COVID-19 dễ lây nhất ở thời điểm một đến hai ngày trước khi có triệu chứng
Một nghiên cứu mới cho thấy những người bị nhiễm coronavirus có thể dễ truyền bệnh nhất trong một đến hai ngày trước khi họ bắt đầu phát bệnh.
SARS-CoV-2 – loại coronavirus gây bênh COVID-19 – dường như dễ lây lan nhất khi bắt đầu nhiễm bệnh – ngay cả khi một người còn chưa biết mình mắc bệnh. Trong bức ảnh, loại virus này (màu vàng) đang lây nhiễm một tế bào đang chết (màu xanh) trên người bệnh nhân mắc COVID-19
Hơn nữa, khi xem xét các cặp lây nhiễm cho nhau khi một người đã chắc chắn lây nhiễm cho người kia, các nhà khoa học đã ước tính rằng khoảng 44% trường hợp mắc Covid-19 có thể lây từ người sang người trước khi các triệu chứng xuất hiện.
Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học được trình bày trong tạp chí Y học Tự nhiên (Nature Medicine) ngày 15/4 khuyến cáo rằng việc truy vết quá trình tiếp xúc của những người nhiễm coronavirus với những người khác cần phải bao gồm cả vài ngày trước khi xuất hiện triệu chứng.
Các nhà khoa học đã lấy dịch mũi của 94 bệnh nhân nhiễm coronavirus được đưa vào bệnh viện Nhân dân Quảng Châu Trung Quốc từ ngày 21 tháng 1 đến 14 tháng 2. Nhóm nghiên cứu thấy rằng số lượng vật liệu di truyền của virus đã nhanh chóng đạt đỉnh sau khi xuất hiện các triệu chứng, sau đó giảm dần trong khoảng 21 ngày. Kết quả này cho thấy sự sản sinh của virus có thể mạnh nhất vào giai đoạn đầu của quá trình nhiễm bệnh trước khi hệ thống miễn dịch hoạt động để tiêu diệt virus và tạo ra các triệu chứng.
Qua phân tích 77 cặp bệnh nhân truyền nhiễm bệnh cho nhau, các nhà nghiên cứu đã tính ra được thời điểm mọi người có khả năng truyền bệnh lớn nhất. Nhóm nghiên cứu đã ước tính rằng sự lây nhiễm bắt đầu từ 2,3 ngày trước khi các triệu chứng bắt đầu và đạt đỉnh vào 0,7 ngày trước khi các triệu chứng bắt đầu.
Các ước tính này tương tự với những phát hiện dựa trên một số bệnh nhân mắc COVID-19 tại Đức, trong đó các nhà nghiên cứu đã phân lập được các virus lây nhiễm thực sự, thay vì chỉ là vật liệu di truyền. Nghiên cứu này phát hiện ra rằng các virus lây nhiễm được tạo ra trước khi hình thành các triệu chứng và trong tuần đầu tiên bị bệnh. Một bệnh nhân trong nghiên cứu này không có triệu chứng bệnh rõ rệt, có nghĩa là anh ta thậm chí còn không bao giờ thể hiện các triệu chứng bệnh nhưng vẫn tạo ra các virus truyền nhiễm.
Các tác giả của nghiên cứu này cho rằng việc theo dõi và cách ly các trường hợp riêng lẻ có thể không thể ngăn chặn thành công việc bùng phát dịch nếu hơn 30% các trường hợp nhiễm bệnh do bị lây từ người bệnh trước khi có hoặc không có triệu chứng. Nếu trường hợp này xảy ra, thì có thể hơn 90% đối tượng tiếp xúc sẽ cần phải xác định về sự lây lan của virus. Theo nhóm nghiên cứu, việc rửa tay thường xuyên và cách ly xã hội đối với mỗi người có thể là biện pháp cần thiết để kiểm soát đại dịch.
Ngọc Anh
Video đang HOT
Chúng ta có thể tự biết mình bị nhiễm Covid-19 hay không?
Những triệu chứng Covid-19 và thời điểm chúng xảy ra thường rất khác nhau, và có thể rất nhiều người đã vô tình bị nhiễm bệnh mà họ không hề biết.
Các triệu chứng của dịch Covid-19 thường rất đa dạng. Và do nhiều quốc gia vẫn chưa thể tiến hành xét nghiệm một cách đầy đủ, điều này đồng nghĩa với việc nhiều người có thể đã bị nhiễm Covid-19 từ trước mà vẫn chưa được chẩn đoán dương tính.
Vậy có khả thi hay không việc tự xác định từ các triệu chứng của Covid-19, và bạn nên phản ứng như thế nào nếu nghi mình có thể bị nhiễm bệnh? Các bác sĩ David Buchholz từ Trung tâm y tế Irving thuộc Đại học Columbia và William Hillmann từ bệnh viện tổng hợp Massachusetts, Mỹ sẽ đưa ra giải đáp cho những câu hỏi trên.
Có cách nào để biết một ai đó từng nhiễm Covid-19 trong quá khứ không?
Bác sĩ Hillmann: Các xét nghiệm kháng thể đang được phát triển nhưng chưa được sử dụng lâm sàng một cách rộng rãi. Xét nghiệm kháng thể sẽ cho phép chúng ta kiểm tra các mẫu máu chứa kháng thể chống lại virus SAR-CoV-2, để xác định một người đã bị nhiễm Covid-19 hay chưa. Tôi, cũng như nhiều người khác, đang hồi hộp chờ đợi những điều trên sẽ sớm trở thành hiện thực.
Tôi vẫn có thể bị nhiễm Covid-19 dù không gặp triệu chứng nào?
Bác sĩ Hillmann: Các triệu chứng mà virus SARS-CoV-2 gây ra thường rất đa dạng, từ những người hoàn toàn không có triệu chứng nào và không biết rằng họ đang nhiễm bệnh, tới những người có triệu chứng rất nhẹ, như cảm lạnh, sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng, và những người mắc nhiều hơn một triệu chứng giống cúm như sốt cao, đau cơ, khó thở và ho. Mất khứu giác và vị giác cũng bị coi là các triệu chứng của Covid-19. Tất cả đều dẫn đến những triệu chứng nặng hơn, như những người mà chúng tôi gặp trong bệnh viện trong tình trạng suy hô hấp, cần được chuyển vào đơn vị chăm sóc tích cực.
Các triệu chứng mà virus SARS-CoV-2 gây ra thường rất đa dạng, có những người bị nhiễm Covid-19 dù không xuất hiện triệu chứng nào (Ảnh: Reuters)
Những người không gặp triệu chứng nào cũng dễ lây truyền Covid-19?
Bác sĩ Hillmann: Một tỷ lệ đáng kể những người nhiễm Covid-19 nhưng hoàn toàn không có triệu chứng nào vẫn có khả năng lây truyền trong một số thời điểm. Chúng ta chưa thể biết thời điểm này diễn ra bao lâu, vì vẫn không có hình thức xét nghiệm nào để sàng lọc các bệnh truyền nhiễm nhưng không gây triệu chứng.
Bất cứ ai có triệu chứng của Covid-19 đều có khả năng truyền nhiễm, dù những triệu chứng này phải mất từ 1 đến 2 ngày mới phát tác. Kể cả sau khi các triệu chứng có dấu hiệu thuyên giảm, người bệnh vẫn có khả năng truyền nhiễm trong một vài ngày. Chúng tôi thậm chí có một số bằng chứng về sự phát tán virus SARS-CoV-2 lên tới vài tuần sau khi các triệu chứng của người nhiễm trở nên suy yếu. Thật khó để biết chúng có phải là những virus còn sống, vẫn có khả năng lây nhiễm cho người khác, hay chỉ là những virus đã chết mà cơ thể bệnh nhân đang bài tiết.
Chúng ta có nên hoạt động khác đi nếu nghi ngờ, dù không chắc chắn, rằng mình bị nhiễm Covid-19 không?
Bác sĩ Hillmann: Vì không có cách nào để thực sự biết ai là người đang mắc Covid-19, trừ khi bạn đi xét nghiệm và được chẩn đoán có dương tính hay không. Tốt nhất là bạn nên tiếp tục làm tất cả những điều mà tất cả chúng ta nên làm vào thời điểm này: thực hiện giãn cách xã hội và vệ sinh tay. Tôi cho rằng việc phổ biến đeo khẩu trang ở nơi công cộng cũng là một khuyến nghị hợp lý, dựa trên những gì chúng ta biết về sự đa dạng trong các triệu chứng của Covid-19, và thực tế là kể cả người không có triệu chứng và vẫn có khả năng truyền virus SAR-CoV-2 cho người khác.
Hiện vẫn chưa có cách nào để thực sự biết ai là người đang mắc Covid-19 trừ việc xét nghiệm (Ảnh: Guardian)
Nếu nghi rằng mình có thể bị nhiễm Covid-19, tôi nên nói với những người mình đã tiếp xúc hay không?
Bác sĩ Buchholz: Chắc chắn là có rồi. Tôi đã ở New York trước khi chúng ta đều biết điều gì xảy ra ở đây. Vì vậy, tôi cho rằng với bất kỳ thành viên gia đình, bạn bè thân thiết, hoặc những ai có tiếp xúc gần với bạn trong khoảng thời gian dưới 14 ngày qua, bạn nên cảnh báo với họ. Nếu để thời gian quá 14 ngày, một vài trong số họ có thể sẽ phải nhập viện.
Bác sĩ Hillmann: Điều này tùy thuộc vào cảm tính của từng cá nhân. Như những gì vừa được nói, với sự gia tăng các ca nhiễm mà chúng ta đang phải chứng kiến ở những nơi như New York, nếu bạn có triệu chứng tại một thời điểm nào đó nhưng chưa được xét nghiệm và đã tiếp xúc gần gũi với một ai đó, tôi cho rằng bạn nên cảnh báo ngay với họ.
Sau khi bình phục, tôi có khả năng bị tái nhiễm Covid-19 không?
Bác sĩ Buchholz: Hiện vẫn có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy bệnh nhân có thể bị nhiễm Covid-19 nhiều hơn một lần. Một người có hệ thống miễn dịch bình thường có thể phản ứng với virus và trở nên khỏe hơn, nên có khả năng miễn dịch với Covid-19 trong khoảng thời gian ít nhất là 1 năm.
Dù đã có một số ghi nhận từ Trung Quốc và các nước châu Á cho thấy có những bệnh nhân dương tính với Covid-19 tới 2 lần, nhưng hầu hết các nhà khoa học cho rằng vấn đề này xoay quanh sự không chính xác của quá trình xét nghiệm, và những trường hợp này không phải có 2 lần nhiễm riêng biệt.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:
- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.
- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.
- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.
- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095.
Việt Anh
Giới khoa học Vũ Hán công bố thêm 2 triệu chứng Covid-19 mới nhất Tuyên bố từ các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong ở Vũ Hán, Trung Quốc đã cảnh báo rằng đau đầu và chóng mặt có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đã bị nhiễm chủng virus corona mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm phổi cấp (Covid-19). Từ sốt cao đến khó thở, SARS-CoV-2 được biết là gây...