Cột mốc mới trong chỉnh sửa gene CRISPR chống ung thư
Các nhà khoa học Mỹ đã thành công trong việc hiệu chỉnh hệ thống miễn dịch của 3 bệnh nhân ung thư bằng kỹ thuật chỉnh sửa gene CRISPR mà không tạo ra bất kỳ tác dụng phụ nào.
Ảnh minh họa
Đây được xem là một cột mốc mới của kỹ thuật khoa học đang cách mạng hóa lĩnh vực nghiên cứu y sinh học trên thế giới.
Nghiên cứu được thực hiện trên 3 bệnh nhân ung thư đã ngoài 60 tuổi. Hai người trong số họ mắc đa u tủy xương – một dạng ung thư máu, và người thứ 3 mắc sarcoma – một dạng ung thư hình thành trong mô liên kết hoặc mô mềm. Bệnh của họ đã tiến triển nặng đến nỗi tất cả các phương pháp điều trị truyền thống như phẫu thuật và hóa xạ trị đều thất bại.
Những kết quả của giai đoạn đầu tiên trong thử nghiệm lâm sàng đối với kỹ thuật chỉnh sửa gene CRISPR đã được công bố trên tạp chí Science ngày 6/2.
Video đang HOT
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Pennsylvania (UPenn) của Mỹ đã tách các tế bào T ra khỏi máu của các bệnh nhân nói trên và sử dụng CRISPR để xóa khỏi các tế bào này những gien có thể can thiệp khả năng chống ung thư của hệ thống miễn dịch, như ức chế khả năng nhận diện tế bào ung thư và có nguy cơ gây ra phản ứng phụ trên cơ thể người bệnh.
Tiếp đó, các nhà khoa học đã cấy một loại virus đặc biệt vào các tế bào T, nhằm hỗ trợ tế bào T tấn công một loại protein thường thấy trên các tế bào ung thư có tên “NY-ESO-1″, và truyền các tế bào trở lại vào cơ thể bệnh nhân theo đường tĩnh mạch.
CRISPR đang được biết đến như một công nghệ chỉnh sửa gene nhanh nhất, rẻ nhất và chính xác nhất. Kỹ thuật này cho phép các nhà khoa học thay đổi từng ký tự trên nhiễm sắc thể của bộ gien.
Tuy đây cột mốc trên mới chỉ là một bước đệm và chưa thể chứng minh được rằng CRISPR có thể được ứng dụng để chống lại các tế bào ung thư – trên thực tế, một trong những bệnh nhân được thử nghiệm đã tử vong và căn bệnh ung thư diễn biến nghiêm trọng hơn ở hai người còn lại – nhưng cuộc thử nghiệm đã khẳng định rằng kỹ thuật này không độc hại.
Trưởng nhóm nghiên cứu Edward Stadtmauer cho biết: “Đây là một kỹ thuật di truyền tế bào phức tạp nhất từng được thực hiện từ trước đến nay. Đó là bằng chứng cho thấy chúng ta có thể chỉnh sửa gien các tế bào này một cách an toàn”.
Theo ông, liệu pháp tế bào T – trong đó hệ thống miễn dịch của một người được khai thác để tiêu diệt khối u – đã là một bước đột phá lớn trong thập kỷ qua, nhưng “thật không may, ngay cả với công nghệ đó cũng có nhiều bệnh nhân không đáp ứng”. Do đó, ý tưởng của nhóm nghiên cứu là kết hợp hai cách tiếp cận tiên tiến nhất hiện nay để làm giúp các tế bào T trở nên mạnh mẽ hơn.
Thanh Phương
Theo TTXVN/baotintuc
Triển vọng mới trong điều trị đau mãn tính
Các nhà khoa học Mỹ vừa phát triển thành công một kỹ thuật mới giúp "tắt" đi gien chủ chốt gây nên cảm giác đau. Thành tựu này hứa hẹn mang đến một phương pháp điều trị lâu dài cho hàng triệu người đang phải chịu những cơn đau mãn tính vì bệnh lý nghiêm trọng.
Kỹ thuật CRISPR mới có thể "tắt" gien gây đau ở những người bị đau mãn tính. Ảnh: Global News, Daily Mail
Thông thường, những người bị đau mãn tính - tức cảm giác đau kéo dài và nghiêm trọng - sẽ được chỉ định dùng các loại thuốc giảm đau dựa trên opioid, song nhóm dược phẩm này dễ khiến họ lâm vào tình trạng "nghiện" thuốc. Trái lại, phương pháp mới do công ty mới khởi nghiệp Navega Therapeutics vận dụng kỹ thuật chỉnh sửa gien CRISPR được khẳng định là không gây nghiện cho bệnh nhân. Đây là điều mà Fernando Aleman, người đồng sáng lập Navega Therapeutics, nhận định là một lợi thế lớn trong việc xử trí cơn đau mãn tính.
Lâu nay, CRISPR chủ yếu được dùng để chống lại các bệnh di truyền hiếm gặp chẳng hạn như một số bệnh ung thư. Kỹ thuật này sử dụng các phân tử "được lập trình" với khả năng truy tìm một gien "mục tiêu" đặc trưng của bệnh. Sau khi xác định được gien bị lỗi, các chuyên gia sẽ dùng một prôtêin đặc biệt bóc tách và thay thế gien đó bằng một gien bình thường.
Kỹ thuật CRISPR mà Navega Therapeutics phát triển có khác một chút - đó là khiến gien gây đau trở nên bất hoạt thay vì thay thế nó hoàn toàn bằng một prôtêin nào đó. "Bạn có thể kích hoạt hoặc kiềm chế một gien cụ thể, mà không tạo ra những thay đổi vĩnh viễn (đối với bộ gien). Vì vậy, chúng ta có thể kiềm chế những gien vốn kích hoạt độ nhạy của bệnh nhân với cơn đau"- Tiến sĩ Ana Moreno, đồng sáng lập Navega Therapeutics, giải thích về ưu điểm của kỹ thuật CRISPR mới.
Tiến sĩ Moreno phấn khởi cho biết thêm, kết quả thử nghiệm trên chuột - ở cả 3 mô hình chịu đau khác nhau - đều cho thấy kỹ thuật CRISPR mới đã giúp chúng giảm đau toàn diện. Chẳng hạn như ở đàn chuột được hóa trị, việc ức chế gien gây đau SCN9A bằng kỹ thuật CRISPR mới có thể được dùng như là phương pháp thay thế cho morphine. Được biết, sử dụng morphine là phương pháp giảm đau hiện hành đối với các bệnh nhân ung thư, nhằm giúp họ có thể tiếp tục hóa trị lâu hơn. Bởi ở nhóm đối tượng này, càng tăng cường hóa trị thì khả năng sống sót của họ càng tăng, nhưng sử dụng hóa chất liều cao đồng nghĩa bệnh nhân cũng gánh chịu cơn đau càng dữ dội.
Ông Aleman cho biết kỹ thuật CRISPR mới có thể thay đổi mức độ giảm đau tùy thuộc vào liều dùng được chỉ định, tức cũng giống như thuốc giảm đau truyền thống. Song khác với các loại thuốc giảm đau thông thường, tác dụng giảm đau của kỹ thuật CRISPR mới không nhanh chóng biến mất, mà nó có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm ở người. Tác dụng này sẽ chỉ giảm đi khi các tế bào thần kinh được thay thế tự nhiên bằng các tế bào mới, không phải do ức chế gien.
Theo nhận định của Giáo sư John Wood, một chuyên gia hàng đầu về hệ thống sinh học thần kinh tại Đại học Luân Đôn (Anh), điều thú vị nhất của kỹ thuật do Navega Therapeutics phát triển là nó có thể chặn cơn đau mãn tính mà không ảnh hưởng đến cơn đau cấp tính, vốn cần thiết để chúng ta phản xạ khi bị phỏng hoặc chấn thương, từ đó tránh tổn thương nặng nề hơn cho thân thể.
Từ những kết quả thử nghiệm khả quan ban đầu, nhóm nghiên cứu cho biết sẽ bắt đầu thử nghiệm kỹ thuật CRISPR mới trên người vào năm tới. Nếu thành công, phương pháp này có thể sớm được áp dụng để chữa đau đớn cho những người mắc bệnh nan y và những người mắc các bệnh mãn tính khác.
AN NHIÊN
Theo Daily Mail/baocantho
Chăm vận động giảm ung thư Hoạt động thể chất với cường độ hợp lý có thể làm giảm nguy cơ mắc 7 loại bệnh ung thư, nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ. Nghiên cứu công bố ngày 26/12 trên Tạp chí Ung thư Lâm sàng, các nhà khoa học phân tích dữ liệu từ hơn 750.000 người trưởng thành tại Mỹ, châu Âu và Australia....