô vaccine Sinovac phòng COVID-19 của Trung Quốc tại sân bay quốc tế Phnom Penh, Campuchia ngày 31/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Tính đến ngày 7/9, Campuchia ghi nhận tổng cộng 96.339 ca mắc COVID-19, trong đó 91.618 người đã khỏi bệnh và 1.981 người tử vong.
Singapore tăng cường các biện pháp phòng chống dịch
Bộ Y tế Singapore (MOH) thông báo nước này sẽ triển khai thêm nhiều biện pháp nhằm làm giảm số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng trong bối cảnh số ca mắc mới tuần qua tại "Đảo quốc Sư tử" tăng gấp đôi so với tuần trước đó.
Theo đó, từ ngày 8/9 việc tập trung tại nơi làm việc sẽ không được phép và Chính phủ Singapore sẽ có biện pháp cứng rắn hơn đối với công ty để xảy ra ca mắc COVID-19. Đồng thời trong 2 tuần tới, người dân cũng được khuyến khích giảm tối đa các hoạt động xã hội không thiết yếu, hạn chế giao lưu xã hội xuống còn 1 cuộc/ngày.
Cảnh vắng vẻ tại Vịnh Marina, Singapore, trong thời gian áp dụng các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 ngày 11/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Bên cạnh đó, hệ thống cảnh báo sẽ được nâng cao với hai hình thức Cảnh báo nguy cơ về sức khỏe (HRW) và Thông báo nguy cơ về sức khỏe (HRA) sẽ được đưa ra khi ổ dịch mới được phát hiện.
Cùng với đó, Chính phủ Singapore sẽ triển khai xét nghiệm diện rộng, nhanh và dễ dàng hơn. Theo đó, tất cả lao động nhập cư sống tại các khu ký túc phải tự làm xét nghiệm ART cứ 7 ngày hoặc 14 ngày một lần tùy theo quy định.
Ngoài ra, Chính phủ Singapore cũng đang nghiên cứu khả năng triển khai tiêm mũi tăng cường cho người trẻ. Trước đó, Lực lượng liên bộ đặc trách COVID-19 của nước này cho biết sẽ tiêm mũi tăng cường cho nhóm người có hệ miễn dịch kém, người già từ 60 tuổi trở lên và những người sống trong các cơ sở chăm sóc người cao tuổi vào cuối tháng 9.
Người dân chờ theo dõi sau tiêm vaccine COVID ở Singapore. Ảnh: Reuters
Lào siết chặt kiểm dịch đối với công dân trở về từ Thái Lan
Lào sẽ tăng cường các quy trình cách ly và sàng lọc đối với công dân nước này trở về từ Thái Lan nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát mạnh. Truyền thông Lào dẫn lời giới chức y tế ngày 7/9 cho hay trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp tại Thái Lan, Lào đang đối mặt với nguy cơ cao dịch bệnh bùng phát do biến thể Delta, đặc biệt là từ những lao động Lào nhập cảnh trái phép từ Thái Lan.
Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân tại Viêng Chăn, Lào ngày 17/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo Ủy ban đặc trách quốc gia về phòng chống COVID-19, trong tuần qua, số nhân viên tuyến đầu mắc COVID-19 tăng mạnh, ảnh hưởng đến lực lượng y bác sĩ, cảnh sát, quân nhân và nhân viên hải quan tham gia chống dịch. Trong khi đó, hàng nghìn công dân Lào từ Thái Lan trở về nước, gây nguy cơ về bùng phát dịch.
Cùng ngày, Bộ Y tế Lào đã ghi nhận 307 ca mắc mới, trong đó có 86 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 16.365 ca.
Indonesia tiếp nhận tổng cộng 225 triệu liều vaccine
Cùng ngày 6/9, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết đến nay quốc gia này đã tiếp nhận tổng cộng 225,4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.
Ông Airlangga cho hay Indonesia đã tiếp nhận 50 lô vaccine, trong đó lô mới nhất gồm 5 triệu liều vaccine của Sinovac được bàn giao trong ngày 6/9. Trong tổng số 225,4 triệu liều vaccine nói trên có 188,9 triệu liều vaccine của Sinovac, 19,5 triệu liều vaccine của Astrazeneca, 8 triệu liều vaccine của Moderna, 2,75 triệu liều vaccine của Pfizer và 8,25 triệu liều vaccine của Sinopharm.
Indonesia khởi động chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 vào ngày 13/1 vừa qua và cho đến nay đã cung cấp vaccine cho 105,6 triệu người, trong đó gần 38,5 triệu người đã được tiêm đầy đủ hai mũi.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại Selangor, Malaysia ngày 14/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
COVID-19 tới 6 giờ 4/9: Thế giới vượt 220 triệu ca bệnh; Mỹ đứng đầu về ca mắc mới và tử vong Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 619.256 trường hợp mắc COVID-19 và 9.298 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 220 triệu ca bệnh, trong đó trên 4,56 triệu người không qua khỏi. Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Pretoria, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info,...