Covid-19 còn kéo dài, TPHCM làm sao để tăng sức chống chịu của y tế cơ sở?
Covid-19 chưa dừng lại, các đợt bùng phát dịch mới có nguy cơ tiếp tục xuất hiện, TPHCM cần tính toán phương án để lấp đi những lỗ hổng, biến y tế cơ sở thành bức tường thành vững chắc.
Trong quãng thời gian dịch Covid-19 chưa xuất hiện, hệ thống y tế của TPHCM và cả nước gắn bó các nhiệm vụ mang tính hành chính, thu thập, điều tra số liệu, thống kê, triển khai các chương trình điều tra sức khỏe, dinh dưỡng, tiêm chủng, kế hoạch hóa gia đình… Tuy nhiên, khi đại dịch diễn ra, với đặc điểm nắm chắc tình hình dân cư trên địa bàn, hệ thống này đã phát huy những vai trò quan trọng từ vấn đề điều tra, truy vết F0 cho đến công tác tiêm chủng, chăm sóc ca mắc Covid-19 tại cộng đồng.
Cũng trong quãng thời gian diễn ra các đợt bùng phát dịch Covid-19, đặc biệt đối với địa phương đông dân cư như TPHCM, hệ thống y tế cơ sở cũng bộc lộ nhiều yếu điểm, hạn chế. Nguyên nhân chính đến từ việc cơ sở vật chất xuống cấp, nhân lực chưa được đầu tư tương xứng từ trước đến nay.
Hệ thống y tế cơ sở tại TPHCM đã “gánh” khối lượng công việc khổng lồ trong đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua.
Với kịch bản dịch Covid-19 chưa dừng lại trong khi các đợt bùng phát dịch mới với những biến chủng nguy hiểm tiếp theo lại xuất hiện, TPHCM cần tính toán phương án để lấp đi những lỗ hổng, biến y tế cơ sở thành bức tường thành vững chắc. Những phương án ấy không thể mang tính tình thế, ngắn hạn mà cần một sự thay đổi lớn cho cả chặng đường dài tiếp theo.
Gần 1.000 nhân viên y tế cơ sở xin nghỉ việc
Trước khi dịch Covid-19 ập tới, TPHCM có khoảng 400-500 nhân viên y tế cấp cơ sở xin nghỉ việc mỗi năm. Không có cơ hội nâng cao tay nghề, thu nhập thấp, là một trong những nguyên nhân chính khiến các y, bác sĩ, nhân viên y tế không mặn mà đối với công việc ở cấp thấp nhất trong hệ thống y tế địa phương.
Trong năm 2021, TPHCM có khoảng 1.000 nhân viên y tế cơ sở xin nghỉ việc. Quãng thời gian dịch Covid-19 bùng phát dữ dội nhất, thành phố triệu dân ghi nhận số lượng nhân viên y tế cơ sở rời ngành ở mức kỷ lục.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nhìn nhận, trong 8 tháng qua, nhiều nhân viên y tế chưa được nghỉ ngơi ngày nào. Mặt khác, mức thu nhập của họ còn quá thấp so với yêu cầu của công việc là những nguyên nhân khiến hàng loạt nhân viên y tế không chịu được áp lực.
Video đang HOT
Hệ thống y tế cơ sở của TPHCM bộc lộ nhiều điểm yếu trong dịch Covid-19 (Ảnh minh họa: Hải Long).
Trước khi dịch Covid-19 đổ bộ, TPHCM có số lượng nhân viên y tế cơ sở là 2,31 người/10.000 dân, trong khi số trung bình cả nước là 7. Trong bối cảnh bình thường trước đây, con số này không mang nhiều ý nghĩa và vẫn đảm bảo hoàn thành các công việc.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 khiến ngành y tế chao đảo, hệ thống y tế cơ sở đảm trách nhiều công việc đã bộc lộ rõ những điểm yếu về nhân lực, cấu trúc tổ chức, cơ sở vật chất…
Về mặt cơ chế, TPHCM hiện có 312 trạm y tế phường, xã, thị trấn. Trong đó, 40 trạm y tế đang phục vụ cho địa bàn trên 50.000 dân, 3 trạm có số dân trên 100.000 dân. Đặc biệt, trạm y tế xã Vĩnh Lộc A phụ trách các công việc cho 165.000 dân, gấp 8 lần định mức 20.000 dân.
Theo quy định hiện hành, mỗi trạm y tế cấp cơ sở được định mức từ 5 đến không quá 10 cán bộ. Với quy mô dân số các địa phương khác nhau, quy định này mang tới nhiều bất cập, đặc biệt trong dịch Covid-19, khi y tế cơ sở đang là lực lượng chính phụ trách một lúc nhiều công việc.
Làm sao để vực dậy y tế cơ sở?
Lãnh đạo ngành y tế TPHCM nhận định, trước hàng loạt tác động của dịch Covid-19, địa phương đã nhận thấy rõ các vấn đề trong hoạt động của ngành y tế cơ sở. Do đó, nhiệm vụ nâng cao hiệu quả của hệ thống này là vấn đề cấp bách.
“Nhiệm vụ trước mắt là cần kéo giảm số nhân viên y tế xin nghỉ việc. Đầu tiên là thu nhập của lực lượng y tế cơ sở cần được nâng lên”, ông Tăng Chí Thượng chỉ rõ.
Nhiệm vụ cấp bách hiện nay của TPHCM là nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở (Ảnh: Hải Long).
Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, năm 2015, UBND thành phố đã ban hành quyết định nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức công tác tại y tế cơ sở và lĩnh vực y tế dự phòng, Tuy nhiên, đến nay, mức hỗ trợ này đã thấp và không còn phù hợp.
Ngoài vấn đề thu nhập, ngành y tế cho rằng, vấn đề cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp cũng là điều các y, bác sĩ công tác tại cơ sở quan tâm. Sở Y tế đã đề xuất thí điểm chương trình thực hành trong 18 tháng để cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ mới tốt nghiệp.
Trong quá trình thực hành tại cơ sở, các y, bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý không cần đóng chi phí thực hành, rút ngắn thời gian thực tập và hỗ trợ chi phí sinh hoạt.
Bộ Y tế đã thống nhất chủ trương thực hiện đề án xây dựng, tổ chức trạm y tế cơ sở theo quy mô dân số tại TPHCM (Ảnh: Hải Long).
Đối với vấn đề cấu trúc tổ chức, Sở Y tế TPHCM đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, nâng từ định biên không quá 10 biên chế/trạm lên tối thiểu 10 và không quá 20.
“Về lâu dài, chúng tôi kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh quy định phân bổ trạm y tế không theo biên giới hành chính mà theo quy mô dân số. Lý tưởng nhất là 1 vạn dân có 1 trạm y tế”, ông Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.
Chia sẻ về vấn đề nhân lực tại trạm y tế cơ sở, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, thông tin: Vừa qua, thành phố đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế về bất cập này. Theo đó, Bộ Y tế đã thống nhất triển khai đề án thí điểm xây dựng, tổ chức trạm y tế theo quy mô dân số.
“Như vậy, thành phố sẽ giải quyết được vấn đề nhiều người quan tâm là nhân sự các trạm y tế còn chưa đáp ứng phù hợp quy mô dân số, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Với chủ trương của Bộ Y tế, vấn đề này sẽ được khắc phục sớm hơn”, ông Phan Văn Mãi khẳng định.
Dịch phức tạp, một quận trung tâm Hà Nội đổi màu thành "vùng cam"
Thông báo đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch Covid-19 vừa được UBND TP Hà Nội ban hành thể hiện, một quận "lõi" của Hà Nội có dịch ở cấp độ 3 (tức vùng cam).
UBND TP Hà Nội vừa có thông báo đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo số liệu tính đến 9h ngày 10/12, trên địa bàn thành phố có 8 địa phương có dịch ở cấp độ 1 (tức vùng xanh); 21 địa phương cấp độ 2, (tức vùng vàng) và một địa phương dịch ở cấp độ 3 (tức vùng cam; tính theo quy mô quận, huyện, thị xã).
Cụ thể, địa phương có dịch ở cấp độ 3 là quận Đống Đa (là một trong 4 quận "lõi" của Hà Nội; ghi nhận 1.336 ca mắc trong cộng đồng trong 14 ngày qua). 8 địa phương ở cấp độ 1 là gồm huyện: Ba Vì, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Thạch Thất, quận Long Biên và thị xã Sơn Tây.
Sau một tuần, dịch ở quận "lõi" Đống Đa đã chuyển từ cấp độ 2 lên cấp độ 3, là "vùng cam" của Hà Nội (Ảnh minh họa).
Như vậy, so với thông báo được thành phố công bố trước đó khoảng một tuần, số lượng các địa phương vùng xanh đã tăng từ 7 lên 8 quận, huyện và "vùng xanh" mới của thành phố chính là quận Long Biên. Tuy nhiên, Hà Nội đã ghi nhận quận Đống Đa "tăng nhiệt", có dịch từ cấp độ 2 chuyển lên cấp độ 3.
Ở quy mô cấp độ xã, phường, thị trấn, Hà Nội có 439 địa phương có dịch cấp độ 1; 127 địa phương cấp độ 2 và 13 địa phương ở cấp độ 3 (tăng 10 địa phương so với thông báo dịch của tuần trước đó).
Mới đây, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đã có nhận định, trong thời gian tới, số ca mắc sẽ tiếp tục tăng cao, có thể dự báo 1.000 ca mắc mỗi ngày; nguy cơ bùng phát dịch rất cao ở 30/30 quận huyện...
Về phương pháp, giải pháp phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, theo bà Hà, Sở Y tế đã có giải pháp cụ thể như, các quận huyện đánh giá cấp độ dịch một lần/tuần; ở quy mô nhỏ hơn xã phường thị trấn thì quận huyện dựa trên cấp độ dịch có biện pháp phòng chống dịch tương ứng nhưng không được làm ảnh hưởng đến người dân.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đã nâng cao năng lực các tuyến bệnh viện thành phố, quận, huyện và đặc biệt là tuyến cơ sở để người dân tiếp cận dịch vụ từ sớm từ xa, giảm tỷ lệ quá tải tuyến trên; tập huấn kiến thức cho cán bộ y tế để sẵn sàng đáp ứng với điều kiện dịch bệnh; tiếp tục tiêm phòng vaccine cho người dân chưa tiêm đủ 2 mũi và có kế hoạch tiêm mũi 3 theo sự phân bổ của BYT. Thành phố cũng đã thực hiện tiêu chí an toàn phòng chống dịch tại các cơ sở, kinh doanh; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xét nghiệm...
Trước đó, tối 10/12, Sở Y tế Hà Nội thông tin trên địa bàn đã phát hiện thêm 863 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 272 ca cộng đồng. Cộng dồn số F0 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) là 16.822 ca, trong đó số F0 ghi nhận trong cộng đồng là 6.341 ca, số F0 là đối tượng đã được cách ly là 10.481 ca.
Ban Bí thư yêu cầu không chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp Ban Bí thư yêu cầu, không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không tổ chức đoàn của Trung ương thăm, chúc Tết cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố. Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký Chỉ thị số 11 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Nhâm Dần năm 2021....