COVID-19 dọa đánh sập hệ thống y tế Mỹ
Hệ thống y tế Mỹ choáng váng trước số ca bệnh và ca tử vong vì virus corona chủng mới. Các chuyên gia y tế lo ngại Mỹ có thể trở thành một phiên bản của Ý khi nhiều bác sĩ đang buộc phải chọn bệnh nhân để chữa.
Các nhân viên y tế chuyển một bệnh nhân vào bệnh viện ở New York ngày 25-3 – Ảnh: REUTERS
Ngày 24-3, giờ Mỹ, là ngày buồn của dịch COVID-19 tại Mỹ với 233 người thiệt mạng, nâng tổng số ca tử vong ở nước này chạm mức 1.000 trên tổng hơn 68.000 ca nhiễm. So với hồi đầu tháng, Mỹ chỉ có khoảng 100 ca bệnh và vài ca tử vong.
Dù có dấu hiệu tích cực ở New York…
Thành phố New York hiện ghi nhận khoảng 31.000 ca bệnh và khoảng 300 ca tử vong. Trong thông báo ngày 25-3, thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo, cho biết các biện pháp giãn cách xã hội mà bang này áp dụng đang có hiệu quả trong việc kiềm chế virus lây lan.
Theo đó, tỉ lệ nhập viện bắt đầu giảm từ đầu tuần này. Số người nhập viện do COVID-19 tại New York gia tăng theo tỉ lệ gấp đôi sau mỗi 4,7 ngày, chậm hơn so với tốc độ gấp đôi sau mỗi hai ngày vào cuối tuần trước.
Theo ông Cuomo, mấu chốt là việc giảm mật độ dân số. “Nếu giảm mật độ, chúng ta có thể giảm lây lan rất nhanh chóng – ông nói – Mũi tên đang đi đúng hướng và điều đó luôn tốt hơn là đi sai hướng”.
New York là một trong số các bang áp dụng biện pháp hạn chế người dân ra đường, cấm tụ tập đông người, đóng cửa các trường học, doanh nghiệp không quan trọng…
Chính quyền bang cũng đang gấp rút xây 4 bệnh viện dã chiến có sức chứa mỗi nơi 250 giường tại Trung tâm hội nghị Jacob K.Javits ở Manhattan trong vòng 1 tuần. Các khách sạn và sân vận động cũng có thể biến thành bệnh viện dã chiến khi cần.
Ngoài ra, một tàu bệnh viện với 1.000 giường dự kiến đến New York giữa tháng 4-2020. Hàng ngàn bác sĩ về hưu hoặc không còn khám bệnh đã đăng ký tham gia hỗ trợ.
Video đang HOT
… Nhưng thách thức vẫn ở phía trước
Vấn đề phía trước còn lớn hơn rất nhiều, đặc biệt là việc thiếu các thiết bị y tế. Tại New York, trong hơn 30.000 ca dương tính thì có đến 12% nhập viện và 3% cần chăm sóc đặc biệt.
Đó là chưa kể, với dịch COVID-19 dự báo sẽ lên đỉnh điểm trong 3 tuần tới, các chuyên gia y tế ước tính sẽ có khoảng 120.000 bệnh nhân COVID-19 đổ xô đến các bệnh viện ở New York, hiện chỉ có 50.000 giường.
Ông Cuomo cho biết bang này hiện cần 30.000 máy thở nhưng mới chỉ có 4.000 máy. Sắp tới, các bác sĩ có thể phải sử dụng một máy thở cho hai bệnh nhân.
“Vấn đề của chúng ta gấp 10 lần bang lân cận” – ông Cuomo than phiền, kêu gọi chính quyền liên bang nhanh chóng triển khai nhân lực và phân phối trang thiết bị y tế hỗ trợ New York chống dịch.
“Tình hình chúng ta đang chứng kiến trong các phòng cấp cứu thật khủng khiếp. Tuần trước khi tôi đi làm, chỉ có một hoặc hai bệnh nhân COVID-19 trong số vài chục bệnh nhân. Trong ca trực của tôi hôm qua, gần như mọi bệnh nhân tôi gặp đều nhiễm virus corona và nhiều người rất nguy kịch” – Craig Spencer, một bác sĩ tại New York, kể trên Đài CNN ngày 25-3.
Không chỉ New York, nhiều bệnh viện trên khắp nước Mỹ choáng váng trước dịch bệnh. “Một cặp vợ chồng lớn tuổi ngồi cạnh một người bị cúm và ho. Thật quá khinh suất” – một y tá ở Virginia mô tả lại bệnh viện nơi cô làm việc cũng đối mặt với tình trạng thiếu khẩu trang và trang phục bảo hộ.
Do không đủ máy thở, bác sĩ tại nhiều bệnh viện buộc phải đưa ra lựa chọn khó khăn là bệnh nhân nào sẽ được thở máy.
“Sự bùng phát một đại dịch như vậy có thể làm quá tải bất cứ hệ thống y tế nào trên thế giới” – chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci cảnh báo.
Nhất trí gói cứu trợ lớn nhất lịch sử
Với kết quả đồng thuận tuyệt đối, Thượng viện Mỹ ngày 26-3 (giờ VN) thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỉ USD nhằm đối phó với COVID-19.
Gói cứu trợ này, tiếp theo hai gói 8,3 tỉ USD và 104 tỉ USD trước đó, sẽ hỗ trợ tiền trực tiếp đến 3.400 USD cho mỗi gia đình người dân Mỹ, hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp mở rộng, các khoản vay và ưu đãi cho doanh nghiệp, và các nguồn lực y tế cho bệnh viện, các bang và vùng lãnh thổ.
Ngoài ra, các nhà cung cấp bảo hiểm cũng phải chi trả những dịch vụ ngăn ngừa COVID-19. Dự luật dự kiến sẽ được bỏ phiếu tại hạ viện vào 27-3. Ông Trump đã tuyên bố sẽ phê chuẩn ngay lập tức khi dự luật tới tay ông.
TRẦN PHƯƠNG
Lựa chọn nghiệt ngã trong đại dịch
Sau Italy, đến lượt các bác sĩ Mỹ phải đưa ra lựa chọn: bệnh nhân nào sẽ vào danh sách được cứu, và bệnh nhân nào không.
Tại Bệnh viện Bellevue ở thành phố New York, y bác sĩ đang phải gồng mình đối phó với lượng bệnh nhân khổng lồ. Cơn bão Sandy quét qua năm 2012 đã khiến các máy phát điện chính hư hại phần nhiều. Bác sĩ Laura Evans chỉ còn sử dụng được 6 ổ cắm điện cho 50 bệnh nhân ở khu cách ly.
Lãnh đạo bệnh viện yêu cầu cô lựa chọn người được ưu tiên sử dụng các thiết bị y tế.
"Laura, chúng ta cần lập một danh sách", một cấp trên nói với cô. Sau khi thảo luận với các chuyên gia khác, cô đã liệt kê tên của những bệnh nhân "may mắn".
Các bác sĩ ở khắp nơi tại Mỹ cũng đứng trước tình hống tương tự, lựa chọn có phần nghiệt ngã được thực hiện ở quy mô rộng lớn hơn nhiều. Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo về sự bùng nổ số lượng bệnh nhân nguy kịch, kết hợp với tình trạng thiếu thiết bị, vật tư, nhân viên và giường bệnh nghiêm trọng. Điểm nóng bao gồm các bang như New York, California và Washington.
Bác sĩ Laura Evans bên ngoài Trung tâm Y tế Đại học Washington ở Seattle. Ảnh: NY Times
Bác sĩ đang nỗ lực ngăn chặn đợt bùng phát, mở rộng năng lực y tế để hạn chế việc lựa chọn bệnh nhân. Song nếu tình thế ép buộc, câu hỏi được đặt ra là họ sẽ đưa ra quyết định theo tiêu chí gì, giảm thiểu số người chết ra sao, ai là người có quyền lựa chọn và hợp thức hoá điều này với công chúng thế nào?
Các bệnh viện đang xem xét dựa trên những diễn biến ban đầu ở Trung Quốc, nơi có nhiều bệnh nhân bị từ chối cho nhập viện. Tình trạng tương tự diễn ra ở Italy. Các bác sĩ bị quá tải và phải từ chối điều trị cho bệnh nhân lớn tuổi có tỷ lệ tử vong cao để dành máy thở cho bệnh nhân khoẻ mạnh, nhiều khả năng sống sót hơn.
"Việc lựa chọn đi ngược lại những gì chúng ta từng nghĩ về nghề nghiệp của mình, trái với hành vi cần có của bác sĩ đối với bệnh nhân", tiến sĩ Marco Metra, trưởng khoa tim mạch tại một bệnh viện ở Italy cho biết.
Ở Mỹ, có một số hướng dẫn đã tồn tại trước đây liên quan đến nhiệm vụ "nghiệt ngã" này. Chương trình hỗ trợ liên bang đối với các bệnh viện, bang và Cơ quan Quản lý Y tế Cựu chiến binh từng phát triển kế hoạch cơ bản ứng phó với đại dịch nghiêm trọng. Dù được ít người biết đến và có vài điểm lỗi thời, bộ hướng dẫn dẫn đang được xem xét dùng lại trong đợt đại dịch lần này.
Song hiện chưa có nhiều nghiên cứu để đánh giá liệu các chiến lược này có thể cứu chữa thêm các bệnh nhân hoặc duy trì sự sống cho họ lâu hơn so với việc lựa chọn ngẫu nhiên hay không.
"Cần phải xác định mục tiêu một cách rõ ràng. Có thể bạn cứu được nhiều người hơn nhưng cuối cùng tạo ra một xã hội tranh đấu vì chính điều này. Một số công dân sẽ cho rằng mạng sống của họ là không xứng đáng", Christina Pagel, một chuyên gia người Anh từng nghiên cứu về vấn đề tương tự trong đại dịch cúm H1N1 năm 2009 nhận định.
Bệnh nhân xếp hàng bên ngoài Bệnh viện Brooklyn, New York để chờ thăm khám. Ảnh: NY Times
Nhiều công dân lo ngại việc lựa chọn bệnh nhân dựa trên tỷ lệ sống sót có thể là một hình thức phân biệt đối xử. Những người Mỹ gốc Phi nhập cư vốn đã không nhận được sự chăm sóc sức khoẻ tương đương với người bản địa từ trước đó.
Ngay trước khi Covid-19 bùng phát, bác sĩ Laura Evans đã chỉ đạo hoạt động cho các phòng chăm sóc đặc biệt của Trung tâm Y tế Đại học Washington, Seattle. Thành phố là khu vực đầu tiên của Mỹ ghi nhận các ca lây nhiễm cộng đồng.
Bệnh viện đang làm hết sức mình để tránh phải lựa chọn bệnh nhân. Bác sĩ Evans gọi đây là "nghĩa vụ đạo đức". Giống như các tổ chức khác, họ cố gắng đảm bảo nguồn cung, đào tạo nhân viên y tế cho các vai trò nằm ngoài công việc thường ngày, hoãn một số ca phẫu thuật tự chọn để tạo thêm không gian điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Một số thành phố trên cả nước đang chạy đua để xây dựng các bệnh viện mới.
Chuyên gia đề xuất một số hướng giải quyết tình trạng khan hiếm máy thở như nhường cho người đến trước. Song một số người cho rằng điều này gây bất lợi cho các bệnh nhân sống xa bệnh viện và lựa chọn ngẫu nhiên vẫn công bằng hơn.
Thục Linh
Y bác sĩ Mỹ 'khủng hoảng' vì thiếu đồ bảo hộ CDC khuyến cáo y bác sĩ tái sử dụng khẩu trang, tự chế khẩu trang thay thế trước nguy cơ cạn kiệt vật tư và phải làm việc dù có triệu chứng lây nhiễm nhẹ. Đây là tình trạng các bệnh viện ở Mỹ phải đối mặt trong trường hợp đại dịch Covid-19 trở nên tồi tệ hơn, theo kế hoạch dự phòng...