Covid-19 lộ điểm yếu của hệ thống y tế Brazil
Hệ thống y tế cộng đồng của Brazil từng được coi là tiên tiến hàng đầu thế giới, nhưng đã phơi bày nhiều “lỗ hổng” trong đại dịch Covid-19.
Brazil hiện là vùng dịch lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, với hơn 2,6 triệu ca nhiễm và hơn 94.000 ca tử vong. Trong khi đó, Hệ thống Y tế Đơn nhất (SUS), một hệ thống được xây dựng theo mô hình Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) từ năm 1988, lại đang chật vật chăm sóc cho những người phụ thuộc vào nó.
Hiến pháp Brazil quy định “ sức khỏe là quyền của mọi người dân và trách nhiệm của nhà nước”. SUS là một trong những hệ thống duy nhất ở Mỹ Latinh cung cấp bảo hiểm toàn dân, nghĩa là toàn bộ người Brazil trên lý thuyết sẽ được miễn phí chăm sóc sức khỏe. Hơn 70% trong số 212 triệu dân Brazil phụ thuộc hoàn toàn vào SUS.
“Trên giấy tờ, SUS là một hệ thống hoàn hảo. Nhưng thực tế, chúng tôi có rất nhiều vấn đề”, Fred Nicacio, bác sĩ tại một phòng cấp cứu ở thành phố Bauru, phía đông nam Brazil, nói. “Chúng tôi cần thêm giường bệnh, nhân viên y tế và nhiều loại thuốc hơn”.
Nhân viên y tế chăm sóc một bệnh nhân Covid-19 ở bệnh viện Lagoa-Barra, Rio de Janeiro, Brazil, ngày 2/7. Ảnh: Reuters.
Nicacio cho biết một số đồng nghiệp của ông bị nhiễm nCoV, khiến họ phải ngừng làm việc trong hai tuần mà không có người thay thế. “Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe ở tuyến đầu ít được quan tâm, bị trả lương thấp và cảm thấy bị coi thường”, ông nói, thêm rằng tham nhũng cũng là một vấn đề lớn khác trong hệ thống y tế cộng đồng.
Brazil trước đó chấn động bởi nhiều vụ bê bối liên quan đến đại dịch, bao gồm các hợp đồng mua máy thở bị kê khống giá và những bệnh viện dã chiến không bao giờ được xây dựng, dù đã được cấp kinh phí.
“Hiến pháp quy định nhà nước có nghĩa vụ đảm bảo quyền tiếp cận chăm sóc sức khỏe, nhưng ngân sách cho SUS thường xuyên thiếu thốn trầm trọng”, Guilherme Werneck, phó chủ tịch Hiệp hội Y tế Cộng đồng Brazil (ABRASCO), nói.
Báo cáo năm 2019 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy Brazil là một trong những quốc gia đầu tư ít nhất vào y tế, với ngân sách y tế bình quân đầu người thấp hơn 30% so với mức trung bình của các nước phát triển và mới nổi. Brazil cũng chỉ dành 4% GDP cho sức khỏe cộng đồng, chưa bằng một nửa ở các quốc gia như Đức, Pháp và Anh.
Luciana Dias Lima, nhà nghiên cứu tại Viện Y tế công cộng Fiocuz, trụ sở ở Rio de Janeiro, Brazil, cho rằng “từ khi SUS được thành lập cách đây hơn 30 năm, y tế chưa bao giờ là ưu tiên chiến lược trong chương trình nghị sự quốc gia”. Bà Lima cho rằng chính quyền Tổng thống Jair Bolsonaro “không hết lòng” trong điều phối các dịch vụ y tế công.
Trong khi đó, chính phủ liên bang lại gián tiếp tài trợ cho hệ thống y tế tư nhân, thông qua việc giảm thuế cho những người mua bảo hiểm y tế tư. Phó chủ tịch ABRASCO Werneck cho rằng khoản tiền đó có thể dùng để tài trợ cho SUS.
Các báo cáo cho thấy tốc độ hồi phục của các bệnh nhân Covid-19 nhập viện trong hệ thống bệnh viện tư nhân cao hơn 50% so với những người điều trị trong bệnh viện công ở Brazil.
“Đại dịch đã làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng: Những người nghèo nhất bị phơi nhiễm nhiều nhất, vì họ thường sống trong điều kiện không phù hợp vệ sinh, mắc nhiều bệnh mãn tính và gặp nhiều vấn đề hơn khi nằm trên giường bệnh”, Werneck nói.
“Nếu SUS được tài trợ nhiều hơn, phản ứng với COVID-19 sẽ tốt hơn nhiều”, ông nhận định, thêm rằng nếu hệ thống y tế công ở Brazil không tồn tại, “thảm kịch sẽ còn lớn hơn nữa”.
Hơn 692.000 người chết vì nCoV toàn cầu
Thế giới ghi nhận hơn 18,2 triệu ca nCoV và hơn 692.000 người chết, nhiều quốc gia phải tái áp đặt phong tỏa vì sóng lây nhiễm thứ hai.
Video đang HOT
213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 18.218.855 ca nhiễm và 692.307 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 232.117 và 4.731 ca sau 24 giờ, trong khi 11.435.144 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 4.811.994 ca nhiễm và 158.322 người chết, tăng lần lượt 51.014 và 526 ca so với một ngày trước đó. Trên toàn quốc, ít nhất 27 bang đã tạm dừng hoặc rút kế hoạch tái mở cửa, đồng thời áp đặt những hạn chế mới. Hơn 40 bang ra những yêu cầu liên quan đến khẩu trang.
Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Truyền nhiễm Quốc gia kiêm cố vấn y tế cho ủy ban chống Covid-19 của Nhà Trắng, hôm 28/7 cảnh báo một số bang, bao gồm Tennessee, Ohio, Indiana và Kentucky, cần nhanh chóng xử lý tình trạng số ca nhiễm tăng vọt, bởi Mỹ không đủ khả năng đương đầu với một làn sóng Covid-19 khác như diễn biến vài tuần gần đây ở Florida, Texas, Arizona và California.
Tiến sĩ Deborah Birx, điều phối viên nhóm chuyên trách phản ứng với Covid-19, cho biết Mỹ đang bước vào giai đoạn mới trong cuộc chiến chống đại dịch khi mà virus hiện lan rộng hơn đợt sóng đầu tiên rất nhiều. Bà nhấn mạnh người dân Mỹ cần tuân thủ các khuyến cáo về y tế, trong đó có việc đeo khẩu trang và giữ cách biệt cộng đồng.
Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) dự đoán đến ngày 22/8, hơn 173.000 người Mỹ sẽ tử vong vì Covid-19. Theo tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu quan chức Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA), số người chết vì Covid-19 tại Mỹ sẽ lên tới 300.000 vào cuối năm nay nếu tình hình không có biến chuyển tích cực.
Nhân viên y tế bước vào trung tâm chăm sóc người cao tuổi Epping Gardens ở vùng ngoại ô Epping, thành phố Melbourne, Australia, ngày 30/7. Ảnh: Reuters.
Tại Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ca tử vong đã tăng lên 94.104 sau khi ghi nhận thêm 488 trường hợp. Ca nhiễm tại nước này tăng 24.801 trong 24 giờ qua, lên 2.733.677.
Michelle Bolsonaro, phu nhân của Tổng thống Brazil Bolsonaro, ngày 30/7 được xác định nhiễm nCoV, chỉ vài ngày sau khi chồng bà thông báo khỏi Covid-19 sau gần ba tuần cách ly. Ngay sau khi Tổng thống Brazil nhiễm virus, bà Michelle và hai con gái được xét nghiệm nhưng khi đó cho kết quả âm tính.
Chính quyền Rio de Janeiro thông báo hủy lễ đón giao thừa, thường thu hút hàng triệu người tới bãi biển Copacabana, thêm rằng lễ hội Carnival nổi tiếng vào tháng hai cũng có thể bị hủy. Trong khi đó, Sao Paulo, thành phố lớn nhất Brazil, đã hoãn vô thời hạn lễ hội Carnival.
Brazil mở lại đường bay quốc tế từ 30/7. Du khách từ mọi quốc gia có thể đến Brazil, miễn là họ có bảo hiểm y tế trong suốt chuyến đi. Trước đó, Brazil đã đóng đường bay quốc tế với người nước ngoài từ ngày 30/3.
Mexico, vùng dịch lớn thứ hai Mỹ Latinh và lớn thứ sáu thế giới, báo cáo 434.193 ca nhiễm và 47.472 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 9.556 và 784 ca.
Toàn bộ trường học tại Mexico vẫn đóng cửa. Cửa hàng, nhà hàng và quán bar mở cửa một phần, trong khi giao thông công cộng hoạt động bình thường.
Tổng thống Mexico thông báo nước này vẫn sẽ tiến hành lễ kỷ niệm ngày quốc khánh 16/9 tại quảng trường Zocalo ở thủ đô nhưng quy tắc giãn cách xã hội sẽ được áp dụng.
Peru, vùng dịch lớn tiếp theo của Mỹ Latinh, ghi nhận 428.850 ca nhiễm và 19.614 ca tử vong, tăng lần lượt 6.667 và 206. Bất chấp rủi ro của đại dịch, nước này vẫn nỗ lực nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm vực dậy nền kinh tế đang bị tổn hại nghiêm trọng. Các cửa hàng và hệ thống giao thông công cộng hoạt động lại một phần, nhưng trường học và các quán bar, nhà hàng vẫn đóng cửa.
Chile ghi nhận 359.731 ca nhiễm và 9.608 ca tử vong, tăng lần lượt 2.073 và 75 trường hợp so với hôm trước. Các trường học, nhà hàng và quán bar vẫn đóng cửa. Giao thông công cộng cũng chỉ nối lại một phần trong những khung giờ nhất định và chỉ những cửa hàng bán đồ thiết yếu mới được phép tái mở cửa.
Nam Phi, vùng dịch thứ năm thế giới, là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi với 511.485 ca nhiễm và 8.366 ca tử vong, tăng lần lượt 8.195 và 213 ca. Giới chuyên gia lo ngại châu Phi sẽ là điểm nóng dịch bệnh tiếp theo, đồng thời bày tỏ lo ngại bởi hệ thống y tế yếu kém của các quốc gia tại đây, cũng như nguồn lực kinh tế hạn hẹp.
Nam Phi áp đặt một trong những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới hồi tháng 3, bao gồm đóng cửa trường học, nhà máy, các cửa hàng không thiết yếu và cấm bán rượu, thuốc lá. Các hạn chế được dỡ bỏ hồi tháng 6, nhưng một số đã được khôi phục trong tháng này, như tái đóng cửa trường học và cấm bán rượu.
Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 70 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 14.128. Số ca nhiễm tăng thêm 5.427, lên 850.870. Tình hình dịch bệnh tại nước này dường như đã được kiểm soát, khi các số liệu có xu hướng giảm dần.
Hồi tháng 6, Nga tuyên bố mở cửa lại một phần biên giới, cho phép những người cần làm việc, học tập, điều trị y tế hoặc chăm sóc người thân di chuyển ra nước ngoài. Nước này cũng lên kế hoạch nối lại một số chuyến bay quốc tế từ ngày 1/8, nhưng danh sách điểm đến ban đầu chỉ bao gồm Tanzania, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh.
Tây Ban Nha chưa công bố số liệu. Sau một tháng yên bình, số ca nhiễm nCoV tại nước này đang tăng vọt khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, với 280 ổ dịch trên cả nước. Vùng Catalonia và Aragon chứng kiến tình trạng gia tăng nghiêm trọng nhất trong vài tuần qua.
Diễn biến đáng lo ngại tại Tây Ban Nha thúc đẩy chính phủ Anh và Đức khuyến cáo công dân tránh tới các hòn đảo và bãi biển của nước này để nghỉ mát, khiến giới chức và người dân Tây Ban Nha tức giận, coi đây là hành động "phân biệt đối xử". Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 30/7 nói đây "không phải là làn sóng thứ hai".
Anh báo cáo thêm 743 ca nhiễm và 8 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 304.695 và 46.201. Theo báo cáo công bố hôm 14/7 của viện Khoa học Y khoa Anh, làn sóng Covid-19 thứ hai ở nước này có thể khiến 120.000 người chết từ tháng 9 tới tháng 6 năm sau "trong trường hợp xấu nhất".
Thủ tướng Anh Johnson yêu cầu các vùng phía bắc đất nước tái áp đặt phong tỏa một phần trong bối cảnh lo ngại về làn sóng Covid-19 thứ hai. Hàng trăm nghìn người ở Greater Manchester, Bradford, Blackburn và nhiều khu vực khác ở miền bắc nước Anh bị cấm tụ tập trong nhà với các gia đình khác từ đêm 30/7.
Johnson trước đó cảnh báo người dân không nên lầm tưởng mối nguy hiểm về dịch bệnh đã qua, trong khi Phố Downing cũng cảnh báo không loại trừ khả năng tái phong tỏa toàn quốc.
Iran, vùng dịch lớn nhất Trung Đông, ghi nhận thêm 208 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 17.190. Trong khi đó, số ca nhiễm tăng thêm 2.685, mức tăng cao nhất trong gần một tháng qua, lên tổng cộng 309.437 ca.
Tehran nằm trong số 15/31 tỉnh đang được đặt trong tình trạng cảnh báo đỏ về Covid-19. Phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Sima Sadat Lari cho biết tình hình tại nước này đáng lo ngại, đồng thời kêu gọi thực thi nghiêm ngặt các hướng dẫn y tế.
Số liệu chính thức cho thấy xu hướng gia tăng đáng chú ý các ca nhiễm và tử vong vì nCoV tại Iran từ cuối tháng 6. Chính quyền đã ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở những không gian công cộng kín và các tỉnh được trao quyền để cân nhắc tái áp đặt các biện pháp giới hạn, phong tỏa.
Arab Saudi ghi nhận thêm 1.357 ca nhiễm và 30 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 278.835 và 2.917.
Lễ hành hương Hajj ở thánh địa Mecca bắt đầu vào 28/7 và kéo dài đến 2/8 với quy mô giảm mạnh, chỉ bao gồm khoảng 1.000 người Hồi giáo, trong khi con số hàng năm là khoảng 2,5 triệu tín đồ khắp thế giới. Sự kiện áp dụng các quy tắc y tế nghiêm ngặt và chỉ dành cho những người hành hương dưới 65 tuổi, không mắc bệnh mạn tính. Các tín đồ phải thực hiện giãn cách xã hội, đứng cách xa nhau và di chuyển theo từng nhóm nhỏ 20 người. Họ ăn đồ ăn đóng hộp một mình trong khách sạn và cầu nguyện cách xa người khác.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 52.738 ca nhiễm và 758 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 1.804.702 và 94.104. Ấn Độ đã vượt Italy, thành vùng dịch báo cáo số người chết cao thứ năm thế giới.
Phần lớn ca nhiễm tập trung tại Mumbai và New Delhi, trong khi lũ lụt khiến gánh nặng đối với Assam và Bihar, hai bang nghèo nhất Ấn Độ, thêm chồng chất.
Mặc dù ca nhiễm vẫn tăng mạnh, Ấn Độ sẽ mở lại phòng tập gym, trung tâm dạy yoga và dừng áp giờ giới nghiêm vào ban đêm từ ngày 5/8. Trường học, dịch vụ tàu điện ngầm, rạp chiếu phim, bể bơi, công viên giải trí, nhà hát, quán bar tiếp tục đóng cửa.
Theo khảo sát của một trung tâm nghiên cứu chính phủ, hơn một nửa số người sống ở khu ổ chuột tại Mumbai có thể đã nhiễm virus và sản sinh kháng thể. Tuy nhiên, đề tài này còn gây tranh cãi.
Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah ngày 2/8 cho biết ông đã nhập viện sau khi nhận kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV. Shah là cố vấn thân cận của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và là một trong những chính trị gia quyền lực nhất nước này. Ông đứng đầu một bộ chủ chốt đang chịu trách nhiệm chính đưa ra các phản ứng trước đại dịch Covid-19.
Trung Quốc chưa công bố số liệu
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 111.455 ca nhiễm, tăng 1.519 trường hợp so với hôm trước, trong đó 5.236 người chết, tăng 43 ca.
Budi Sadikin, người đứng đầu nhóm chuyên trách phục hồi kinh tế của chính phủ Indonesia giữa đại dịch Covid-19, hôm 29/7 hối thúc người dân "ra khỏi nhà" để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Các văn phòng ở Jakarta bắt đầu mở cửa trở lại vào tuần đầu tiên của tháng 6, với lịch làm việc được sắp xếp so le, đồng thời người dân được khuyến cáo tránh tập trung đông trong giờ ăn và trong thang máy. Các trung tâm mua sắm cũng được phép mở cửa trở lại từ giữa tháng 6. Bali, một trong những trung tâm du lịch của Indonesia, mở cửa trở lại từ hôm 31/7 cho du khách trong nước và lên kế hoạch đón du khách nước ngoài, có thể vào 11/9.
Chuyên gia dịch tễ Pandu Riono, giảng viên khoa Sức khoẻ cộng đồng tại Đại học Indonesia, bày tỏ hoài nghi về việc khuyến khích người dân Indonesia bước vào "bình thường mới". Ông Pandu cho rằng việc này chỉ có thể diễn ra dưới sự giám sát và tuân thủ các quy trình y tế nghiêm ngặt gồm đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và cách biệt cộng đồng. Indonesia hiện tiến hành khoảng 20.000 - 30.000 xét nghiệm Covid-19 mỗi ngày.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai trong khu vực, ghi nhận 103.185 người nhiễm và 2.059 người chết, tăng lần lượt 5.032 và 20 trường hợp trong 24 giờ.
Dù Philippines đã duy trì các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt 11 tuần trước khi bắt đầu nới lỏng vào ngày 1/6, số ca nhiễm vẫn không ngừng tăng. Tổng thống Rodrigo Duterte quyết không mở cửa trường học cho đến khi có vaccine, đồng thời cho biết ông đã đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giúp đỡ nếu Bắc Kinh đạt đột phá với vaccine Covid-19.
Duterte còn cho rằng người không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách an toàn và làm lây lan nCoV là "tội phạm nghiêm trọng" và có thể bị bỏ tù. Ông đề nghị cảnh sát không do dự khi bắt và đưa người vi phạm tới giam ở đồn để họ "nhận được bài học".
Tổng thống Duterte ngày 31/7 tuyên bố kéo dài các hạn chế ngăn Covid-19 tại khu vực thủ đô Manila và một số tỉnh đến giữa tháng 8.
Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 52.825 người nhiễm, tăng 313 ca, trong đó 27 người chết. Nước này dự kiến hoàn tất xét nghiệm nCoV với những lao động nhập cư sống trong ký túc xá, đối tượng chiếm phần lớn số ca nhiễm, vào ngày 7/8.
Singapore đang tiến hành nới lỏng các biện pháp hạn chế theo từng giai đoạn. Nước này dự kiến nối lại di chuyển với Malaysia cho mục đích chính thức và kinh doanh thiết yếu vào tháng này, trong khi siết chặt quy định nhập cảnh với người đi từ hay gần đây đến những vùng dịch đang tăng nhiệt trở lại, bao gồm Hong Kong, Nhật và bang Victoria của Australia.
"Nhiều quốc gia tin họ đã qua giai đoạn tồi tệ nhất giờ đối mặt tình trạng dịch bùng phát trở lại. Một số quốc gia ban đầu ít bị ảnh hưởng giờ chứng kiến số ca nhiễm và tử vong leo thang, trong khi một số vùng dịch lớn đã kiểm soát được tình hình", Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 31/7 nói tại Geneva.
"Mặc dù sự phát triển vaccine đang diễn ra với tốc độ kỷ lục, chúng ta phải học cách sống chung với loại virus này và chúng ta phải chiến đấu với nó bằng các công cụ chúng ta sẵn có", Tedros cho biết thêm.
Báo động cháy rừng ở Brazil và Mỹ Theo ABC News, trong tháng 7, số vụ cháy rừng Amazon thuộc phần lãnh thổ của Brazil đã tăng tới 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ quan Vũ trụ quốc gia Brazil (INPE) cho biết, đã ghi nhận tới 6.803 vụ cháy rừng ở Amazon, trong khi con số này ở thời điểm cùng kỳ năm ngoái chỉ là 5.318 vụ....