COVID-19 tại ASEAN hết 29/8: Indonesia đổi chiến lược; Singapore tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới
Trong ngày 29/8, các nước ASEAN ghi nhận trên 80.000 ca nhiễm mới và 1.665 ca tử vong. Indonesia ghi nhận ca nhiễm mới giảm mạnh, mở đường cho kế hoạch sống chung lâu dài với dịch bệnh, trong khi Singapore đạt tỉ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Bogor, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 29/8, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 80.046 ca mắc mới COVID-19 và 1.665 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 9.927.616 trường hợp và 220.211 ca tử vong. Toàn khối có 8.612.535 bệnh nhân đã bình phục.
Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 6 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 551 ca; Việt Nam đứng thứ hai với 344 ca; Malaysia ghi nhận 285 ca tử vong; Thái Lan thêm 264 ca; Campuchia ghi nhận thêm 11 ca, Timor Leste 3 ca.
Với 20.579 ca nhiễm trong ngày 29/8, Malaysia tiếp tục đứng đầu khu vực về ca mắc mới, trong bối cảnh dịch tiếp tục lây lan nhanh tại nước này do biến thể Delta. Philippines ghi nhận thêm 18.528 ca mắc mới, đứng thứ hai trong khối, với tổng ca bệnh 1.954.023, bao gồm 33.109 ca tử vong.
Thái Lan cùng ngày ghi nhận 16.536 ca nhiễm mới, nâng tổng cộng ca bệnh lên 1.173.091, bao gồm 11.143 ca tử vong.
Indonesia ghi nhận ca mắc mới giảm mạnh xuống dưới 10.000, với 7.427 ca trong ngày. Tuy vậy, nước này vẫn dẫn đầu khu vực về tổng ca bệnh, là 4.073.831, bao gồm 131.923 ca tử vong.
Học sinh đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại trường học ở Banda Aceh, Indonesia, ngày 3/2/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Trên 80% dân số đã tiêm chủng, Singapore dẫn đầu thế giới
Trong thông báo ngày 29/8, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết “đảo quốc sư tử” đã hoàn thành việc tiêm đủ hai liều vaccine ngừa COVID-19 cho 80% trong tổng số 5,7 triệu người dân nước này. Trên tài khoản Facebook, ông viết: “Chúng ta đã vượt qua một cột mốc mới, trong đó 80% dân số (Singapore) đã được tiêm đủ hai liều vaccine”.
Theo thống kê của hãng Reuters, Singapore hiện đã trở thành quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cao nhất thế giới. Giới chức Singapore thông báo sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch sau khi đạt cột mốc tiêm ngừa COVID-19 cho 80% dân số.
Hiện giới chức y tế nước này đang cân nhắc khởi động chiến dịch tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 bổ sung trong thời gian tới và có thể sẽ tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi vào đầu năm 2022.
Bộ trưởng Ong Ye Kung cho biết hệ miễn dịch của nhiều người đã không thể tạo ra đủ kháng thể chống COVID-19 sau hai mũi tiêm vaccine nên việc nghiên cứu tiêm thêm mũi bổ sung là cần thiết. Ông cho rằng những người này bao gồm những người đang điều trị ung thư, chạy thận nhân tạo, hoặc các bệnh nhân khác đang được điều trị bằng các liệu pháp ức chế miễn dịch. Do tình trạng bệnh lý của họ như vậy nên cơ thể không thể sản sinh nhiều kháng thể hoặc kích hoạt các cơ chế cần thiết để chống lại virus SARS-CoV-2.
Video đang HOT
Một trung tâm tiêm chủng ở Singapore. Ảnh: Straits Times
Ủy ban chuyên gia về vaccine ngừa COVID-19 đang nghiên cứu và theo dõi dữ liệu cả trong và ngoài nước và sẽ sớm đề xuất chiến lược tiêm liều vaccine bổ sung trong thời gian tới. Hiện nay, có một số nước như Israel, Pháp, Đức và Anh đã khởi động, cũng như đang chuẩn bị tiêm mũi bổ sung thứ 3.
Cũng theo Bộ trưởng Ong Ye Kung, Singapore có thể sẽ triển khai chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi vào đầu năm 2022 sau khi nghiên cứu toàn diện về khía cạnh hiệu quả và an toàn. Tính tới hết ngày 17/8, Singapore đạt tỷ lệ 77% dân số tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19.
Indonesia: Ca nhiễm giảm mạnh, chuẩn bị phương án “sống chung”
Ca nhiễm mới tại Indonesia tiếp đà giảm mạnh, xuống chỉ còn 7.427 ca trong ngày 29/8.
Theo tờ Jakarta Post, trong vài tuần trở lại đây, chính phủ nước này đã đưa ra kế hoạch thay đổi cách tiếp cận trong xử lý đại dịch. Thay vì một cuộc chiến “tổng bằng 0″ chống lại căn bệnh đã làm lây nhiễm cho hơn 4 triệu người và cướp đi 130.000 sinh mạng, các nhà chức trách hiện đang khám phá ý tưởng chung sống lâu dài với COVID-19.
Tuần trước, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết ông đang trong quá trình xây dựng các phác đồ điều trị COVID-19 như một bệnh đặc hữu. Khái niệm chuyển đổi từ một đại dịch sang một bệnh đặc hữu – tức là khi virus có mức độ phổ biến liên tục trong một quần thể tại một khu vực địa lý – dường như được thúc đẩy bởi cảm giác lạc quan rằng Indonesia có thể giảm nhẹ các rủi ro và tập trung vào bảo vệ những đối tượng cần.
Chôn cất thi thể bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại Bekasi, Indonesia, ngày 8/8/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Philippines: Gần 2 triệu ca mắc COVID-19
Bộ Y tế Philippines thông báo số ca mắc COVID-19 tại nước này đã lên mức 1.954.023 ca sau khi ghi nhận thêm 18.528 ca mắc mới, mức cao thứ nhì theo ngày kể từ khi đại dịch bùng phát tại đây.
Biến thể Delta cùng với việc người dân di chuyển nhiều và không tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch là những yếu tố khiến số ca mắc tại Philippines tăng mạnh với số ca lây nhiễm mới trung bình vượt mốc 12.500 ca/ngày kể từ đầu tháng 8. Hiện có hơn 70 khu vực, gồm Vùng đô thị Manila, đang ở mức cảnh báo cấp độ 4 về dịch bệnh.
Tính đến 26/8, Philippines đã tiêm gần 32 triệu liều vaccine với 13,5 triệu người đã tiêm đủ liều. Chính phủ nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70 triệu người trong tổng số 110 triệu dân trong năm nay.
Cảnh sát kiểm tra các phương tiện để phòng dịch COVID-19 tại Quezon, Philippines, ngày 6/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Campuchia: Biến thể Delta tấn công 22 tỉnh
Biến thể Delta cũng trở thành mối quan ngại của Campuchia khi nước này tiếp tục ghi nhận nhiều ca mắc biến thể nguy hiểm này. Bộ Y tế Campuchia thông báo đã ghi nhận 218 ca mắc biển thể nguy hiểm này trong 24 giờ qua. Tổng số ca mắc biến thể Delta tại Campuchia cho tới này lên tới 1.752 ca. Đáng chú ý, thủ đô Phnom Penh ghi nhận khoảng 82 ca, số còn lại tập trung tại 22 tỉnh. Tới nay, hai tỉnh Kep và Kratie chưa ghi nhận ca mắc biến thể Delta.
Campuchia thông báo đã ghi nhận tổng cộng 438 ca mắc mới và 11 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca bệnh tại nước này lên 92.208 ca và 1.881 ca tử vong. Khoảng 10,44 triệu người, tương đương 65,25% dân số Campuchia, đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, trong khi đó 8,34% đã hoàn thành tiêm chủng.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 19/3/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Lào lo ngại nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng
Ngày 29/8, Bộ Y tế Lào thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 195 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 97 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Tổng cộng 12 tỉnh/thành phố của Lào đã ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua. Đáng chú ý, Savannakhet vẫn là tỉnh có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng nhất cả nước – với 57 ca.
Bộ Y tế Lào cho biết thủ đô Viêng Chăn đã ghi nhận 12 ca lây nhiễm trong cộng đồng chỉ trong một ngày, khiến số khu vực được quy định là vùng đỏ tăng cao trở lại. Đặc biệt, các ca mắc bệnh ở thủ đô Viêng Chăn có lịch sử di chuyển nhiều nơi, làm gia tăng cao nguy cơ lây nhiễm. Trước tình hình này, cơ quan y tế khuyến cáo người dân có triệu chứng của bệnh COVID-19 cần tới các trung tâm dã chiến hoặc các bệnh viện tuyến trung ương để xét nghiệm sớm và điều trị kịp thời, tránh lây nhiễm ra cộng đồng.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào, ngày 5/7/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Ngay sau khi ghi nhận các ca lây nhiễm trong cộng đồng, chính quyền tỉnh Oudomxay và tỉnh Salavan đã ra lệnh phong tỏa một số huyện. Theo đó, người dân không được tự ý ra/vào các huyện bị phong tỏa, ngoại trừ cán bộ chức trách được giao nhiệm vụ, trường hợp đi điều trị y tế, những người đã tiêm vaccine và các trường hợp cấp thiết khác được ủy ban chuyên trách cho phép…
Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào hiện là 14.661 ca, trong đó có 12 trường hợp tử vong.
Chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tới nhà hoả táng ở Bangkok, Thái Lan ngày 30/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Thái Lan: Ca nhiễm theo chiều hướng giảm
Cùng ngày, Thái Lan thông báo đã ghi nhận 16.536 ca mắc mới và 264 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh tại quốc gia Đông Nam Á này lên mức 1.174.091 ca, trong đó có 11.143 ca tử vong. Riêng thủ đô Bangkok và 5 tỉnh lân cận ghi nhận gần 7.000 ca mắc mới. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên số ca mắc mới theo ngày tại Thái Lan xuống dưới mốc 17.000 ca kể từ ngày 29/7. Số ca mắc mới tại Thái Lan đang có chiều hướng giảm trong bối cảnh chính phủ đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine. Cho tới nay. khoảng 11% trong hơn 66 triệu dân số Thái Lan đã tiêm đủ liều.
Bất chấp dịch bệnh phức tạp, Cơ quan hàng không dân dụng Thái Lan (CAAT) thông báo chính phủ nước này sẽ cho phép nối lại một số chuyến bay nội địa đến và đi từ Bangkok và một số khu vực có nguy cơ cao khác kể từ ngày 1/9 nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 23/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
CAAT nêu rõ những chuyến bay này chỉ được phép hoạt động 75% công suất và các hành khách phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch như có chứng nhận đã tiêm vaccine và có kết quả xét nghiệm COVID-19. Các hãng hàng không gồm Asia Aviation và Bangkok Airways đã thông báo nối lại một số chuyến bay nội địa từ tuần tới.
Việt Nam tăng ba bậc về quyền lực mềm toàn cầu
Việt Nam tăng ba bậc, lên vị trí thứ 47/100 trong bảng xếp hạng Chỉ số Quyền lực Mềm, dường như nhờ thành tựu chống Covid-19.
Bảng xếp hạng Chỉ số Quyền lực Mềm do tổ chức tư vấn Brand Finance của Anh thực hiện dựa vào ý kiến thăm dò từ 1.000 chuyên gia, bao gồm các chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp, cùng 55.000 thành viên trong cộng đồng, nhằm xếp hạng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ về "khả năng ảnh hưởng thông qua nghệ thuật ngoại giao và thuyết phục".
Các nước và vùng lãnh thổ được đánh giá dựa trên những tiêu chí như độ nhận diện, ảnh hưởng, uy tín toàn cầu, màn thể hiện trong các lĩnh vực chủ đạo như thương mại, quản trị, văn hóa và di sản, truyền thông, giáo dục và khoa học, con người và giá trị.
Người dân du xuân tại Hà Nội hôm 12/2. Ảnh: Giang Huy.
Điểm tổng thể của Việt Nam là 33,8/100, xếp trên một số quốc gia Đông Nam Á khác như Philippines, Campuchia, Myanmar, và đứng sau Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia.
Việt Nam là thành viên duy nhất của ASEAN được nâng hạng trong báo cáo năm nay của Brand Finance. Tại châu Á, Việt Nam là nước có tầm ảnh hưởng lớn thứ 9.
Về mức độ nhận diện, Việt Nam ghi được 5,3/10 điểm, trong khi uy tín toàn cầu và tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế lần lượt là 5,5 và 3,3 điểm.
Theo báo cáo của Brand Finance, dù không quá nổi bật trong các lĩnh vực thương mại, quan hệ quốc tế, truyền thông, giáo dục và khoa học, Việt Nam lại đạt thành tích rất ấn tượng trong nỗ lực chống Covid-19, với số ca nhiễm và chết vì đại dịch "thấp đáng kinh ngạc".
Quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng lần này là Đức, sau đó là Nhật Bản và Anh. Trong khi đó, Mỹ, nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới, rơi từ vị trí đầu bảng xuống thứ 6 do phản ứng yếu kém trước Covid-19.
Hai thủy thủ tàu chở hàng dương tính nCoV lần hai Xét nghiệm lần hai các thủy thủ trên tàu Ocean Amazing đang chờ vào cảng bốc dỡ hàng, có hai người dương tính với nCoV. Chiều 24/2, theo báo cáo của Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu, mẫu xét nghiệm lần hai đối với 20 thủy thủ tàu Ocean Amazing, quốc tịch Singapore, lấy ngày 23/2. Lần đầu lấy mẫu hôm...